[Phần 2] Tri thức và niềm tin hợp lý

Xuất bản

Trong

Ở phần 1, chúng ta đã có phần phân tích thú vị về kiến thức (knowledge) – một đối tượng lý thú, thứ mà ai cũng thèm muốn và mong mỏi chinh phục, bạn đang đọc bài viết này cũng vì nó mà thôi. Nhưng Kiến Thức là gì? 7 điều kiện cần và đủ đã được đưa ra để làm tiêu chuẩn cho sự hiểu biết. Bạn chỉ biết nếu bạn thỏa mãn cả 7 điều kiện:

Trong phần 2 này tôi sẽ tập trung vào một câu hỏi rất khác – Liệu chúng ta có tri thức hay không? Nếu có thì bao nhiêu?, bởi lối biện luận rằng con người có ít tri thức hơn họ tưởng rất nhiều đã trở thành một truyền thống trong triết học. 

Trong nỗ lực giải quyết câu hỏi trên, chúng ta vốn đã bị chẹt ngay từ hệ quả của điều kiện thứ 3: Bạn có lý lẽ để biện giải cho niềm tin về P. Làm thế nào ta có thể biện giải một điều? làm sao chứng minh sự quả quyết trước niềm tin mình có với P? Có một việc nhất định phải làm là loại bỏ trường hợp P sai. Sau đây là một số ví dụ để các bạn dễ hình dung hơn.

Thuyết Hoài Nghi – Skeptical hypotheses

Ví dụ 1:

Chẳng hạn tôi, tôi nói rằng “tôi biết là An còn đang ở cơ quan”. Tôi và An là đồng nghiệp và có buồng làm việc ngay cạnh nhau. Tôi vừa mới từ chỗ làm về và lúc đấy An vẫn còn nói chuyện điện thoại nên tôi biết An vẫn còn ở đó. Bạn nghe tôi nói xong có thể bật lại “bạn có chắc là An vẫn còn đó không? Bạn có loại trừ được trường hợp An nhận một cuộc gọi khẩn cấp và vội chạy ra đường bắt taxi về ngay sau đó không? Hoặc bất cứ chuyện gì có thể xảy ra để An không ở lại chỗ làm nữa”

Có thể tôi sẽ đáp rằng “à ừ, vậy có thể An đã làm những việc đó và cô ấy không còn ở chỗ làm vậy”. Tôi không thể nói “ừ có thể An không ở chỗ làm, nhưng tôi biết là cô ấy có ở đấy”. Nhận thức của tôi về khả năng xảy ra của những trường hợp bất ngờ bao hàm nhận thức về khả năng An đã rời chỗ làm, và bao hàm cả kết luận “Tôi không biết là An có ở chỗ làm”.

Ví dụ 2:

Chị Nga đem xe hơi đến chỗ anh Vững, một chuyên viên cơ khí để kiểm tra tổng thể. Vững thấy không có gì bất thường, anh đã kiểm tra tất cả và chỉ chừa lại má phanh. Với kinh nghiệm làm việc lâu năm anh cho rằng với một con xe G93 mới cóng như vậy thì má phanh chưa thể nào bị mòn được, 1000 xe họa mới có 1. Chị Nga đến và hỏi Vững: “Xe tôi đang ở điều kiện vận hành tối ưu chứ?”, Vững đáp: “Vâng, xe chị đang ở điều kiện vận hành tối ưu.” Nhưng nếu Nga hỏi Vững: “Khoan đã, có khả năng phanh đã bị mòn cơ mà.”, Vững bảo ừ, Nga nói “Vậy anh có thể loại trừ khả năng đó không? Anh có dám nói là anh biết cái má phanh không bị mòn hay không?”

Dĩ Nhiên Vững phải trả lời rằng anh không thể loại trừ khả năng nọ, nó hoàn toàn có thể xảy ra, việc Vững biết chiếc xe đang ở điều kiện vận hành tối ưu là không đúng bất luận tỷ lệ phanh bị mòn có nhỏ đến đâu, bất luận kinh nghiệm làm việc của anh ta chắc chắn đến mức nào. Sự tồn tại của khả năng phanh bị mòn khiến vững không bao giờ biết được chiếc xe có còn tốt hay không.

________

Hai ví dụ trên đã chỉ ra rằng, nếu bạn không thể loại trừ khả năng một điều không xảy ra, thì bạn không thể nói rằng bạn biết điều đó. Theo đó thì những gì tôi tưởng như tôi biết lại hóa ra sai.

Trong thuật ngữ triết học, những khả năng tương tự như việc An không có ở chỗ làm hay má phanh bị mòn được gọi chung là giả thuyết hoài nghi (skeptical hypotheses). Các thuyết hoài nghi có vai trò như sau: khi người tự xưng nói “tôi biết một điều”, người hoài nghi sẽ đáp: “à thế à, vậy để tôi vẽ ra một giả thuyết hoài nghi ở đây” Và với giả thuyết đó, sự hiểu biết của người tự xưng sẽ hóa ra sai lầm. Khi ấy người hoài nghi sẽ chất vấn người tự xưng rằng anh ta có chắc chắn giả thuyết kia sẽ không xảy ra hay không, dĩ nhiên câu trả lời là không, rốt cuộc tuyên bố về tri thức của người tự xưng bị bác bỏ.

Những sự việc như thế không hề trừu tượng mà xảy ra hàng ngày trong đời sống. Truyền thống đặt ra những giả thuyết hoài nghi của triết học đã có từ lâu, ít nhất là từ thời Descartes và chưa kể những nhà hoài nghi Hy Lạp cổ, những người đặt ra chất vấn với bất cứ lời tuyên bố nào về tri thức. Nhưng với Descartes, tham vọng của ông là chứng minh một giả thuyết hoài nghi có thể áp dụng lên tất cả mọi vật, mọi sự kiện, đó cũng là những gì chúng ta sắp tìm hiểu dưới đây.

Hai giả thuyết hoài nghi tổng quát của Descartes

1. Thuyết hoài nghi thứ nhất

René Descartes (1596-1650) là triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp, được một số người xem là cha đẻ của triết học hiện đại.

Để biện giải cho lý thuyết rằng chúng ta không biết phần lớn những gì chúng ta cho là mình biết, Descartes viết về giả thuyết thứ nhất như sau: Lúc đó ông đang ở tuổi 40 và bắt đầu nghĩ: “chà, có vô số thứ mình cứ nghĩ là mình biết, nhưng hóa ra mình chẳng hề biết chúng. Sẽ tuyệt biết mấy nếu mình có thể dựng lên một hệ tư tưởng, với hệ tư tưởng đó mình có thể hoàn toàn quả quyết về mọi sự, về từng chi tiết, rằng nền tảng của hệ tư tưởng đó là tuyệt đối vững chắc.” Nghĩ đoạn ông bắt tay vào xây dựng nó, nhưng rồi ông chợt nhận ra “trời ạ, việc này quá khó, vì thực ra mình không thể dám chắc về những gì mình tưởng như đang tin chắc. Bằng lý tính mình có thể hoài nghi về bất cứ niềm tin nào mình có.”

Và Descartes bắt đầu phát triển một ví dụ nhằm mô phỏng phương pháp chung để tìm ra điểm hoài nghi đối với tri thức. Descartes mô phỏng rằng ông đang khoan khoái ngồi bên lò sưởi, vào một ngày đông giá lạnh ở Pháp. Và ông bắt đầu nghĩ: “thực tại đang hiển lộ thật quá rõ ràng, dĩ nhiên tôi biết là mình đang ngồi cạnh lò sưởi.” Tuy nhiên theo ông, kể cả những cảm giác, cảnh tượng này vẫn không tránh khỏi nanh vuốt của thuyết hoài nghi. Lý do là gì? Nếu Descartes đang mơ thì sao? làm sao ông có thể loại bỏ khả năng đó, rằng ông cứ nghĩ là mình đang ngồi bên lò sưởi, nhưng thực ra ông đang nằm trùm chăn trên giường. Descartes nói rằng ông không thể loại trừ khả năng đó, vì thường khi người ta đang mơ, người ta vẫn hay tưởng rằng mình tỉnh táo. Có thể đôi khi bạn mơ thấy mình nằm mơ, nhưng trong giấc mơ lồng đó bạn vẫn nghĩ rằng mình tỉnh. Tất cả những gì ta thấy và cảm nhận chung quanh đã bị giới hạn trong thế giới giấc mơ, và vì thế ta không thể loại bỏ khả năng mình nằm mơ được. Kết quả là Descartes không thể chắc chắn rằng mình đang ngồi cạnh lò sưởi. Hay theo cách nói của chúng ta về tri thức, Descartes không biết rằng ông ta đang ngồi cạnh lò sưởi. Đó là thuyết hoài nghi thứ nhất của Descartes.

2. Thuyết hoài nghi thứ hai

Như vậy chúng ta có thể hoài nghi về bất cứ thứ gì giác quan mình tiếp nhận trong thực tại, chẳng hạn như cảm giác về hình hài và kết cấu của thế giới vật chất. Bạn cho rằng khi mình nằm ngủ thì vẫn có một thế giới vật chất đang tồn tại khách quan. Điều tương tự, theo Descartes, xảy ra với hình học, tức là kể cả khi bạn đang mơ thì các lý thuyết đại số và hình học vẫn đúng, 2+2=4 vẫn đúng,…nhưng Descartes cho rằng cần phải nghi ngờ cả những lý thuyết này nữa, phải tìm ra một giả thuyết hoài nghi mạnh mẽ hơn. 

Ông đặt ra câu hỏi rằng liệu mình có thể bác bỏ khả năng 2+2=4 hay không, có thể loại trừ khả năng thế giới bị thao túng bởi một con tinh quỷ dối lừa (evil genius) hay không? Con tinh quỷ này tiêm nhiễm vào đầu ông vô số ý nghĩ, trong đó có cả niềm tin rằng 2+2=4 mặc dù sự thật là 2+2=5. Với giả thuyết này thì các lý thuyết và định luật khoa học cũng không còn chắc chắn nữa, hình hài vật lý cũng không chắc chắn có thật. Có thể cả ta lẫn con quỷ đều là những thực thể vô hình, và bất cứ khi nào tư duy của ta đến gần với sự thật về bản chất của thế giới, con tinh quỷ sẽ lèo lái chúng ta ngược trở lại với thế giới vật chất trong mơ. Chúng ta không thể loại trừ khả năng về con tinh quỷ quyền năng này, nghĩa là không thể chắc chắn về sự tồn tại của một thế giới vật chất, 2+2 cũng không chắc chắn là 4 nữa. Chúng ta không biết về thế giới vật chất xung quanh.

Xem ra đã có quá nhiều hiểu biết bị tước khỏi Descartes qua giả thuyết thứ 2 này. Vậy còn điều gì sót lại hay không? Descartes cho rằng thứ duy nhất còn lại là giả thuyết rằng ông có tồn tại. Giả thuyết về con tinh quỷ vẫn không thể chạm vào sự tồn tại của ông, dù điều đó xem chừng khá ít ỏi.

Mài sắc lý lẽ của Descartes

Giả thuyết về con tinh quỷ thực ra vẫn chưa thể hiện hết ý đồ của Descartes. Ý tưởng cơ bản của Descartes bao gồm 2 trường hợp, tạm gọi là trường hợp thật (good case) và trường hợp ảo (bad case). Trường hợp thật là thực tại xung quanh đúng là những gì chúng ta cảm quan được, với 2+2=4, các định luật khoa học là đúng,… Trường hợp ảo là thế giới xung quanh chỉ là ảo tưởng do con quỷ bơm vào suy nghĩ của ông. Theo Descartes, ta không thể loại trừ trường hợp ảo vì tất cả những bằng chứng và suy luận chúng ta có thể có về thực tại đều đồng nhất với những gì ta có trong trường hợp ảo. 

Liệu có đúng như vậy không? Hãy thử xem xét lại ví dụ toán học 2+2=4. dù đang ở trong trường hợp thật hay bị tinh quỷ thao túng, chúng ta vẫn tin rằng 2+2=4. Nhưng biện giải cho niềm tin vào 2+2=4 không phải là “vì tôi nghĩ rằng 2+2=4”, mà là vì tôi thấy vậy, luận giải của tôi phải minh bạch hơn, vì hiển nhiên là một cặp này thêm vào một cặp khác sẽ được 1,2,3,4 – bốn cặp. Thành ra 2+2=4 không nhất thiết phải suy ra từ đâu đó trong suy nghĩ hoặc niềm tin mà có thể được biện luận một cách khách quan. Điều này có thể bẻ gãy lý luận của Descartes vì ông mới đề cập đến niềm tin 2+2=4 được biện giải qua suy nghĩ chủ quan. Ít ra thì lý luận của ông vẫn đúng với những hiện tượng khoa học khó cảm quan, những hiện tượng mà ta chỉ có thể tin và biết đến nhờ sự hiểu. Giống như cách ta tin vào vi phân và tích phân vì biết rằng các nhà toán học đã chứng minh chúng vậy. Có thể chính niềm tin về các nhà toán học cũng là do con tinh quỷ cấy vào, trong khi thực tế chẳng có ai chứng minh những phép toán đó cả. 

Chúng ta có thể phản bác thử nghiệm tư duy đầu tiên của Descartes về giấc mơ bên lò sưởi tương tự như cách ta đã chứng minh tính khách quan của 2+2=4 ở đoạn bên trên không? Có thể lắm.

Thử xét lại hai trường hợp thật và ảo. 

Tôi có thực sự biết rằng mình không hề nằm mơ?

Tôi có thực sự biết rằng trường hợp ảo là sai?

Descartes trả lời là không. Vì tất cả bằng chứng và lý lẽ tôi có để phân biệt hai trường hợp đều là 1, vì chúng có thể lồng vào nhau. Descartes đã lường trước được một kiểu lý luận rằng chưa chắc chúng ta không thể phân biệt được giữa thực tại và ảo mộng. Đại loại là sự thật thì luôn rõ nét và chi tiết và có thể đoán biết trong khi giấc mơ thường mơ hồ và không rõ ràng, ông phản hồi rằng: có thể chính cảm giác rõ ràng và chi tiết của chúng ta cũng là vì con quỷ thao túng mà có, thực tại về bản chất cũng mờ nhòa như một giấc mơ nhưng con quỷ khiến ta nghĩ rằng “chà, mọi thứ hiển lộ thật rõ ràng rành mạch”.

Vậy là mặc dù có các trải nghiệm rõ nét, ta vẫn không thể loại bỏ trường hợp ảo, nhưng nên nhớ trường hợp đó chỉ xảy ra nếu tất cả bằng chứng ta có về thế giới thực chỉ dừng ở “cảm giác rõ nét”. Có người sẽ cho rằng: bằng chứng rằng trường hợp ảo không có thật, không phải là cảm giác rõ ràng mà chúng ta có đối với trải nghiệm, mà là sự rõ ràng của trải nghiệm tác động lên ta và khiến ta cảm nhận rằng mình không nằm mơ. Hãy thử liên hệ bản thân ngay lúc này, bạn có cho rằng mình đang nằm mơ không? Bạn nghĩ có khả năng đó không? Không đúng chứ? Đúng vậy, vì thực tại đang hiển hiện một cách rõ nét và mạch lạc, đây không phải thứ trải nghiệm bạn có trong mơ. 

Ngày nay, những người khai thác hệ thống lý luận của Descartes đã phát triển một giả thuyết hoài nghi mới toàn diện hơn và có khả năng bao quát hết những ý đồ của Descartes. Giả thuyết này khá quen thuộc với các tín đồ sci-fi – giả thuyết bộ não trong thùng.

Thuyết bộ não trong thùng – brains in vats

Ý tưởng cơ bản của thuyết này như sau: chúng ta chỉ là những bộ não đặt trong các cái thùng, ngâm trong một loại chất lỏng đặc biệt và các tín hiệu não được tạo ra nhờ những dây điện từ bên ngoài nối vào truyền đến. Các tín hiệu này cho ta cảm giác ngồi bên lò sưởi, ngụy tạo cảm giác êm ái từ sofa và hơi ấm từ lửa. Những hình ảnh não phân tích được cũng là từ các tín hiệu điện mà mớ dây truyền đến. Bằng cách đó chúng ta chỉ là những bộ não ướp tưởng bở rằng mình có thân thể và được trải nghiệm hết cái này đến cái kia trong một thế giới thực. Những gì xảy ra với não bạn ở trường hợp thật tương đương với những gì bộ não ở trường hợp ảo trải qua. Tức việc loại trừ trường hợp ảo là bất khả thi vì dù là ở trường hợp nào, trải nghiệm của bạn đều rõ nét như nhau.

Chừng như phiên bản này của trường hợp Descartes thứ nhất đã đặt ra một thử thách hóc búa cho những nhà phản biện, nhưng như thế không có nghĩa là không ai cãi lại được, dưới đây là một vài phản bác khá nổi bật.

Phản biện của Moore – đừng quay lưng với những gì hiển nhiên

George Edward Moore (1873-1958) là một triết gia người Anh

Triết gia G.E Moore lần đầu đề xuất phản biện này vào đầu thế kỷ 20. Ý nghĩ thúc đẩy ông làm việc này là: các lý lẽ của Descartes đã đưa chúng ta đến một nơi, một vùng nhận thức mới. Và vùng đất này quá điên rồ đến nỗi ắt hẳn phải có gì đó sai lầm trong lý luận của ông ta. Để cho dễ hiểu, Ý tưởng của Descartes sẽ được trình bày dưới dạng lập luận với các câu tiền đề và kết luận. Trước hết hãy quy ước các thuật ngữ như sau đây:

  • “Không bị ướp”: giản thể của trạng thái bạn không phải là bộ não trong thùng và không bị thao túng bởi các tín hiệu điện bên ngoài.
  • “Tay”: giản thể của trạng thái bạn thực sự có bàn tay.

Lập luận sẽ như sau:

  • Tiền đề 1: Bạn không biết rằng không bị ướp là đúng, bạn không thể loại trừ khả năng nó sai, rằng bạn tin vào việc mình không phải là một bộ não không có tay đang ảo tưởng về thực tại.
  • Tiền đề 2: Bạn biết rằng nếu tay là đúng, thì không bị ướp cũng đúng.
  • Tiền đề 3: Trong bất cứ giả thuyết nào, nếu như bạn biết a, mà bạn biết rằng a đúng sẽ kéo theo b đúng, thì bạn biết b.(Đây là một quy luật tư duy thể hiện cách vận hành của sự hiểu biết, dựa trên quy tắc modus ponens). Có vẻ nó khá chặt chẽ và khó bẻ. 

=> Kết luận: Bạn không biết rằng mình có tay.

Trên đây là một lập luận hợp lệ. Nhưng thật vô lý khi lập luận này có các tiền đều đúng nhưng lại sai ở kết luận. Tại vì:

Hãy tưởng tượng một tình huống có thể xảy ra trong đó tất cả các tiền đề đều đúng. Khi tiền đề 2 nói riêng là đúng, vậy bạn biết rằng nếu có bàn tay thì không bị ướp. Nhưng đó cũng là một tình huống mà tiền đề 3 đúng – nếu bạn biết rằng bàn tay là đúng, thì bạn biết rằng không bị ướp là đúng. Ở đây tiền đề 1 cũng đúng nên Bạn không biết rằng không bị ướp là đúng.

Vì vậy một tình huống như vừa rồi nhất định xảy ra khi mà bạn không biết rằng bàn tay là đúng, bạn không biết rằng bạn có tay. Lập luận này có hợp lý hay không? Vâng, điều đó phụ thuộc vào việc các tiền đề có đúng hay không. Để ý kỹ tiền đề một và tiền đề ba xem chúng có đúng không? Hai tiền đề này nghe có vẻ đúng khi tôi giải thích cho bạn rằng chúng là quy luật modus ponens. Bản thân chúng nghe cũng có chút gì đó giống sự thật, tương tự như mệnh đề rằng bạn không biết mình là một bộ não ướp. Chúng ta chỉ không hoàn toàn tự tin rằng nó đúng mà thôi. Vậy bây giờ hãy nhìn vào kết luận, bạn sẽ nghĩ nó không thể là sự thật, đó là quan điểm của Moore. Moore yêu cầu chúng ta hãy làm điều này, hãy tạm dừng tại đây và làm thử, đưa hai bàn tay lên trước mắt và nhìn – chẳng phải quá hiển nhiên rằng bạn có tay hay sao? Đấy không phải tay thì là cái gì? Còn thứ gì trên đời rõ ràng hơn thế nữa? Moore nói rằng với những lập luận hợp lệ nhưng tiền đề có tiền đề mờ ám và kết luận hiển nhiên sai như trên, thì tất cả những gì lập luận thể hiện ra là một trong những tiền đề của nó sai.

Tính hợp lệ của lập luận đảm bảo rằng không thể có chuyện tất cả các tiền đề là đúng mà kết luận lại sai. Nếu kết luận rõ ràng sai, một trong những tiền đề phải là sai. Vì vậy, chúng ta không nên phản ứng với lý lẽ của Descartes theo kiểu, trời ơi, hóa ra trước giờ mình không hề có tay, ngoài kia không phải trời mưa và người yêu mình không có thật. Phản ứng chúng ta cần có là ý thức rằng những nguyên tắc này, giống như quy luật modus ponens, giống như chúng ta không biết rằng mình không phải là bộ não trong thùng, ý tưởng đó hẳn là sai. Đó là phản ứng của Moore.

Đây là những gì Descartes có thể nói có cơ hội trả lời Moore: “Đúng, ông cực kỳ tự tin rằng ông có tay. Tất nhiên, bất kỳ lập luận nào, bất kỳ lập luận hợp lệ nào, nếu nó đi đến kết luận rằng ông không có tay sẽ là một lập luận tồi với một tiền đề sai. Và phản ứng của ông đối với chúng hẳn nhiên sẽ là truy xét xem để xem tiền đề nào là sai. Nhưng tôi không lập luận để kết luận rằng ông không có tay, tôi đang đưa ra một lập luận để kết luận rằng ông không biết rằng mình có tay. Và nó không liên quan đến việc ông cực kỳ tự tin rằng ông biết mình có tay.” “Những gì chúng ta đang làm ở đây là cố gắng hiểu tri thức là gì, và khi chúng ta cố gắng hiểu tri thức là gì, chúng ta khám phá ra rằng việc chinh phạt kiến thức thật khó khăn, trong khi trước đây khi chưa nhận ra rằng để biết một thứ yêu cầu sự thỏa mãn tất cả những điều kiện nhất định, chúng ta từng cho rằng tri thức là một thứ thật dễ đạt được. “Và vì vậy, ông bạn G.E. Moore, ông đừng nên khơi chuyện với lòng tự mãn rằng mình biết tất cả mọi thứ. Ông nên bắt đầu với một thái độ mà trong triết học gọi là defeasible – cởi mở và tiếp thu.”

Phản biện II đến từ Nozick

Robert Nozick ((1938-2002), triết gia người Mỹ

Robert Nozick cũng đã đưa ra phản biện thứ hai trước lý luận của Descartes. Nozick nói rằng khi chúng ta vẽ ra toàn bộ những suy luận hoài nghi này, ta đã thủ sẵn một kết luận sai lầm.

Lập luận sẽ như sau:

Cụ thể, kết luận sai được rút ra được từ những ví dụ đó, tính cả ví dụ về thợ máy và An ở phần 1, khi ta kết luận rằng thợ máy Vững không biết rằng chiếc xe đang tuyệt đối ổn vì anh ta không thể loại trừ khả năng phanh bị mòn, thành ra chiếc xe không ổn. Và ta đã đồng ý rằng để có tri ​​thức về một điều đòi hỏi bạn phải loại trừ được khả năng điều đó sai. Và tương tự, ta đã có kết luận rằng tôi không biết rằng Sally đang ở trong chỗ làm vì tôi không thể loại trừ khả năng cô ấy vừa rời khỏi đó trong phút chót. Và vì vậy, việc tôi không thể loại trừ khả năng khi những gì tôi tưởng mình biết là sai khiến tôi không biết điều đó.

Nozick nói, điều trên không đúng. Đó là một suy luận cẩu thả. Đúng là trong những ví dụ trên Vững không biết rằng chiếc xe còn tốt, tôi không biết An đang trong văn phòng. Nhưng không thể lấy đó làm lý do để xác định xem điều gì làm cho sự thiếu tri ​​thức của chủ thể trở thành lỗ hổng khiến điều kiện 5 để xác lập kiến thức không thỏa mãn.

Điều kiện 5 nói rằng tôi biết rằng p chỉ khi, nếu p không xảy ra thì tôi cũng sẽ không tin P. Nhưng Vững không thỏa mãn điều kiện đó. Anh tin rằng chiếc xe còn tốt, anh chắc chắn rằng chiếc xe hoàn toàn ổn. Nhưng nếu chiếc xe không ổn vì phanh bị mòn, anh vẫn sẽ tin rằng chiếc xe còn tốt. Sự tin chắc của anh không bén nhạy với tình trạng của chiếc xe. Nếu chiếc xe không ổn thì đó là vì má phanh đã bị mòn. Và nếu má phanh bị mòn, Vững sẽ chẳng thể biết điều đó vì anh ta không bao giờ kiểm tra phanh cho chiếc xe đó. Vì vậy, Vững không thỏa mãn điều kiện thứ năm của kiến ​​thức. Tương tự như vậy tôi cũng giống Vững vì tôi không đời nào quay lại văn phòng để kiểm tra, tôi vẫn ngồi nhà và tin rằng An đang ở chỗ làm không cần biết cô ấy có rời nơi đó không – tôi không bén nhạy với sự thật. 

Vì vậy, không nên khăng khăng rằng để có tri ​​thức ta phải loại trừ được khả năng mình sai. Chúng ta chỉ nên nhấn mạnh rằng điều kiến tri ​​thức đòi hỏi là: trường hợp nếu sự thật khác đi, thì bạn cũng sẽ có một thái độ khác.

Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng lý luận trên vào các lập luận hoài nghi? Nozick cho rằng trong một trường hợp như trường hợp bộ não trong thùng, những gì thực sự đang diễn ra là đây: 

Tôi biết rằng tôi có tay.

Tại sao tôi biết rằng tôi có tay?

Chà, bởi vì tôi rõ ràng là có tay và tôi cực kỳ tự tin rằng mình có tay.

Và hơn nữa, nếu tôi không có tay, thì tôi đã không tự tin vào việc mình có tay đến mức ấy. 

Giả dụ tôi không có tay, thì tay tôi vừa bị chặt hoặc tôi bị cụt tay từ trước, tôi sẽ biết rằng tôi không có tay. Vì vậy, nếu sự thật khác đi, thái độ của tôi cũng sẽ khác. 

Với bộ não trong thùng thì sự việc sẽ hơi khác một chút. Tôi không biết rằng tôi không phải là một bộ não trong thùng. Bởi vì mặc dù tôi chắc chắn, rất chắc chắn rằng mình không phải là một bộ não trong thùng, tôi vẫn không biết điều đó. Bởi vì nếu nó không đúng, nếu tôi không không là một bộ não trong thùng, tức là nếu tôi là một bộ não ướp, thì tôi vẫn sẽ tin, vẫn quả quyết, rằng tôi không phải là một bộ não ướp trong thùng vô dụng. Vì vậy, Nozick nói, tôi biết rằng tôi không có bàn tay, mặc dù tôi không biết rằng tôi không phải là một bộ não trong thùng.

Ông đã đã phủ định tiền đề 3 trong lập luận hoài nghi, tiền đề dựa theo quy tắc modus ponens. 

Tiền đề 3 nói, đối với mệnh đề a, b bất kỳ, nếu bạn biết rằng A, và bạn biết rằng nếu A thì B, thì bạn biết rằng b.

Nhưng theo Nozick, những trường hợp này cho thấy nguyên tắc đó là sai. Bạn biết rằng bạn có tay, và bạn biết rằng nếu bạn có tay, thì bạn không phải là một bộ não ướp. Nhưng bạn không biết rằng bạn không phải là một bộ não ướp trong thùng. 

Đây có phải là câu trả lời thỏa đáng cho cuộc tranh luận? Có thể còn chút gì đó lấn cấn ở đây, vì bản thân tiền đề 3 có rất nhiều điểm hợp lý. Hãy tưởng tượng rằng bạn và tôi đang thảo luận về bàn tay và bộ não ướp, bạn bảo “Yeah, tôi biết tôi có tay.”, tôi nói, “Ồ, khoan. Thế thì, bạn biết bạn không phải là một bộ não vô hại trong thùng?” Bạn trả lời là ơ không không, tôi không biết rằng tôi không phải là một bộ não trong thùng, tôi có thể là nó. Và tôi đáp, “Nhưng bạn nói bạn biết bạn có bàn tay cơ mà.” Và bảo, “Tôi biết tôi có bàn tay, mặc dù tôi không biết rằng tôi không phải là một bộ não trong thùng”.

Nghe thật kỳ cục. Có vẻ như trong cuộc đối thoại trên bạn vẫn chưa nắm bắt được tri thức là gì. Rốt cuộc, nếu bạn biết bạn có tay, thì bạn phải biết rằng bạn không phải là bộ não. Làm thế nào bạn vừa biết rằng bạn có bàn tay vừa không biết rằng bạn không phải là một bộ não ướp trong một cái thùng? Vì vậy, Nozick dường như đang mắc phải một thiếu sót quan trọng nào đó trong khái niệm tri thức của chúng ta.

Phản biện III – Sống chung với lũ

Đây là phản hồi cuối cùng trước lý luận của Descartes mà chúng ta sẽ xét tới trong bài viết này: Descartes đã đúng. Hãy để ông ta thỏa lòng, chúng ta không biết hầu hết mọi thứ về thế giới bên ngoài, nhưng chuyện đó chẳng quan trọng mấy, ít quan trọng hơn nhiều so với kiểu cách nghiêm trọng hóa của “nhà hoài nghi” Descartes khi nói về nó. Descartes thực sự chịu áp lực bởi ý niệm rằng ông không biết nhiều về thế giới bên ngoài. Ông đã du hí khắp nơi và viết các hiệp ước triết học nhằm nỗ lực biết thật nhiều điều. Ông ta không nên căng thẳng làm gì. Tại sao? Vì tri ​​thức rất khó đến. Để biết một cái gì đó, bạn phải đáp ứng tất cả bảy điều kiện (ít nhất là vậy) mà chúng ta đã xác định ở phần 1, một quy trình rất nhiêu khê. Bởi vậy, thực tế mà nói, chúng ta gần như không bao giờ có thể đạt được tri ​​thức. Nhưng điều đó không có nghĩa tri ​​thức là một lý tưởng vô bổ. Chúng ta có thể làm cho tri ​​thức trở nên lý tưởng và hoàn thiện bản thân bằng cách cố gắng tiến gần tới nó hơn.

Vì vậy, mặc dù không thể đạt được kiến ​​thức một cách trọn vẹn, dù gì thì chúng ta cũng có thể tiến tới đáp ứng những điều kiện nó đòi hỏi bằng cách quyết đoán hơn trong mọi việc, bằng cách nhạy bén hơn với sự thật. Khoa học chỉ cần có vậy. Tìm hiểu kiến thức trên Diendat.net là một nỗ lực xứng đáng để bạn rèn luyện được thái độ lý tính tốt hơn. Bạn đang trở nên nhạy cảm hơn với thực tại.

Còn một kiểu hoài nghi nữa gắt gao hơn, rắc rối hơn, là một kiểu hoài nghi chỉ ra rằng bạn không chỉ không có tri ​​thức về thế giới bên ngoài, mà bạn thậm chí còn không có bất kỳ căn cứ nào để có niềm tin hợp lý liên quan đến thế giới bên ngoài, liên quan đến các vấn đề trần tục của thực tại. Có một khuynh hướng trong nhận thức luận tập trung nghiên cứu về nó. Và triết gia hiện đại đầu tiên đề xuất nó là Hume, ông cũng là người chúng ta sẽ ghé thăm trong phần 3.

Để tôi nhá hàng cho độ triệt để của lý lẽ mà Hume đưa ra, hãy thử xem xét một số sự thật hiển nhiên mà tôi nghĩ rằng tôi rất tự tin, nhưng Hume nói rằng tôi không nên tự tin một cách hợp lý. Lấy cái này: ngày mai, nếu tôi giơ một quả bóng ra trước mặt, rồi thả nó, quả bóng sẽ rơi xuống đất.

Tạm quên khái niệm tri thức đi. Tôi nghĩ rằng mình cực kỳ tự tin rằng đó là sự thật. Hume lại bảo rằng tôi không có căn cứ gì để bị thuyết phục như vậy. Rằng tôi chỉ nên coi đó là một điều có thể xảy ra. Tôi cũng nên chuẩn bị tinh thần cho một kết quả khác là nó sẽ lơ lửng trong không khí, hoặc quay tròn, hoặc phang vào đầu tôi – vô số khả năng xảy ra, và tôi nên coi như tất cả chúng đều có khả năng xảy ra bằng nhau. Tóm lại, ở phần sau, chúng ta sẽ tiến hành tìm hiểu cơ sở của những lý luận đầy bất ngờ này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *