[Phần 1] Ý chí tự do và thuyết tất định

Xuất bản

Trong

,

Series 3 phần này mình dịch từ khoá học https://learning.edx.org/course/course-v1:MITx+24.00x+2T2018/home

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo đã đạt được những thành tựu đáng nể, ví dụ như cô nàng Robot Sophie có thể trò chuyện một cách rất thông minh với con người bằng những biểu cảm trên gương mặt hết sức tự nhiên. Hay những chương trình AI biết đánh cờ, biết chơi game. Nhưng có lẽ bạn sẽ đồng ý với tôi một điều rằng, cho dù những cỗ máy có thông minh đến cỡ nào đi chăng nữa, nó cũng không thể giống như bạn. Vì chúng chỉ hoạt động theo những chương trình được lập trình sẵn. Bạn thì khác, bạn có sự tự do, bạn tự do hành động theo ý mình. Nhưng điều gì khiến bạn tự do, và liệu rằng, sau khi bạn nhận ra điều gì khiến bạn tự do rồi, thì bạn có cảm thấy mình tự do nữa hay không. Đó là điều chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết này.

Khả năng chịu trách nhiệm về mặt đạo đức, ý chí tự do và khả năng hành động khác đi

Trước tiên, hãy tưởng tượng một tình huống sau. Tôi có 1 tờ 200k, 1 tờ 100k trên mặt bàn. Một anh bạn tên là Tuấn đến nhà tôi chơi, tôi xuống bếp pha một tách cafe mời anh ấy. Tuấn thấy mấy tờ tiền đó trên bàn của tôi. Tất nhiên anh ta có thể hành động như sau: lấy tờ 200k, 100k hoặc không làm gì cả. Và việc lấy tiền mà chưa có sự đồng ý của tôi được coi là một hành động ăn cắp.

Bây giờ cứ cho là Tuấn thực hiện một trong số các hành động trên: lấy tờ 200k bỏ túi. Hãy tập trung vào hành động này của Tuấn.

Nếu như tôi phát hiện ra Tuấn lấy 200k của tôi, tôi hoàn toàn có thể trách mắng anh ta vì hành động ăn cắp vặt. Nếu số tiền đó không phải 200k mà là tiền triệu thì tôi có thể tố giác Tuấn với công an. Ngược lại, nếu như Tuấn không làm gì cả với những thứ đó trên bàn thì tôi có thể khen ngợi, biểu dương Tuấn vì thấy Tuấn ngay thẳng. Như thế tức là Tuấn có khả năng chịu trách nhiệm đạo đức về những hành vi của mình.

Tuấn chỉ có thể chịu trách nhiệm đạo đức về những hành vi của mình nếu như Tuấn hành động dựa trên ý chí tự do của anh ta, tức là anh ta thực hiện việc đó mà không hề có bất kì sự giàng buộc nào. Nếu như tôi và Tuấn thoả thuận trước với nhau rằng, nếu như đến nhà tôi mà gặp mấy tờ tiền đó trên bàn, Tuấn phải lấy tờ 200k bỏ vào túi, thì Tuấn không phải chịu trách nhiệm đạo đức cho hành vi của mình.

Và Tuấn chỉ hành động tự do khi và chỉ khi Tuấn có những lựa chọn hành động khác để sử dụng. Rõ ràng, nếu Tuấn không chọn tờ 200k, thì tuấn còn có thể chọn tờ 100k hoặc không làm gì cả. Trong tình huống này, không có ai đứng đó ép buộc Tuấn phải lấy tờ 200k nhét vào túi cả.

Vậy nói một cách tổng quát, khi bạn thực hiện một hành động nào đó, có 2 đặc tính có thể có của hành động này:

  • Khả năng chịu trách nhiệm về mặt đạo đức: tức là tôi hoặc một ai đó có thể chê trách, chỉ trích hay khen ngợi, tuyên dương bạn vì bạn đã làm điều đó.
  • Khả năng thực hiện một hành động khác: tức là nếu như không thực hiện hành động đó, thì bạn còn có thể thực hiện một hành động nào đó khác đi hay không.

Khi thực hiện một hành động, bạn phải chịu trách nhiệm đạo đức cho hành động đó khi mà chỉ khi bạn thực hiện nó một cách tự do. Và bạn chỉ thực hiện tự do khi và chỉ khi bạn có ít nhất một lựa chọn khác ngoài lựa chọn thực hiện hành động đó.

Thuyết tất định có tương thích với việc “Chịu trách nhiệm về mặt đạo đức”?

Trước khi tìm hiểu khái niệm về Thuyết tất định, chúng ta hãy cùng quay lại ví dụ về hành động lấy tờ tiền 200k của tôi đặt trên bàn lúc trước. Hãy tưởng tượng có 3 khả năng dẫn đến hành động này.

Tuấn, robot

Tuấn, bạn tôi thật ra là một con robot. Nhưng vì công nghệ chế tạo robot bây giờ tinh vi quá nên tôi không phân biệt được mà cứ tưởng đó là bạn tôi thật. Tuấn làm việc trong một công ty chế tạo robot nên Tuấn đã sử dụng chính khuôn mặt mình để làm mô phỏng khuôn mặt cho con robot của công ty anh ta. Anh ta cố tình gửi con robot này đến nhà tôi để thử nghiệm các thuật toán và công nghệ mới mà công ty anh mới nghiên cứu phát triển được.

Tuấn, Bản thiết kế

Trong tình huống này, Tuấn không làm việc trong một công ty chế tạo robot nữa mà làm việc trong một bệnh viện tối mật của chính phủ. Họ chuyên thực hiện các nghiên cứu về cơ thể con người. Tuấn là người trưởng nhóm và cũng là người tình nguyện cho thí nghiệm mới nhất của bệnh viện. Các bác sĩ đồng nghiệp của Tuấn đã thực hiện hàng nghìn cuộc phẫu thuật trên cơ thể của Tuấn, chỉnh sửa lại các gen, các dây thần kinh, các mạch máu, các cơ, các tế bào… để sao cho Tuấn cứ đến nhà tôi mà nhìn thấy tờ 200k là anh ấy sẽ nhét vào túi mình.

Tuấn, Bản thiết kế lỗi

Trường hợp này giống y như trường hợp trên, chỉ có điều chủ đích ban đầu của các bác sĩ là thiết kế ra một anh Tuấn thờ ơ với tiền nhưng chẳng may, bản thiết kế đó lại gặp một lỗi khiến Tuấn cứ nhìn thấy tờ tiền nào có mệnh giá 200k nào là Tuấn nhặt lấy bỏ túi liền.

Trong cả 3 tình huống trên, điểm chung là việc Tuấn sẽ lấy tờ tiền 200k được đảm bảo chắc chắn xảy ra. Sở dĩ tôi đưa ra ba tình huống giả định này là để minh hoạ cho một học thuyết triết học có tên gọi là Determinism.

Determinism, hay còn gọi là thuyết tất định (hoặc tiền định), học thuyết cho rằng có những quy luật tự nhiên hoàn toàn chi phối thế giới của chúng ta: Với bất kì sự kiện nào có thể xảy ra trong tương lai, thì những quy luật của tự nhiên cộng với những điều kiện ban đầu của thế giới sẽ khiến sự kiện đó xảy ra hoặc không xảy ra.

Hình minh hoạ phía trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm này. Giả sử có tồn tại 2 thế giới là Thế giới 1, Thế giới 2, có 2 sự kiện có thể xảy ra ở tương lai tương ứng là e1 và e2. Nếu như những điều kiện ban đầu và những quy luật tự nhiên của 2 thế giới này là như nhau thì e1 và e2 cũng sẽ luôn luôn giống nhau.

Có một khái niệm mà thoạt đầu nghe, chúng ta rất dễ lầm tưởng rằng nó được suy ra từ Thuyết tất định. Đó là khái niệm Khả năng dự đoán chính xác tuyệt đối: Đối với bất kì sự kiện nào có thể xảy ra trong tương lai, chúng ta có thể biết chính xác được nó có xảy ra hay không nếu ta biết những điều kiện ban đầu của thế giới và những quy luật của tự nhiên. Tuy nhiên điều này không đúng. Vũ trụ, dù có tất định, thì chúng ta cũng không thể dự đoán những gì sẽ xảy ra từ bên trong. 

Ví dụ, chúng ta cần hình dung, nếu như tôi là một người trong vũ trụ đó, cho dù tôi có biết rõ về những điều kiện ban đầu của vũ trụ đó hay những quy luật của tự nhiên đi chăng nữa, thì giả sử như Tuấn biết trước dự đoán của tôi rằng anh ta sẽ lấy tờ 200k, thì a ta sẽ cố tình làm khác đi, lấy một tờ mệnh giá khác hoặc không lấy nữa. Còn nếu tôi đoán anh ta sẽ không lấy tờ 200k,  thì anh ta sẽ lại lấy để làm hỏng dự đoán của tôi. Chúng ta chỉ có thể dự đoán chính xác nếu như chúng ta đặt tách mình ra khỏi vũ trụ. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra trong lý thuyết chứ không bao giờ xảy ra trong thực tiễn.

Van Inwagen, giáo sư triết học đại học Notre Dame cho rằng, nếu thuyết tiền định là đúng, thì bạn không thể làm gì khác ngoài những gì bạn làm, vì thế bạn không có ý chí tự do, và do đó bạn không phải chịu trách nhiệm đạo đức về những gì bạn làm.

Tuy nhiên lại có quan điểm cho rằng, cho dù thuyết tất định có đúng hay không, thì chúng ta vẫn không thể làm khác những gì mình đã làm. và như vậy chúng ta không có ý chí tự do, và không phải chịu trách nhiệm đạo đức về những điều mình đang làm.

Thật ra lập luận này rất giống với lập luận trước đó. Chỉ có điều nó sẽ thêm điều kiện là “những sự kiện vi mô không thể kiểm soát được” (undetermined quantum events). Chính những yếu tố không kiểm soát được này khiến cho Thuyết tiền định không đúng, nhưng có điều chính chúng ta cũng không thể nào kiểm soát được những yếu tố ngẫu nhiên này. Chính vì thế, mặc dù Thuyết tiền định có không chính xác đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn không thể làm chủ hoàn toàn được những hành vi của chúng ta.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *