Học thuyết Giá trị thặng dư, Marx đã sai ở đâu?

Xuất bản

Trong

Học thuyết giá trị thặng dư là một trong những công trình nghiên cứu vĩ đại của Karl Marx, nó được coi là hòn đá tảng của chủ nghĩa Marx – Lenin. Nó được trình bày trong bộ Tư bản của Marx.

Công thức kinh điển của Marx

Marx đã đưa ra một công thức kinh điển đó là:

T – H – T’ (Tiền – Hàng hóa – Tiền’).

Nó thể hiện được sự biến đổi của Vốn (Tư bản) sang hàng hóa rồi từ hàng hóa lại trở về Tiền với một mức giá trị lớn hơn lượng vốn ban đầu, lượng dư ra này là ΔT=T’-T. Và theo Marx ΔT chính là lao động kết tinh, tuy nhiên lượng này lại không chia đều cho những người làm ra nó mà lại bị nhà Tư bản chiến dụng.

Giá trị thặng dư được Marx xem là phần chênh lệch giữa giá trị hàng hóa và số tiền nhà tư bản bỏ ra. Trong quá trình kinh doanh, nhà tư bản bỏ ra tư bản dưới hình thức tư liệu sản xuất gọi là tư bản bất biến và bỏ ra tư bản để thuê mướn lao động gọi là tư bản khả biến. Tuy nhiên, người lao động đã đưa vào hàng hóa một lượng giá trị lớn hơn số tư bản khả biến mà nhà tư bản trả cho người lao động. Phần dư ra đó gọi là giá trị thặng dư. Tức là lượng lao động kết tinh trong hàng hóa làm ra có giá trị cao hơn phần tiền mà nhà tư bản trả cho công nhân và mức chênh lệch đó chính là giá trị thặng dư.

Ví dụ về giá trị thặng dư

Ví dụ: Nhà tư bản bỏ tiền ra mua máy móc (M), thuê nhà xưởng (X), mua nguyên nhiên vật liệu (N), thuê nhân công (C), chi phí quản lý doanh nghiệp (Q) đó là tất cả chi phí đầu vào của quá trình sản xuất. (ở đây giả thiết là tất cả máy móc đều khấu hao 100% sau 1 chu kỳ kinh doanh).

Sau một chu kỳ kinh doanh thu được sản phẩm và bán ra thị trường với giá là G.

Nhưng mà G=M+X+N+C+Q+ m. Lúc này theo Marx: m chính là giá trị thặng dư. Rõ ràng tất cả số tiền mà nhà Tư bản bỏ ra là T=M+X+N+C+Q (trong đó bao gồm cả tiền lương cho công nhân rồi) nhưng lại thu lại là G=T+m. C+ m chính là giá trị lao động kết tinh trong sản phẩm của người công nhân làm ra nhưng nhà Tư bản chỉ trả cho công nhân C. Như vậy nhà Tư bản đã chiếm dụng của người công nhân m. Giá trị thặng dư chính là m.

Phản biện của tôi

Tuy nhiên trong kinh tế học thì m chính là lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp. G chính là doanh thu, M+X+Q chính là chi phí cố định, N+C là chi phí biến đổi. Vậy theo Marx, để có sự công bằng cho người công nhân thì giá trị thặng dư hay nói cách khác là m hay lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp phải trả cho người công nhân. Nếu như vậy thì liệu có một ai dám bỏ tiền ra, bỏ công sức của mình ra để đầu tư sản xuất kinh doanh và nếu có ai đó bỏ tiền ra đầu tư sản xuất kinh doanh để làm “từ thiện” thì liệu rằng hoạt động sản xuất kinh doanh đó có thể phát triển được không, có thể mở rộng quá trình sản xuất kinh doanh được hay không khi mà lợi nhuận của doanh nghiệp đã đem cho người công nhân rồi, thì lấy cái gì mà tái đầu tư để mà mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vậy nói rằng nhà Tư bản đã chiếm dụng của người công nhân giá trị thặng dư hay nói cách khác là “lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp” e rằng không công bằng cho nhà Tư bản, bởi vì sao:

  1. Trong học thuyết giá trị thặng dư Marx đã không tính đến việc nhà Tư bản đã chấp nhận rủi ro để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Không phải cứ kết hợp sức lao động với tư liệu sản xuất là có thể ra được sản phẩm, mà nếu có ra được sản phẩm đi chăng nữa thì chưa chắc sản phẩm đó có bán được hay không, mà nếu có bán được hay không thì cũng chưa chắc đã thu được lợi nhuận hay nói cách khác là thu được giá trị thặng dư.
  2. Marx đã không tính đến thuế. Hiện nay hầu như tất cả các doanh nghiệp đều phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Ở Việt Nam các doanh nghiệp đều phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%. Như vậy đơn giản có thể hiểu, 100 đồng lợi nhuận hay là giá trị thặng dư như Marx nói thì phải trả cho nhà nước 25 đồng tiền thuế.
  3. Marx đã không tính đến việc một quá trình sản xuất kinh doanh luôn cần một khoảng thời gian, cái này gọi là chu kỳ kinh doanh. Mà sau một chu kì kinh doanh thì giá trị số tiền (tư bản) đầu tư ban đầu sẽ không được bảo toàn do lạm phát. Hoặc nếu nhà Tư bản không tiến hành đầu tư sản xuất kinh doanh mà thay vào đó nhà Tư bản lại gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi thì phần tiền dư ra đó gọi là chi phí cơ hội cho việc tiến hành sản xuất kinh doanh.
  4. Marx đã không tính đến công sức của nhà tư bản đã có công kết hợp người công nhân với Tư liệu lao động và đối tượng lao động. Bởi đơn giản sức lao động của người công nhân và tư liệu sản xuất không thể bỗng nhiên đến được với nhau, hoặc là đến với nhau lúc nào thì hợp lý.
  5. Marx đã không tính được giá trị lao động của nhà tư bản trong việc kết hợp tư liệu sản xuất với công nhân vào thời điểm nào, kết hợp như nào, sản xuất cái gì, sản xuất theo phương pháp nào, sản xuất vào lúc nào, bán hàng như thế nào. Những cái này người công nhân không thể nào làm được. Marx đã không tính đến công sức của nhà tư bản đã có công kết hợp người công nhân với Tư liệu lao động và đối tượng lao động. Bởi đơn giản sức lao động của người công nhân và tư liệu sản xuất không thể bỗng nhiên đến được với nhau, hoặc là đến với nhau lúc nào thì hợp lý.
  6. Marx đã không tính đến giá trị thương hiệu. Ví dụ 2 sản phẩm có chất lượng như nhau nhưng nếu sản phẩm đó của công ty A sẽ có giá cao hơn cũng sản phẩm có chất lượng tương tự nhưng sản xuất bởi công ty B. Do thương hiệu của công ty A được định vị trong khách hàng có uy tín lớn hơn công ty B. Rõ ràng trong trường hợp này sức lao động cũng như giá trị sức lao động của người công nhân chuyển vào sản phẩm của 2 công ty là như nhau nhưng giá bán của sản phẩm trên thị trường lại khác nhau. Ở đây có sự khác nhau giữa giá bán và giá trị. Cái này là do cảm nhận của khách hàng về sản phẩm mình sử dụng. Giá bán được đo lường bằng sự thỏa mãn nhu cầu của khách hàng đối với một loại sản phầm. Mà sự thỏa mãn nhu cầu của khách hàng về một loại sản phẩm phải là về những tiêu chí sau:
    • Chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng chứ không phải nhất thiết làm sản phẩm đó phải có chất lượng tuyệt hảo và chất lượng tốt thì luôn đi kèm với một mức giá cao, trong khi một số khách hàng hoặc một số thị trường người ta không quá chú trọng đến chất lượng vật lý của sản phẩm mà thay vào đó chú trọng đến mức giá, hoặc thương hiệu.
    • Giá bán phải phù hợp với khả năng tài chính cũng như ngân sách của khách hàng dành cho loại sản phẩm đó.
    • Kênh phân phối phải phù hợp với điều kiện của khác hàng ( ví dụ như bán buôn, bán lẻ, giao hàng tại nhà, hay giao hàng tại công ty, bán qua đại lý, bán qua lực lượng bán hàng của công ty hay bán qua các trung gian thương mại. Ví dụ như có xe Vespa chính hãng nhưng giá chỉ có 40 triệu/chiếc nhưng muốn mua thì khách hàng phải sang tận Ý mua thì đây cũng không phải là một sản phẩm tốt do sự phân phối của sản phẩm này không phù hợp với điều kiện của người tiêu dùng tại Việt Nam.
    • Phương thức thanh toán phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng ví dụ như trả tiền ngay hay trả góp, trả chậm hay trả từng phần theo kỳ hạn.
    • Phương tiện thanh toán phải có khả năng thanh khoản cao và thuận tiện cho việc thanh toán, ví dụ như thanh toán bằng tiền mặt, bằng sec, bằng chuyển khoản, đồng tiền thanh toán như nào USD hay VND… Ví dụ có một sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu của mình, giá cả phải chăng nhưng đơn vị thanh toán lại là một đồng tiền khan hiếm trên thị trường hiện tại như tiền Zimbabwe, tiền Rup của Nga thì cũng người tiêu dùng cũng không mua.
    • Các dịch vụ hậu mãi có tốt không, có thực sự chăm sóc khách hàng không, cái này sẽ tạo tâm lý tin tưởng của khách hàng về sản phẩm cũng như khách hàng cảm thấy mình được coi trọng.
    • Các hình thức khuyến mãi, PR cũng góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm trong con mắt của khách hàng.
    • Những thứ này người công nhân không thể nào làm được mà đều là do tư duy và trình độ của nhà tư bản.
  7. Chẳng hạn có 2 Công ty A và B cùng sản xuất 1 loại sản phẩm có chất lượng như nhau, giá bán trên thị trường bằng nhau, công nhân của cả 2 công ty đều có cùng một trình độ tay nghề, thời gian làm việc như nhau, cường độ làm việc giống nhau, điều kiện làm việc cũng giống nhau nốt. Như vậy giá trị sức lao động của người công nhân kết tinh trong hàng hóa của 2 công ty là như nhau cho nên mức lương của công nhân ở 2 công ty là như nhau. Nhưng nếu công ty A áp dụng các biện pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí, qua đó thu được mức lợi nhuận (giá trị thặng dư) cao hơn công ty B. Như vậy theo như Học thuyết giá trị thặng dư thì Công ty A bóc lột công nhân, chiếm đoạt giá trị thặng dư của công nhân cao hơn Công ty B. Nói như vậy e rằng không công bằng cho Công ty A.
  8. Nếu ta coi rằng sức lao động của công nhân là một thứ hàng hóa thì giá trị của nó sẽ được định đoạt bằng quy luật cung cầu hay cụ thể hơn là phụ thuộc vào nguồn cung sức lao động (Số lượng công nhân trên thị trường lao động) và nhu cầu sử dụng sức lao động của các nhà tư bản. Mặt khác tiền công của công nhân lại được thỏa thuận giữa người lao động vào người sử dụng lao động bằng hợp đồng lao động, tức là có sự đồng ý của người công nhân với nhà tư bản về mức tiền công người công nhân được nhận.
  9. Và đặc biệt Học thuyết giá trị thặng dư mà Marx nói, ông ấy đã đặt trong điều kiện giả định đó là: Hàng hóa bán ra có giá bán bằng giá trị. Giá trị ở đây bao gồm các chi phí bất biết và khả biến bao gồm hao phí sức lao động của người công nhân. Mà thực ra lịch sử cũng như hiện nay giả định đó chưa bao giờ có. Mà giá bán thường được định đoạt bằng quan hệ cung – cầu (trừ một số trường hợp giá bán được định đoạt bởi chính phủ trong nền kinh tế bao cấp, mà rõ ràng lịch sử đã chứng minh cách định giá bán bởi chính phủ mà không quan tâm tới quan hệ cung cầu là phi khoa học, bất hợp lý, không kích thích được sản xuất và tiêu dùng)

Từ những lý do trên tôi kết luận rằng Học thuyết giá trị thặng dư của Marx không chính xác ít nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường và kinh tế tri thức như hiện nay.

Marx cho rằng nhà tư bản không tham gia gì vào quá trình tạo ra giá trị thặng dư nhưng vẫn nhận được giá trị thặng dư là do nhà tư bản nắm trong tay Tư liệu sản xuất và tư bản. Do vậy để không còn tình trạng nhà Tư bản bóc lột, ăn cướp giá trị thặng dư từ người công nhân nữa thì giai cấp công nhân phải đứng lên dùng bạo lực cách mạng để đánh đổ chủ nghĩa tư bản, cướp lấy tư liệu sản xuất và tư bản để giai cấp công nhân có thể tự mình sản xuất mà không cần đến nhà tư bản do đó giá trị thặng dư do người công nhân làm ra sẽ do người công nhân làm chủ hoàn toàn.

Nhưng thực tế thì sao? Cứ giả sử người công nhân có tư bản, có trong tay tư liệu sản xuất đi thì liệu sản phẩm họ sản xuất ra có sử dụng được không, có làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng không? Điều này đã được chứng minh ở thời kỳ bao cấp của Việt Nam, hàng hóa khan hiếm, những hàng hóa được sản xuất ra không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, điều này làm hạn chế, kìm hãm quá trình sản xuất, không kích thích được sự phát triển, đổi mới sản phẩm, cải tiến sản phẩm và phát triển sản phẩm mới.

Có thể chắc chắn một điều rằng, nhà Tư bản làm công tác Marketing tốt hơn người công nhân. Họ biết cách nghiên cứu và phát triển thị trường, dự đoán, xác định được nhu cầu của người tiêu dùng qua đó có những biện pháp, cách thức để làm thỏa mãn một cách tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Cho nên sản phẩm được sản xuất ra dưới sự quản lý của nhà tư bản sẽ phục vụ, làm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn. Do vậy nền kinh tế quốc dân sẽ hoạt động linh hoạt và phát triển khi có nhà tư bản.

Nguồn bài viết: FB Vĩnh San

5 responses

  1. sinh viên buồn rầu

    Quá đúng, có thể nói ai có chuyên môn gì thì cứ làm tốt chuyên môn của người đó.
    ko phải cứ làm chủ tư liệu sx là làm đc tất đâu.
    ko hiểu tại sao tôi lại phải học môn này khi nó quá là sai lệch với nền xã hội bây giờ !

  2. Khanh

    Bài viết rất hay. Mac sai lầm nghiêm trọng khi đánh đồng giá bán và giá trị , không hề biết rằng 2 cái áo giống hệt nhau, nhưng 1 cái gắn mác levis sẽ cao giá hơn cái vô danh. Và Mác càng sai khi lầm tưởng giá trị lợi nhuận trước thuế hoàn toàn do công nhân tạo ra mà k hề biết rằng lợi nhuận đó do trí tuệ, công lao động của nhà tư bản, do vốn tiền tích lũy trước đó của họ….. vì vậy dẫn đến sai lầm chết ngừoi là công nhân chỉ việc vùng lên cướp nhà máy xí nghiệp là sẽ xoá tan bất công và phát triển xã hội. Thực tế cho thấy: công nhân k thể quản lí, điều hành kinh doanh hiệu quả, sản xuất đình đốn, kém cạnh tranh … tóm lại, Mac k làm kinh tế ngày nào mà phán về kinh tế dẫn đến sai lầm tồi tệ. Tư tửng này đã kìm hãm phát triển, đẩy kinh tế lao dốc

  3. nguyễn hùng

    Bài viết khá, nhưng chưa phản biện những vấnđề cốt lõi trong Học thuyết Giá trị thặng dư của Mác.

    1. Đạt Vũ

      Bạn có thể đóng góp thêm không?

  4. Thanh

    Cảm ơn bạn đã chia sẻ kiến thức này.

Leave a Reply to Khanh Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *