Bỗng dưng thành thạo tiếng Tây Ban Nha như người bản xứ sau tai nạn mặc dù tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh

Xuất bản

Trong

Chấn thương nặng sau một trận đá bóng, kể từ đó, Reuben Nsemoh – thiếu niên sống ở vùng ngoại ô Atlanta (Mỹ) gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt của mình, cậu không thể nào tập trung để làm gì cả. Việc này khiến Nsemoh lo sợ rằng cậu ta sẽ chẳng thể nào tham gia môn thể thao mà mình yêu thích được nữa. Tuy nhiên, điểm khác biệt khó hiểu nhất kể từ sau chấn thương đó có lẽ là việc anh chàng bỗng chốc có thể nói thành thạo tiếng Tây Ban Nha.

Cách đó 1 tháng, cậu học sinh trung học 16 tuổi này đã rơi vào tình trạng hôn mê sau khi không may bị một cầu thủ đá vào đầu. Khi tỉnh dậy, Nsemoh khiến cho không ít người và ngay bản thân cậu ta ngạc nhiên vì có thể nói tiếng Tây Ban Nha chẳng khác gì người bản xứ. Theo lời của cha mẹ Nsemoh, trước đây cậu này biết một chút tiếng Tây Ban Nha, nhưng không hề thành thạo cho đến khi tai nạn xảy ra. Dần dần, tiếng Anh cũng đã trở lại, và Nsemoh bắt đầu mất đi sự lưu loát tiếng Tây Ban Nha của mình.

Căn bệnh hiếm gặp

Đang tải brain-scan-criminal-orig.jpg…

Dù nghe có vẻ khá lạ lẫm nhưng hiện tượng này đã được xác định từ trước bởi cái tên Foreign accent syndrome (FAS – hội chứng giọng nói nước ngoài), một tình trạng cực kỳ hiếm gặp khi chấn thương não đã làm thay đổi ngôn ngữ mẹ đẻ của một người, khiến họ có thể nói thành thạo một ngôn ngữ khác. Trường hợp đầu tiên trải qua hội chứng này từng được ghi nhận vào năm 1941, khi một người phụ nữ Na Uy trong lúc loạn lạc do bị Đức ném bom đã bị các mảnh bom này tổn hại đến não. Sau đó, người này bắt đầu có thể nói chuyện bằng giọng Đức.

Kể từ đó đến nay, đã có hàng chục trường hợp như vậy được báo cáo. Cách đây 6 năm, cảnh sát tìm thấy một bác sĩ thú y thuộc Hải quân Hoa Kỳ bất tỉnh trong một nhà trọ ở miền Nam California. Khi tỉnh dậy, anh này mất đi hoàn toàn ký ức về cuộc sống trước đó của mình, và bỗng nhiên có thể nói thành thạo tiếng Thụy Điển. Ở Úc, một cựu tài xế xe buýt trải qua vụ tai nạn nghiêm trọng khiến bà bị vỡ xương quai hàm. Sau đó, bà tỉnh dậy với một khả năng chưa từng có trước đó: khả năng nói tiếng Pháp.

“Nó xuất phát tự một tổn hại của bộ phận điều khiển”, tiến sĩ Karen Croot, một trong số ít các chuyên gia nghiên cứu hội chứng giọng nói nước ngoài, cho biết. “Khả năng nói là một trong những điều phức tạp nhất mà chúng ta có thể thực hiện. Có rất nhiều thành phần trong não bộ chịu trách nhiệm, đồng thời phối hợp với rất nhiều chuyển động của các bộ phận để tạo ra lời nói”. Theo tiến sĩ, chỉ cần một hoặc một số phần trong số đó bị hư hỏng là đã có thể ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố trong giọng nói.

Theo Tinhte.vn: https://tinhte.vn/threads/tieng-me-de-la-tieng-anh-bong-dung-thanh-thao-tieng-tay-ban-nha-nhu-nguoi-ban-xu-sau-tai-nan.3015099/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *