[Phần 4] Tri thức và niềm tin hợp lý

Xuất bản

Trong

Chúc mừng, bạn đang ở phần cuối của series nhập môn triết học về Nhận Thức Luận, cụ thể là về tri thức và niềm tin hợp lý (Knowledge and justified belief), nơi chúng ta nói về tri thức, nguồn gốc của nó, cách đạt được nó và những vấn đề lý thú xung quanh. Đọc phần 1, 2, 3 ở đây để có nền tảng cho việc đọc hiểu bài viết này tốt hơn.

Ở phần 3 chúng ta đã đến với David Hume, người đã vạch ra câu hỏi rằng liệu chúng ta có thể chắc chắn về bất cứ quy luật gì từng tồn tại trước thời điểm nói đều tiếp tục vận hành trong tương lai hay không. Vì trước giờ, với phép lập luận quy nạp, chúng ta vẫn luôn mặc định coi rằng quả bóng chưa ném kiểu gì cũng sẽ rơi xuống đất theo trọng lực vì trước đây chuyện đó luôn xảy ra, nhưng khi được hỏi về lý lẽ để chứng minh cho niềm tin đó, tất cả những gì ta có chỉ là một kiểu lập luận vòng quanh.

Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu ý kiến thứ hai liên quan đến phép quy nạp này. Chủ đề hôm nay không chỉ liên quan đến việc biện giải cho niềm tin vào tính đồng nhất từ bản chất tự nhiên, kiểu như trước kia người ta đã thấy A luôn là B thì sau này A cũng sẽ là B, mà chúng ta còn nói về những tiêu chuẩn cần có để phân biệt một lập luận sử dụng phép quy nạp đúng và lập luận suy nạp tồi.

Các vấn đề về phép xác nhận I: Nghịch lý con quạ và nghịch lý thuộc tính grue

Lần trước, tôi có đề cập đến trường hợp của Tổng thống Mỹ – tất cả các tổng thống Mỹ từng được biết đều là nam, vì vậy tổng thống tiếp theo sẽ là nam giới – một lập luận quy nạp tồi.

Tại sao?

Nelson Goodman (1906-1998) triết gia người Mỹ

Triết gia Nelson Goodman đã chỉ ra cho chúng ta một vài điểm. Theo ông, mô hình suy luận cơ bản không phải chỉ gồm tất cả A đã được chứng kiến đều là B, vậy tất cả A đều là B, mà nó phải như thế này:

  • Tất cả A từng được chứng kiến đều là B, 
  • Chúng ta không có bằng chứng nào về những gì sẽ xảy ra trong tương lai. 

Nên

Tất cả A đều là B

Đó là hình thức cơ bản của cái mà ông gọi là “suy luận quy nạp”. Như thế thì rõ ràng suy luận trên của tôi về tổng thống Mỹ không đúng bởi tôi có rất nhiều bằng chứng về những người có khả năng trở thành tổng thống trong tương lai, ngoài thực tế là tất cả những người trong quá khứ đều là nam giới.

Tuy nhiên, dù chiếu theo quan điểm của Goodman, vẫn còn một câu đố tồn tại. Đó là: khi nào thì các quan sát về hình thức, rằng tất cả các A mà chúng ta đã thấy cho đến nay đều là B – khi nào thì các quan sát đó khiến chúng ta nghĩ rằng, có lẽ, tất cả A đều là B? Khi nào các quan sát xác nhận một lý thuyết?

Đầu tiên, ta có phép Xác Nhận (confirmation): Một quan sát O xác nhận một lý thuyết T khi thực hiện O khiến tôi tự tin thêm vào T. Vậy, các quan sát cụ thể rằng A là B xác nhận lý thuyết chung tất cả A đều là B, khi một người căn cứ vào quan sát của mình mà trở nên tin tưởng hơn vào lý thuyết chung.

Nhưng, khi nào thì một người tự tin hơn vào một lý thuyết qua các quan sát của mình lại là một câu hỏi phát sinh rất mơ hồ và hóc búa. Nhưng không sao, ít nhất thì bài viết này sẽ cho bạn biết chút ít về độ khó nhằn của câu hỏi vừa rồi qua hai nghịch lý kinh điển: nghịch lý con quạ và nghịch lý thuộc tính grue

Nghịch lý con quạ

Đặt vấn đề

Đây là một ví dụ hay về hiện tượng các quan sát xác nhận một lý thuyết. Lý thuyết tôi có là: tất cả các con quạ đều màu đen, một tuyên bố chung về loài quạ. Nghe rất hợp lý đúng chứ?

Ảnh minh họa

Một cách để kiểm nghiệm lý thuyết này là đi kiểm tra những con quạ trên khắp thế giới. Và tôi thấy rằng tất cả quạ đều màu đen, không có con nào là không đen cả. Và như vậy, sau một thời gian gặp hết con quạ đen này đến con quạ đen khác, tôi ngày càng tin tưởng rằng tất cả các con quạ đều đen, một điều dễ hiểu. 

Nhưng bây giờ hãy để ý đến tuyên bố rằng tất cả quạ đều có màu đen tương đương với tuyên bố tất cả những thứ không có màu đen đều không phải là quạ. Nói cách khác thì hai tuyên bố đó tương đương nhau theo kiểu, nếu cái này đúng thì cái kia đúng, và ngược lại. 

Tuy nhiên, có vẻ như bằng chứng mang tên tất cả các loài quạ tôi nhìn thấy đều màu đen không củng cố cho lý thuyết tất cả những thứ không đen thì không phải là quạ. Để dễ hình dung hơn, hãy cầm lên bất kỳ thứ gì không đen ở gần bạn (một củ cải chẳng hạn). Nhìn nó xem, bạn thấy nó không phải là một con quạ, và với bạn, điều đó có củng cố cho lý thuyết tất cả những thứ không đen thì không phải là quạ không? – Không hề! 

Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao một quan sát liên quan đến một con quạ, cụ thể là con quạ đó có màu đen, lại giúp xác nhận giả thuyết rằng tất cả các con quạ đều có màu đen? Trong khi quan sát liên quan đến một vật không phải quạ và không đen lại không xác nhận giả thuyết rằng tất cả quạ đều có màu đen.

Bạn hãy thử dừng tay và suy nghĩ thêm một chút về câu hỏi trên trước khi chúng ta đi tiếp.

Giải quyết vấn đề

Để tìm hiểu những gì đang xảy ra trong trường hợp như thế này, hãy tưởng tượng rằng bạn là một vị vua. Và bạn là một vị vua quan tâm đến điểu học. Và để kiểm chứng lý thuyết rằng tất cả quạ đều đen, bạn không tự làm mà phái tay sai đi khảo sát.

Bạn bảo người thứ nhất: “Tôi muốn anh tìm hiểu xem liệu anh có thể tìm thấy một ví dụ phản bác tuyên bố ấy không, chẳng hạn như một con quạ không phải màu đen. Đi đi và tìm cho tôi một con như thế bằng cách khảo sát tất cả những con quạ mà anh có thể tìm được.” 

Với người thứ hai, bạn nói, “Tôi cũng muốn anh tìm cho tôi một ví dụ phản chứng chứng minh sự tồn tại của một con quạ không phải màu đen. Nhưng cách anh làm sẽ khác với người thứ nhất. Anh sẽ khảo sát tất cả những thứ thứ không màu đen trên thế giới, và tìm ra trong số đó xem có con quạ nào không.”

Nghĩ xem, hẳn nhiên người thứ nhất sẽ tìm được con quạ không đen trước.

Bởi vì có ít quạ trên thế giới này hơn so với những thứ không màu đen, nên quy trình kiểm tra các con quạ và xem chúng có màu đen hay không sẽ nhiều khả năng mang lại kết quả hơn là quy trình kiểm tra trong số tất cả những thứ không đen xem trong đó có con quạ nào không, làm theo cách thứ 2 rất mất thời gian và mệt mỏi. Theo đó thì việc nhận thấy những thứ không đen không phải là quạ không giúp tôi củng cố niềm tin rằng tất cả quả đều màu đen, sự củng cố nếu có thì đó sẽ cực kỳ, cực kỳ nhỏ, nhỏ xíu. Tôi thừa biết những thứ không màu đen trên thế giới đều không phải quạ, nên việc tiến hành khảo sát những thứ không màu đen đó và nhận ra chúng không phải quạ hầu như không có tác động lên quan điểm của tôi. Trong khi đó, trong trường hợp tôi chứng kiến một con quạ cụ thể, tôi nghĩ rằng nhiều khả năng con quạ đó không phải là ví dụ phản chứng chống lại cho tuyên bố tất cả các con quạ đều có màu đen. Vì vậy, nhận thức được đó không phải là một ví dụ phản chứng sẽ khiến tôi tự tin hơn vào tuyên bố. 

Hãy để tôi mô tả một tình huống khác mà chuyện không xảy ra như vậy.

Giả sử thế giới chúng ta đang sống có tỷ lệ rất khác giữa loài quạ và những thứ không phải màu đen. Giả sử gần như là tất cả mọi thứ đều là quạ. 99,9% mọi thứ là quạ, ngoài ra hầu hết mọi thứ trong vũ trụ đều có màu đen. Chỉ 0,001% là có màu khác đen.

Thế giới tôi đang nhắc đến có nhiều quạ hơn thế này rất nhiều

Nếu tôi là vua và tôi muốn kiểm chứng giả thuyết rằng tất cả các con quạ đều đen – Anh tay sai thứ nhất, người được giao nhiệm vụ kiểm tra từng con quạ tất nhiên sẽ tìm ra ví dụ phản chứng chậm và chật vật hơn nhiều so với anh chàng đi khảo sát những thứ không màu đen. 

Vì vậy, trong thế giới này, việc phát hiện ra một thứ vừa không đen vừa không thuộc loài quạ sẽ khiến tôi tin tưởng hơn đáng kể rằng tất cả các loài quạ đều có màu đen. Còn việc phát hiện ra một con quạ màu đen lại không củng cố niềm tin của tôi với lý thuyết đó chút nào.

Goodman tổng kết vấn đề này như sau: một quan sát cụ thể có xác nhận một giả thuyết hay không, phụ thuộc một phần vào việc, liệu trước đó chúng ta có nghĩ rằng một quan sát như vậy sẽ không xác nhận giả thuyết đang nói đến hay không.

Nhưng vẫn còn một vấn đề sâu xa hơn nhiều liên quan đến phép xác nhận và quan sát xác nhận lý thuyết, dưới đây chúng ta sẽ nói rõ hơn về điều này. 

Nghịch lý thuộc tính grue:  xanh đỏ – xỏ đanh

Lúc nãy chúng ta đã đưa ra một lập luận rằng, khi không có bằng chứng nào về những gì sẽ xảy ra trong tương lai về mối quan hệ giữa A và B, mỗi quan sát thể hiện rằng A là B đóng vai trò xác nhận lý thuyết A là B. Và những gì Goodman làm là chỉ ra những thiếu sót của lập luận đó và cho rằng ít nhất thì nó không luôn đúng với bất kỳ thuộc tính cũ nào của B. Và ông đã đưa ra quan điểm của mình bằng cách định ra một số loại thuộc tính không thông thường.

Vậy thuộc tính là gì? Thuộc tính (property) là kiểu cách mà một thứ nào đó tồn tại. Chẳng hạn hai thuộc tính mà bạn rất quen thuộc: là màu xanh và màu đỏ (ví dụ gốc của Goodman dùng cặp màu green và blue – xanh lá và xanh dương để có thuộc tính grue và bleen, sinh ra cái tên nghịch lý grue. Nhưng hai màu này trong tiếng Việt khá dài và dễ rối nên tôi thay vào màu đỏ), một vật có màu xanh hoặc đỏ phụ thuộc vào bước sóng ánh sáng mà nó phản xạ đến mắt ta trong điều kiện bình thường. Goodman thì lại quan tâm đến một số thuộc tính khá kỳ quặc và bất bình thường mà chúng ta chưa nghe bao giờ: màu Đanh và màu Xỏ.

Trong đó, 

Một thứ có màu đanh khi: Nó có màu đỏ VÀ được nhìn thấy tại phòng tôi trước 5:05 ngày 1/4/2022, ngay lúc này khi tôi đang dịch bài. HOẶC, nó có màu xanh và được quan sát lần đầu tiên trong chính căn phòng này kể từ 5:05 ngày 1/4/2022.

Ngược lại, một thứ sẽ có màu xỏ nếu nó có màu xanh và được quan sát trong phòng tôi trước 5:05 ngày 1/4/2022 HOẶC có màu đỏ và KHÔNG được quan sát trước 5:05 ngày 1/4/2022. Tôi tạm gọi thời điểm 5:05 ngày 1/4/2022 này là thời điểm kỳ diệu.

Bạn thấy giải thích trên vẫn còn xoắn não ư? Để tôi thử lấy một vài ví dụ.

Ở đây tôi có một cuốn sách màu xỏ:

Một cuốn sách vừa xanh vừa xỏ

Cuốn sách này thỏa mãn điều kiện “có màu xanh và được quan sát trong phòng tôi trước thời điểm kỳ diệu”.

Một thứ có màu xỏ khác là chai tương ớt chinsu tôi nhét trong túi quần. Nó có màu đỏ và được quan sát lần đầu tiên tại phòng tôi. Dĩ nhiên kể từ khi đem nó vào phòng tôi chưa từng lôi nó ra để nhìn. Bây giờ là 5:06 ngày 1/4/2022 và trước thời điểm kỳ diệu 5:05 tôi không hề nhìn nó. Chai tương ớt đã thỏa mãn điều kiện thứ 2 để có màu xỏ.

Bây giờ tôi muốn bạn luyện tập xác định các đồ vật có màu đanh và màu xỏ ở xung quanh một chút trước khi đến với phần tiếp theo của bài viết.

Các vấn đề về phép xác nhận II: Vấn đề mới về phép quy nạp

Để minh họa cho ý tưởng của Goodman, chúng ta hãy chơi một trò chơi. 

Ở đây tôi có một cái túi vải đựng đầy kẹo bên trong, từ lúc đem nó vào phòng làm việc tôi chưa hề mở nó ra và vì vậy, các viên kẹo chưa bao giờ được quan sát trong căn phòng này. Bây giờ hãy đặt ra một thời điểm kỳ diệu mới, lúc 6:00 ngày 1/4/2022, nó sắp xảy đến trong vài phút nữa.

Bây giờ tôi sẽ bắt đầu lấy ra trong túi một viên kẹo.

Đây, một viên kẹo đỏ.

Nó có mlàu gì? (xanh và đỏ gọi là thuộc tính về màu sắc, còn đanh và xỏ tạm gọi là thuộc tính về mlàu sắc)

Là màu đanh, vì nó có màu đỏ và được quan sát lần đầu trước thời điểm kỳ diệu.

Tôi nhét viên kẹo vào túi quần.

Tôi lấy một viên nữa, vẫn đỏ và đanh giống viên đầu tiên.

1 viên nữa, vẫn vậy

Viên này,cũng vậy.

Sốt ruột nên tôi móc ra cả nắm kẹo, toàn là màu đỏ.

Tôi bỏ tất cả chúng vào túi quần

Bây giờ chỉ còn một viên sót lại trong túi và chưa được bỏ ra quan sát, tôi sẽ để dành đến sau thời điểm diệu kỳ 6:00 ngày 1/4/2022 mới đem ra xem.

Vậy còn viên kẹo còn lại này thì sao? Tôi muốn bạn tự hỏi xem nó có màu gì và mlàu gì

______________________

Hẳn là bạn sẽ đoán viên kẹo có màu đỏ, cứ tạm cho là thế. Vậy, nếu viên kẹo màu đỏ, thì nó sẽ có mlàu xỏ. Bởi chúng ta biết rằng một thứ có màu đỏ và không được quan sát trước thời điểm diệu kỳ là thứ có mlàu xỏ. Vì vậy, nếu bạn phải đặt cược vào màu sắc và mlàu sắc của viên kẹo này, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ đặt cược rằng nó có màu đỏ và mlàu xỏ. Và niềm tin đó sẽ được hỗ trợ bởi lập luận quy nạp. Hãy nhìn xem, cho đến nay, tất cả viên kẹo mà chúng ta thấy từ chiếc túi đều có màu đỏ, vì vậy, có lẽ cái cuối cùng cũng là màu đỏ .

Nhưng, lưu ý rằng còn có một lập luận tương đồng nhưng cho kết luận ngược lại. Mọi viên kẹo mà chúng ta thấy trong chiếc túi này cho đến nay đều là mlàu đanh. Nên có lẽ viên cuối cùng cũng sẽ là mlàu đanh. Nhưng, tất nhiên, nếu viên cuối có mlàu đanh, thì màu sắc của nó phải là xanh. 

Thành ra cùng một phép lập luận quy nạp nhưng lại đưa đến hai kết quả trái ngược nhau, hai kết luận không nhất quán. Viên kẹo không thể vừa xanh vừa đỏ. Vậy rốt cuộc cái nào mới đúng? Cả hai đều chỉ sử dụng hình thức lập luận quy nạp sơ đồ và dẫu có một trong hai đúng, chúng ta cũng không thể biết chỉ bằng cách nhìn vào giản đồ của hai suy luận. Cả hai đều cho rằng “tất cả A tôi từng thấy đều là B, nên có lẽ A tiếp theo cũng sẽ là B”.

Chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng thuộc tính của B.

Một mặt, suy luận 1 căn cứ vào màu sắc xanh của các viên kẹo để coi đó là một thuộc tính thực tế, trong khi suy luận 2 căn cứ vào việc viên kẹo được móc ra luôn có mlàu đanh. Nếu có hai người sử dụng 2 lập luận này để tranh luận thì hẳn bạn đang nghĩ rằng người thứ nhất có lý còn người thứ 2 thật nhảm nhí. Lý giải về việc này, Goodman nói rằng đó là vì thuộc tính màu xanh là thuộc tính có thể nhìn thấy/quy chiếu được, chúng ta sẽ có xu hướng coi rằng những gì quan sát được sẽ tiếp diễn trong những gì không quan sát được. Mà thuộc tính đanh là một thuộc tính không thể quy chiếu và chúng ta không làm vậy với những thuộc tính không thể quy chiếu. Điều này đặt ra câu hỏi mới là “Điều gì phân biệt các thuộc tính có thể quy chiếu và các thuộc tính không thể quy chiếu?” Và tại sao chúng ta thực hiện quy nạp đúng trên các thuộc tính có thể quy chiếu thay vì cái còn lại?

Các nỗ lực giải đáp vấn đề mới về phép quy nạp

Còn nhớ hai người tranh luận về thuộc tính của viên kẹo cuối cùng chứ? Sau đây là cuộc tranh luận của họ – Công và Tuyết – về viên kẹo cuối cùng, về việc viên kẹo sẽ mang sự đồng nhất trong thuộc tính về màu sắc hay mlàu sắc với những gì đã xảy ra trước thời điểm diệu kỳ.

______________________

Công: Khi một người định nghĩa thuộc tính đanh nghĩa là anh ấy đã định nghĩa nó theo một thời điểm cụ thể, ở đây chúng ta đã tham chiếu thời điểm 6:00 ngày 1/4/2022. Mắc mớ gì phải mượn khái niệm của màu xanh và màu đỏ rồi lôi cả quy chiếu về thời gian vào để định nghĩa 1 khái niệm cơ bản như thế. Chúng ta không nên phức tạp hóa vấn đề bằng cách chắp vá thêm quy chiếu về thời điểm như vậy. Thế thôi chứ có gì đâu.

Tuyết: Không đúng. Nếu muốn, anh hoàn toàn có thể định nghĩa thuộc tính đanh và xỏ dựa theo 2 màu xanh và đỏ như cách lúc nãy chúng ta đã làm. Nhưng, đồng thời, chúng ta cũng có thể định nghĩa màu xanh và màu đỏ dựa theo đanh và xỏ như bảng dưới đây. Rõ ràng là hai cách định nghĩa này hoàn toàn đối xứng nhau.

.

Công: Vấn đề là, có sự ưu tiên khái niệm ở đây. Để hiểu một vật có mlàu đanh là gì, trước tiên bạn phải hiểu màu xanh là gì. Trong khi đó tôi hoàn toàn có thể hiểu một vật có màu xanh là như thế nào mà không cần biết định nghĩa của thuộc tính đanh. Nên theo đó, khái niệm về màu xanh là nguyên thủy hơn so với khái niệm về màu đanh. Và, tất nhiên là chúng ta nên thực hiện quy nạp dựa trên các thuộc tính nguyên thủy hơn về mặt khái niệm. Đó mới là khoa học.

Tuyết: Điều đó không đúng. Có thể màu xanh và màu đỏ với anh là những thuộc tính nguyên thủy, nhưng với tôi thì không. Ban đầu tôi chỉ biết về định nghĩa đanh và xỏ, sau đó mới có ai đó đến và cho tôi xem một biểu đồ, giống như cái tôi vừa cho anh xem trên đây. Xem xong tôi mới vỡ lẽ ra thuộc tính xanh là như thế nào. Tức là với tôi, định nghĩa đanh và xỏ mới là những định nghĩa nguyên thủy.

Công: Từ từ! Nhưng chúng ta có thể hiểu hai thuộc tính xanh và đỏ chỉ nhờ vào bước sóng. Vật màu xanh là vật phản xạ ánh sáng có bước sóng khoảng 500 nanomet. Những thứ màu đỏ thì phản xạ ánh sáng có bước sóng khoảng 700 nanomet, đó là định nghĩa của xanh và đỏ.

Tuyết: Chúng ta cũng có thể hiểu đanh và xỏ dựa trên khái niệm pước xóng ánh sáng vậy. Một thứ màu đanh là một thứ phản chiếu ánh sáng có pước xóng khoảng 500 nanomet, còn một vật màu xỏ phản xạ ánh sáng có pước xóng cỡ 700 nanomet.

Công: Chà, pước xóng là cái gì chứ?

Tuyết: Để tôi diễn giải nó theo những khái niệm mà anh sẵn hiểu:

 Ánh sáng có pước xóng 500 nanomet khi nó có bước sóng 500 nanomet và phát ra từ bề mặt một vật được quan sát trước thời điểm diệu kỳ. Hoặc nó có bước sóng 700 nanomet và phát ra từ bề mặt một vật được quan sát lần đầu tiên kể từ thời điểm diệu kỳ

Ánh sáng có pước xóng 700 nanomet khi và chỉ khi nó có bước sóng 500 nanomet và được phát ra bởi một vật thể được quan sát sau thời điểm diệu kỳ. Hoặc, nó có bước sóng 700 nanomet và được phát ra bởi một vật thể được nhìn thấy trước thời điểm ma thuật

Giờ anh đã hiểu pước xóng là gì chưa? Tôi thì thấy khái niệm bước sóng của anh khó hiểu lắm. 

______________________

Tạm dừng cuộc tranh luận tại đây. 

Cuộc đối thoại này thể hiện rằng cả người tham chiếu thuộc tính mlàu sắc lẫn người tham chiếu màu sắc đều không mắc phải nhầm lẫn gì, họ đều đúng. Mà xét cho cùng, viên kẹo này kiểu gì cũng chỉ có một thuộc tính về màu sắc và mlàu sắc, đỏ hoặc xanh, đanh hoặc xỏ. Vì vậy, kiểu gì cũng có một người sai.

Nhưng họ sẽ không thể chứng minh mình đúng và người kia sai chỉ bằng cách bám vào trạng thái nhất quán ((internal consistency) của mình. Cả hai đều có độ nhất quán hoàn hảo. Và ai đó chưa có ý kiến riêng sau khi nghe 2 người này thuyết phục chắc chắn sẽ rất đau đầu vì không thể chọn ra ai nên tin. 

Tôi và bạn thì khác, chúng ta đã có ý kiến riêng, chúng ta suy xét đến tận đây vì bạn muốn biết người ủng hộ màu xanh mới là người nói đúng và rằng chúng ta nên tham chiếu vào màu sắc. Điều chúng ta nên nghĩ là: chúng ta đúng. Không những chúng ta nên nghĩ rằng viên kẹo gần như chắc chắn là màu đỏ, mà chúng ta còn đúng khi nghĩ vậy. Nhưng ta không thể đưa ra một lời biện giải nào cho quan điểm của mình. Điều này rất giống với vấn đề về quy nạp của Hume; vì chúng ta không thể đưa ra những lời biện giải không-vòng-quanh cho việc giả định rằng những quy luật từng xảy ra trong quá khứ mà ta quan sát được sẽ tiếp diễn trên những sự kiện chưa được chứng kiến, nên chúng ta cũng không thể đưa ra những lời biện lời biện giải không-vòng-quanh khi cho rằng một số quy luật tiếp diễn và một số khác thì không. Chúng ta đặc cách cho bản thân có được niềm tin đó. Đây cũng là điểm cuối cùng của vấn đề này mà chúng ta có thể chạm tới trong nhận thức luận.

Phần chốt hạ

Thời khắc thiêng liêng đã đến, 6:00 ngày 1/4/2022 đã qua và bây giờ là 9:00 cùng ngày. thời điểm diệu kỳ đã qua và tôi sẽ mở túi lấy ra viên kẹo cuối cùng,…

Viên kẹo màu xanh,…Mlàu đanh!

Vậy là người tham chiếu vào mlàu đanh đã đúng! Xin chúc mừng :Đ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *