Phân tích và phản biện nội dung quy luật lượng chất

Xuất bản

Trong

Quy luật lượng chất của Triết học Mác-Lênin, theo như những gì nó được trình bày trong sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 10 thì tôi thấy có rất nhiều điểm mơ hồ mà tôi muốn làm sáng tỏ trong bài viết này.

Mơ hồ ngay từ khái niệm lượng – chất

Khái niệm chất dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản, vốn có của sự vật hiện tượng, tiêu biểu cho sự vật và hiện tượng đó, phân biệt nó với các sự vật hiện tượng khác.

Đó là nguyên văn định nghĩa về chất trong sách. Giả thử khái niệm trên là đúng thì nếu như có hai sự vật, hiện tượng có tất cả những thuộc tính cơ bản, vốn có giống nhau thì chúng ta sẽ không thể phân biệt được hai sự vật, hiện tượng đó. Nếu hai sự vật, hiện tượng đó không phải là hai thứ phân biệt, thì chúng phải là một.

Nhưng hãy thử tưởng tượng trên mặt bàn của bạn có hai quả cầu, giống hệt nhau về mọi tính chất: cả hai đều có khối lượng, bán kính bằng nhau, cả hai đều được làm hoàn toàn từ vàng (Au) nguyên chất, thậm chí được làm ra bởi cùng một người.

Nếu bạn bắt gặp tình huống này, bạn có coi hai quả cầu bạn nhìn thấy là một quả?

Tương tự như vậy đối với nhân vật Batman, bạn có cho rằng Batman và Bruce Wayne là một?

Khái niệm chất mà Triết học Mác-Lênin đề cập chỉ mang tính lý tưởng, tức là ai cũng có thể dễ dàng hiểu được nó nhưng trong rất nhiều tình huống, ta rất khó xác định được xem cái chất ấy là gì. Ngay đến cả cao siêu thần thánh như Quan âm bồ tát còn bó tay không phân biệt nổi đâu là Ngộ Không thật, đâu là Ngộ Không giả nữa là người phàm như chúng ta 🙂

Ảnh: Sohu
Khái niệm lượng dùng để chỉ những thuộc tính vốn có của sự vật và hiện tượng biểu thị trình độ phát triển (cao, thấp), quy mô (lớn, nhỏ), tốc độ (nhanh, chậm), số lượng (ít, nhiều)… của sự vật hiện tượng.

Đó là định nghĩa về lượng trong sách giáo khoa GDCD lớp 10. Sách còn dẫn ra hai ví dụ về lượng của sự vật:

  • Đối với mỗi phân tử nước (H2O), lượng là số nguyên tử tạo thành nó, tức 2 nguyên tử Hydro và một xuyên tử Oxy
  • Đối với mỗi quốc gia, lượng là dân số, diện tích lãnh thổ của nước ấy

Ở đây, tôi nhận thấy khái niệm này còn mơ hồ hơn cả khái niệm chất. Chúng ta đang đề cập tới khía cạnh lượng của “sự vật – hiện tượng”, mà sự vật hiện tượng ở đây bao hàm rất rộng, cả những gì là vật chất cầm nắm được cho đến những thứ vô hình, trừu tượng như suy nghĩ, lời nói, cảm xúc. Nếu như lượng của một vật chất cụ thể nào đó có thể tương đối dễ để hình dung ra, thì lượng của những thứ như suy nghĩ, cảm xúc, lời nói lại rất khó để hình dung ra chứ chưa nói đến việc xác định chính xác.

Quy luật lượng chất – Mơ hồ, mơ hồ và mơ hồ!

Trong sách có ghi: “Mọi sự vật và hiện tượng trong thế giới đều có mặt chất và mặt lượng thống nhất với nhau. Chất và lượng đều là thuộc tính vốn có của sự vật và hiện tượng, không thể có chất và lượng “thuần túy” tồn tại bên ngoài các sự vật hiện tượng, cũng như không thể có chất tồn tại ngoài lượng và ngược lại.”

Có đúng là như vậy không? Để phân biệt Cái ghế với các sự vật hiện tượng khác, ta cần dựa vào điều gì, chất liệu, cân nặng, số lượng chân, kích thước, hay thời gian, địa điểm làm ra chiếc ghế đó? Tất cả đều không phải, mà ta chỉ cần quan tâm đến một điều duy nhất, là chức năng của nó: nếu nó cho phép ta ngồi lên được thì đó được coi là ghế, chấm hết. Ta không cần quan tâm đến lượng của nó là gì, chỉ cần chất thuần túy là đủ để phân biệt rồi.

Trong sách tiếp tục ghi: “Sự biến đổi về chất của các sự vật và hiện tượng bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi về lượng. Sự biến đổi này diễn ra một cách dần dần. Quá trình biến đổi ấy đều có ảnh hưởng đến trạng thái chất của sự vật và hiện tượng, nhưng chất của sự vật và hiện tượng chưa biến đổi ngay.

Giới hạn mà trong đó sự biến đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất của sự vật và hiện tượng được gọi là độ.

Khi sự biến đổi về lượng đạt đến một giới hạn nhất định, phá vỡ sự thống nhất giữa chất và lượng thì chất mới ra đời thay thế chất cũ, sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ.

Điểm giới hạn mà tại đó sự biến đổi của lượng làm thay đổi chất của sự vật và hiện tượng được gọi là điểm nút.”

Trong khái niệm lượng đề cập ở phía trên, biểu hiện của lượng có thể là rất nhiều khía cạnh khác nhau như: trình độ phát triển (cao, thấp), quy mô (lớn, nhỏ), tốc độ (nhanh, chậm), số lượng (ít, nhiều) của sự vật và hiện tượng

Vậy thì một câu hỏi được đặt ra là, có phải bất kì biểu hiện nào của lượng thay đổi cũng sẽ dẫn đến chất thay đổi, hay chỉ có những biểu hiện nhất định nào đó của lượng mà thôi?

Nếu được đun nóng đến 100 độ C, nước sẽ bốc hơi, đó là vì nhiệt độ của nước đã vượt qua điểm nút, vậy thì nếu ta mang xô nước đó lên một độ cao khác, di chuyển sang một nơi khác hay đổ thêm nước khác vào thì nước đó có thay đổi gì hay không? Có thể nước cũng sẽ biến chất đấy, nhưng cái độ cần thiết để khiến nước vượt qua điểm nút và biến chất rất khó để xác định.

Từ đây, ta rút ra một bài học là muốn chất thay đổi, ta cần thay đổi đúng biểu hiện của lượng thì mới có kết quả. Một người muốn nâng cao cải thiện trình độ tiếng Anh thì người ấy cần tăng cường thời gian ôn luyện môn tiếng Anh chứ không phải tích cực đi chơi đá bóng.

Sự biến đổi về chất của các sự vật và hiện tượng bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi về lượng?

Có thật là như vậy không? Tôi biết có những sự biến đổi về chất không hề xuất phát từ sự thay đổi về lượng (theo như định nghĩa đã nêu). Ví dụ, cùng có số lượng nguyên tử C, H, O như nhau (C12H22O11), nhưng chúng ta có tới hai chất khác nhau là Saccarozo và Mantozo.

Đường mía – saccarozo (trái) vs Đường mạch nha – mantozo (phải)

Còn nữa, vẫn là số lượng các mảnh ghép như vậy, nhưng bạn có cho rằng đồ vật trong hình bên phải có nhiều giá trị hơn hẳn đồ vật bên trái?

Thứ để phân biệt cái này với cái khác đôi khi là cách chúng ta sử dụng nó như thế nào. Cùng là một cái ghế, nhưng nó là ghế nếu chúng ngồi lên nó, nhưng nó có thể trở thành mặt bàn nếu chúng ta ngồi phệt xuống đất!

Nếu không có cái bàn, mà bạn muốn ngồi làm bài tập môn GDCD thì bạn có thể ngồi phệt xuống đất và đặt sách vở lên ghế lắm chứ! (nguồn ảnh: thachthatdecor.com.vn)

4 responses

  1. Mr.Zero

    Tôi nghĩ nội dung này còn nhiều vấn đề, lượng và chất cần hiểu đa chiều hơn và không nên cứng nhắc. Ví dụ về không ai tắm hai lần trên một dòng sông, cứ coi dòng sống theo thời gian (dù là trong tích tắc – vì nước không đứng im bao giờ) đã không còn là dòng sông cũ, đó là chất đã thay đổi, và thời gian ở đây (dù là tích tắc) cũng là lượng vậy. Có nhiều trường hợp thì cần nhiều “lượng” hơn để nhận thấy “thay đổi rõ rệt” về “chất”, nhưng cơ bản thay đổi về lượng sẽ dẫn đến thay đổi về chất. Hình ảnh mô tình đồ chơi được lắp ghép trên bài viết cũng vậy, lượng ở đây là thời gian bỏ ra, tâm trí bỏ ra v.v….Như một người học tiếng Anh vậy, học một hôm so với không học cũng đã có khác, nhưng để rõ dệt rằng đã thông thao được tiếng Anh thì cần nhiều hôm hơn, lúc đó đủ “lượng” cần thiết nên “chất” đã thay đổi rõ rệt….

    1. Đạt Vũ

      Vấn đề chính mà muốn nhấn mạnh đó là các tài liệu không cho thấy được rõ ràng thế nào là Chất, thế nào là lượng khiến mối quan hệ của chúng cứ mơ mơ hồ hồ

  2. Trần Văn Hoàng

    Mình cũng đã bài viết của bạn, theo mình nghĩ thì tư tưởng của bạn rất rõ về vấn đề này, vậy thì mình cũng có thể hỏi lại là nếu bạn biết rõ sự không rõ ràng như vậy về vấn đề lượng-chất, liệu bạn có thể đưa ra 1 định nghĩa rõ ràng về vấn đề này cho những độc giả như mình? Bởi theo mình, bàn đến triết học thì các phạm trù thường không được rõ ràng như bạn cũng đã đề cập, ngay cả phạm trù “vật chất” cũng khiến các nhà triết học phải đâu đầu bởi tính khái quát cao của nó…

    1. Mình thấy mơ hồ không có nghĩa là mình đã hiểu rõ về nó. Bài viết chính là mình phân tích các điểm không rõ ràng của quy luật này.

Leave a Reply to Đạt Vũ Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *