Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

Xuất bản

Trong

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, cùng với mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy là hai vấn đề cơ bản của triết học. Sau đây tôi sẽ phân tích về vấn đề đầu tiên.

Khái niệm vật chất và ý thức

Tôi dành phần giải thích ý thức là gì lên trước để dễ dàng hơn khi giải thích khái niệm vật chất.

Thứ nhất, phải khẳng định ý thức được nhắc đến ở đây là ý thức của con người

Ý thức là một ngoại động từ thể hiện việc một người suy nghĩ, đánh giá, nhìn nhận về thế giới xung quanh.

Qua định nghĩa này, ta nhận thấy ý thức bắt buộc phải đi kèm với đối tượng được ý thức. Thế giới xung quanh (đối tượng của ý thức) được chia làm 2 loại:

  • Loại 1, thế giới vật chất: đó là tất cả những gì tồn tại dưới dạng vật chất, như chiếc điện thoại hay máy tính mà bạn đang đọc bài viết này, chiếc ghế bạn đang ngồi, chiếc áo bạn đang mặc cho đến những hạt bụi li ti trong không khí.
  • Loại 2, thế giới ý thức: đó chính là tất cả những gì thuộc về ý thức con người. Quá trình này có thể gọi là ý thức về chính ý thức hay tư duy về tư duy. Ví dụ, trong một giây phút lầm lỡ, bạn đã làm một điều gì đó xấu xa. Giờ đây, khi ngồi trong lao tù, bạn cảm thấy ân hận về điều mình đã làm và tự đặt ra câu hỏi, không hiểu tại sao lúc đó mình lại suy nghĩ và hành động như vậy.

Trong hai đối tượng này, loại 1 xuất hiện trước loại 2. Bạn cứ hình dung, từ khi con người bắt đầu xuất hiện trên trái đất, trước tiên họ phải ý thức về thế giới vật chất trước để tồn tại: tìm đồ ăn, nơi ẩn nấp, phát hiện kẻ thù… Trải qua một quá trình phát triển nhất định, con người mới bắt đầu ý thức về chính ý thức của mình.

Và khái niệm vật chất được nhắc đến ở đây chính là loại 1. Chúng ta hãy cùng theo dõi ví dụ sau đây để hiểu rõ hơn về vật chất và ý thức.

Ta có hai hình ảnh như sau:

Một anh chàng tên A có một chiếc bút chì. Ảnh thứ nhất được chụp lúc bạn A chưa nhúng chiếc bút chì vào nước. Ảnh thứ hai là lúc bạn A nhúng chiếc bút chì vào cốc nước. Nhìn chiếc bút chì như bị gãy nhưng do chính tay bạn A nhúng chiếc bút chì vào nước nên bạn biết rõ rằng chiếc bút chì này không hề bị gãy (bằng cách nhấc lên và nhúng lại vào nước nhiều lần để kiểm tra).

Tuy nhiên, một người bạn của A (tên B) đến chơi và vô tình nhìn thấy hình ảnh chiếc bút chì đang được nhúng vào nước. Thấy vậy, B liền thốt lên : Ôi chiếc bút chì sao bị gãy thế này ! (Giả định cả A và B đều chưa biết gì về định luật khúc xạ ánh sáng).

Như vậy là, với cùng một vật chất (chiếc bút chì), nhưng có 2 ý thức khác nhau về nó :

  • Ý thức của A : chiếc bút chì thẳng, không gãy
  • Ý thức của B : chiếc bút chì bị gãy.

Cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào ?

Nếu ý thức có trước ?

Ảnh minh họa

Như đã nói ở phần trên, ý thức luôn luôn phải đi kèm với đối tượng được ý thức. Nếu như ý thức xuất hiện trước, thì ý thức đó ý thức về điều gì? Ít nhất, ý thức đó cũng cần phải có một thể xác (một dạng vật chất) để có thể vận hành.

Nếu vật chất có trước ?

Nhiều người có thể nghĩ rằng khả năng vật chất xuất hiện trước thì hợp lý hơn. Họ có thể biện luận bằng cách sử dụng giả thiết về vụ nổ Big Bang. Hàng triệu năm về trước, có một vụ nổ kinh hoàng xảy ra. Các mảnh vỡ bắn ra, bay lơ lửng khắp vũ trụ. Một trong số đó tạo nên Trái Đất. Một ngày đẹp trời, các vật chất cơ bản cần thiết tự nhiên gặp nhau và kết hợp thành một tế bào sống đầu tiên, từ đó chúng tiến hóa dần thành các loài vật như ngày nay, trong đó có con người.

Nhưng giả thiết vẫn chỉ là giả thiết, và giả thiết lại là do chính con người đặt ra. Hơn nữa, bạn có thể đặt ra câu hỏi, các vật chất cần thiết cho vụ nổ Big Bang kia xuất hiện từ đâu ?

Vì vậy, tôi cho rằng, không thể trả lời cho câu hỏi cái nào có trước, cái nào có sau và không có cái nào quyết định cái nào mà cả 2 có tác động qua lại lẫn nhau.

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

Tôi cho rằng, cần diễn đạt cụm từ mối quan hệ giữa vật chất và ý thức bằng một cụm từ chính xác hơn, đó là mối quan hệ giữa vật chất và ý thức về đối tượng vật chất đó. Sẽ thật ngớ ngẩn khi phân tích mối quan hệ giữa quả táoý thức về bầu trời.

Quay trở lại ví dụ về chiếc bút chì ở trên, có hai hướng hành động trong tình huống này :

Một là, khăng khăng khẳng định rằng, có tồn tại một chiếc bút chì, và chiếc bút chì này thẳng, hoàn toàn không bị gãy. Người đó chính là A, chủ sở hữu của chiếc bút chì.

Những người đi theo hướng hành động này còn được gọi là những người theo chủ nghĩa duy vật. Họ cho rằng, có tồn tại một thế giới khách quan, độc lập với tâm trí hay ý thức của con người. Những người này có thể được minh họa bằng hình ảnh dưới đây.

chủ nghĩa duy vật
Những người duy vật cho rằng, thế giới khách quan có tồn tại, công việc của chúng ta chỉ việc rong buồm ra khơi và tìm hiểu.

Hai là, cho rằng chiếc bút chì bị gãy vì họ tin vào những gì đôi mắt của họ cung cấp cho họ. Trong trường hợp này, chính là B. B có thể nói rằng: tôi trông thấy nó gãy thì tức là nó bị gãy, chứ sao phải giải thích nữa. Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng thế thôi. Thậm chí có thể có người thứ ba cho rằng, chẳng có chiếc bút chì, cũng chẳng có A và B vì ví dụ trên chỉ là một giấc mơ.

Những người đi theo hướng này còn được gọi là những người theo chủ nghĩa duy tâm. Họ phủ nhận sự tồn tại của một thế giới khách quan. Theo họ, thế giới xung quanh chỉ là những hình ảnh và diễn giải của tâm trí con người. Những người này có thể được minh họa bằng hình ảnh dưới đây.

chủ nghĩa duy tâm
Theo người duy tâm, thế giới xung quanh chỉ là do tâm trí sinh ra.

Cả hai hướng tư duy này tồn tại song hành cùng nhau, phủ định lẫn nhau và làm động lực thúc đẩy phát triển của xã hội loài người.

Vẫn ví dụ trên, ta cùng xét 2 chiều tác động của mối quan hệ này :

Vật chất tác động lên ý thức

Trong ví dụ trên thì anh A tin chắc như đinh đóng cột rằng có tồn tại chiếc bút chì, và chiếc bút chì đó không hề bị làm sao cả vì đó chính là chiếc bút chì anh sử dụng hàng ngày. Hơn nữa, anh còn nhấc lên, nhúng xuống nước vài lần để kiểm chứng.

Khẳng định của B cho rằng chiếc bút chì bị gãy thôi thúc anh tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại như vậy. Tại sao cả anh và bạn anh đều nhìn thấy chiếc bút chì như bị gãy làm đôi khi nhúng vào nước, mặc dù chiếc bút chì thực chất hoàn toàn bình thường ?

Thế là anh vùi đầu ngày đêm vào công cuộc nghiên cứu, tiến hành thí nghiệm các kiểu. Cuối cùng, anh đã hiểu ra cách thức ánh sáng được truyền đi trong các môi trường trong suốt khác nhau. Anh đã khái quát hóa nó thành một định luật gọi là Định luật khúc xạ ánh sáng

Ý thức tác động ngược trở lại vật chất

Sau khi công bố định luật Khúc xạ ánh sáng, nhiều người theo chủ nghĩa duy vật như anh hưởng ứng và tiếp tục áp dụng quy luật của anh trong việc tìm hiểu thế giới vật chất xung quanh, trong đó cơ chế hoạt động của đôi mắt.

Trong số đó, có một người cũng chỉ vì say mê tìm tòi, nghiên cứu thế giới xung quanh nên mắt anh ta bị mắc một tật gọi là cận thị (mắt nhìn các vật trong khoảng cách từ vài mét đến vài chục mét bị mờ). Anh ao ước làm sao mắt mình có thể nhìn mọi thứ sáng rõ như thường.

Với những kiến thức anh biết về định luật khúc xạ ánh sáng, cấu tạo và cơ chế hoạt động của mắt người, anh đã tưởng tượng ra một thiết bị có thể giúp anh đạt được mong ước. Anh nhận ra rằng, nếu anh có thể chế tạo ra thiết bị này, không những anh có thể giúp chính mình mà còn giúp cho rất nhiều người khác mắc các tật về mắt giống anh.

Ảnh minh họa.

Và thế là, anh thử nghiệm các loại vật liệu, mày mò các phương pháp chế tạo khác nhau. Sau 5000 lần thất bại, anh đã chế tạo ra chiếc kính cận đầu tiên trên thế giới. Nó giúp anh và những người cận thị nhìn mọi thứ sáng rõ như thường.

Cùng lúc đó, ở phía bên kia bán cầu, có một anh chàng lại có một mơ ước khác. Anh không chỉ muốn mắt nhìn rõ mọi vật, mà anh còn muốn lưu lại hình ảnh những gì anh nhìn thấy giống như đôi mắt của chính mình vậy. Đến đây, chắc mọi người cũng đoán là đồ vật gì sẽ được sáng tạo ra phải không ?

Như vậy, mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là mối quan hệ biện chứng vô cùng khăng khít, tác động qua lại làm nền tảng cho sự phát triển.

Những người duy vật, khi cố gắng bảo vệ quan điểm của mình (tránh sự chỉ trích của những người duy tâm) luôn luôn phải tìm ra những lý lẽ khách quan nhất (càng không có dính líu của ý chí chủ quan càng tốt). Điều này thúc đẩy con người khám phá những quy luật, những gì đã tồn tại từ trước.

Ngược lại, những người duy tâm cho rằng, tâm trí con người có thể tạo ra mọi thứ. Khi cố gắng bảo vệ quan điểm này, họ giúp loài người tạo ra những vật chất mới, chưa từng tồn tại trước đây.

Chính điều này thúc đẩy văn minh nhân loại tiến về phía trước.

***

Bạn thấy bài phân tích của tôi thế nào, có điểm nào chưa hợp lý ? Tác động qua lại giữa vật chất và ý thức có phải lúc nào cũng là tích cực, giúp nhân loại tiến lên hay có cả những tác động tiêu cực ? Nếu có tiêu cực, bạn có thể cho ví dụ được không ? Đừng ngại comment phía dưới bài viết này, hoặc thảo luận tại group META101x.

Có thể bạn quan tâm:

17 responses

  1. Linh Thùy

    Bài phân tích mối quan hệ giữa vật chất và ý thức của bạn rất hay. nhưng nó chưa được rõ ràng. Có lẽ bạn nên thêm vào câu sau: ” xuất phát từ một hiện tượng tự nhiên khi ta cắm trước bút gì vào cốc nước ta thấy một hiện tượng chiếc bút chì bị gãy từ đó kích thích tư duy của mọi người họ sẽ tự đặt ra câu hỏi tại sao chiếc bút chì khi cho vào cốc nước lại có hiện tượng bị gãy như vậy và để trả lời câu hỏi đó họ đã đi tìm hiểu nghiên cứu phát minh ra các sáng kiến khoa học làm cho nhận thức của con người ngày càng phát triển mở rộng”

    1. datvimaru50

      Cảm ơn bạn đã đưa ra nhận xét. Nhưng mình thấy chính nhận xét của bạn cũng chưa được rõ ràng. Bạn không nói rõ được bài phân tích của mình chưa rõ ràng ở chỗ nào. Bạn cần đưa ra lập luận cụ thể hơn.

  2. linh thuy

    Khi đọc bài viết của bạn mình có cảm nhận rằng bạn chỉ nhìn thế giới xung quanh và chép lại để minh họa cho một quan điểm lý luận nào đó.
    Thế là anh vùi đầu ngày đêm vào công việc nghiên cứu Ai vùi đầu vào nghiên cứu anh a hay anh b?

    1. datvimaru50

      Cái này thì đương nhiên là anh A (người có cái bút chì rôi). Anh B chấp nhận nhận những gì do giác quan đem lại còn gì.

  3. linh thuy

    Bạn viết: “Vì vậy, tôi cho rằng, không thể trả lời cho câu hỏi cái nào có trước, cái nào có sau và không có cái nào quyết định cái nào mà cả 2 có tác động qua lại lẫn nhau.”
    +ý thứ nhất bạn nói đúng :, không thể trả lời cho câu hỏi cái nào có trước, cái nào có sau
    +Ý thứ hai bạn nói sai: “không có cái nào quyết định cái nào ” Bạn hiểu câu vật chất quyết định ý thức là như thế nào?

    1. datvimaru50

      Mình hiểu quyết định tức là có tác động, gây ảnh hưởng. Nếu nói vật chất quyết định ý thức, tức là muốn nói, ý thức luôn luôn bị tác động từ một tác động sâu xa là vật chất

      1. linh thuy

        Bạn hiểu quyết định như vậy là không đúng. quyết định tức là khi vật chất biến đổi thì ý thức con người cũng biến đổi theo.
        Đó là quan điểm của triết học Mác Lê Nin. Mình nói bạn sai tức là sai so với quan điểm lý luận triết học Mác lê Nin. nhưng mình nghĩ rằng quan điểm của bạn nó đúng với thực tai.
        Triết học Mác Lê Nin cho rằng khi điều kiện vật chất thay đổi ( máy hơi nước ra đời) làm cho ý thức thay đổi, ý thức hệ tư bản ra đồi thay thế ý thức hệ phong kiến. nhưng để có được máy hơi nước thì lại do chính ý thức con người tạo ra. như thế có thể nói ngược lại: ý thức con người phát triển đã làm thay đổi điều kiện vật chất. Triết học mác Lê Nin chỉ nói vật chất quyết định ý thức nhưng không có sự phân tích chứng minh cụ thể rõ ràng. và người ta cứ nhồi nhét tri thức con người như vậy. bạn thấy sao?

        1. datvimaru50

          Đó cũng chính là lý do blog này ra đời đó bạn 🙂

  4. DUONG

    Các đặt vấn đề của bạn tôi nghĩ là chưa chính xác do cách dùng từ. Ở đây là từ “Ý Thức” (Conscience) không phải là cặp đối lập với “Vật Chất” ( matière) . Lẽ ra phải là Tinh Thần-Vật Chất ( esprit-matière) mới là cặp đối lập trong triết học. Khi ta dùng Ý Thức chỉ là một bộ phận của Tinh Thần và Ý Thức xuất hiện sau Vật Chất và phụ thuộc vào Vật Chất.
    Chính vì bạn giới hạn một phần của thế giới Tinh Thần là Ý Thức nên mới có nhận định” ý thức luôn luôn phải đi kèm với đối tượng được ý thức.” Từ đó dễ suy ra Vật Chất có trước Ý Thức và quyết định Ý Thức. Nhưng Tinh Thần thì khác. Tinh Thần là một thực tại phi vật chất và nó không cần vật chất để ý thức. Nếu chúng ta chia nhỏ vật chất ra đến cùng cực thì chúng ta sẽ có những gì ? Những hạt cơ bản cực nhỏ ư ? Không phải. Trường năng lượng ư ? Gần đúng. Thực ra thế giới vật chất này suy cho cùng chỉ là những sóng năng lượng nằm giữa ranh giới vật chất và tinh thần và sở dĩ nó kết tinh thành vật chất vì nó chứa đựng những thông tin ( ví dụ các qui luật vận động ) và đó chính là Tinh Thần. Tinh Thần là một tập hợp các thông tin, là cái tồn tại đầu tiên, để sinh ra các qui luật vận động nhất định nào đó, từ đó sẽ dẫn đến hình thành vật chất. Vậy vật chất chính là tinh thần đã được tập trung theo một qui luật bằng những thông tin có sẵn. Tức là Tinh Thần có trước, Vật Chất có sau. Tinh Thần quyết định Vật Chất. Vì không có Tinh Thần thì Vật Chất không thể hình thành.

    1. Đạt Vũ

      Nghe cách giải thích của bác, có phải bác đồng ý với quan điểm của Platon, tức là vạn vật đều có khởi nguyên là một ý tưởng/tinh thần nào đó?

  5. DUONG

    Tư tưởng triết học của Platon là tinh thần và vật chất tồn tại đồng thời. Platon cho rằng God chỉ sắp xếp lại thế giới cho trật tự và thẩm mỹ hơn trên cơ sở vật chất đã có sẵn chứ không sáng tạo ra vật chất. Không nên nhầm với thuyết Tiên Nghiêm của ông. THeo đó ví dụ cái đẹp là tiên nghiệm có trước đối tượng được ý thức.

  6. Tưởng

    Cảm ơn. Bạn cho mọi người biết thêm về vật chất và ý thức qua phân tích của bạn.

  7. Hoàng Ngọc Anh

    Bạn đúng là có năng khiếu với triết học, phân tích dễ hiểu. Cảm ơn bạn thật nhiều đã giúp mình vượt qua bài kiểm tra môn triết

  8. Vũ Quốc Đạt

    Cảm ơn mọi người đã đóng góp ý kiến. Bài viết này vẫn còn rất nhiều sai sót nhưng tôi vui mừng vì đã giúp được các bạn được một điều gì đó. Tôi sẽ cố gắng viết các bài viết chất lượng hơn

  9. Nguyễn Gia Huy

    Vì sao giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là vấn đề cơ bản của triết học? giúp em

    1. Đạt Vũ

      Em đã hiểu mối quan hệ này chưa đã?

  10. Nguyễn Tiến Định

    Bài viết hay, nêu đầy đủ cả 3 trường phái trên thế giới hiện nay. Theo mình, cả 3 trường phái này đều đúng với góc nhìn riêng của họ.

Leave a Reply to datvimaru50 Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *