[Phần 1] Tri thức và niềm tin hợp lý

Xuất bản

Trong

Tri thức là gì? Nó đến từ đâu? Làm thế nào nhận biết cái đúng?, Khi nào thì một kiến thức chúng ta có là đúng đắn?… Những câu hỏi như thế này là chủ đề nghiên cứu của cả một nhánh triết học mang tên Nhận thức luận (epistemology). Và trong phần này của series Tri thức và niềm tin hợp lý (knowledge and justified belief) chúng ta sẽ cùng giải quyết câu hỏi “Tri thức là gì?”, hay “biết” một điều là như thế nào?”

Phép phân tích khái niệm

Để bóc tách và làm rõ khái niệm tri thức, chúng ta sẽ dùng phép phân tích khái niệm (conceptual analysis) , nghĩa là đặt ra một hệ thống các điều kiện cần thỏa mãn để sự hiểu biết xảy ra, các điều kiện này khi đứng riêng lẻ là điều kiện cần và khi thỏa mãn cùng nhau sẽ tạo ra điều kiện đủ. Kiểu như: bạn chỉ được coi là biết một điều khi và chỉ khi bạn thỏa mãn tất cả các điều kiện mà phép phân tích khái niệm bên trên đưa ra. Diễn giải điều trên theo một công thức tổng quát, ta sẽ có:

Bạn biết P khi và chỉ khi các điều kiện nhất định thỏa mãn

(với P là bất cứ điều gì)

Nếu bạn không thỏa mãn ít nhất 1 trong số các điều kiện được đặt ra, mệnh đề “bạn biết P” là sai, tức bạn không hề biết P. Bạn buộc phải thỏa mãn tất cả các điều kiện để được coi là biết P. Và như vậy thì tập hợp các điều kiện nhất định kia khi thỏa mãn cùng nhau sẽ tương đương với việc bạn biết P, thế thì nói là “bạn biết P khi và chỉ khi bạn biết P” cũng không sai. Nhưng nếu chỉ dừng ở việc đặt cả hai vế của một suy luận tương đương với nội dung y hệt nhau thì chẳng giải quyết được gì. Đó là lý do chúng ta sẽ đến với phần tiếp theo – tìm hiểu những điều kiện cần và đủ để “bạn biết P”- những điều kiện để kiến thức có mặt.

_______________________________

Tại sao như vậy? Chúng ta dùng từ “biết” rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn, “Nga biết rằng chồng cô ấy đang cặp bồ”, câu này mặc định việc chồng Nga đang cặp bồ là đúng và đọc nó lên thôi chúng ta cũng tự động hiểu điều đó. Ở đây sự kiện “chồng Nga đang cặp bồ” nhất định đúng, vì nếu chồng Nga chung thủy thì ta không thể dùng từ “biết” ở trong câu, có thể Nga đang nằm mơ hoặc ảo tưởng mà thôi. Tương tự như vậy thì trong trường hợp có người B mắng bạn là “Tao biết mày là đứa biến thái”, nếu việc “B biết bạn là đồ biến thái” là đúng thì bạn chính là đồ biến thái.

Một điều kiện trên chắc chắn là chưa đủ bởi có vô số sự thật chúng ta không biết đến. Thực tế là sự hiểu biết đối với một điều luôn đi kèm với niềm tin và sự tự tin rằng điều đó là đúng, thành ra mệnh đề “Bạn biết P khi và chỉ khi bạn tin vào P” khá thích hợp để trở thành điều kiện số 2. Một trong những cách khiến người ta bỏ lỡ một kiến thức là họ không thể khiến bản thân tin vào điều đó đúng chứ? Tuy nhiên, nói đến đây một số người có thể đưa ra một kiểu niềm tin rằng: “nhưng nhiều lúc tôi cũng tin rằng một việc là đúng nhưng vẫn không dám chắc đấy thôi.” Hiểu biết còn phải đi kèm với sự quả quyết rằng điều mình tin tưởng là sự thật nữa. Cân nhắc biện luận đó, chúng ta có điều kiện số 2:

2 điều kiện xem chừng còn quá ít nếu đặt trong trường hợp bạn mắc chứng hoang tưởng. Giả dụ trong cơn hoang tưởng bạn tin chắc rằng tôi đang đến để bắt bạn đi, bạn không thể biện giải cho việc đó, nhưng niềm tin với nó bạn có thừa. Và sự thật động trời ở đây là: Tôi đang đến để bắt bạn, phải, đó là sự thật. Có thể những lần khác điều bạn hoang tưởng không xảy ra nhưng lần này nó là sự thật. Dĩ nhiên ta không thể nói rằng “độc giả biết admin Diendat.net đang đến để bắt họ đi”. Lúc này niềm tin, sự quả quyết của bạn với việc bị bắt không được biện minh bằng chút lý lẽ nào cả. Qua đây chúng ta có điều kiện số 3:

3 điều kiện trên liệu đã đủ để sự hiểu biết xảy ra hay chưa? Nhiều triết gia từng tin như vậy. Plato từng coi những lý lẽ tương tự như trên là phép phân tích về kiến thức. Trong nhiều thế kỷ, sự phát triển của chủ đề triết học về kiến thức và cái biết còn khá trầm cho đến năm 1960, một triết gia tên Darius Gettier đã vực nó dậy và đem đến cho chúng ta những cái nhìn mới về vấn đề này. Rằng 3 điều kiện bên trên, đúng là điều kiện cần khi nằm riêng lẻ, nhưng vẫn không thể đủ để “bạn biết P” khi đồng thỏa mãn.

Các trường hợp Gettier

Những năm 60, Darius Gettier đã đưa ra một loạt trường hợp mà ông cho rằng sẽ là ví dụ phản chứng cho bộ 3 điều kiện ta đã có ở trên, chứng minh rằng 3 điều kiện trên là chưa đủ. Trong các trường hợp này, cả 3 điều kiện về sự thật, sự quả quyết và lý lẽ đều thỏa mãn, nhưng bạn vẫn không biết P.

______________________

Trường hợp Tuấn và Đạt

Giả dụ có 2 nhân vật Tuấn và Đạt cùng đến một buổi phỏng vấn việc làm. Khi ấy là những năm 60 và mọi người còn dùng tiền xu, Tuấn và Đạt cũng là 2 ứng cử viên duy nhất cho vị trí đó.

Ngồi đợi một lúc thì Tuấn than rằng không có đủ tiền để bắt xe về nhà, anh ta móc trong túi quần ra một nắm 10 đồng tiền xu và bắt đầu đếm.

1, 2, 3, 4…..10!

Lúc móc tiền xu Tuấn đã lộn cả mặt trong của túi ra ngoài. Và bảo rằng mình đó là tất cả số tiền mình có. Tuấn có 10 đồng xu.

Đạt thấy vậy chỉ nói “Ờ, 10 đồng thì chắc ông phải cuốc bộ hơi xa đấy.”

Tuấn bỏ nắm tiền vào túi, và hai người lại trò chuyện bình thường.

Đạt bước vào phỏng vấn và đi ra trong khổ sở. Cuộc phỏng vấn có vẻ rất căng thẳng và không như ý muốn. Người tuyển dụng tỏ ra cực kỳ nghiêm túc và bất ngờ nói với Đạt rằng Tuấn sẽ là người trúng tuyển. Rằng đạt kém xa Tuấn và anh không đủ tiêu chuẩn. Sau khi bước ra Đạt rất chán nản và đinh ninh nhiều điều, một trong số đó là niềm tin “người trúng tuyển có 10 đồng xu trong túi”.

Và, đó là sự thật – niềm tin của Đạt là đúng. Nhưng ở đây sự việc không đúng theo cách Đạt nghĩ. Thái độ gay gắt của người phỏng vấn, những câu hỏi lắt léo cùng thông tin rằng Tuấn sẽ trúng tuyển, thực chất chỉ là một thử thách của công ty đưa ra để kiểm tra độ rắn rỏi của Đạt, vì công việc này đòi hỏi khả năng che giấu cảm xúc khi gặp tin xấu. Đạt mới là người trúng tuyển.

Hơn nữa, Đạt cũng có 10 đồng xu trong túi, nhưng anh không hề hay biết, anh chỉ biết trong túi mình có một mớ đồng xu lóc xóc nhưng không biết trong đó có 10 đồng. 

Vậy trong trường hợp này, Đạt thỏa mãn cả 3 điều kiện bên trên: 

  1. Đạt trúng tuyển.
  2. Anh tin chắc là người có 10 đồng xu sẽ trúng tuyển.
  3. Anh có khả năng biện giải cho niềm tin về người trúng tuyển của mình. 

Nhưng ta vẫn không thể coi là Đạt biết người có 10 đồng xu sẽ trúng tuyển. Đó là ví dụ gốc của Gettier.

Có thể bạn sẽ thấy trường hợp trên khá dài dòng và hơi cổ lỗ, hành động của nhân vật còn kỳ cục nữa. Không khó để tự thiết lập một ví dụ Gettier, chẳng hạn như những gì bài viết này đã làm từ mục trước. Bạn, độc giả, đã thực sự tin rằng chúng ta đang nói về ông triết gia Gettier, một người mang họ Darius, và bạn đã sai. Họ của Gettier thực ra là Edmund – Gettier Edmund. Và trước khi được tôi kể nghe sự thật, với niềm tin sai lầm này, bạn đã đi đến một loạt kết luận sai khác, chẳng hạn bạn tin rằng họ của Gettier có chữ A/có chữ R/có chữ I,..hoặc, họ của ông ta có chữ D, một niềm tin đúng. Vậy là:

  1. Họ của Gettier đúng là có chữ D
  2. Bạn dám chắc là họ của ông ta có chữ D (vì bạn đã tin vậy mà)
  3. Niềm tin của bạn dựa trên uy tín của bài viết này – một bài viết từ đầu đến giờ luôn trình bày những lý lẽ rất khắt khe và xác đáng, và của diendat.com – trang web về tư duy uy tín chuyên cung cấp những kiến thức hữu ích và được xác thực.

Dù đã thỏa mãn cả 3 điều kiện trên, kiến thức của bạn về chữ D trong tên ông triết gia vẫn không đúng. Và ta cần có thêm điều kiện. Năm 1963 khi Gettier công bố kết luận này, nó đã tạo ra một thử thách cho nhiều triết gia và những học giả có hứng thú với phép phân tích khái niệm tri thức. Điều tiếp theo cần giải mã là điều kiện thứ tư (hoặc nhiều hơn) cần thêm vào là gì để tất cả chúng tạo thành điều kiện đủ. Có vẻ như điểm khúc mắc chung ở cả hai ví dụ về Đạt và họ của Gettier là việc niềm tin của chủ thể tư duy được suy luận từ một niềm tin sai lầm. Như vậy ta có điều kiện thứ 4:

4 điều kiện trên liệu đã đủ? Kinh nghiệm khi đọc bài viết này từ đầu đến đây hẳn đã mách bảo bạn câu trả lời rồi. Chúng ta sẽ khởi tạo những trường hợp mới hơn để biện luận ngay sau đây.

Vùng đất chuồng bò 1: Tri thức cũng cần sự bén nhạy

Alvin Goldman đã đặt ra một thử nghiệm tư duy như sau:

Thử tưởng tượng bạn lái xe qua một cung đường xuyên qua một vùng quê thanh bình với những ngọn đồi thấp trập trùng, rất nhiều trong số các quả đồi đó có một cái chuồng bò ở trên đỉnh.

Mỗi lần nhìn thấy một cái chuồng, bạn lại đánh dấu trong trí nhớ, kiểu “cái chuồng này đẹp nhỉ,..ồ bên đây còn cái nữa, chuồng kia màu hồng à, đoạn này có cái làm bằng gỗ,…vv” Lúc sắp ra khỏi cung đường thì bạn nhìn lên ngọn đồi cuối cùng, một ngọn đồi nằm trơ trọi một mình một chỗ, trên đỉnh có cái chuồng bò nhỏ xinh, và bạn cũng “à, lại một cái chuồng bò nữa”.

Nhưng thực ra, cung đường bạn vừa đi qua chỉ là một phim trường do một đạo diễn phim lập lên. Ông yêu cầu bối cảnh phim phải có thật nhiều chuồng bò nằm trên đỉnh các ngọn đồi, vậy nên họ chỉ dựng lên những mặt tiền của chuồng bò mà thôi, chứ không dựng nguyên cái chuồng lên vì rất tốn tiền. Vị đạo diễn đã cho dựng mặt tiền lên từng ngọn đồi một, chỉ trừ có ngọn đồi cuối cùng vì trên ấy có cả một cái chuồng bò sẵn rồi. Thành thử, khi bạn nhìn lên ngọn đồi cuối và nghĩ rằng đó là một cái chuồng, sự hiểu biết của bạn về nó đã thỏa mãn cả 4 điều kiện đã cho, hãy thử tự đối chiếu lại, đặc biệt bạn thỏa mãn điều kiện số 4 vì bạn đã tin vào mắt mình, bạn không suy nghĩ và cũng không suy luận từ đâu cả. Nhưng thực chất, bạn không biết rằng trên ngọn đồi ấy có cái chuồng bò.

Đúng là bạn đã tin vào sự thật nhờ may mắn, bạn đã đúng, nhưng đó là nhờ may mắn mà thôi, vì tỉ dụ như trên ngọn đồi cuối cùng không có cái chuồng bò nào, hoặc ông đạo diễn đặt mặt tiền lên tất cả các ngọn đồi để bạn nhìn thấy thì sao? Niềm tin của bạn vẫn vậy, bạn vẫn sẽ ngây ngô trỏ vào tấm mặt tiền và bảo rằng đó là chuồng bò. Bạn không thể có kiến thức về cái chuồng bò đích thực duy nhất mà nhà làm phim đã tìm được ở cuối cung đường. Từ đó có thể kết luận rằng hiểu biết không thể dựa trên sự may mắn, và ta có thể đưa kết luận này vào danh sách các điều kiện của phép phân tích khái niệm mà ta đang xây dựng dưới dạng sau:

*Gốc: sensitive – niềm tin của bạn phải bén nhạy, trong đó, tính bén nhạy được thể hiện khi: nếu P không xảy ra thì bạn không tin P (trong trường hợp bên trên, điều kiện 5 không thỏa mãn vì nếu trên ngọn đồi chỉ là mặt tiền thì bạn vẫn tin nó là chuồng bò).

Vùng đất chuồng bò II: Tri thức cần sự chuẩn xác

Nếu xem xét cả biến thể của trường hợp chuồng bò sau đây nữa, thì tôi e rằng 5 điều kiện vẫn là chưa đủ.

Giả định vẫn cung đường, các ngọn đồi và các mặt tiền được dựng lên đó, bạn vẫn lái xe qua và ngắm nghía những mặt tiền. Nhưng ở phiên bản này trên ngọn đồi cuối cùng không có gì cả, không có chuồng thật cũng không có mặt tiền luôn. Ngọn đồi trọc lốc. Điều này sẽ khiến bạn nghĩ rằng “ơ, đồi này không có chuồng bò như mấy cái kia, kỳ ghê”. Vậy, bạn thỏa mãn cả 5 điều kiện trên kia, nhưng kết luận rằng “bạn biết rằng không có cái chuồng bò nào trên đỉnh đồi cuối” xem ra vẫn khó chấp nhận.

Lý do là, trong lúc lái xe vòng quanh, bạn đã phạm phải vô số niềm tin sai lầm khác: kia là chuồng màu hồng – bạn sai, chuồng này làm bằng gỗ – bạn sai, chuồng phía trước có 2 tầng – bạn sai, và sai hết thảy. Nhận định cuối cùng của bạn là đúng chỉ nhờ sự tình cờ, như một điểm đúng đắn trong cả biển sai lầm. Làm sao ta có thể coi điều đó là hiểu biết được. Nên chúng ta cần bổ sung 1 điều kiện nữa – điều kiện 6:

Vùng đất chuồng bò III: Tri thức cần sự uy tín

6 điều kiện cho sự hiểu biết xảy ra thực ra vẫn chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn một ví dụ phản chứng nữa dưới dây. Tạm gọi là phiên bản 3 của trường hợp chuồng bò giả bên trên.

Giả định rằng cung đường bạn lái xe qua chỉ là một phần rất nhỏ của vùng đất chuồng bò rộng lớn được đạo diễn kia dựng lên mà thôi. Giữa hàng trăm mặt tiền chỉ có dăm ba cái chuồng bò thật. Hầu hết mọi người đi qua đây cũng mắc phải sai lầm khi phân biệt chuồng thật và mặt tiền. Nhưng rồi bạn gặp một vận may hiếm có: đoạn đường bạn lái xe vòng qua, một cách tình cờ, đã để lộ ra trước góc nhìn của bạn tất cả những cái chuồng thật, và chỉ những cái chuồng thật.

Vậy tất cả những nhận định bạn sẽ có về những cái chuồng trên con đường bạn đi là đúng, bằng một vận may cực kỳ hiếm có, vì điều tương tự sẽ không xảy ra nếu bạn chọn đi bất cứ cung đường nào khác. thành ra, mặc dù thỏa mãn cả 6 điều kiện, ta vẫn không thể nói rằng bạn biết trên ngọn đồi cuối cùng có cái chuồng bò. Không tin thì hãy cứ thử liên hệ bản thân, nghĩ xem nếu có ai đó nghe về chuyện bạn được nhìn toàn những cái chuồng thật, họ có cho đó là đáng tin không? Không. Nhận định của những người thiếu hiểu biết về vùng đất chuồng bò giả, về phần đa là hoàn toàn sai. Vậy cớ gì phải nghe lời họ, lý do gì để cho rằng người qua đường này có tri thức về vùng đất chuồng bò giả? Bất luận anh ta có ăn may lái xe qua đúng cung đường hiếm đi chăng nữa. 

Và như thế chúng ta cần điều kiện thứ 7. Việc diễn ngôn điều kiện thứ 7 này là một việc khá hóc búa và dễ nhầm lẫn. Cơ bản thì nó sẽ là: phương pháp bạn dùng để có được nhận định về P phải là những phương pháp xác tín. Những phương pháp này không những giúp ích cho bạn trong việc nhận ra P, mà còn hiệu quả trong những trường hợp tương tự, chẳng hạn như trong ví dụ này, kể cả khi bạn lái xe qua những con đường khác của vùng đất, chúng vẫn hiệu quả. Phương pháp tin vào mắt nhìn mà bạn dùng trong trường hợp này thành thử lại không phải là một phương pháp đáng tin cậy, không nên dùng nó ở vùng đất chuồng bò giả. 

Rốt cuộc, 7 điều kiện trên đã đủ để cho bạn cơ hội biết điều P hay chưa? Chúng đã bao trùm hết các khả năng của phép phân tích khái niệm tri thức hay chưa? Câu trả lời còn tùy thuộc vào định nghĩa của bạn về “phương pháp xác tín” là gì. Nhiều triết gia về Nhận Thức luận ngày nay còn đang bắt tay vào xử lý câu hỏi “Một phương pháp phải như thế nào thì mới được coi là xác tín”, Còn nhiệm vụ của chúng ta có lẽ nên dừng ở đây và tiến tới tìm hiểu mục đích tối thượng của tất cả những phân tích này – tại sao cần quan tâm về tri thức?

Tại sao cần quan tâm về tri thức?

Tại sao cần quan tâm về tri thức? Tại sao phải bận tâm về việc một người có thỏa mãn một mớ những điều kiện lắt léo hay không? Thử đơn cử hai điều kiện 6 và 7 trước:

  • Phần lớn niềm tin của bạn về những vấn đề cùng loại với P là chính xác.
  • Phương pháp bạn dùng để có được nhận định về P phải là những phương pháp xác tín

Giả sử tôi đi mua một cái máy điều nhiệt (thiết bị đo và điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh) tại một shop. Tôi cầm lấy 1 cái ở quầy và nhìn màn hình, máy hiện 24.5°C. Câu đầu tiên tôi hỏi hẳn sẽ là: “nhiệt độ trong phòng này có đúng là 24.5°C hay không?” Tôi phải đảm bảo rằng đây là một cái máy tốt, và hỏi vậy thôi là chưa đủ. Tôi phải nghĩ rằng 1 giờ trước, sáng nay, hay đêm qua, cái máy đều đọc đúng nhiệt độ, phải nghĩ rằng cơ chế đo đạc và hiển thị của cái máy về nhiệt độ phòng nhìn chung là chính xác, và cái máy luôn nhạy bén với mỗi thay đổi trong nhiệt độ. Chẳng hạn như tôi sẽ bỏ nó vào tủ lạnh, vào lò, vào nhiều môi trường khác nhau để tin rằng nó đo đúng. Nếu nó đo đúng trong tất cả những thử thách tôi đặt ra, tôi có thể tin tưởng giao phó cái điều hòa nhà tôi cho nó.

Chúng ta cũng cần những người bạn và người tri âm như vậy. Ta muốn họ không chỉ thành thật với ta ngay lúc này, mà còn trong quá khứ và trong mọi hoàn cảnh khác, đó là điều tạo nên sự đáng tin cậy của một con người. Người như vậy mới đáng để ta trân trọng và tin tưởng. Để kiểm tra xem một người có tố chất này không, bạn chỉ cần hỏi người đó xem họ biết những gì.

Bây giờ hãy xem xét điều kiện 5 – nếu P không xảy ra thì bạn không tin P. Điều kiện này quan trọng hơn bạn tưởng, đặc biệt là trong một số tình huống pháp lý: 

Giả sử có một vụ đâm xe xong bỏ trốn trong thành phố, một vụ phạm tội. Trên hiện trường sót lại một vệt sơn mà qua đó ta biết ngay rằng đó chỉ có thể là từ các xe taxi trong thành phố, mà trong thành phố chỉ có 2 hãng xe taxi với tổng cộng 1000 xe. Trong 1000 xe đó có tới 995 xe là của công ty Đỏ, 5 cái còn lại của công ty Xanh. Biết rằng đó là tất cả những chứng cứ bạn tìm được về vụ tai nạn, làm thế nào tìm ra công ty chịu trách nhiệm cho vụ việc?

Với 99,5% xe Đỏ gây ra, bạn có khá nhiều lý do để tin rằng công ty này chính là thủ phạm, đại loại là trong 1000 con xe ngoài kia hầu như tất cả đều của công ty Đỏ. Nhưng bạn không thể đem lý lẽ này đi thuyết phục toà án thành phố xử tội công ty Đỏ. Tiền lệ cho thấy không ai chấp nhận lý lẽ này cả vì nó chỉ là một phép thống kê. Và dẫu cho các phép thống kê này mạnh mẽ đến mức bạn có thể cực kỳ chắc chắn về tội trạng của ai đó, chúng vẫn chưa đủ để đảm bảo kết luận là đúng. Dưới đây là lý do.

Vẫn vụ đâm xe cũ, nhưng lần này chúng ta có thêm một nhân chứng, và bây giờ trong 1000 taxi của thành phố có 500 xe xanh và 500 đỏ. Nhân chứng nói rằng bà ta đã thấy xe đỏ gây ra vụ việc. Bà này đã già, đeo kính lão nhưng nhìn chung khá minh mẫn nên tôi không có gì nhiều để nghi ngờ lời bà nói. Nhưng, tôi đã làm một cuộc điều tra ngầm nữa về độ tin cậy của con người này. Kết quả là 99,5% các lần bà này nói đúng, chỉ có 0.5%, tức 1/200 là sai. Thành ra tôi đi đến kết luận có 99.5% khả năng công ty Đỏ phạm tội. Lý luận này đủ chặt chẽ để bạn đem ra tòa làm bằng chứng buộc tội công ty Đỏ và có thể thắng kiện.

 Vậy nếu ở trường hợp 1 bạn vội vã kết tội công ty Đỏ vì con số 99.5% xe trong thành phố thuộc về họ, công ty Xanh sẽ biết rằng: bất kể họ có đâm chết bao nhiêu người đi nữa, công ty đỏ sẽ luôn chịu tội thay cho họ vì con số 99,5% kia. Vì suy luận của chúng ta không bén nhạy với thực tế, Xanh đã bị cổ xúy, nó có làm thì ta vẫn đổ tội cho Đỏ.

Qua đây ta thấy việc xem xét tính bén nhạy của niềm tin so với thực tế là rất quan trọng. Thông tin bạn biết chỉ có giá trị khi nếu nó không xảy ra thì bạn không tin nó, và muốn thuyết phục người khác thì đừng khăng khăng với những bằng chứng thống kê đơn thuần.

Tri thức – knowledge là tất cả những gì Nhận thức luận đang cố gắng mổ xẻ. Và nhiệm vụ lớn nhất của Nhận thức luận là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi Tri Thức là gì và làm sao để có nhiều tri thức hơn. Nhà triết học lỗi lạc Descartes – người chúng ta sẽ nói đến trong phần 2 của series này sẽ đem đến cho các bạn một giả thuyết thú vị không kém – rằng tất cả chúng ta hiểu biết ít hơn mình tưởng rất nhiều.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *