Bài 13: Khoa học của tâm trí

Xuất bản

Trong

Đã bao giờ bạn thử phóng trí tưởng tượng của mình đến một viễn cảnh mà tâm trí không ảnh hưởng chút nào đến thể xác? Và làm sao tâm trí có thể kiểm soát xác thịt khi nó không có cơ bắp, hay thậm chí còn không cầm nắm được? Trong bài học này ta hãy cùng luyện tập các cách tư duy về vấn đề này.

Khoa học tâm trí 

Một người ủng hộ thuyết nhị nguyên (dualism) không có nghĩa là người đó cho rằng không thu được kết quả gì từ việc nghiên cứu não bộ. Ngay cả Descartes, một người nhị nguyên nổi bật, sau những sự phản biện cũng phải đồng ý rằng: tâm trí và thể xác dù độc lập nhưng chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau theo một cách nào đó như một thể thống nhất. Như vậy, tâm trí có thể tác động lên thể xác và điều khiển thể xác, cũng như ở vế nghịch lại, thể xác gửi tới những tín hiệu về sinh lý và yêu cầu tâm trí hợp tác giải quyết với nó. Và để hiểu được bản chất con người, theo Descartes, cần phải hiểu được những mối tương quan về thân thể và ý nghĩ, và hoạt động Tâm – Thể ấy được tích hợp theo từng chức năng như thế nào. Ông cho rằng để hiểu được bản thể toàn bộ, hay là sự thống nhất giữa tâm trí và thể xác thì những gì chúng ta học được từ giải phẫu sinh lý cũng cần thiết như những gì chúng ta nhìn nhận được từ nội tâm ta. Dù giải phẫu không hẳn một ngành nghiên cứu tâm trí, nhưng rõ ràng khoa học và khoa học giải phẫu nói riêng có liên quan đến tìm hiểu tâm trí con người trong mối quan hệ tự nhiên giữa những ý nghĩ và vật chất cấu thành. Với những người theo thuyết nhị nguyên tương tác (interactionist dualism), không thể vì cho Tâm – Thể độc lập mà chối bỏ vị trí trung tâm của khoa học khỏi việc trở thành trung tâm trong các giải thích về tâm trí. Ngược lại, có một trường phái được gọi là thuyết nhị nguyên đặc tính (property dualism) hay còn được biết tới dưới tên epiphenomenalism, thì những người này cho rằng: các đặc tính thần kinh tách biệt với các đặc tính vật lý và vì vậy hai loại đặc tính này không tương tác với nhau. Chúng ta có thể có một ví dụ rõ nét hơn khi thâm nhập vào suy nghĩ những người này là: nếu tôi nhảy lên khi dẫm vào một con sên thì phản xạ nhảy tránh ấy là bởi những dây thần kinh bàn chân ở vùng tiếp xúc khiến tôi nhảy lên chứ không phải ý nghĩ về một cơn đau khiến tôi nhảy lên. Sự đau đớn khi dẫm lên một con sên chỉ là những gì tôi trải nghiệm thôi, và những trải nghiệm này thường không cần thiết nếu không muốn nói là dư thừa cho việc tôi nhảy lên.

Những đặc tính của thần kinh, như cảm giác đau đớn, theo quan niệm này thì chúng không có vai trò gì trong việc giải thích các hành vi. Kết luận này dường như biến mất khi đối mặt với vấn đề kinh nghiệm. Chẳng gì dễ hình dung hơn cảm giác đau là những điều khiến bạn phản ứng tiêu cực với những thứ từng gây ra cơn đau cho bạn? Bây giờ, chúng ta cùng xem xét những cách tiếp cận khác của thuyết nhị nguyên khi những người tiếp cận theo hướng này thông thường sẽ được chia thành hai nhóm. Một nhóm cho rằng về mặt trực giác thì khái niệm tâm trí và thể xác là tách biệt nhưng lại phủ nhận sự tách biệt của chúng về mặt siêu hình. Rất nhiều học thuyết không quy giản (non-reductive) thuộc nhóm này và quan điểm của chúng là: mặc dù tâm trí là một thực thể vật lý tuy nhiên để mô tả, định nghĩa hay phân tích nó; chúng ta không thể chỉ dựa vào kiến thức ở lĩnh vực vật lý hay sinh lý học mà có thể phải sử dụng cả các kiến thức về tâm linh, chẳng hạn. Nhóm triết gia còn lại ủng hộ quan điểm: việc chúng ta trải nghiệm được tâm trí của mình từ nội tâm hay như tự vấn cũng không cho ra được thông tin mới về bản chất của tâm trí. Những khái niệm như suy nghĩ, cảm giác, tin tưởng, khát vọng… đã thuộc về một lĩnh vực tâm lý cổ hủ, lỗi thời và không thể quy về thành các lĩnh vực khoa học cơ bản nào để có thể mổ sẻ phân tích bởi chúng không liên quan đến bất cứ cái gì thực tế trong tự nhiên. Và những từ như đau đớn, sợ hãi, niềm tin, ý chí… chẳng khác nào những từ “phù thủy” khi chúng mang trong mình một sự bí ẩn không thể giải thích bằng khoa học. Cách tiếp cận theo hướng này được gọi là chủ nghĩa loại trừ (eliminativism). Một cách tiếp cận khác không mạnh mẽ bằng và theo hướng giản được, đó là thuyết vật chất (materialism). Những người tiếp cận theo hướng này cho rằng: những khái niệm như suy nghĩ, cảm giác, tin tưởng, khát vọng… sẽ được giải thích hoàn toàn một khi mối quan hệ giữa các nơ-ron thần kinh và các trạng thái thần kinh được mô tả đầy đủ. Hay khái quát hơn, điều này thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học não trạng. Có 4 rào cản chính mà những người theo chủ nghĩa quy giản khi lập luận về mối quan hệ Tâm – Thể đang phải đối mặt là:

Thứ nhất, Dường như trạng thái thần kinh có thể  được nhận ra ở nhiều dạng sắp xếp vật chất khác nhau. Vấn đề này được gọi là đa góc nhìn (multiple realisability). Nếu một thứ có thể tồn tại ở nhiều hình dạng hoặc nhiều kiểu sắp xếp vật chất khác nhau, làm sao có thể định nghĩa chúng theo từng cấu hình vật chất riêng lẻ? (Hãy nghĩ đến ví dụ về đồng xu 5k và tờ 5k bằng cotton. Chúng ta không thể định nghĩa “5 ngàn đồng” bằng thuật ngữ vật lý bởi 5 ngàn đồng có thể được nhận biết ở cả hai dạng hoặc là giấy cotton hoặc một miếng kim loại bằng đồng). Làm sao điểm này được áp dụng với trường hợp của trạng thái hay sự xử lý thông tin của não bộ?

Ảnh minh họa.

Hay xem xét cách nhận thức màu đỏ ở những chủ thế khác nhau. Việc xử lý thông tin cũng có thể xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau tùy thuộc vào từng loài khác nhau, từng cá thể khác nhau trong cùng một loài, hay thậm chí có thể nhìn nhận từ một hệ thống trí thông minh nhân tạo. Một trong những ví dụ dễ liên hệ nhất của trường hợp này là bệnh mù màu ở con người. Làm sao chúng ta có thể chỉ ra trạng thái vật lý của “nhìn thấy màu đỏ” là gì khi không có một trạng thái vật lý đơn lẻ nào khác liên quan đến mọi trường hợp “nhìn thấy màu đỏ”? So sánh vấn đề trên với trường hợp quy giản của nước về H20 hoặc sấm sét về một hiện tượng xả điện. Đây là những trường hợp mà ta đều có thể dễ dàng quy giản một nhóm này thành một nhóm khác theo kiểu “loại-loại”. Nước đơn giản là một loại vật chất vật lý cụ thể nào đó, sấm sét cũng vậy. Thế nhưng sự nhìn thấy màu đỏ thì sao? Dường như không có một loại trạng thái vật lý tổng quát nào mà điều này thuộc về. 

Thứ hai, việc suy nghĩ có liên quan đến việc làm theo hoặc cố gắng làm theo một tiêu chuẩn hay một lý luận nào đó. Ví dụ, tiêu chuẩn về sự liên quan và nhất quán, các quy luật toán học, tiêu chuẩn ngôn ngữ và ngữ nghĩa. Dựa vào những tiêu chuẩn này ta có thể xác định những công thức toán, lỗi lầm hay sự phát ngôn không đúng ngữ pháp… [Vấn đề này sẽ được làm rõ hơn trong Phần 4 của khóa học]. Tuy nhiên những phát ngôn hay công thức có thể cho chúng ta biết ngay khi chúng mắc lỗi hoặc bị diễn đạt sai, thì ngược lại, hầu như không thể kết luận ngay rằng quá trình xử lý vật lý cũng có thể mắc những lầm lỗi. Thân xác (hoặc vật chất nói chung) hành động theo những quy luật của động lực học, nhưng sẽ không có nghĩa gì khi chúng cố gắng và thất bại khi tuân thủ quy luật. Luật của tự nhiên mô tả cách các thân thể ứng xử với môi trường, tuy nhiên vì không có sự mô tả trước nên chúng ta thật sự không nắm được quy phạm của việc ứng xử. Nếu một thân thể không hành động theo luật thì luật đó là sai, chứ không phải thân thể. Và khi việc quy giản tâm trí về não bộ khiến những hành vi của con người đang có giá trị bỗng trở nên vô hình thì một thực tế quan trọng về sự tồn tại của con người sẽ biến mất.

Thứ ba, bất chấp những gì khoa học tìm hiểu được về các hệ thống nhận thức, dường như vẫn còn một điều không thể giải thích được, đó là: tâm thức (consciousness). Bởi tâm thức là một điều mà hầu như ta chỉ có thể cảm nhận được ở ngôi thứ nhất, trong khi khoa học về thần kinh chủ yếu tiếp cận theo ngôi thứ 3. Những người phản đối học thuyết quy giản (anti-reductionists) tranh luận rằng: những cách tiếp cận theo ngôi thứ 3 là không triệt để và làm sao nhìn nhận từ ngôi thứ ba có thể xác tín cho những thông tin mà vốn chỉ có thể nhận biết được ở vị trí ngôi thứ nhất. 

Cuối cùng, thậm chí khi cho rằng nếu những suy nghĩ cũng là những trạng thái thần kinh, thì chúng không đơn thuần chỉ có nguyên nhân và tác động. Chúng cũng có ý nghĩa và sự ám chỉ tới các đối tượng. Điều này được gọi là chủ ý (intentionality) của những trạng thái thần kinh. Những suy nghĩ thường thì phải có đối tượng suy nghĩ, dù đôi khi có những đối tượng thật ra không hề tồn tại. Không có điều gì trong thế giới tự nhiên lại tham chiếu theo cách này – ám chỉ về những thứ không hề tồn tại. Chúng ta có một truyền thuyết cổ mà theo đó một nhà thám hiểm Tây Ban Nha là Juan Ponce de Leon (1474-1521) đã lên đường tìm kiếm một thứ gọi là suối nguồn tươi trẻ (fountain of youth).

20161216b6c2698a67e581218_th_1024x0.jpg
Bức Fountain of Youth

Nhưng trên thực tế không có thứ gì như thế tồn tại và suối nguồn tươi trẻ chỉ là niềm tin, khát vọng thúc đẩy những hành động của nhà thám hiểm này.  Vậy làm sao chúng ta có thể quy vấn đề này về một vấn đề vật lý nào đó?

Bốn rào cản trên đối với những người theo chủ trương quy giản những giá trị tinh thần khó nắm bắt về chức năng của não bộ cho đến ngày nay vẫn là một chủ đề bàn luận của rất nhiều cuộc thảo luận triết học.

Thuyết chức năng 

Nằm trong số những học thuyết không quy giản có một cách tiếp cận rất đáng chú ý. Thuyết này cũng đã tạo cảm hứng cho rất nhiều những nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nhận thức và trí thông minh nhân tạo. Đó là thuyết chức năng (functionalism). Và theo cách tiếp cận của thuyết chức năng, những lĩnh vực có thể mô tả tâm trí và các hành động của nó thì độc lập với lĩnh vực vật lý – một phần trong đó đúng nếu xét theo chức năng của nó. Chức năng cũng là một khái niệm trừu tượng trong việc hình thành nên bất cứ cấu hình vật chất cụ thể nào. Những người ủng hộ thuyết chức năng đa phần là những người ủng hộ thuyết vật lý điển hình bởi họ sẽ xem xét vấn đề tâm trí theo góc nhìn chức năng của nó. Tuy nhiên họ không cho rằng tâm trí không thể hoàn toàn định nghĩa được bằng những khái niệm vật lý. Để làm rõ hơn vấn đề, ta hãy xem xét khái niệm chiếc ghế. Thật điên rồ nếu ta định nghĩa ghế là gì theo hình dáng vật lý của nó. Bởi ghế có thể có vô vàn hình dáng, kích thước và vật liệu. Có những chiếc làm bằng gỗ, một vài chiếc làm bằng thép, nhựa, thậm chí cả băng tuyết. Một số chiếc có tựa lưng, tay vịn, 4 chân, một số khác thì không tựa, không vịn, 3 chân, 5 chân, hoặc chỉ có duy nhất một chân. Điểm tương đồng duy nhất mà những chiếc ghế này có là chúng đều dùng để ngồi lên. Thuyết chức năng sẽ giả định: với một đồ vật có chức năng bất kỳ thì chúng đều được tạo ra để thực hiện chức năng đó. Điều đó dường như đúng với phần lớn các đồ vật (ngoại trừ một số trường hợp ngẫu nhiên đặc biệt như miếng dán velcro, giấy nhớ hay lò vi sóng – những sản phẩm này là những phát minh do ngẫu nhiên hoặc thất bại chứ không phải ra đời dưới một chủ ý thiết kế nào). Nhiều người theo thuyết chức năng nghĩ rằng những chức năng mà tâm trí thực hiện như: suy nghĩ, lý luận, phán đoán, khát vọng, quyết định, cảm nhận, cảm quan… là những chức năng tiến hóa từ sự chọn lọc tự nhiên trong quá trình các cơ quan hoạt động để khám phá môi trường xung quanh. Những cơ chế khám phá này được chọn lọc từ thế hệ này qua thế hệ khác bởi sự thành công của chúng trong việc giúp các cơ quan tồn tại và tái sinh trong môi trường sống. Vì vậy nhiệm vụ của những triết gia và các nhà khoa học là giải thích những cơ quan này đã tiến hóa thế nào từ những cơ chế phát hiện môi trường đơn giản cho đến khả năng tinh vi như nhận thức, lý trí, suy nghĩ và tất cả gì cấu thành nên thế giới tinh thần của chúng ta.

Động vật hay trí thông minh máy móc? 

Nếu công nương Elizabeth đúng thì thực tế là có một số cỗ máy có thể thực hiện những hành vi phức tạp như con người bằng cách làm theo những chỉ dẫn và điều đó cho thấy những máy móc ấy có khả năng suy nghĩ. Như lĩnh vực điện toán máy tính đã có sự phát triển nhảy vọt kể từ sau khi Alan Turing công bố một báo cáo khoa học mang tên Điện toán máy móc và trí thông minh (1950). Bài báo này cũng xác nhận dự đoán của Elizabeth về những cỗ máy có khả năng xử lý thông tin. Nhưng như vậy có đồng nghĩa với những cỗ máy đó có thể lý luận hay nhận thức – hoặc làm bất kì điều gì có liên quan đến tâm trí? Descartes, người đầu tiên nhận được câu hỏi: liệu một chiếc máy có thể suy nghĩ? Và câu trả lời của ông là: KHÔNG! Bởi cỗ máy tự động mô phỏng theo hình dáng con người hoặc con vật ở thời đại của ông đã khiến ông quan niệm rằng: máy móc có khả năng mô phỏng lại hành động của bất kì loài nào nhưng sự mô phỏng ấy chỉ dựa trên những nguyên lý cơ học. Trên thực tế, ông ta đã nghĩ động vật chính là những cỗ máy! Đi từ suy nghĩ ấy, Descartes cho rằng động vật không có đủ những suy nghĩ, cảm nhận và phán đoán khi chúng thực hiện những hành động của mình. Để chứng minh cho điều này, ông đề ra hai phép thử đối với trí thông minh.

Ảnh minh họa

Đầu tiên với Descartes, để được coi là có tư duy hoặc thậm chí thông minh thì con vật cần biết đa dạng hóa hành động để đáp ứng “tất cả những tình huống ngẫu sinh của cuộc sống”. Bất kì phản ứng cứng nhắc dập khuôn nào cũng đều không được coi là trí thông minh và sẽ bị liệt thành phản xạ của một cái máy cứng nhắc. Và thậm chí nếu con vật có thể hiện một loạt hành vi được cho là đáng cân nhắc thì với ông đó vẫn chỉ là sự phản ứng với các tình huống cố định, con vật làm nó như một thói quen mà không kèm tư duy suy nghĩ.

Cuối cùng, ông đưa ra kết luận một con vật không thể điều chỉnh hành vi của nó theo cách mà loài người, giống loài duy nhất sở hữu tâm trí, thực hiện. Ví như một con chim có thể bắt cá bằng cách dùng mỏ của nó nhưng chúng không biết tư duy để tìm ra rằng nếu có cần câu và dây câu để bắt cá thì chúng sẽ bắt được nhiều hơn, cá lớn hơn và ở những mực nước sâu hơn. Tuy nhiên, việc tìm hiểu những hành vi nào của động vật được coi là cứng nhắc những hành vi nào không, tất nhiên phải cần rất nhiều thí nghiệm về hành vi động vật để khám phá. Và những chỉ trích của Descartes chỉ nhắm đến khả năng thích nghi và điều chỉnh hành vi của động vật, điều mà khiến người tranh cãi rằng nó liên quan đến tâm thức hay một mức độ thông minh nhất định nào đó. Trái với phép thử hành động nêu trên, phép thử còn lại của Descartes – ngôn ngữ – lại là một phép thử khó nhằn cho bất cứ giống vật hay một cỗ máy nào. Từ đó ông suy ra lập luận rằng nếu động vật có tâm trí thì tại sao trên thực tế chúng chưa bao giờ sắp xếp những từ ngữ để diễn đạt những điều chúng hiểu được? Descartes phỏng đoán rằng lý do chúng không làm như vậy bởi vì chúng không thể, hay nói cách khác chúng không có suy nghĩ để diễn tả. Ngay cả những con vật như vẹt, mặc dù có thể tạo ra những âm thanh giống người thì bản chất chuỗi âm thanh đó cũng không diễn tả một ý nghĩ nào. Và dù bạn có thể dạy một con vẹt giảng trơn tru một khóa về văn học so sánh thì trên thực tế nó vẫn không bao giờ trở thành một giáo viên chứ đừng nói đến một nhà phê bình văn học. Những lập luận của Descartes về vấn đề trí thông minh của loài vật hay máy móc cho đến hiện tại vẫn gây nên những cuộc tranh luận. Như Donald Davidson – một nhà triết học đương đại – vào năm 1982 đã lập luận rằng: để có thể sở hữu năng lực suy nghĩ hay tin tưởng thì một vật phải có khái niệm về sự thật, bởi việc hiểu ý nghĩa của bất cứ khẳng định nào mà bạn nghĩ hay bạn tin đó chính là điều kiện khiến những khẳng định đó trở nên đúng. Sự thật là một khái niệm chúng ta phải học như một phần trong quá trình học ngôn ngữ, vì thế theo Davidson, một con vật mà không có ngôn ngữ thì cũng không có khả năng suy nghĩ hay tin tưởng. Tuy nhiên, để rút ra một kết luận mạnh mẽ về việc động vật không sở hữu tâm trí và chúng là những cỗ máy thì chúng ta cần xét đến nhiều khía cạnh khác, cũng như kiểm tra tất cả những tình huống phát hiện chúng có thể có liên hệ đến tâm trí. Nếu không, đối với những người bảo vệ lập trường sinh vật hiểu biết, thì những phép thử trên sẽ không thuyết phục được họ.  Lập luận của Descartes chỉ ra những cỗ máy không thể suy nghĩ bởi chúng không nắm bắt được ý nghĩa của những ký hiệu ngôn ngữ và điều này cũng làm dấy lên một tranh luận khác về khả năng của trí thông minh máy móc. John Searle cho rằng khả năng sử dụng những công nghệ kĩ thuật số để tạo ra một cỗ máy có suy nghĩ như con người là không thể và một phép thử có tên là Turing – phép thử dành cho trí thông minh nhân tạo cũng đã xuất hiện.

Phép thử này được đưa ra năm 1950 bởi Alan Turing, người được coi là cha đẻ ngành Tin học trong bài viết Máy tính và trí tuệ khi ông được đề nghị xem xét một câu hỏi về Máy tính có thể suy nghĩ không? Bản thân Turing cho rằng “suy nghĩ” là một khái niệm rất khó định nghĩa nên ông chọn thay thế câu hỏi này bằng một câu hỏi khác có liên quan chặt chẽ đến câu hỏi trên và rõ ràng hơn. Câu hỏi mới là: “Có một máy tính tưởng tượng nào có thể vượt qua [phép thử Turing]”? Và ông tin rằng câu hỏi này hoàn toàn có thể trả lời. Sau đó trong phần còn lại của bài báo, Turing dành cho những lập luận chống lại ý kiến phản đối về việc “máy tính có thể suy nghĩ”.

 Phép thử Turing được mô tả như sau: có ba người tham gia một trò chơi, một con người (A), một cái máy (B) và một người phân biệt (C). Người phân biệt ngồi trong phòng được ngăn kín với A và B, không biết gì đâu là A hay B và đặt các câu hỏi cũng như nhận trả lời từ hai đối tượng này qua định dạng văn bản. Cuối cuộc thử nghiệm, C cần kết luận trong A và B ai là người ai là máy tính, mở ra bài toán liệu C có thể phân biệt được trong hai đối tượng trên ai là máy tính ai là người.

Kết quả của phép thử Turing đi đến kết luận cuối cùng rằng cho nếu máy tính thông minh thì nó sẽ vượt qua phép thử khi khiến cho C không thể chắc chắn kết luận của mình là đúng.

Phép thử Turing được xem có tầm quan trọng lịch sử và triết học thì cho đến ngày nay nó vẫn chưa đưa đến giá trị thực tế bởi nhân loại vẫn chưa tạo ra được máy hiểu ngôn ngữ và biết lập luận như vậy. Tuy nhiên ý nghĩa rất lớn nhất của phép thử nằm ở chỗ nó đã nhấn mạnh rằng trong trường hợp máy móc và con người có khả năng có một cuộc đối thoại tự do và không hạn chế, và đó là biểu hiện chính yếu của trí thông minh nhân tạo.

Searle chấp nhận thử nghiệm trên với mục đích tranh luận rằng một cỗ máy sẽ đến một ngày có khả năng vượt qua phép thử Turing. Nhưng câu hỏi sau đó được ông đưa ra là: Thế thì sao nào? Và ông cho không phải bất kì chiếc máy tính nào cũng có thể lừa dối được người phân biệt trước việc phải xử lý không chỉ vấn đề về nội dung mà cả ngữ pháp. Và một khi nó không hiểu, nó không thể có trí thông minh, suy nghĩ hay tâm trí. Ngoài ra Searle cũng đưa ra một thí nghiệm giả tưởng để mọi người dễ hình dung. Thí nghiệm này vẫn được biết đến dưới cái tên: Căn phòng Trung Hoa (The Chinese Room experiment).

can-phong-trung-hoa

 Trong thí nghiệm này, hãy tưởng tượng bạn là một người không biết tiếng Trung và bị khóa chặt trong một căn phòng kín không có cửa sổ mà chỉ có 2 khe nhỏ, một để đưa các kí tự vào, một để đưa các ký tự ra. Công việc lúc này của bạn sẽ là xác định xem các ký tự được đưa vào trong phòng có phải là ký tự tiếng Trung hay không bằng cách tham khảo một số tài liệu đáng tin cậy về tiếng Trung. Và với những ký tự bằng tiếng Trung được nhận diện, bạn sẽ phải chuyển chúng ra ngoài thông qua một khe hở còn lại của căn phòng. Cuối cùng, nhờ những hướng dẫn chi tiết và đầy đủ trong cuốn tài liệu tiếng Trung, bạn đã lọc ra hoàn toàn chính xác và ở phía ngoài, một người biết tiếng Trung có thể bị lầm tưởng rằng bạn hiểu tiếng Trung. Vậy nghĩa là bạn trả lời rất tốt các câu hỏi nhưng không hề biết được ý nghĩa những câu trả lời của mình. Từ đó Searle nhắc nhở rằng nếu bạn không hiểu tiếng Trung, sẽ thật là kì quặc nếu cho rằng chỉ với căn phòng và những cuốn tài liệu tiếng Trung bạn đã trở thành một người sử dụng được thứ ngôn ngữ này. Thí nghiệm Căn phòng Trung Hoa nhờ vậy đã nêu ra một luận điểm rằng: nếu một chiếc máy tính xử lý được các ký hiệu bằng các thuật toán được lập trình sẵn, và cho dù nó đúng, thì cũng không đồng nghĩa với việc nó được cho là thông minh và có thể HIỂU. Mà ở đây,  HIỂU là một điều kiện cần để sở hữu trí thông minh. Căn phòng Trung Hoa đã như một lập luận mạnh mẽ chống lại giả định rằng việc xử lý các vấn ký hiệu thuần là dấu hiệu của trí tuệ. Cú pháp (syntax), như Searle đã quyết liệt phủ định, không đủ để làm nên ngữ nghĩa(semantics)! Thế nhưng ngữ nghĩa là gì? Và tại sao Searle cho rằng một chiếc máy tính không thể xử lý các ký tự ngôn ngữ dựa theo ngữ nghĩa của chúng? Tất nhiên những kí hiệu máy tính có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng ta – trong tư cách một người sử dụng máy tính. Tuy nhiên người sử dụng máy tính và máy tính là hai đối tượng khác nhau. Điều này có nghĩa rằng những biểu tượng chưa hẳn đã có ý nghĩa đối với bản thân chiếc máy tính đó. Và nếu không có ý nghĩa, tức nó không hiểu mà chỉ làm theo lập trình định sẵn của con người, thì máy tính được coi không có chút trí tuệ nào hết. Lúc đó những dòng mã code mà một cỗ máy hoạt động trên đó không hề có ý nghĩa nội tại (intrinsic meaning – ý nghĩa đối với bản thân cỗ máy đó), mà nó chỉ có ý nghĩa chuyển hóa (derived meaning – ý nghĩa được gán cho những biểu tượng). Nhưng tại sao chúng ta không thể xây dựng một cỗ máy mà hành vi của nó có thể linh hoạt theo ngữ cảnh xung quanh? Đây là ý tưởng nền tảng cho những phản biện đáp lại thí nghiệm Căn phòng Trung Hoa, và được biết đến với tên gọi Phản ứng Robot (Robot reply). Những người phản biện cho rằng nếu một cỗ máy có thể xác định/phát hiện được các vật thể và tình huống xung quanh nó và điều chỉnh hành vi theo những biểu tượng tương ứng, thì liệu có công bằng không nếu kết luận những biểu tượng đó không có ý nghĩa đối với cỗ máy đó? Searle đáp trả rằng: trường hợp của con robot này chẳng khác nào trường hợp thí nghiệm căn phòng Trung Hoa bởi vì nếu có một ai đó bị khóa trong con robot thì họ cũng thật sự không biết những biểu tượng họ đang xử lý có ý nghĩa gì. Đến lúc này, vấn đề đã liên quan đến cả chúng ta khi nếu ai đó bị khóa trong bộ não chúng ta chẳng hạn và không hề hiểu những ý nghĩa do các đường truyền tin qua dây thần kinh mang lại thì liệu nên kết luận rằng chính nhân loại cũng không hiểu gì hay không? Cuối cùng, theo quan điểm của Searle: một hệ thống điện toán cần NHIỀU HƠN những biểu tượng có nghĩa (meaningful symbols) để có thể được coi là có tư duy. Và sự NHIỀU HƠN này chính là đối tượng chính của những tranh luận vẫn diễn ra gay gắt cho đến hiện nay để tìm ra câu trả lời xác đáng cho mối quan hệ giữa tâm thức (conciousness) và trí thông minh (intelligence).

4 responses

  1. anh trsn

    Nếu một thứ có thể tồn tại ở nhiều hình dạng hoặc nhiều kiểu sắp xếp vật chất khác nhau, làm sao có thể định nghĩa chúng theo từng cấu hình vật chất riêng lẻ? (Hãy nghĩ đến ví dụ về đồng xu 5k và tờ 5k bằng cotton. Chúng ta không thể định nghĩa “5 ngàn đồng” bằng thuật ngữ vật lý bởi 5 ngàn đồng có thể được nhận biết ở cả hai dạng hoặc là giấy cotton hoặc một miếng kim loại bằng đồng

    e nghĩ cái ”nếu một thứ ” nên là ”1 định nghĩa” vì nếu là 1 thứ thì nó phải là chính nó
    nên tiền cotton với tiền xu là 2 thứ khác nhau
    chúng chỉ có cùng định nghĩa là tiền bởi mục đích sử dụng của nó

    1. Đạt Vũ

      Nên gọi là một thứ chứ em, một định nghĩa thì đó là một khái niệm trừu tượng rồi, đâu có thể nói nó tồn tại theo dạng nào được.

  2. Nguyễn Quang Đại

    Đoạn này dịch chưa chuẩn nè anh ơi: “Bây giờ, chúng ta cùng xem xét những cách tiếp cận khác CỦA thuyết nhị nguyên khi những người tiếp cận theo hướng này thông thường sẽ được chia thành hai nhóm”

    Nguyên văn là: Let’s consider the alternatives to dualism. NON-DUALIST approaches to the mind typically divide into two categories.
    Em nghĩ nó sẽ được dịch thành: “Bây giờ, chúng ta cùng xem xét những cách tiếp cận khác NGOÀI thuyết nhị nguyên. Những hướng này thường được chia thành hai nhóm”

  3. Đạt Vũ

    anh thấy nó hơi lủng củng tí thôi, chứ vẫn không sai mà.

Leave a Reply to Đạt Vũ Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *