Phi lý trí – Dan Ariely

Xuất bản

Trong

Lý trí đối với chúng ta là một thuật ngữ quen thuộc phải không? Chúng ta thường biết loài người chúng ta ai cũng có lý trí nhưng để định nghĩa và hiểu rõ lý trí là gì thì khá phức tạp.

Theo Wikipedia: “Lý trí là khả năng của ý thức để hiểu các sự việc, sử dụng logic, kiểm định và khám phá những sự kiện; thay đổi và kiểm định hành động, kinh nghiệm và niềm tin dựa trên những thông tin mới hay có sẵn. Lý trí thường được sử dụng trong các hoạt động trí tuệ của con người như triết học, khoa học, ngôn ngữ, toán học và nghệ thuật và được cho là quan năng tinh vi nhất của con người. Khái niệm lý trí đôi khi được gọi là Quan năng lý trí (rationality) hay Lý trí suy luận (discursive reason), đối lập với Bản năng lý trí (intuitive reason).” Và công cụ của lý trí là lý luận, nhờ lý luận mà ta đưa ra những kết luận tạo dựng niềm tin và ra quyết định hành động. Mình đưa ra khái niệm này để các bạn hiểu tư duy phi lý trí là như thế nào, qua đó hiểu rõ hơn những gì mà tác giả đề cập trong cuốn sách “Phi lý trí”

Mở đầu Dan Ariely giới thiệu tại sao mình lại quan tâm tới tâm lý hành vi và khám phá những điều gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Ông từng bị bỏng nặng phải nằm viện nhiều năm, chịu nhiều đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần do di chứng bỏng đặc biệt là về hình thể. Không thể tham gia các hoạt động với  gia đình, bạn bè và xã hội như bình thường nên ông thường quan sát hoạt động của mình như người ngoài cuộc và so sánh với mọi người. Ông thường đặt câu hỏi như “Tại sao tôi chỉ yêu cô gái này mà không yêu cô gái khác?”, “Tại sao tôi chỉ thích leo núi mà không phải học sử?”, “Tại sao tôi lại quan tâm tới việc người khác nghĩ về tôi thế nào?”…. Dần dần sự hứng thú này đưa ông tới bộ môn tâm lý hành vi và qua nhiều năm nghiên cứu ông đã viết ra cuốn sách này.

Qua mỗi chương tác giả đưa ra những ví dụ qua những câu truyện và thí nghiệm thực tế từ đó cho chúng ta thấy chúng ta không phải là con người lý trí như chúng ta vẫn nghĩ.

Giả sử, bạn có hai việc cần phải làm là mua một cây bút mới và mua một bộ com-lê để đi làm. Tại cửa hàng văn phòng phẩm, bạn tìm thấy một chiếc bút rất đẹp với giá 25 đô-la. Nhưng khi chuẩn bị mua chiếc bút đó thì bạn nhớ ra rằng chiếc bút này chỉ có giá 18 đô-la ở một cửa hàng cách đó khoảng 15 phút đi bộ. Bạn sẽ làm gì? Hầu hết mọi người khi gặp tình huống khó xử này đều quyết định đi bộ để tiết kiệm 7 đô-la.

Đối với công việc thứ hai: mua một bộ com-lê. Bạn tìm thấy một bộ com-lê sọc nhỏ màu xám rất sang trọng với giá 455 đô-la và quyết định mua nó. Nhưng ngay lúc ấy, một khách hàng khác mách bạn rằng cũng bộ com-lê như vậy giá chỉ có 448 đô-la ở một cửa hàng khác cách 15 phút đi bộ. Bạn có chọn đi bộ 15 phút để tiết kiệm 7 đô-la không? Trong trường hợp này hầu hết mọi người đều quyết định sẽ không đi.”

Vậy điều gì đang diễn ra? Đây chính là vấn đề của tính tương đối. Chúng ta xem xét quyết định của mình trong mối tương quan và sự so sánh với một phương án khác. Thực tế, trong cả hai tình huống trên chúng ta đều tiết kiệm được 7 đô-la. Nếu tính toán có lý trí, chúng ta sẽ xử lý chúng như nhau. Nhưng không phải vậy, chúng ta đã có những hành vi trái ngược nhau, không thể nói rằng chúng đã hoàn toàn duy lý”

Nếu bạn rơi vào tình huống như ví dụ trên thì sự thật là bạn không đồng nhất suy nghĩ và hành động của mình  : )).

Và trong cuốn sách này, mình thích nhất là chương 4, nó bàn về quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường. Đây là ví dụ cho các bạn dễ hình dung “Lấy tình dục làm ví dụ. Một chàng trai mời một cô gái ra ngoài ăn tối, đi xem phim và anh ta là người thanh toán. Họ lại đi chơi với nhau và một lần nữa chàng trai là người trả tiền. Đến lần thứ ba, anh ta vẫn là người móc hầu bao thanh toán bữa ăn và các hoạt động giải trí. Đến lúc này, chàng trai hy vọng, ít ra, cũng là một nụ hôn say đắm khi họ tạm biệt nhau trước cửa nhà. Ví của chàng trai ngày càng mỏng đi, nhưng điều tồi tệ hơn là những gì đang diễn ra trong đầu anh ta : anh ta đang gặp rắc rối trong việc điều hòa quy chuẩn xã hội (tìm hiểu) và quy chuẩn thị trường (đổi tiền lấy tình dục). Đến lần hẹn hò thứ tư, anh vô tình đề cập việc hẹn hò lãng mạn này tiêu tốn của anh ta thế nào. Lúc này, đã quá giới hạn. Cô gái gọi anh ta là con quái vật và mắng té tát vào mặt anh ta. Đáng lẽ anh ta nên biết là một người không thể lẫn lộn giữa quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường, đặc biệt là trong trường hợp này”. Mỗi quy chuẩn có ưu và nhược điểm riêng, nhưng tác giả  đánh giá cao quy chuẩn xã hội vì lợi ích lâu dài nó mang lại, đặc biệt trong việc tạo quan hệ và quản lí. Đây là chương có những kiến thức rất giá trị và thực tiễn, cần có thời gian suy ngẫm.

Và còn nhiều câu chuyện và thí nghiệm thú vị chờ các bạn khám phá về bản chất con người. Tác giả mong muốn cuối mỗi chương, độc giả hãy dừng lại và suy ngẫm những giá trị rút ra từ những thực nghiệm, từ đó giúp chúng ta có được những câu trả lời cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta và góp phần thúc đẩy xã hội loài người ngày càng phát triển.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *