[Phần 3] Tri thức và niềm tin hợp lý

Xuất bản

Trong

Ở phần 2 của chuỗi bài về Nhận Thức luận với chủ đề Tri Thức và niềm tin hợp lý (knowledge and justified belief), chúng ta đã xem xét một chuỗi lập luận của Descartes, chuỗi lập luận đưa chúng ta đến kết luận rằng thực sự rất khó để có được tri ​​thức, và chúng ta có rất ít tri ​​thức. Nếu bạn chưa đọc phần 1 và phần 2 của series này, tôi khuyến khích bạn nên tìm đọc tại đây để hỗ trợ việc đọc hiểu bài viết này. 

Bạn luôn mang một niềm tin hiển nhiên rằng mình có một bàn tay, bạn nghĩ rằng bạn biết mình có tay, nhưng thật ra bạn không biết, bởi vì bạn không thể loại trừ khả năng nó là sai. Đặc biệt, bạn không thể loại trừ một giả thuyết hoài nghi nào đó, cụ thể là giả thuyết rằng bạn là một bộ não trong thùng được nuôi dưỡng trải nghiệm như có bàn tay. Đã có nhiều phản hồi khác nhau cho các lập luận này, trong đó có phản hồi hòa giải (conciliatory response) hay phản hồi nhượng bộ (concessive response), đây cũng là kiểu phản hồi nổi bật nhất được lựa chọn để phân tích trong bài viết hôm nay.

Phản hồi nhượng bộ 

Phản hồi nhượng bộ có nội dung như sau: Đúng vậy, hóa ra chúng ta không biết rằng chúng ta có tay, nhưng đó không phải một tình trạng thê thảm nào đó của nhận thức. Đúng hơn là tri ​​thức, trên thực tế, là một thứ rất rất khó để có được. Nhìn vào khái niệm tri ​​thức được đưa ra ở phần trước, dễ thấy rằng việc đạt được tri ​​thức đòi hỏi phải thỏa mãn một loạt những điều kiện rất nghiêm ngặt. Đặc biệt, có 1 điều kiện nói rằng bạn chỉ biết điều gì đó nếu bạn hoàn toàn chắc chắn về điều đó, đồng nghĩa với việc bạn có thể loại trừ mọi khả năng điều đó sai. – một điều kiện rất khó đáp ứng. Và vì vậy, chúng ta hầu như không biết gì. 

Nhưng chúng ta không biết vì tri thức đòi hỏi những tiêu chuẩn quá lớn cho những ai muốn có nó, điều này hoàn toàn phù hợp với việc chúng ta không biết điều gì đó theo nghĩa này rằng chúng ta vẫn có lý khi rất tự tin về điều đó. Ngoài ra, mặc dù tôi không biết rằng mình có tay, nhưng tôi có thể biện minh là mình rất, rất tự tin rằng mình có tay, đó là một quan điểm khá dễ chấp nhận. Một quan điểm hoài nghi khác được nhắc đến sau đây mới thực sự là lắt léo:

  • Không những bạn không biết rằng mình có tay
  • Bạn thậm chí còn không thể biện giải cho sự tự tin với việc mình có tay.

Để làm cho lý luận trên dễ hình dung hơn, hãy hóa thân vào người giúp việc trong tình huống sau, cũng xin lưu ý thêm rằng đây là tình huống được đề xuất bởi 1 triết gia tên Kit Fine:

Bạn là người mới đến làm trong một kho hàng lớn nơi chứa đầy những bể thủy tinh bám đầy bụi. Bạn dùng giẻ kỳ cọ những cái bể này và bàng hoàng nhận ra sau lớp thủy tinh trong suốt là những bộ não ngâm lơ lửng trong thứ chất lỏng kỳ lạ. Hay nói cách khác, những bộ não kia đang tưởng rằng mình đang trải nghiệm thực tại giống bộ não trong thuyết brain in vat. Và bạn nhận ra rằng trên mỗi thùng thủy tinh, có một màn hình nhỏ mô tả những trải nghiệm mà bộ não đang được tiêm nhiễm. Một cái viết “trải nghiệm làm người yêu Ngọc Trinh”, cái khác viết “trải nghiệm giành giải Oscar”, lại có cái khác viết “trải nghiệm của một thanh niên thất tình”. Bạn xem qua một loạt và trải qua đủ cảm xúc hả hê ghen tỵ đến tương xót, cho đến khi bạn đọc cái bể cuối cùng. Nó viết “trải nghiệm làm người giúp việc trong một kho hàng lớn chứa đầy những bộ não trong thùng.”

Bạn sẽ nghĩ gì nếu lâm vào tình cảnh đó?

Thuyết hoài nghi, tưởng chừng như một câu chuyện giả tưởng xa vời, một giả thuyết mà bạn không thể loại trừ hoàn toàn nhưng dễ dàng ngó lơ, lúc này lại có vẻ rất thật, rất nổi cộm. Bạn sẽ rơi tõm vào một cú shock hiện sinh và bắt đầu ngờ vực về tất cả những chất liệu thực tại mà bấy lâu bạn vẫn tin là có thật, một trải nghiệm không mấy dễ dàng.

David Hume (1711-1776)

Descartes chưa từng nhắc đến một trường hợp như vậy, nhưng Hume thì có, và ông đã nỗ lực chứng minh rằng rằng tình trạng của chúng ta giống với tình trạng của người giúp việc. Tức là chúng ta còn không thể biện giải cho sự tin chắc của mình khi ta tự tin rằng điều đó chắc chắn đúng. Và đặc biệt, Hume đưa ra một cách gọi chung là những thực tế khuất mắt (unobserved matters of fact) nhằm biện luận rằng chúng ta không thể biện giải cho sự tự tin về những thực tế chưa được quan sát. 

Để hiểu rõ lập luận của Hume thì điều đầu tiên cần làm là giải thích định nghĩa thực tế (matters of fact) là gì. Hume đối chiếu thực tế với cái mà ông gọi là quan hệ của các ý tưởng (relations of ideas). Và sau đó chúng ta phải giải thích những thực tế quan sát được và không quan sát được là gì, một việc cần dùng đến chút kỹ năng phân loại học và cũng là những gì chúng ta sẽ làm tiếp theo.

Phân loại của Hume: Thực tế và Mối quan hệ của các ý tưởng

Có một số ví dụ điển hình để đối chiếu giữa thực tế và quan hệ của các ý tưởng theo khái niệm của Hume.

  • Về thực tế:
    • Ví dụ 1: Bên ngoài trời nắng.
    • Ví dụ 2: Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bị bắt giữ.
    • Ví dụ 3: Hà Nội ở Việt Nam.
  • Về mối quan hệ của các ý tưởng:
    • Ví dụ 1 : Trong không gian Euclide, diện tích bình phương cạnh huyền của một tam giác vuông tương đương với tổng diện tích bình phương các cạnh kề của nó.
    • Ví dụ 2: Tất cả anh chị em ruột đều có anh chị em ruột (all siblings have siblings). 

Theo Hume, trên đây đều là những điều đúng đắn. Nhưng điều gì phân biệt hai loại này? Hume đã đưa ra một số luận giải. 

Thứ nhất, ông nói rằng thực tế chỉ có thể được nhận biết sau khi nó diễn ra, còn mối quan hệ của các ý tưởng thì có thể biết trước được. Với một sự việc diễn ra sau thời điểm nói, khả năng biện giải của chúng ta về niềm tin đối với nó có được từ một trải nghiệm đặc thù. chẳng hạn khi bạn hỏi tôi biện giải ra sao khi tin rằng ngoài trời nắng? Tôi sẽ phải nói rằng, vì nãy tôi chạy ra đấy thấy nắng rát hết cả chân tay. Đây là những lời biện minh mà tôi có thể đưa ra vì tin rằng ngoài trời đang nắng. Mặt khác, nếu bạn hỏi tôi rằng bạn có lý do gì để tin rằng tất cả anh chị em ruột trong một nhà đều có anh chị em ruột thì tôi sẽ không dựa dẫm vào bất kỳ kinh nghiệm nào mình có. Tôi sẽ đơn giản trả lời là “Chuyện đó đương nhiên phải xảy ra như thế, do định nghĩa của khái niệm anh chị em ruột. Tôi chẳng cần đi hỏi từng nhà để biết điều đó. Chỉ cần hiểu khái niệm anh chị em ruột là biết.”

Thứ hai: Các thực tế thì đúng một cách ngẫu nhiên (matters of fact are contingently true), chúng có thể đã sai. Mối quan hệ của các ý tưởng thì nhất thiết phải đúng. Vì vậy, có thể chủ tịch Quyết chưa hề bị bắt và trời đang mưa. Chúng thực sự đúng, nhưng chúng có thể sai. Ngược lại, quan hệ của các ý tưởng thì luôn đúng – không thể có một hình tam giác nào mà bình phương cạnh huyền lại lớn hơn tổng bình phương 2 cạnh liền kề,..vv 

Thứ ba, kết nối hai điều đầu tiên, chúng ta có thể mường tượng cảnh các thực tế bị sai, còn mối quan hệ của các ý tưởng mà sai thì không thể hình dung được.

Thực tế (matters of fact)

  • Cần trải nghiệm mới biết được
  • Đúng một cách gẫu nhiên
  • Có thể hình dung được cảnh tượng khi không xảy ra

Quan hệ giữa các ý tưởng (relations of ideas)

  • Có thể biết mà không cần trải nghiệm
  • Luôn đúng
  • Khi không xảy ra thì không hình dung được

Theo hình dung của Hume thì tôi có thể viết ra một câu chuyện trong đầu trong đó chủ tịch Quyết còn ung dung tự tại và trời mưa. Nhưng tôi thực sự không thể viết ra một câu chuyện trong đó định lý Py-ta-go là sai, việc xây dựng các chi tiết cho nó là bất khả thi, làm sao tôi có thể dựng lên một tam giác với bình phương cạnh huyền khác với tổng bình phương hai cạnh còn lại? Suy nghĩ của tôi sẽ bị tắc.

Thực tế khuất mắt và thực tế quan sát được

Trong phạm trù thực tế, Hume nói rằng có hai phân loại gồm thực tế khuất mắt và thực tế quan sát được. 

Thực tế được quan sát là một vấn đề thực tế, sao cho sự biện minh của chúng ta để tin vào nó đến trực tiếp từ kinh nghiệm. Chẳng hạn, hai chúng ta cùng đi dạo dưới trời nắng, bạn hỏi tôi “Sao biết bên ngoài trời nắng?”, câu trả lời sẽ là “thì mình đang đi ngay dưới nắng mà, tôi có thể cảm nhận mặt trời đang thiêu đốt làm da mình.” Tôi đang có một trải nghiệm trực tiếp giúp chứng minh niềm tin của tôi vào điều đó. 

Thực tế khuất mắt là một vấn đề thực tế mà tôi có được sự biện giải nhờ niềm tin gián tiếp đến từ kinh nghiệm. Ví dụ như, tôi đang ở trong hầm nên không có bất kỳ trải nghiệm trực tiếp nào về thời tiết ngay lúc này. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng bên ngoài trời đang nắng vì hai lý do: thứ nhất, dự báo thời tiết nói là trời sẽ nắng cả ngày, thứ hai, 5 phút trước tôi đã đi dạo với bạn dưới nắng và đã cảm nhận được ánh nắng. Và cả hai lý do trên đều cho thấy kinh nghiệm của tôi đóng một vai trò quan trọng, nhưng sự biện giải đều là gián tiếp. Tôi cần kinh nghiệm cộng với chút suy luận để biện minh cho việc tôi tin rằng ngoài trời nắng. Và Hume nói, đó là tính chất đặc trưng của một thực tế khuất mắt.

Phép quy nạp – induction

Vì vậy, khi nào chúng ta có thể biện giải cho niềm tin vào một thực tế khuất mắt? Chúng ta cần một ví dụ để lý giải điều này.

Tôi đang cầm một quả bóng tennis và tôi sẽ ném nó ra sau lưng trong khi nhắm chặt mắt lại. Tôi không biết chuyện gì xảy ra với quả bóng vì tôi không chứng kiến trực tiếp những gì diễn ra. Tuy nhiên, tôi có vài ý tưởng khá hay: Quả bóng không trôi lơ lửng một hồi trong không khí, không bay lượn thành hình một con cá sấu, và cũng không bay lên rồi hóa hơi. Nó rơi xuống theo cách mà Isaac Newton đã dự đoán, quỹ đạo rơi của nó là một đường cong parabol tuyệt đẹp. 

Tại sao tôi có thể biện giải cho niềm tin đó? Hume cho rằng, tôi có lý khi tin vào điều đó bởi vì tôi nhận ra rằng tất cả các quả bóng tennis từng bị tôi và người khác ném như thế đều hoạt động theo các định luật của Newton. Vì vậy, tôi có lý khi suy ra rằng tất cả những thứ tôi không nhìn thấy cũng hoạt động theo các định luật của Newton, cũng bị chi phối bởi lực hấp dẫn. Vì vậy, lý luận cơ bản là những cú ném bóng tennis khuất mắt hẳn đã được điều chỉnh bởi lực hấp dẫn. Nói một cách dễ hiểu hơn, tất cả A đã được quan sát đều là B, vì vậy tất cả A đều là B.

Ngày nay chúng ta gọi kiểu suy luận trên là suy luận quy nạp. Và Hume cho rằng nhờ suy luận quy nạp mà chúng ta có niềm tin về những thực tế khuất mắt. Nhưng cũng phải hoài nghi rằng đôi khi suy luận quy nạp chưa chắc đã chuẩn. Vậy nên nhắc tới quy nạp nghĩa là ta đang nhắc tới suy luận tuân theo lược đồ tất cả A đã được quan sát đều là B, vì vậy tất cả A đều là B.

Tại sao nói quy nạp là một suy luận tồi, ví dụ nếu nói “tất cả tổng thống Mỹ trong lịch sử đều là nam giới, nên mọi tổng thống đều là nam. Đây rõ ràng là một suy luận tồi và sụp đổ ngay lập tức nếu một tổng thống nữ xuất hiện. Một ví dụ khác là “Tất cả các quả bóng mà chúng ta đã ném và quan sát đều đã được ném trước ngày 6/9/2021, vì vậy tất cả các quả bóng tennis đều được ném trước ngày 6/9/2021”. Ngày 7/9 không đồng ý với điều này.

Thành thử để biết cách áp dụng phép quy nạp một cách hiệu quả, cần cân nhắc kỹ xem tình huống ấy có phù hợp để sử dụng phép quy nạp hay không bởi những gì ta đang chứng kiến sẽ là tiền lệ để phóng chiếu lên những trường hợp chưa xảy ra. Ngoài ra một số trường hợp áp dụng phép quy nạp đúng cách như trường hợp quả bóng và trọng lực. Đây là một chủ đề thú vị và chúng ta sẽ khai thác nó lần sau. 

Tuy nhiên, Hume cho rằng điều trên là sai, rằng chúng ta không có lý do hợp lý nào để thực hiện suy luận quy nạp, ngay cả trong những trường hợp đúng như trường hợp như quả bóng và trọng lực.

Quy nạp và phản quy nạp

Để hiểu thái độ phủ nhận của phép quy nạp ngay cả trong trường hợp được dùng đúng, Cùng xét một trường hợp tôi suy luận quy nạp đúng cách như sau:

Tôi tin rằng khi quả bóng bị ném lúc tôi không quan sát, nó đã rơi theo một đường parabol như lý thuyết của Newton. Nhưng có ai đó chất vấn tôi rằng làm sao tôi biết được điều đó khi tôi không quan sát, tôi không thể chắc chắn như thế. Vậy làm thế nào tôi có thể thuyết phục người nọ rằng tôi đúng, rằng quả bóng rơi theo đường parabol?

Tôi cần một lập luận chặt chẽ và thuyết phục – một lập luận hợp lệ với các tiền đề đúng. Với lập luận hợp lệ, không có chuyện tiền đề đúng mà kết luận lại sai. Và một lập luận chỉ có sức thuyết phục khi người ta tin vào các tiền đề của nó trước khi được nghe kết luận. Và với một lập luận hợp lý như thế, người hoài nghi sẽ để chúng ta yên thân. Để tránh nhầm lẫn khi xây dựng lập luận hoàn hảo, hãy thử xét một hình thức lập luận không hợp lý trước.

  • Tiền đề: tất cả A đã được quan sát đều là B.
  • Kết luận, tất cả A là B. 

Vì vậy, A đã được quan sát ở đây chính là B. Áp dụng cho trường hợp bóng tennis, ta có:

  • Tiền đề: tất cả những lần ném bóng từng được quan sát đã bị chi phối bởi trọng lực.
  • Kết luận, tất cả các cú ném bóng đều bị chi phối bởi trọng lực. 

Và cú ném bóng khuất mắt ở đây đã được điều chỉnh bởi Trọng lực

Đây không phải là một tranh luận hợp lệ vì tiền đề của nó đúng nhưng kết luận có thể sai. Mặc dù tôi tin rằng quả bóng tennis bị chi phối bởi trọng lực, nhưng tôi chắc chắn có thể tưởng tượng nó không phải vậy. Tôi chắc chắn có thể tưởng tượng rằng tôi đã ném quả bóng tennis và nó chỉ lơ lửng trong không trung một lúc. Tôi cũng có thể tưởng tượng rằng nó quay tròn và sau đó rơi xuống đất.

Vậy, tình huống “tiền đề đúng, kết luận sai” đã diễn ra ở đây, dẫn đến lập luận không hợp lệ, để làm cho nó có giá trị, ta cần thêm một tiền đề nữa tương tự như sau đây:

Tiền đề “nếu tất cả A đã được quan sát đều là B, thì tất cả A là B” thường được gọi là tiền đề mà trong đó tính đồng nhất nằm ở bản chất tự nhiên(nature). Tính đồng nhất này sẽ biến nó thành một lập luận hợp lệ. Như thế liệu đã đủ thuyết phục? Hume nói, nó không thuyết phục với kiểu hoài nghi mà ông đang hình dung. Vì người hoài nghi của ông thậm chí còn không tin vào việc bản chất tự nhiên tạo ra tính đồng nhất ở đây. Ông nói rằng ông không có lý gì để tin rằng việc A trong quá khứ từng là B sẽ đồng nhất với việc A chưa được quan sát là B. 

Về điều này, Hume giải thích: tính đồng nhất từ tiền đề tự nhiên không phải là mối quan hệ của các ý tưởng (relations of ideas), không phải là một cái gì đó bất khả sai lầm. Bản thân nó là một thực tế. Vì vậy, nếu chúng ta có lý khi tin vào điều đó, thì biện giải của chúng ta phải xuất phát từ một kinh nghiệm nào đó mà ta có. Nhưng hãy lưu ý rằng đó không phải là một thực tế đã được quan sát do tôi không trực tiếp được chứng kiến nó thành sự thật, rằng các quy luật của quá khứ trực tiếp thể hiện một loạt các thực tế khuất mắt khác. Vì vậy nó chỉ có thể là một thực tế khuất mắt. Nên bất kỳ lời biện giải nào tôi có để tin vào tính đồng nhất từ tiền đề tự nhiên sẽ không khác với những gì tôi dùng để biện giải cho những thực tế khuất mắt. Nhưng cách biện giải cho niềm tin vào U mà chúng ta dùng lại bám vào quy luật U. Theo Hume, kiểu lý luận vòng quanh này là không thỏa đáng và sẽ không thể thuyết phục những người không tin ngay từ đầu.

Dưới đây là hai cách giải thích khác để làm rõ ý tưởng của Hume

Đầu tiên, có thể biện giải cho niềm tin rằng bản chất tự nhiên tạo ra tính đồng nhất bằng cách nói rằng: hãy nhìn xem, trước giờ thiên nhiên vẫn giúp ta nhận ra bao nhiêu quy luật hay ho. Chúng ta đã được cho xem một mớ những thực tế được quan sát và lần nào chúng cũng giúp ta dự đoán những thực tế chưa xảy ra. Trước đây việc này vẫn luôn suôn sẻ và về sau này cũng vậy. Nghe cũng không khác một màn lý luận vòng quanh là mấy, nên ta tạm kết luận là không có một cách nào để biện minh cho niềm tin này.

Thứ hai, Hãy tưởng tượng không chỉ có hai nhân vật tham gia vào cuộc đối thoại. Ngoài tôi – người muốn tin rằng cú ném bóng khuất mắt bị chi phối bởi trọng lực – và người theo thuyết bất khả tri, người không thực sự chắc chắn về điều đó thì còn một nhân vật thứ ba, nhà phản quy nạp (counter inductivist). Và anh chàng phản quy nạp mở rộng vấn đề như sau:

Chà, vì tất cả A đã được quan sát đều là B, nên tất cả A khuất mắt không là B. Trong trường hợp này, tất cả những lần ném có quan sát, quả bóng đều bị chi phối bởi lực hấp dẫn. Vì vậy, những cái chưa được quan sát phải không bị chi phối bởi lực hấp dẫn. Chúng sẽ không hoạt động theo cách Newton mô tả.

Nhưng hãy tưởng tượng rằng bản thân tôi và nhà phản quy nạp đều đang cố gắng thuyết phục người theo thuyết bất khả tri còn lại rằng mình mới là người nói đúng. Về phần tôi, tôi tin vào nguyên tắc U như sau: nếu tất cả A đã được quan sát đều là B, vậy tất cả A là B.  N  Trong khi người phản quy nạp tin vào một nguyên tắc tương phản trong đó bản chất tự nhiên định ra sự không đồng nhất: Nếu tất cả A đã được quan sát đều là B, thì tất cả A khuất mắt không là B.

Tôi sẽ cãi rằng, trong quá khứ, phép quy nạp vẫn luôn là một công cụ hiệu quả. Vì vậy, nó sẽ là lý luận tốt trong tương lai. Bất cứ lần nào quan sát phép quy nạp xảy ra, ta đều thấy rằng nó hóa ra đúng. Vì vậy, những trường hợp chưa được quan sát của lý luận quy nạp, trong tương lai và những trường hợp chúng ta chưa biết, cũng phải đúng.

Nhà phản quy nạp nói, bám víu vào quá khứ có thể giúp bạn, nhưng nó cũng giúp tôi vậy. Vì tất cả các trường hợp phản quy nạp trong quá khứ đều diễn ra rất tệ, vì trong quá khứ phép quy nạp luôn diễn ra suôn sẻ, A đã được quan sát đều trở thành B, thành ra đây lại là một tiền đề vững chắc để khẳng định rằng từ hiện tại trở đi, mọi chuyện sẽ diễn ra theo hướng khác đi, như thế thì quy luật đúng, những A chưa được quan sát sẽ không trở thành B. Phản quy nạp cũng có thể củng cố cho phản quy nạp không kém cách quy nạp củng cố cho quy nạp. Thành thử người theo thuyết bất khả tri sẽ tỏ ý hoàn toàn trung lập giữa lý luận quy nạp với phản quy nạp, vì cả hai đều vững chắc như nhau.

Biện giải đến bao giờ?

Qua tất cả những quan điểm trên, bạn rút ra ý tưởng gì?

Điều đầu tiên tôi muốn bạn làm là giải 1 câu đố. Tôi đã phác thảo ra một lập luận ở đó phép phản quy nạp cũng tự củng cố như cách quy nạp tự củng cố vậy. Và tôi muốn bạn suy nghĩ xem liệu điều đó có đúng không – liệu có chút gì đó bất thường kiểu như lý luận quy nạp thì vững chắc còn lý luận phản quy nạp thì không. Điều thứ hai tôi muốn bạn suy nghĩ là, giả sử Hume đúng, giả sử không thể biện minh triệt để cho niềm tin rằng những quy luật trong quá khứ sẽ tiếp tục lặp lại trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt những điều éo le gì?

Trên thực tế, ngay cả Hume cũng không lấy làm hoang mang với ý tưởng của ông. Ông cũng thắc mắc tại sao mình chưa gặp rắc rối gì. Hume nhìn lại những nhà hoài nghi cổ đại – đặc biệt là Pyrrho, một nhà hoài nghi cổ đại nổi tiếng. Các nhà hoài nghi cổ đại tuyên bố rằng họ không có niềm tin nào. Và Pyrrho, do không có niềm tin nên lúc nào cũng phải có các môn đệ ở cạnh canh chừng, nếu không ông ta sẽ lao xuống một vách đá bất cứ khi nào thấy thích. Pyrrho không tin rằng lao xuống một vách đá sẽ dẫn ông đến sự diệt vong vĩnh viễn. Ông ta sẽ đi nuôi một con chó dại vì ông không tin rằng nó sẽ lao đến cắn và lây bệnh cho mình, ông ta thiếu niềm tin như một đứa trẻ sơ sinh. 

Hume thì không như vậy. Dù không hoàn toàn tin vào việc một quy luật trong quá khứ sẽ tiếp tục lặp lại trong tương lai nhưng ông nói rằng ngay khi rời văn phòng thì ông sẽ đi chơi với bạn bè và gác lại các triết thuyết. Ông vẫn mang niềm tin thông thường về các sự kiện như bất kỳ ai trong chúng ta. Và Hume tự thấy mình kỳ cục. Đó chỉ là cách bộ não của chúng ta được thiết lập và Hume không thể cưỡng lại việc đó như cách ông loại bỏ những niềm tin toán học cơ bản. Tất nhiên bây giờ, Hume vẫn lấn cấn vì ông cảm thấy rằng, mặc dù tôi vẫn có những niềm tin này, nhưng có lẽ khi tôi nghĩ kỹ, tôi nhận ra mình không nên có chúng, hoặc tôi không sáng suốt khi mang những niềm tin này. Giờ bạn hãy nghĩ xem điều đó có xác đáng hay không? – Liệu có đúng là với một niềm tin cụ thể, ta không thể nào biện giải triệt để mà không lập luận vòng quanh? Niềm tin ấy không thể nào là niềm tin hợp lý?

Những ai có con nhỏ hẳn sẽ cảm thấy trải nghiệm này quen thuộc. Đến một độ tuổi nhất định khi bé bắt đầu đặt ra vô vàn những câu hỏi, bé sẽ hỏi tại sao, và bạn giải đáp, bé lại hỏi tại sao, bạn giải đáp tiếp. Liên hoàn một chuỗi những câu hỏi lý do mẹ đẻ lý do con cho đến một điểm chúng ta phải dừng lại, chúng ta đã hết câu trả lời.

Điều đó không có nghĩa bạn là kẻ bịp bợm, mà ở một khía cạnh nào đó, bạn đã tin một cách mù quáng vào những gì bạn đã tin, bạn đã không có lý trí từ lần đầu tiên bạn có niềm tin. Nó chỉ có nghĩa là có những thứ mà ta phải nghĩ rằng mình cứ việc tin theo chúng, mặc dù chúng ta không thể đưa ra bất cứ lời biện minh thuyết phục triệt để nào cho niềm tin đó. Nên có khi tính đồng nhất của tự nhiên là một trong những điều mà chúng ta có lý khi tin tưởng dù không thể biện giải. 

Đó cũng là lời kết cho thảo luận của chúng ta về vấn đề quy nạp của Hume, đôi khi được gọi là vấn đề cũ về quy nạp. Có cái cũ thì hẳn phải có cái mới, và “cái mới” này cũng chính là chủ đề chúng ta bàn đến trong phần sau (phần 4). Vấn đề mới liên quan đến việc làm thế nào để phân biệt loại suy luận quy nạp đúng với loại suy luận quy nạp tồi. Cứ nhớ rằng, quy nạp tồi là suy luận kiểu như, tất cả các tổng thống Mỹ từng được biết đều là nam, vì vậy tổng thống tiếp theo sẽ là nam. Nhưng làm thế nào để giải thích tại sao đó là suy luận tồi và các phép quy nạp khác là tốt thì lại phức tạp hơn bạn tưởng rất nhiều. Phức tạp ra sao thì phần sau của chuỗi bài về Nhận Thức Luận Tri thức và niềm tin hợp lý hy vọng sẽ giải đáp cho bạn phần nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *