Bài 4: Định nghĩa tri thức: những cách tiếp cận khác

Xuất bản

Trong

Trong bài sự hồi quy vô tận, chúng ta dừng lại ở Duy bản luận. Và hẳn bạn vẫn chưa quên những người theo Duy bản luận luôn luôn ngăn chặn sự biện minh lại cũng như thuyết phục chúng ta rằng những gì họ tin chính là nền tảng và không thể đào sâu hơn được nữa. Tuy nhiên, cách tiếp cận ấy hẳn nhiên gây ra nhiều tranh cãi. Hơn hết, nó vẫn chưa phải cách thức duy nhất để định nghĩa về tri thức.

Vấn đề JTB

Việc coi trong thế giới khách quan có những khái niệm nền tảng hơn những khái niệm khác và có thể xét tính đúng đắn thông qua trực giác từ lâu đã được coi là không ổn. Những người tin rằng một khái niệm có thể tự làm chứng hay tự biện minh được xem là những người đã quyết định tùy tiện. Và sự tùy tiện thì không thể được chấp nhận trong quá trình biện minh cho bất cứ điều gì.

Ví dụ, bạn còn nhớ câu chuyện Tí bỏ 10 xu vào lọ trong ngày hôm trước là đủ để chứng minh việc anh ta biết cái lọ ấy đang chứa 10 xu vào ngày hôm sau? Vậy, tại sao chúng ta có thể cho rằng trí nhớ anh ta đáng tin cậy? Anh ta nhớ nhầm thì sao? Hoặc có thể lắm, anh ta bị vướng vào một loại ảo giác nào đó. Vậy lý do gì khiến chúng ta và cả Tí tin vào trí nhớ của anh ta? Cũng như đã không có gì xảy ra cho chiếc lọ trong suốt khoảng thời gian ấy, hay là chiếc lọ mà chúng ta nói tới có phải là chiếc lọ đã được Tí cất tiền hay không? v.v…

Như vậy, từ một niềm tin cần được biện minh là có 10 xu trong chiếc lọ, giờ vấn đề đã được mở rộng theo nhiều chiều hướng khác đặt ra nhiều câu hỏi hơn cho chúng ta. Đấy là chưa kể với những câu hỏi ấy, chúng ta vẫn chẳng sở hữu một câu trả lời rõ ràng nào.

Chủ nghĩa mạng lưới liên quan

Cách thức cơ bản của những người theo chủ nghĩa mạng lưới là họ sẽ không cố biện minh vấn đề theo chiều dọc, bởi như thế là lâm vào vòng hồi quy bất tận. Vì vậy, thay cho chiều dọc, họ biện minh một niềm tin bằng cách tìm kiếm những bằng chứng xoay quanh nó. Những bằng chứng ấy sẽ tạo thành mạng lưới bảo vệ cho niềm tin. Bởi không có cái gì thực sự tuyệt đối làm nền tảng cho những cái khác, nên các chứng cứ dùng để xác minh sẽ được xếp đặt cùng nhau, hỗ trợ, bổ xung những khuyết thiếu cho nhau để giúp vấn đề trở nên đúng đắn.

Nếu có một người thuộc chủ nghĩa mạng lưới ở đây, anh ta sẽ bảo vệ niềm tin của Tí về 10 xu trong lọ bằng những lập luận như: số tiền trong chiếc lọ nhất quán với trí nhớ của Tí về hành động anh ta đã làm ngày hôm qua, cũng như có rất nhiều yếu tố khác xuất hiện trong mạng lưới hiểu biết và cảm nhận của Tí để chứng minh điều này.

Sau đây là một ví dụ để kiểm chứng quan điểm của những người theo chủ nghĩa mạng lưới.

Giả sử Tèo được cô giáo giao cho bài tập về khoảng cách giữa mặt trời và trái đất và anh này hoàn toàn không có tri thức về câu trả lời ấy. Hôm sau, một ông bụt hiện lên và trao cho Tèo một viên thuốc. Tèo uống viên thuốc ấy rồi bất chợt biết được khoảng cách giữa mặt trời và trái đất.

image-blue-pills

Theo ví dụ trên, những người theo chủ nghĩa liên quan không cho rằng Tèo biết được khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất. Họ lập luận rằng: tri thức này của Tèo không liên quan hoặc nhất quán với những niềm tin khác mà anh ta sở hữu. Vì không liên quan đến các niềm tin nội tại nên Tèo không cách nào có thể biện minh cho tri thức này. Bởi để nói về vấn đề trái đất và mặt trời, ít nhất anh ta phải sở hữu một vài tri thức về các hành tinh, những số liệu của các chuyên gia hay kiến thức sau những lần tham khảo tài liệu… Tuy nhiên, Tèo không có gì hết! Anh ta không thể biện minh tri thức theo dạng lưới, tức nghĩa Tèo được xác định là không có tri thức về khoảng cách giữa mặt trời và trái đất.

Nhưng khoan đã! Thế nào là liên quan? Thế nào là không liên quan? Khi mà viên thuốc đã cho ta tri thức đúng về khoảng cách mặt trời và trái đất, vậy tại sao nó không được coi là một tài liệu đáng tin cậy để mang tới trí thức?

Nếu nói rằng: trí nhớ và niềm tin của Tèo không có sự nhất quán, tức là không có sự liên kết nào giữa những gì Tèo nhớ và những gì cu Tèo tin. Nghe có vẻ lòng vòng, vì thực sự loại lập luận này còn có tên gọi là lập luận vòng tròn, một kiểu lập luận những người theo chủ nghĩa mạng lưới ưa dùng. Từ câu phát biểu trên, ta cũng có thể hiểu rằng ta đã giả định rằng sự biện minh phụ thuộc vào sự nhất quán hơn là sự nhất quán phụ thuộc vào quá trình biện minh cho một niềm tin nào đó.

Do vậy, khi giả định sự tin cậy và tính nhất quán là hai yếu tố độc lập, thì viên thuốc màu xanh sẽ bất ngờ trở thành nguồn sản sinh ra một niềm tin đúng đắn đáng tin cậy  bất chấp sự thiếu nhất quán giữa trải nghiệm uống thuốc và niềm tin được sinh ra bằng cách thông thường của chúng ta.

Chủ nghĩa nội liên kết và ngoại liên kết

Một trong những vấn đề khi cố gắng định nghĩa tri thức theo mô hình JTB của Platon là khi ai đó nêu ra một điều gì đó, thì chúng ta thường kỳ vọng họ sẽ đưa ra những chứng cớ để biện minh cho nó. Ví dụ bạn nói Ấn Độ có số lượng cá thể voi nhiều hơn châu Phi, nhưng lại không đưa ra bất cứ số liệu hay kiểm chứng nào cho lời phát biểu của mình thì bạn rất có thể sẽ bị kết luận rằng: chỉ hiểu biết điều đó một cách mơ hồ.

Những người theo chủ nghĩa nội liên kết cho rằng: nếu ai đó được cho là biết một điều gì đó thì họ sẽ phải đưa ra một mối liên kết giữa bằng chứng và niềm tin của họ xoay quanh vấn đề đó. Và mối liên kết ấy sẽ được đúc rút từ bên trong tư tưởng và những hiểu biết của cá nhân họ (vì vậy có tên là nội liên kết).

Tuy nhiên, luận điểm của những người này cũng nảy sinh ra một vài câu hỏi. Ví như, khi nào thì đủ bằng chứng? Việc những bằng chứng lại đòi hỏi các bằng chứng khác chứng minh cho mình dừng lại ở đâu? Do đó, họ lại sa vào cái bẫy của hồi quy bất tận. Tri thức của một người cũng chỉ có giới hạn nhất định. Nên hoặc là họ sẽ có lúc phải những tham vấn những ý kiến bên ngoài và vượt quá giới hạn của thuyết nội liên kết, hoặc cũng rất có thể những niềm tin của người này bị lừa dối, kiểm soát bởi một con quỷ dối lừa bên trong.

Những người tuân theo chủ nghĩa ngoại liên kết thì ngược lại. Họ nhấn mạnh những mối quan hệ giữa cơ chế thu thập thông tin và những bằng cớ trong môi trường bên ngoài. Mối liên kết này sẽ hình thành nên niềm tin của họ. Chẳng hạn nếu có một mối liên hệ nhân quả giữa sự thật hiển nhiên bên ngoài (fact) và niềm tin của đối tượng, như là, niềm tin rằng trời đang mưa sẽ được tạo dựng trên nền tảng trời thật sự đang mưa ở bên ngoài, và với những người theo chủ nghĩa ngoại liên kết thì tri thức đó được chấp nhận là đúng đắn.

Một phiên bản đáng chú ý khác của chủ nghĩa ngoại liên kết là chủ nghĩa tin cậy. Theo đó, một đối tượng được cho là có tri thức khi họ sở hữu một niềm tin đúng, và niềm tin ấy được sản sinh ra từ một cơ chế hình thành niềm đáng tin cậy. Bởi với họ, một cơ chế hình thành niềm tin đáng tin đáng tin cậy hầu hết sẽ sản sinh ra những niềm tin đúng.

Những người ủng hộ chủ nghĩa này cho rằng: một đối tượng được coi là có tri thức về một điều gì đó không nhất thiết lúc nào cũng dựa vào mối liên kết nội tại hoặc khả năng truy cập hay mô tả vào một điều gì đó có thể biện minh cho niềm tin của họ. Ví dụ, có một số người thường xuyên đưa ra những câu trả lời đáng tin cậy về toán học, nhưng họ không biết giải thích tại sao và phương pháp để họ có được câu trả lời đó.

Thử so sánh cách thức tiếp cận này với ví dụ của người ngẫu nhiên nói bừa là Ấn Độ có nhiều voi hơn Châu Phi. Những người này đã hình thành niềm tin dựa trên rất ít hoặc không có bằng chứng nào. Do vậy họ không được cho là có một cơ chế hình thành niềm tin đáng tin cậy, và thông tin Ấn Độ nhiều voi hơn Châu Phi không đáng tin. Bởi phán bừa không bao giờ là một cách thức đáng tin cậy để đạt được tri thức.

Trong chủ nghĩa ngoại liên kết, do không phải lo lắng về sự hồi quy nên họ dừng việc tìm bằng chứng lại khi thấy xuất hiện cơ chế nảy sinh niềm tin đáng tin cậy cũng như xem xét những hiện tượng ở môi trường bên ngoài. Như trong ví dụ 10 xu trong lọ của Tí, nếu Tí có một cơ chế sản sinh niềm tin đáng tin cậy và thực sự đang có 10 xu trong lọ thì niềm tin của anh ta đúng đắn.

   Khá đơn giản, phải không nào?

Phản ví dụ JTB (hay tình huống Gettier)

Hãy nhớ lại mô hình JTB và xem xét ví dụ sau của Gettier: Tí và Tèo cùng đến phỏng vấn tại một công ty. Tí có 10$ trong túi và anh ta không biết điều đó. Tèo cũng có 10$ trong túi (và giả sử Tí lại biết điều đó). Tí biết Tèo là một ứng viên tiềm năng, sở hữu cơ hội chiến thắng cao hơn mình, nên Tí khởi phát một niềm tin rằng người có 10$ trong túi sẽ được tuyển. Vậy nghĩa là Tí đã có một niềm tin, và niềm tin ấy được biện minh. Tuy nhiên, kết thúc phỏng vấn thì chính Tí mới là người được tuyển. Tuy nhiên lúc này niềm tin của Tí cũng vẫn đúng. Tí có đầy đủ 3 yếu tố cấu thành nên JTB. Nhưng chắc hẳn không ai trong chúng ta sẽ coi đó là tri thức.

Từ đó, phản ví dụ của Gettier đặt ra một vấn đề với nhóm người theo nội và ngoại liên kết gặp phải là dường như ở đây cơ chế hình thành niềm tin của Tí không có sai sót gì và hoạt động bình thường. Chỉ có điều hoàn cảnh đã chống lại Tí và ngăn không cho anh ấy biết việc cũng có 1 tờ 10$ khác trong túi mình.

Hãy xem xét một ví dụ tiếp theo của Phản ví dụ Gettier:

Tí và Tèo ngồi nói chuyện bên cạnh bờ hồ.

Tí: mày có nghĩ rằng có vịt đang bơi trên hồ kia không?

Tèo: có, vì tao thấy con đen đen kia trông giống vịt. Nó cũng kêu giống vịt.

Tí: như vậy có thể coi mày có đủ một niềm tin đúng đắn và niềm tin này đã được biện minh?

Tèo: đúng thế

Tí: nhưng mày không hề có kiến thức!

Tèo: tại sao?!

Tí: bởi vì con vật màu đen mà mày nhìn thấy kia là một con vịt giả. Trong hồ thực sự có rất nhiều con vịt thật, tuy nhiên mày không hề nhìn thấy.

Quy tắc không nhầm lẫn

Trong ví dụ trên, niềm tin của Tèo về việc có vịt trong hồ là đúng nhưng nó không phải là tri thức bởi con vịt Tèo dùng để biện minh lại là con vịt giả. Vì thế chúng ta nên có một nguyên tắc là không nhầm lẫn trong quá trình biện minh tri thức.

Tuy nhiên, dù có quy tắc này thì chúng ta vẫn không thể đạt được tri thức thực sự bởi một số trường hợp, như trong hồ có rất nhiều vịt giả nhưng chỉ có một con vịt thật, và Tèo may mắn nhìn thấy đúng con vịt ấy và lấy nó làm nền tảng cho niềm tin có vịt dưới hồ. Vậy thì kể cả niềm tin ấy có là đúng và trong trường hợp này mô hình JTB của Tèo không có một khuyết điểm nào, thì ta vẫn nhận ra phép biện minh bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố may mắn.

Quy tắc không ăn may

Yếu tố may mắn xuất hiện, vậy ta có cần đặt thêm một nguyên tắc nữa là “không ăn may” trong quá trình định nghĩa tri thức?

 Đó là một gợi ý kỳ cục!

Bởi, thứ nhất, may mắn là một điều tích cực trong cuộc sống, chối bỏ may mắn cũng có nghĩa là bạn đồng tình với tiêu cực. Ngoài ra, may mắn là một yếu tố quan trọng và gần như không tưởng tượng nổi thế giới này sẽ thế nào nếu chẳng có ai may mắn.

Thứ hai, yếu tố may mắn có thể luôn luôn liên quan đến những gì chúng ta biết. Ví dụ, bạn ngẫu nhiên mở tivi và thấy chương trình dự báo thời tiết đang phát tin về một đợt không khí lạnh tràn xuống và niềm tin này trùng với niềm tin của bạn từ trước đến giờ về gió mùa đông bắc. Cứ như thế, chúng ta thường ngẫu nhiên bắt gặp những thực tế định hình nên niềm tin của chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa nó không phải tri thức. Có lẽ điều chúng ta muốn chối bỏ chỉ là những may mắn sai.

Nếu không có cách nào quyết định khi nào may mắn liên quan đến việc hình thành niềm tin là một loại may mắn sai độc lập với việc quyết định xem tình huống nào không được tính là tri thức, thì việc cắt nghĩa sẽ chỉ là một vòng tròn luẩn quẩn. Chúng ta sẽ nói rằng may mắn này là sai bởi vì nó không phải trường hợp của tri thức, hơn là giải thích tại sao nó không phải trường hợp cảu tri thức vì nó dựa trên một loại may mắn sai.

Và nếu chúng ta nói Tèo không có JTB và những may mắn sai phần phải loại bỏ, thì khi nào chúng ta mới được coi là hiểu biết một điều gì đó?

2 responses

  1. Vy Nguyen

    Rất cám ơn anh đã dày công dịch thuật và biên soạn khóa học một cách dễ hiểu và kĩ lưỡng, giúp những người nhập môn Triết học như em được tiếp cận nguồn thông tin dễ dàng hơn. Cám ơn anh rất nhiều!

    1. Đạt Vũ

      cảm ơn em, chúc em học tốt nha

Leave a Reply to Đạt Vũ Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *