Giải thích quan điểm: “Thực tiễn là cơ sở của nhận thức”

Xuất bản

Trong

Thực tiễn là cơ sở của nhận thức. Thật vậy, trong đời sống của con người, phần lớn các tri thức xuất phát từ thực tiễn. Từ việc quan sát sự lặp đi lặp lại của sự vật, hiện tượng mà con người rút ra các nhận thức của riêng mình về sự vật hiện tượng đó, ví dụ:

  • Mỗi lần nung nóng thanh sắt, thanh sắt chuyển màu vàng rực, từ đó con người kết luận thanh sắt bị sẽ chuyển màu khi bị nung nóng
  • Mỗi lần tôi ném một vật gì đó lên không trung, thì vật đó đều rơi xuống mặt đất sau một khoảng thời gian nhất định, từ đó tôi kết luận mọi vật đều rơi xuống đất nếu được thả ra từ trên cao.
  • Cứ mỗi lần tôi ăn trứng vịt với tỏi sống thì sáng hôm sau tôi đều bị đau bụng. Hôm nay tôi cũng ăn trứng vịt với tỏi sống, nên tôi kết luận sáng ngày mai tôi sẽ bị đau bụng.
  • * Cứ mỗi lần tôi nhìn thấy con hươu thì tôi đều thấy chúng ăn cỏ hoặc một loài thực vật nào đó, từ đó tôi kết luận rằng hươu là một loài động vật chỉ ăn thực vật.
Ảnh minh họa

Những hoạt động nhận thức được rút ra từ việc nhận thấy sự lặp đi lặp lại của sự vật hiện tượng như trên được gọi là nhận thức theo hướng quy nạp. Chúng ta thường áp dụng hướng nhận thức này theo hai kiểu là Khái quát hóaSuy luận loại suy.

Hoạt động nhận thức này rất quan trọng và phổ biến trong đời sống con người, tuy nhiên, những tri thức được tạo ra bằng cách này lại không chắc chắn 100%. Hãy nhìn lại ví dụ gắn dấu *, có lẽ nhiều người đồng ý với kết luận rằng hươu là một loài động vật chỉ ăn cỏ. Tuy nhiên, người ta đã phát hiện và ghi lại được một trường hợp hươu ăn thịt người chết.

Trong 1 nghiên cứu về độ phân rã cơ thể người trong môi trường tự nhiên và tác động của động vật hoang dã lên thây người để phục vụ mục đích pháp y của Cơ quan nghiên cứu nhân chủng học pháp y tại Texas, họ đã đặt 1 cơ thể được hiến tặng trong rừng và đặt máy quay theo dõi. Họ đã phát hiện cơ thể bị cáo, kền kền, chó sói… gặm nhấm, đấy là 1 điều cũng bình thường bởi những động vật trên ăn thịt và xác thối.

Tuy nhiên sau đó vài tháng có 1 con vật mà chả ai nghĩ sẽ tới ăn xác đã tới, đó là 1 con hươu mà thường ai cũng nghĩ chỉ ăn cỏ và rất nhút nhát. Các nhà khoa học đã phát hiện 1 con hươu mới trưởng thành đã gặm phần xương sườn của xác chết, điều quan trọng hơn nữa là không chỉ 1 lần, sau vài ngày có vẻ chính con hươu này đã quay lại đến ăn thêm 1 phần xác chết nữa.

Ảnh (popular science)

Đội nghiên cứu cho biết đây cũng không phải là lần đầu tiên loài hươu ăn mặn bởi chúng trong một vài trường hợp đã được biết đến vẫn ăn cá, dơi và thỏ đã chết. Họ cho rằng có thể chúng làm vậy để bổ sung các khoáng chất còn thiếu như phốt pho, muối hay canxi còn thiếu trong chế độ ăn hàng ngày, nhất là vào thời điểm mùa đông khó kiếm thức ăn.

(Nguồn: Popular science)

Nếu gặp những trường hợp như trên, có người có thể có người sẽ đặt ra những hoài nghi đối với phương pháp lý luận này, nhưng chắc chắn nhiều người vẫn tin tưởng sử dụng phương pháp lý luận này. Họ có thể đưa ra lập luận rằng:

P1: Lý luận quy nạp đã tỏ ra hiệu quả trong quá khứ

P2: Các quy luật tự nhiên luôn ổn định, tương lai sẽ lặp lại quá khứ

C: Quy nạp cung cấp một cơ sở lý luận tốt để rút ra các kết luận về tương lai

Tuy nhiên, David Hume (1711–76) đã chỉ ra rằng, quy nạp dường như không thể biện minh (justify) được. Theo ông, nguyên lý (principle) nằm bên dưới phương pháp quy nạp – thiên nhiên luôn vận hành ổn định – không thể được mô tả theo kiểu diễn dịch hay quy nạp.

Mọi thứ có thể đổi thay nhưng không tới mức thay đổi các quy luật của tự nhiên. Các vật nặng không thể đột ngột bay lên cao, thủy triều không thể cứ tiếp tục dâng cao mãi. Vì thế, nó không thể biện minh được bằng phương pháp diễn dịch. Nó không đúng về mặt định nghĩa cũng không thể quy giản về một khẳng định luôn đúng nào đó (ví dụ khẳng định: không có gì vừa đúng vừa sai) rằng tương lai sẽ vận hành tương tự như những lần trước đó trong quá khứ.

Nhưng nguyên lý này cũng không thể biện minh được bằng quy nạp.

Nếu ta cố gắng bảo vệ sự thật của nguyên lý này bằng việc sử dụng lý luận quy nạp – nếu ta nói lý luận quy nạp là hợp lệ bởi vì, trong quá khứ, lý luận quy nạp đã cho ta những kết quả đúng – thì chúng ta đang lập luận lòng vòng. Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính nguyên lý của quy nạp để làm nền tảng sự thật cho chính nó mà thôi!

Điều này dẫn đến rất nhiều hệ quả to lớn khác trong hoạt động nhận thức của con người, mời các bạn đọc thêm bài: Vấn đề của quy nạp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *