Bài 21: Chủ nghĩa hiện thực khoa học (Scientific realism)

Xuất bản

Trong

Có lẽ nhiều người thừa nhận rằng, những học thuyết khoa học xuất sắc nhất đã hé mở nhiều bí ẩn của thế giới vật chất. Nhưng ở rất nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử, có những học thuyết bị chứng tỏ là sai hoặc ngây thơ (naive).

Bên cạnh những học thuyết khoa học tốt, có sức mạnh dự đoán (predictive power) dài lâu thì cũng có những học thuyết khoa học thật ngắn ngủi. Như vậy, chúng ta có nên nhìn khoa học dưới một thái độ tri thức cẩn trọng hơn hay không?

Chủ nghĩa hiện thực khoa học

Viết tắt: SR = Scientific Realism = Chủ nghĩa hiện thực khoa học

SR có nhiều hình thức khác nhau, nhưng nhìn chung đó là quan điểm cho rằng thế giới chính là những gì mà các học thuyết khoa học xuất sắc nhất mô tả. Điều này liên quan đến việc chấp nhận sự tồn tại của không chỉ các thực thể quan sát được (observable entities) mà cả những thực thể không thể quan sát được (unobservable entities) dựa trên sự giải thích (của các học thuyết) về sự tương tác (interrelate) giữa hai đối tượng này.

Những người theo quan điểm này chấp nhận cách giải thích của khoa học về những việc, chẳng hạn như, các tác động của những thực thể không quan sát được có thể được phát hiện bởi con người và tại sao những sự kiện quan sát được lại có thể làm manh mối tìm ra sự tồn tại của những thực thể không quan sát được này.

Do đó, những người này thừa nhận, những gì chúng ta trải nghiệm và tư duy được từ việc khám phá tự nhiên sống động và đầy đủ hơn (richer) những gì giác quan chúng ta đem lại. Không chỉ có vậy, những người theo quan điểm này thật sự cho rằng những thực thể không quan sát được này là những đối tượng có thực, độc lập với tâm trí (mind-independent), và do đó cho rằng khoa học góp phần tìm ra sự thật (mặc dù có thể họ có thể thất bại trong việc đạt được sự thật).

Lập luận mà những người này đưa ra thường dựa trên sự tham chiếu đến lời giải thích hợp lý nhất (best explaination). Sự giải thích hợp lý nhất cho sự thành công trong việc dự đoán của một học thuyết và sự giải thích hợp lý nhất cho thực tế là có tồn tại những bằng chứng bổ trợ cho những gì mà học thuyết đó kết luận.

Sức mạnh dự đoán của một học thuyết cũng có thể là một sự may mắn tình cờ. Ví dụ, hình ảnh mạt sắt ở gần thanh nam châm có thể được giải thích hợp lý nhất là do có từ trường xung quanh.

Chúng ta có thể nói rằng từ trường tồn tại mặc dù chúng ta chỉ có thể quan sát thấy ảnh hưởng của chúng, và không thể quan sát chúng trực tiếp.

SR trái ngược với chủ nghĩa công cụ (instrumentalists), quan điểm cho rằng các thuật ngữ mà các học thuyết khoa học dùng để ám chỉ các thực thể không quan sát được, thẳng thắn mà nói, chẳng chứng tỏ được điều gì và cũng không thể được dùng để chứng tỏ bất kì điều gì.

Dù sao, các học thuyết khoa học lại đã đóng góp giá trị về mặt công cụ vì chúng giúp chúng ta tổ chức dữ liệu và đưa ra các dự đoán về các hiện tượng quan sát được.

Thách thức mà những người theo SR phải đối mặt đó chính là khi các học thuyết mà họ đưa ra bị lật ngược hoặc chứng tỏ là sai. Lịch sử đã cho thấy, điều này không phải là hiếm gặp.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao chúng ta vẫn nên giữ một thái độ hiện thực (realist) đối với một học thuyết khoa học kể cả khi biết rằng nó có thể bị lật ngược hoặc sai lầm. Lâp luận này được đưa ra bởi Larry Laudan năm 1981 với tên gọi “Pessimistic Meta-Induction Arguement ”.

Ông cho rằng chính vì chúng ta thiếu các bằng chứng quy nạp để chứng tỏ một học thuyết là đúng nên chúng ta không thể biện minh gì hơn khi chấp nhận bất kì lời giải thích nào của các học thuyết hiện hành. (Xem lại bài lập luận quy nạp, để một kết luận quy nạp chắc đúng 100%, thì lượng dữ liệu cần thu thập phải đạt mức tuyệt đối – điều này không thể làm được trong thực tế).

Anjan Chak (2011) chỉ ra rằng, những người theo SR nhanh trí (apt to) khi đáp lại những mối lo như thế này bằng cách tuyên bố rằng, các học thuyết tiến hóa (evolve) không ngừng bằng cách thừa hưởng nhiều thành phần của các học thuyết trước đó: những gì mà các thực thể không quan sát được tham chiếu tới hoặc các thành phần của bộ khung giả thuyết (part of the theoretical framework).

Đối với một người SR, điều này gợi ý rằng khoa học là một quá trình tiếp cận sự thật, và các thực thể quan sát được là các điểm neo để giúp quá trình này tiến gần hơn tới đích.

Các nhà phê bình của chủ nghĩa hiện thực khoa học lại tỏ thái độ hoài nghi rằng, liệu chủ nghĩa hiện thực (realism) có phải là thái độ tốt nhất cần có đối với tiến trình của khoa học hay không.

Như James Ladyman (2014) đã lập luận, những mối hoài nghi như trên về SR có thể được hòa giải bằng (compromise) bằng chủ nghĩa hiện thực cấu trúc (structural realism).

Theo chủ nghĩa hiện thực cấu trúc, một cách tiếp cận được cho là bắt nguồn từ công trình của John Worrall (1989), nếu những gì được giữ lại qua sự thay đổi lý thuyết khoa học là các yếu tố toán học hoặc cấu trúc (bao gồm các định luật) của lý thuyết trước đó, thì chúng ta có lý do để chấp nhận các thành phần này là đúng, ngay cả khi các thực thể được tạo ra bởi lý thuyết này bị bỏ đi (abandon).

Worral trích dẫn sự thay đổi từ lý thuyết ether rắn đàn hồi của Fresnel (Fresnel’s elastic solid ether) sang lý thuyết điện từ Maxwell (electromagnetism), như một ví dụ điển hình của sự liên tục cấu trúc thông qua thay đổi lý thuyết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *