[Phần 3] Ý chí tự do và thuyết tất định

Xuất bản

Trong

,

Mục đích, chiến lược và định nghĩa của Frankfurt

phần 2 chúng ta đã tìm hiểu phản biện của Frankfurt về thuyết không tương thích trong bối cảnh của thuyết tất định và trách nhiệm đạo đức. Câu chuyện chị em Tấm Cám và nhân vật quỷ cái Vivi, con bọ và Keanu Reeves. Nếu bạn chưa đọc qua phần này, tham khảo tại đây để nắm bắt nội dung phần 3 bạn đang đọc dễ dàng hơn.  Mục đích của Frankfurt là đưa ra những trường hợp chứng minh rằng không phải lúc nào con người cũng vô tội vì bị chi phối bởi những yếu tố khách quan – khác với quan niệm của thuyết không tương thích rằng “một người sẽ không phải chịu trách nhiệm đạo đức khi hành động của anh ta bị ngoại cảnh điều khiển.” Mục tiêu tiếp theo của Frankfurt là chỉ ra rõ ràng KHI NÀO thì một người sẽ phải chịu trách nhiệm. Và chiến lược của ông là tập trung vào “khả năng có thể làm khác đi” của chủ thể.

Muốn làm vậy trước hết phải phân tích trạng thái tâm lý (mental state) của chủ thể, chuyện gì đang xảy ra trong não họ khi họ làm việc xấu. Nếu như tâm lý họ bình thường, thì cứ việc đổ lỗi cho họ, và nếu không thì họ trắng án. Những việc Frankfurt muốn làm là cảnh tỉnh chúng ta rằng chúng ta có thể đang nhầm lẫn khi coi như đầu óc không bình thường thì không phải chịu tội, dĩ nhiên ông không nói suông mà đưa ra một số giải thích cho điều này. 

Giải thích của Frankfurt đại ý rằng: đúng, anh có thể không chịu trách nhiệm cho việc làm của mình vì anh không kiểm soát được, nhưng không nhất thiết phải trong một vũ trụ tất định. Để hiểu được lập luận của ông, cần thống nhất cách hiểu của một số thuật ngữ như sau:

1-  Nguyện vọng bậc 1 (first-order desire): là nguyện vọng được chinh phục những đối tượng cụ thể ngoài những nguyện vọng khác. Chẳng hạn tôi có hai nguyện vọng bậc nhất ngay lúc này là hoàn thành bài dịch và đặt vé sang Ukraine biểu tình phản chiến. Đây là hai nguyện vọng mâu thuẫn nhau và rốt cuộc tôi vẫn ở đây dịch bài, có nghĩa là nguyện vọng dịch bài đã thắng thế, Frankfurt gọi nguyện vọng dịch bài là nguyện vọng hiệu quả (effective desire)

2- Nguyện vọng hiệu quả (effective desire): là nguyện vọng khiến bạn hành động để hiện thực hóa nó. Dễ thấy việc đi biểu tình ở đây là một nguyện vọng không hiệu quả. (ineffective desire), tức là khi nhiều nguyện vọng mâu thuẫn nhau, một cái thắng thế được thực hiện sẽ là hiệu quả còn những cái còn lại thì không. Tương tự như khi bạn đứng trước một quầy kem có vô số vị chuối, dâu, vani, dưa chuột,…bạn phân vân giữa chuối, dâu và dưa chuột nhưng cuối cùng vị dưa chuột chiến thắng cảm tình của bạn và trở thành nguyện vọng hiệu quả, đó là vì bạn cảm thấy thu hút với dưa chuột hơn. Frankfurt nghiêm túc cho rằng đây là một biểu hiện của thú tính (animalistic).

3- Nguyện vọng bậc 2 (second-order desire): 

Là nguyện vọng bao gồm nguyện vọng khác, hay nói theo frankfurt, nguyện vọng bậc 2 là nguyện vọng về bạn cùng với thứ mà bạn mong ước trong nguyện vọng bậc nhất. ví dụ như nguyện vọng trở thành một biker giỏi. Một số dạng Nguyện vọng bậc nhì ít gặp là những nguyện vọng bậc 2 bao gồm nguyện vọng bậc nhất, nhưng nguyện vọng bậc nhất này không phải là nguyện vọng hiệu quả. Để nói dễ hiểu hơn, hãy tưởng tượng tôi là một bác sĩ tâm thần đang nghiên cứu về một chứng bệnh lạ. Người mắc bệnh này có cảm giác cánh tay của họ không phải là một phần cơ thể của mình mà như một cục thịt được gắn vào vai, và họ cảm thấy mong muốn mãnh liệt được cắt cụt cánh tay ấy đi. Với tư cách là một bác sĩ nhiều tâm huyết, tôi sẽ có ước muốn rằng: “ước gì mình có thể trải qua cảm giác của các bệnh nhân để hiểu tình trạng của họ, ước gì mình có mong muốn tự cắt cụt tay đi.” Và nguyện vọng “ước gì mình có mong muốn tự cắt cụt tay đi” là một nguyện vọng bậc nhì chứa nguyện vọng bậc nhất không hiệu quả. Vì dù tôi có nói thế thì tôi sẽ không bao giờ tự cắt cụt tay mình để trở nên tàn phế được, tôi sẽ không bao giờ để biến nguyện vọng bậc nhất “tự cắt cụt tay” thành sự thật. 

4- Ý chí (Volition): Là nguyện vọng bậc nhì trong đó chứa một nguyện vọng bậc nhất hiệu quả. Ví dụ, tôi muốn mình trở thành một người chăm dịch bài hơn.

Frankfurt cho rằng con người, và chỉ con người mới có ý chí (volition). Muốn làm một con người cần nhiều hơn là có thân thể, chức năng, cấu tạo của một cơ thể người. Tạo vật ấy cần có khả năng phản ánh về bản thân, suy nghĩ về những gì nó muốn, và sau đó hành động để hiện thực hóa qua sự thúc giục của nguyện vọng bậc nhất. Đó cũng là những gì khiến loài người tách biệt ra khỏi những động vật khác.

Lý thuyết về trách nhiệm đạo đức

Ý tưởng của Frankfurt về cơ bản là: Một người phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức khi và chỉ khi hành động của họ đồng nhất với ý chí (volition) của họ” hay cụ thể hơn, bạn làm một việc, và bạn có một nguyện vọng bậc nhì được thúc đẩy bởi một nguyện vọng bậc 1 trong đó hành động vừa rồi được thực hiện. 

“Một người phải chịu trách nhiệm đạo đức

Khi và chỉ khi

Hành động của họ thống nhất với ý chí(volition)

Trở lại với một số ví dụ khi một người không phải chịu trách nhiệm đạo đức cho việc họ làm:

Trường hợp 1 – kẻ phóng đãng

Xảy ra khi người đó chỉ có nguyện vọng bậc 1 mà không hề có nguyện vọng bậc 2 – tức là không khác gì thú vật, anh ta không hề cân nhắc về các điều kiện của mình mà chỉ làm hết việc này đến việc khác không cần biết tốt hay xấu. Frankfurt gọi một người như vậy là một wanton (tạm dịch là kẻ phóng đãng) các wanton không quan tâm đến cách hành xử của mình, họ chỉ tồn tại để nuông chiều những dục vọng bậc nhất bộc phát tức thời.

Trường hợp 2 – Con nghiện

Xảy ra khi chủ thể bị vật thuốc (ma túy). Tại cùng một khoảnh khắc, người này vừa có khao khát cào xé là chơi đồ ngay lập tức, vừa ước rằng mình không phải chịu cảm giác thèm đồ nữa, hoặc nếu có thì khao khát chơi đồ sẽ không phải là một nguyện vọng hiệu quả. Tức là, anh này một mặt là lấy bật lửa đốt thuốc, nhưng mặt khác vẫn hy vọng rằng sẽ có một nhân tố bất ngờ nào đấy đánh bại cơn thèm thuốc và giải thoát anh ta khỏi ma túy. Tựu chung lại, nếu chàng nghiện này vẫn chơi thuốc, thì anh ta đang hành động ngược lại với ý chí của mình. Và như thế thì Harry Frankfurt kết luận rằng anh nghiện này không phải chịu trách nhiệm đạo đức. 

Trường hợp 3: Bạn và Keanu. 

Liệu bạn còn nhớ con bọ chét và Keanu ở [Phần 2]? Anh ta có đáng nhận trách nhiệm vì đã đánh bạn hay không? Biết rằng trong lúc xiên bút vào đầu bạn , Keanu không tự ý thức được kiểu “à, mình là Keanu Reeves, mình muốn là người bị con bọ kia cắn để có thể đánh mọi người” và kể cả nếu Keanu ý thức được khi đánh bạn, anh ta sẽ không nghĩ vậy mà sẽ kiểu “mình đang làm cái quái gì vậy, sao mình lại đánh người ta?” Tất nhiên, Keanu không đáng trách.

Tại sao ý chí lại quan trọng đến vậy? Frankfurt quan niệm rằng khi ta hành động thống nhất với ý chí của mình thì ta mới là tác giả của hành động ấy. Hay nói khác đi là bạn thân thuộc hơn với nguyện vọng bậc 2 của mình, với ý chí của mình. Bạn hành động khác với ý chí nghĩa là bạn không có ý chí đó, không khác gì bị tình huống nuốt chửng-bị các yếu tố ngoại cảnh chi phối hoàn toàn. Nếu bạn phát hiện ra ý chí và nguyện vọng bậc 1 của mình đang mâu thuẫn nhau và muốn xử lý mớ rắc rối này, chỉ việc dừng lại và suy ngẫm về con người mà mình muốn trở thành, tức thiết lập một ý chí khác và để cho ý chí mới này định hình hành động của bạn. nương tựa vào nó để từ chối nguyện vọng bậc 1 kia đang mâu thuẫn với nó, coi như đó là một yếu tố khách quan không thể kiểm soát và đang thúc đẩy bạn hành động khác đi. Đó là lý lẽ căn bản của Frankfurt. 

Áp dụng biện pháp trên vào con nghiện ở trường hợp 2, mỗi khi anh ta chịu cơn vật vì thèm thuốc, anh ta có một cây kim tiêm trong tay và không thể cưỡng lại việc cắm kim vào ven. Con nghiện thiết lập một mong muốn trở thành một con người không bị dằn vặt bởi cơn vật ma túy, nhưng làm sao anh ta cưỡng lại được? Anh ta vẫn tiêm, và trong khoảnh khắc ấy một sự thúc giục từ bên trong đã khiến cho bàn tay anh ta không còn của anh ta nữa mà do ma túy điều khiển – anh ta đã hành động theo sự thúc giục của ma túy mà không cưỡng lại được. Bất luận mong muốn suốt cuộc đời của anh là làm một người tỉnh táo và tử tế, ý chí ấy thân thuộc với con người anh, nhưng lại không thể cứu anh khỏi sự xúi giục từ cơn vật. Trong những trường hợp như thế, Frankfurt cho rằng con nghiện không phải chịu trách nhiệm đạo đức, vì đó không phải là con người anh ta thực hiện hành động. 

Các phản đối trước quan điểm của Frankfurt

1/ Ý chí không toàn năng đến thế

Frankfurt nói rằng ý chí luôn thân thuộc với một người và thường gắn với bản chất họ, thể hiện con người họ hơn là nguyện vọng bậc 1. Nhưng, giống như cách nguyện vọng bậc 1 đi lệch với con người mà bạn muốn trở thành, điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra với nguyện vọng bậc 2. VD: Nga được sinh ra một gia đình cực kỳ ngoan đạo, tôn giáo này đặc biệt bài trừ nhục dục và các hành vi tình dục, cho điều đó là dơ bẩn và tội lỗi nếu như đó không phải là vì mục đích sinh sản. nguyện vọng bậc 2 được dưỡng dục trong môi trường đó, cách nhận thức đó ăn sâu vào cô và một ngày cô quyết định dứt bỏ tất cả để trở thành một con người mới. Kết quả là mỗi khi ân ái với người yêu mình, lối suy nghĩ cũ đôi khi nhen nhóm lên và chiếm lấy tâm trí Nga, khiến cô kiểu “trời ạ, cái ý thức cổ lỗ ấy lại trở lại ám ảnh mình nữa, mình chỉ muốn tận hưởng cùng người yêu mình thôi như nó cứ làm mình cảm thấy ghê tởm.” ý chí của Nga trong trường hợp này là “trở thành một người không ham muốn khoái cảm nhục dục” tất nhiên, ý chí cũ rằng “mình không muốn trở thành một kẻ tội lỗi” không phản ánh con người thật của Nga, cô chỉ muốn một đời sống tình dục bình thường và trong trường hợp này Nga không đáng trách chút nào.

Frankfurt dù chưa đề cập đến một trường hợp cụ thể như trên nhưng ông cũng đã có cách giải thích cho nó. Theo Frankfurt, ở đây Nga không chỉ có 2 nguyện vọng mâu thuẫn nhau là nguyện vọng bậc 1 và nguyện vọng bậc 2 mà cô còn phát triển thêm cả nguyện vọng bậc 3 (nguyện vọng bậc 3  bao gồm nguyện vọng bậc 2, nguyện vọng bậc 4 bao gồm nguyện vọng bậc 3,…), tức là 3 nguyện vọng tất cả. 

nguyện vọng bậc 3 này là “trở thành một người không bị dao động bởi cách giáo dục cũ đã khắc sâu trong mình để trở thành một người không bị ham muốn xác thịt điều khiển.” Frankfurt sẽ nói rằng: con người bạn muốn trở thành sẽ thân thuộc nhất với ý chí bậc cao nhất/mới nhất mà bạn tạo nên, chứ không nhất thiết phải là nguyện vọng bậc 2. Nó có thể là nguyện vọng bậc 4, bậc 5,…nó sẽ thân thuộc nhất với ý chí mới nhất mà bạn thiết lập nên nhờ sự phản ánh con người mình. Và như một hệ quả, Nếu nguyện vọng bậc 1 của bạn đồng nhất với nguyện vọng bậc cao nhất đó, bạn có tội.

2/ Nguyện vọng bậc 1 không phải là kẻ biến chất

Ví dụ này được trích dẫn từ tác phẩm của Mark Twain và được sử dụng lần đầu tiên bởi triết gia Nomy Arpaly hiện đang công tác tại Brown. Đây là câu chuyện về một chàng trai tên Huck sống ở thế kỷ 19 cùng chuyến phiêu lưu với người bạn nô lệ vượt ngục tên Jin. 

Truyện có một tình tiết là Huck đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin. Do cậu được nuôi dạy giữa một xã hội chiếm hữu nô lệ và những giáo điều đã khắc sâu vào cậu khiến cho cậu nghi ngờ về hành động của mình, kiểu như: “Jim là tài sản của người khác, mình cùng Jim đi trốn thế này thì khác nào ăn trộm? Mình hiểu rõ luật pháp và tiêu chuẩn đạo đức của xã hội này mà.” Và điều đó khiến Huck có cảm giác mình phải rời bỏ Jim. Nhưng cậu không làm vậy, bởi cậu có niềm thương mến mãnh liệt với Jim và muốn giúp Jim. 

Có thể thấy nguyện vọng bậc 1 (giúp Jim) trong trường hợp này mới là con người thật của Huck, và nó mâu thuẫn với nguyện vọng bậc 2 (trở thành một người không bị dao động bởi khao khát tình bạn với Jim nữa). Rốt cuộc nguyện vọng bậc 1 thắng thế. Dường như Huck khá giống với anh chàng nghiện ngập được nhắc đến ở ví dụ bên trên. Có thể cho rằng điểm khác biệt ở đây là Huck đang làm chủ nguyện vọng bậc 1 của mình, con nghiện thì không. Và nguyện vọng bậc 1 của Huck là một biểu hiện đáng khen về đức hạnh.

Cách phản biện hợp lý nhất mà Frankfurt có thể đưa ra sẽ là: Huck không hề đáng khen. Chúng ta có thể nghĩ rằng Huck hành động nghĩa hiệp trong một tình huống xã hội tồi tệ như thế là rất đáng tưởng thưởng. Nhưng trên thực tế, Huck chỉ như một con thú, cậu ta chỉ hành động chiều theo cảm xúc mặc cho các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. Điều này nghe có vẻ tàn nhẫn, nên bạn có thể cân nhắc để đưa ra nhận định về Huck, rằng cậu ta có đáng khen – có chịu trách nhiệm đạo đức về việc giúp Jim hay không.

3/ Sự thiếu thốn lương tri

Frankfurt có thể đã đúng về sự cần thiết của tính đồng nhất giữa nguyện vọng bậc 1 và nv bậc cao để một người có thể chịu trách nhiệm đạo đức, nhưng ông mới chỉ cung cấp các điều kiện cần, trong khi các điều kiện đủ chưa rõ ràng. 

Một ví dụ cho lập luận này là trường hợp chủ thể hành động không có khả năng phân biệt đúng – sai. Chẳng hạn Kim, con trai của một lãnh tụ độc tài khét tiếng, tại một đất nước chuyên quyền khét tiếng. Kim bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài và sống trong một môi trường với các quan niệm về quyền lực độc tài ăn sâu đến nỗi anh không có khả năng tự mình thay đổi tư duy, anh không thể từ bỏ những niềm tin và tiêu chuẩn bị đóng chặt vào não từng người ở đất nước anh sống. Và một số điều xấu xa trong thế giới của chúng ta được coi là điều bình thường hoặc tốt ở đất nước của Kim. Khi làm những việc đó anh ta không biết rằng mình đang làm việc xấu. Như vậy, kết luận cần được rút ra qua trường hợp này là: vấn đề về trách nhiệm đạo đức ở đây không phải là việc nó có tồn tại hay không, mà là ở mức độ nào. Bạn biết mình đang làm việc rất xấu, tội lỗi của bạn lớn, bạn lờ mờ nghi ngờ rằng hành động của mình là chưa đúng, tội của bạn nhỏ. Tóm lại là: Nỗ lực ý thức hướng đến cái tốt của bạn khi thực thi một việc càng cao, trách nhiệm đạo đức bạn phải nhận càng lớn.

4/ Siêu bọ chét

Qua các lập luận từ ba ví dụ trước có thể tạm rút ra kết luận rằng trách nhiệm đạo đức của một người tùy vào việc ý chí cao nhất của họ có đồng nhất với nguyện vọng bậc 1 hay không, cộng với mức độ ý thức về tính tốt xấu của hành động. Tuy nhiên điều kiện đủ để khẳng định về trách nhiệm đạo đức của bạn là vẫn chưa chắc chắn. Lý do là những điều kiện đã có đều phụ thuộc vào điều kiện tâm lý của chủ thể trong khoảnh khắc hành động, khoảnh khắc ấy bạn có thể tán thành việc làm của mình cho hợp với ý chí. Nhưng chưa có điều kiện nào về điều kiện tâm lý của chủ thể trong khoảnh khắc thực hiện hành động được viện dẫn để tạo ra điều kiện đủ cho trách nhiệm. Đó là lý do vì sao có ví dụ về con siêu bọ chét sau đây.

Nhớ lại con bọ chét trong ví dụ với Keanu Reeves ở phần 2, bây giờ con bọ sẽ được nâng cấp thêm một tính năng mới. Ngoài việc kích thích ham muốn tấn công người khác mãnh liệt ở Keanu, con bọ này còn cho anh khả năng đánh giá đúng sai trong khi thực hiện việc tấn công. Nhưng do hiệu ứng con bọ gây ra, anh sẽ bỏ qua tất cả những ý thức về đúng sai đó mà thẳng tay hành động. Một cách phản ứng hợp lý khi bị Keanu đánh là kiểu “Thôi coi như mình xui, ước gì Keanu không bị bọ chét cắn. Thôi thì lần sau cố gắng hết sức để tránh con bọ này ra.” và sẽ là độc đoán khi tỏ ra hờn ghét Keanu vì anh ta đâu có đáng tội trong chuyện này – tất cả là lỗi của con bọ cơ mà. Nghe rất hợp lý nên có thể coi đây là một ví dụ phản chứng cho bất kỳ lý thuyết nào dám khẳng định về điều kiện tâm lý của chủ thể để tạo ra điều kiện đủ cho trách nhiệm đạo đức. 

Liệu có lời giải thích nào minh chứng cho sự vô tội của Keanu trong khoảnh khắc anh ta tấn công bạn dưới tác động của con siêu bọ chét, mà trong một thế giới tất định, chủ thể phải nhận trách nhiệm đạo đức cho việc họ làm? Chúng tôi để lại câu hỏi thú vị này cho bạn thử suy ngẫm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *