Rèn luyện tư duy khoa học

Xuất bản

Trong

Có thể nhiều người chưa thật sự hiểu khoa học là gì và cho rằng tư duy khoa học phải là một kiểu tư duy gì đó phức tạp và cao cấp hơn những tư duy thường ngày của chúng ta – chẳng hạn như các nhà khoa học lúc nào cũng suy tư nghiên cứu với bộ óc tràn ngập những con số và phương trình. Nhưng trên thực tế, nhiều khía cạnh của tư duy khoa học chỉ là sự mở rộng của cách tư duy thường ngày:

  • Bạn đã từng thấy điều gì đó bất ngờ và đã cố gắng tìm hiểu điều đó xảy ra như thế nào? Chẳng hạn một nhà ảo thuật khiến người phụ tá của ông ta biến mất từ trong một chiếc hộp và bạn phân vân không biết thủ thuật có phải do một chiếc cửa sập đặt dưới sàn hay không.
  • Bạn từng cố gắng tìm thêm bằng chứng (ví dụ tìm một cái bản lề nào đó trên sàn nhà phía dưới cái hộp)?
  • Bạn đã từng nghĩ ra lời giải thích nào khác cho điều đó? Có thể nhà ảo thuật đã dùng một chiếc gương để phản chiếu hình ảnh một bức tường trống rỗng khiến ta tưởng rằng người phụ tá biến mất…

Những ví dụ này có thể rất bình thường nhưng chính lối tư duy khoa học bắt nguồn từ những tình huống như ví dụ trên. Các nhà khoa học sử dụng những cách như thế này để xem xét kĩ lưỡng những đề tài nghiên cứu của họ – dù đó là việc nghiên cứu hành vi của con người, động vật hay nghiên cứu các hành tinh xa xôi. Và điều thú vị là, chính bạn cũng có thể sử dụng những công cụ tương tự như các nhà khoa học trong cuộc sống của mình.

Nếu muốn rèn luyện tư duy khoa học, hãy thử áp dụng những thói quen sau đối với thế giới tự nhiên xung quanh bạn:

  • Đặt câu hỏi đối với những gì quan sát được. Tại sao các chất tẩy rửa lại làm trắng quần áo của bạn? Vì sao những con ong tìm được đường quay về tổ? Điều gì khiến mặt trăng có các pha (moon phases) khác nhau?
  • Đào sâu thêm kiến thức. Tìm hiểu những gì đã được biết về những quan sát của bạn. Chị gái của bạn thì nói rằng các chất tẩy rửa làm các chất bẩn trôi khỏi các sợi vải, trong khi đó sách giáo khoa hóa học lại nói rằng chất tẩy rửa bẻ gãy các liên kết khiến các chất bẩn đổi màu. (Xem thêm: Tri thức là gì, thế nào là biết một điều gì đó?)
  • Giữ thái độ hoài nghi. Bạn đọc sách, xem ti vi thấy người ta nói rằng những con ong mật dựa vào mặt trời để định hướng bay, nhưng điều đó có hợp lý không? Nếu như vậy thì chúng làm cách nào trong những ngày không có nắng? (Xem thêm: Chủ nghĩa hoài nghi)
  • Thử bác bỏ ý tưởng của riêng bạn. Hãy nhìn nhận mọi thứ từ phía khác của lập luận. Có thể từ trước đến nay, bạn luôn nghĩ rằng pha mặt trăng là do bóng của Trái đất tạo lên – nhưng nếu đó là nguyên nhân, thì tại sao có những lần ta quan sát được đồng thời cả mặt trăng và mặt trời? (Xem thêm: Khoa học và phép kiểm sai)
  • Tìm thêm bằng chứng. Có phải các chất tẩy rửa có tác dụng tốt hơn đối với một số loại vết bẩn nhất định? Vào những ngày không có nắng, những con ong không rời khỏi tổ hay chúng vẫn bay ra ngoài kiếm ăn như bình thường? Có mối quan hệ nào giữa pha của mặt trăng và vị trí nó xuất hiện trên bầu trời đêm?
  • Hãy cởi mở tư duy của mình. Thay đổi suy nghĩ của mình nếu như những bằng chứng tìm thấy khẳng định thực tế đó. Nếu mọi thứ bạn tìm hiểu được về mặt trăng xung đột với ý tưởng cho rằng pha mặt trăng được gây ra bởi cái bóng của Trái Đất, bạn nên từ bỏ ý tưởng đó và tìm những lời giải thích khác.
  • Suy nghĩ sáng tạo hơn. Cố gắng nghĩ ra những lời giải thích thay thế cho những gì bạn quan sát được. Có thể những con ong lần theo dấu vết trên mặt đất hay trên các cành cây để quay về tổ, hoặc dùng các từ trường của Trái đất hoặc dùng kết hợp tất cả các phương pháp kể trên.
Ảnh minh họa: Pha mặt trăng (Moon phases) (Nguồn: timeanddate.com)

Nếu thành thực áp dụng những thoái quen trên, có thể đến cuối ngày, bạn sẽ thấm mệt nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời chắc chắn nào. Nhưng chúc mừng bạn, bạn đã thật sự tư duy như một nhà khoa học. Khoa học thật sự cũng như vậy thôi, cũng có những vấn đề nghiên cứu hàng trăm năm nay mà vẫn chưa tìm ra câu trả lời, chẳng hạn như mối quan hệ giữa tâm trí và thể xác, và nhiều khi tìm ra câu trả lời cho vấn đề này rồi thì những câu hỏi khác lại nảy sinh. Tuy nhiên, chính điều này là điều khiến chúng ta thấy cuộc sống này thú vị, thúc đẩy văn minh nhân loại tiến về phía trước. Và điều này xuất phát từ chính những hoạt động giản đơn nhất trong đời sống hàng ngày như đi dạo trong vườn, đứng bên hiên nhà ngắm trăng hay giặt đồ mỗi tối.

Nguồn tham khảo: https://undsci.berkeley.edu/article/think_science

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *