Phân tích ý nghĩa bài ‘Xẩm ngược đời’ – Hà Thị Cầu

Xuất bản

Trong

Hát Xẩm là một loại hình dân ca cổ ở miền Bắc Việt Nam. Có lẽ, cũng như nhiều người trẻ tuổi (thậm chí lớn tuổi hơn) khác, tôi không mấy hứng thú khi nghe những bài hát Xẩm. Nhưng một lần tình cờ, tôi có nghe tới tên nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu và lên Youtube tìm nghe thử. Trong số những bài Xẩm mà nghệ nhân này thể hiện, tôi ấn tượng nhất với nội dung bài Xẩm Ngược đời.

Nghe bài Xẩm ngược đời do nghệ nhân Hà Thị Cầu thể hiện

Đúng như với tên gọi là Xẩm ngược đời, lời bài hát toàn nói lên những điều kì dị, ngược đời, trái với lẽ thường:

  • Vịt vẫn thường mò bắt ốc thì nay ốc quay ra cắn cổ vịt
  • Trâu vẫn hay gặm cỏ non thì nay bị cỏ quay ra cắn què cả mõm
  • Diều hâu hay lượn lờ bắt gà con thì nay bị gà con quay lại quắp cổ
  • Chuột thì không sợ mèo nữa mà cũng bật lại cắn cổ mèo
  • Con người vẫn giết lợn lấy thịt thì nay phải nằm xuống cho lợn nó cạo lông
  • Đàn ông vẫn thường thích bóp vú đàn bà thì nay đàn bà quay lại bóp vú đàn ông

Còn rất nhiều cái ngược đời khác nữa được liệt kê ra, dưới đây là lời đầy đủ của bài hát:

Hỡi mấy người thục nữ kia ơi
Muốn nghe lại đây anh mấy kể bài ngược đời cho mà nghe
Ốc mấy lồi cắn cổ vịt le
Cỏ non lại cắn cho què mõm trâu
Gà con quắp cổ diều hâu
Cá rô chết cóng để nuốt đầu con liu điu.

Chuột mấy kia mày thời mày cắn cổ con mèo
Một đàn châu chấu để đuổi theo đá gà
Trạch trấu thời cắn cổ con ba ba
Một lũ đàn bà đuổi bóp vú đàn ông.

Người nằm xuống để cho lợn cạo lông
Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi
Nắm xôi chiêm tán thằng bé lên mười
Con gà chai rượu để nuốt người lao đao.

Lươn nằm để cho ống bò vào
Một đàn cào cào đuổi đớp đầu cá rô
Thóc giống đương rừ chuột trong bồ
Long đong, cân cấn mổ cò xôn xao
Thớt kia mày chực thời nghiến con dao
Một đàn con cóc chực đớp ông sao rơi trên đời.

Trong văn học, thủ pháp nghệ thuật này được gọi là nói quá. Làm sao mà gà con có thể quay ra quắp cổ diều hâu, cỏ non là thực vật làm sao có thể cắn cho què mõm trâu?

Những điều ngược đời, phi lý như vậy thì các ông, các bà chúng ta thời xưa viết ra nhằm mục đích gì vậy?

Hãy tạm gác những sự vô lý ở trên lại, hãy nghĩ về hình ảnh mặt trời mọc vào mỗi buổi sáng. Mỗi sớm thức dậy, bạn đều nhìn thấy mặt trời mọc ở phía Đông của bầu trời. Bạn đã sống ở trên đời này được X năm, và chưa lần nào bạn thức dậy mà lại thấy mặt trời mọc lên ở hướng khác. Trong đầu bạn đã khắc sâu một chân lý đó là Mặt trời mọc lên ở đằng Đông, lặn xuống phía đằng Tây. Và bạn có thể dẫy nảy lên khi nghe ai đó khẳng định rằng Mặt trời mọc lên ở đằng Tây hay một hướng nào khác mà không phải hướng Đông.

Tương tự như vậy, nếu trong đời bạn, bạn toàn bắt gặp những con hươu, con nai ăn cỏ và những nhiều bạn nghe, đọc trên sách báo hay tivi cũng đều nói rằng hươu nai thì ăn cỏ và một số loài thực vật khác. Vậy nếu có ai nói với bạn họ bắt gặp một con hươu ăn xác chết của một loài vật khác, thì bạn rất có thể cho rằng người đó nói điêu. Tuy nhiên, đã có vài lần người ta bắt gặp và ghi lại được hình ảnh hươu nai ăn xác động vật:

Nguồn bài viết: Popular Science

Bây giờ, hãy thử ngẫm lại những gì bạn cho là chân lý: mặt trời mọc đằng Đông hay hươu nai là loài động vật chỉ ăn thực vật. Bạn có niềm tin đó từ đâu, có phải là do nhiều lần quan sát thực tế, bạn đều thấy như vậy? Nếu bạn thừa nhận điều này, xin chúc mừng bạn vì bạn hoàn toàn không có vấn đề gì về mặt nhận thức. Tất cả chúng ta đều có chung kiểu nhận thức như vậy. Tên gọi của kiểu nhận thức này là nhận thức quy nạp.

Kiểu nhận thức thế này chỉ cho chúng ta một cảm giác nhất định về sự đúng đắn thôi, không có gì để biện minh cả. Rõ ràng, nếu nói Mặt trời mọc đằng Tây thì hoàn toàn không có vấn đề gì về mặt cơ sở lý luận.

Và đó cũng là những gì ông bà chúng ta muốn khuyên nhủ: hãy luôn luôn cảnh giác với những định kiến của chính mình. Những gì mà chúng ta vẫn thường cho là đúng rất có thể điều đó chỉ vì chúng lặp lại nhiều lần trong quãng đời của riêng ta, nhưng thế giới bao la rộng lớn, có thể một lúc nào đó, ở một nơi nào khác ta gặp được điều trái ngược với những gì chúng ta thường nghĩ.

Sự ổn định và đều đặn có thể khiến chúng ta gặp thất bại. Trên thực tế, đã có nhiều người, nhiều công ty làm ăn thành công, dẫn đầu thị trường nhưng lại ngủ quên trên chiến thắng, không tỉnh táo nhận ra những cơ hội mới hay những mối đe dọa từ các đối thủ để rồi phải chuốc lấy thất bại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *