Masanobu Fukuoka, một anti-realist đích thực

Xuất bản

Trong

Có lẽ cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm đã không còn xa lạ với nhiều người. Cuốn sách đã gây được tiếng vang khi tác giả cuốn sách, tiên sinh Masanobu Fukuoka giới thiệu phương pháp “không-làm-gì-cả” trong canh tác nông nghiệp. Rất nhiều cá nhân, tổ chức đã hưởng ứng phong trào này và gặt hái được những kết quả tích cực…

Trong bài viết này, tôi không bàn đến phương pháp canh tác nông nghiệp đặc biệt này mà chỉ bàn đến 2 luận điểm chủ yếu được tác giả sử dụng trong cuốn sách.

Bài viết này chia làm 3 phần. Phần đầu là trích các đoạn có chứa luận điểm của tác giả, phần hai là tóm tắt lại và giải thích các luận điểm này, phần 3 là ý kiến của tôi về luận điểm của tác giả.

Các trích đoạn

Tác giả áp dụng phương pháp tương tự như phương pháp kiểm sai trong khoa học:

Tư tưởng này hình thành đột ngột trong đầu khi tôi còn khá trẻ. Tôi đã không biết liệu sự thấu triệt, rằng mọi hiểu biết và nỗ lực của con người đều vô dụng, là có đúng hay không, nhưng nếu tôi thẩm xét những tư tưởng này và cố tìm cách xua đuổi chúng đi thì tôi lại không nhận thấy có điều gì trong bản thân mâu thuẫn với chúng cả. Chỉ có niềm tin đích xác này là còn cháy hoài trong tôi.

Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời tác giả, khiến tác giả viết cuốn sách này:

Một buổi tối, trong lúc lang thang, tôi khuỵu xuống vì kiệt sức trên một ngọn đồi nhìn ra bến cảng, cuối cùng dựa được vào một gốc cây to. Tôi nằm đó, chẳng ngủ cũng chẳng thức, cho đến tận bình minh. Tôi vẫn còn nhớ đó là buổi sáng ngày 15/05. Trong cơn mê mụ tôi ngắm nhìn khu cảng sáng dần, nhìn mặt trời ló dạng, nhưng bằng cách nào đó lại chẳng thấy gì hết. Gió thổi lên từ dưới triền dốc, sương sớm bỗng dưng tan biến. Đúng khoảnh khắc đó, một con diệc ăn đêm xuất hiện, kêu một tiếng chói tai, rồi bay mất về phía xa. Tôi có thể nghe được tiếng nó đập cánh. Trong khoảnh khắc, toàn bộ nghi ngờ lẫn màn sương u tối trong tôi đều tan biến. mọi thứ tôi vốn tin chắc, mọi thứ mà cho tới bây giờ tôi thường trông cậy vào đều cuốn đi cùng với gió. Tôi cảm thấy mình chỉ hiểu một điều duy nhất. Không nghĩ ngợi gì, lời lẽ từ miệng tôi bật ra: “Trong thế giới này chẳng có gì sất …” Tôi cảm thấy mình chẳng hiểu gì cả.

Tôi có thể nhận ra rằng mọi khái niệm mình từng bám víu vào, ngay chính cái ý niệm về bản thân sự tồn tại, cũng chỉ là những thêu dệt rỗng tuếch. Tâm trí tôi trở nên nhẹ nhàng, sáng sủa. Tôi nhảy nhót điên cuồng vì vui sướng. Tôi có thể nghe được tiếng những chú chim nhỏ kêu chiêm chiếp trên cây, và thấy những con sóng lấp lánh phía xa dưới vầng dương đang lên. Những chiếc lá cây nhảy múa, xanh và lóng lánh. Tôi cảm thấy rằng đây chính là thiên đường trên địa giới. Tất cả những thứ từng chiếm lấy tâm hồn tôi, mọi thống khổ, đều biến mất, tựa những giấc mơ, những ảo ảnh, và rồi một thứ gì đó mà người ta gọi là “bản tính thực” hiển lộ. Có thể nói không ngoa khi nói rằng từ trải nghiệm của buổi sáng hôm đó, cuộc đời tôi đã thay đổi toàn bộ.

Tư duy theo hướng bản thể học:

Cách thông thường để phát triển một phương pháp là đặt câu hỏi: “Thử cái này xem sao?” hoặc “Thử cái kia xem sao?” […] Còn cách của tôi thì ngược lại. […] Cách nghĩ của tôi là “Không làm điều này thì sao nhỉ? Không làm điều kia thì sao nhỉ?”

Con người có thể hiểu được tự nhiên hay không?

Các nhà khoa học nghĩ rằng họ có thể hiểu được tự nhiên. Đấy chỉ là lập trường của họ. Bởi niềm tin đó, nên họ bỏ công khảo sát tự nhiên và phải đưa nó vào sử dụng mới thôi. Nhưng tôi nghĩ việc hiểu được tự nhiên nằm ngoài tầm với của trí tuệ loài người.

Đọc thêm: Khoa học là gì

[…]

Tại sao hiểu được tự nhiên lại là điều bất khả. Thứ được nhìn nhận là tự nhiên chỉ là ý tưởng về tự nhiên nảy ra trong tâm trí mỗi người mà thôi. Những kẻ thấy được tự nhiên thực thụ là những đứa trẻ. Chúng nhìn nhận mà không suy nghĩ, thẳng tuột và trong sáng. Thậm chí nếu chỉ gọi tên cây cối, một cây quýt thuộc họ cam quýt, một cây thông thuộc họ thông thì tự nhiên đã không còn được thấy trong đúng nguyên bản của nó nữa. Một đối tượng được nhìn tách biệt khỏi tổng thể thì không còn là thứ có thực nữa.

[…]

Điều khôi hài là khoa học chỉ có tác dụng làm rõ rằng tri thức của loài người mới nhỏ bé làm sao.

Tri thức phân biệt và tri thức bất phân biệt

Nguyên do của tất cả những sự mơ hồ này là ở chỗ, có hai lối đi của tri thức loài người – phân biệt (discrimination) và bất phân biệt (non-discrimination). Người ta thường tin rằng nhìn nhận thế giới không lầm lẫn là điều có thể có được chỉ qua việc phân biệt. Vì thế, cái từ “tự nhiên” như thường được đề cập là hàm ý một tự nhiên như nó được tiếp nhận bởi trí phân biệt.

Tôi chối từ cái hình ảnh rỗng tuếch về tự nhiên được tạo ra bởi trí não con người như thế, và tôi cũng phân định rạch ròi giữa nó với bản thân tự nhiên – như được trải nghiệm bởi sự hiểu biết bất phân biệt. Nếu chúng ta xóa bỏ đi được khái niệm sai lầm về tự nhiên đó, tôi tin rằng căn nguyên của sự hỗn loạn trên thế giới sẽ biến mất.

Ở phương Tây, khoa học tự nhiên được phát triển từ tri thức phân biệt; ở phương Đông triết lý về âm dương và về KD được phát triển từ cùng một nguồn như thế. Thế nhưng chân lý khoa học không bao giờ có thể đạt tới chân lý tuyệt đối, còn các triết thuyết, sau cùng thì chẳng có gì khác hơn những diễn giải về thế giới. Tự nhiên như được nắm bắt bởi tri thức khoa học là một thứ tự nhiên đã bị phá hoại, nó là một bóng ma chiếm hữu một bộ xương, nhưng chẳng có linh hồn. Tự nhiên như được nắm bắt bởi tri thức triết học là một lý thuyết được tạo ra từ sự ức đoán của con người, một bóng ma với một linh hồn và không có kết cấu.

Chẳng có cách nào khác để có thể nhận ra được tri thức bất phân biệt, ngoại trừ bằng trực giác, nhưng người ta lại cố nhét nó vào một cái khuôn quen thuộc bằng việc gọi nó là “bản năng”. Thực ra nó là tri thức tới từ một nguồn không thể đặt tên. Hãy bỏ lại tâm trí phân biệt và vượt qua thế giới tương đối nếu ta muốn biết bản chất thật sự của tự nhiên. Tự khởi đầu chẳng hề có Đông hay Tây, chẳng có bốn mùa, không cả âm hay dương.

[…]

Nếu ta hỏi một nhà khoa học hương vị là gì, ông ta sẽ cố định nghĩa nó bằng cách tách riêng các thành phần khác nhau ra và bằng cách xác định tỷ lệ cảu chua, cay, mặn, ngọt, đắng. Nhưng hương vị không thể được định nghĩa bằng phân tích hay thậm chí bằng đầu lưỡi. Dù cho năm vị này được lưỡi cảm thụ, nhưng những ấn tượng lại được thu thập và diễn dịch bởi tâm trí.

Tóm tắt và giải thích luận điểm

Ngôn bất tận ý hay ý tại ngôn ngoại

Tư tưởng này rất quen thuộc. Ngôn ngữ giống như những phương tiện, vỏ bọc để mô tả sự vật hiện tượng, không thể hiện bản chất của sự vật, vì thế chúng ta đừng để cái vỏ bọc này giới hạn tâm trí của chúng ta khi tư duy về bản chất sự vật.

Ví dụ, hai khái niệm “Cái bàn” và “Cái ghế” không phải là tuyệt đối tách biệt. Bởi vì, nếu cái ghế là thứ dùng để ngồi lên thì trong một số trường hợp, người ta cũng có thể ngồi lên bàn, lấy bàn làm cái ghế.

Cho nên nếu tư duy theo hướng phân biệt rạch ròi, cái gì ra cái đấy, cái ghế là cái ghế, cái bàn phải là cái bàn thì sẽ dẫn đến nhiều sai lầm.

Mặc dù có nhiều người hiểu được điều này nhưng ngôn ngữ có sức mạnh vô hình của nó, và ảnh hưởng của nó đến tư duy của chúng ta là một vấn đề phức tạp và nhiều khi không tránh khỏi:

Đọc thêm: https://spiderum.com/bai-dang/Neu-muon-tu-duy-khong-toi-thi-dung-tu-duy-theo-tieng-Viet-gms

Anti-realism

Luận điểm thứ 2 mà tác giả nhắc đến đó là hạn chế của các nghiên cứu khoa học. Việc các nhà khoa học khám phá tự nhiên có thể được minh họa bằng hình vẽ sau:

Trong hình vẽ trên, hình oval thể hiện TỰ NHIÊN, tức là môi trường tự nhiên xung quanh con người. Thật ra dùng hình oval để minh họa vậy thôi chứ TỰ NHIÊN là một thứ gì đó rất mơ hồ và không có giới hạn nào cả.

Các hình vẽ nhỏ hơn là các học thuyết khoa học (triết thuyết theo như cách gọi trong sách) nhằm giải thích một số hiện tượng tự nhiên nào đó. Nhưng theo quan điểm của tác giả, những học thuyết này sẽ luôn luôn có giới hạn vì vạn vật trong thiên nhiên có liên kết chặt chẽ, tạo thành một thể thống nhất, và thể này là bao la vô hạn. Giống như câu chuyện thầy bói xem voi, mỗi học thuyết, nếu may mắn chỉ mô tả được một bộ phận của con voi mà không thể hiểu được hình dáng tổng thể của nó.

Luồng tư tưởng không tin tưởng vào khoa học này còn có tên gọi là anti-realism, mời các bạn đọc thêm ở link này:

https://diendat.net/chu-nghia-phan-thuc-anti-realism/

Ý kiến của tôi

Về vấn đề ý tại ngôn ngoại, tôi thừa nhận rằng ngôn ngữ chỉ là cái vỏ bọc, là công cụ để mô tả sự vật chứ không nêu lên bản chất của sự vật. Nhưng nếu như thế thì chúng ta không sử dụng ngôn ngữ nữa sao? Rõ ràng là không thể. Nhưng ngữ nghĩa hoàn toàn có thể được thống nhất theo một tiêu chuẩn nào đó nhờ vào cộng đồng. Để hiểu rõ hơn, mời các bạn đọc bài viết này: https://diendat.net/tuan-thu-quy-tac/

Tác giả bài viết, tiên sinh Fukuoka cho rằng, chính khoa học là không cần thiết và chính khoa học phá vỡ đi trật tự vốn có của tự nhiên, nhưng tôi lại nghĩ thế này.

Nếu ta coi con người cũng là một tạo vật của Thiên Nhiên như bao loài động vật khác thì sao? Một ngày đẹp trời, Thiên Nhiên tạo ra muôn loài trên trái đất này: các loài thực vật, các loài động vật, các loại địa hình sông núi… Thiên Nhiên tạo ra con trâu thích ăn cỏ, con gà thích ăn thóc, con cá thích bơi dưới nước, con chim thích bay lượn trên bầu trời, con giun thích sống trong lòng đất, và con người với một cấu tạo cơ thể đặc biệt lại thích khám phá, thay đổi môi trường xung quanh theo ý mình. Nếu như vậy, việc loài người thực hiện các khám phá khoa học cũng hoàn toàn mang tính chất tự nhiên đấy chứ, cớ sao lại cho rằng đó là một quá trình tách biệt với tự nhiên?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *