Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu: Đọc sách triết học mà cứ như xem series phim hành động Mỹ!

Xuất bản

Trong

Một người bạn của tôi mua cuốn sách này về nhưng tôi đã nhanh chóng mượn đọc trước bởi vì tôi biết cuốn sách này thông qua một số trang web gợi ý những sách nhập môn triết học nên đọc.

Cuốn sách không quá dày, chỉ 500 trang. Tôi đã đọc với đầy hứng thú và hoàn thành nó trong vòng 1 tuần. Tôi cảm thấy mình hiểu khá nhiều nội dung được viết ra trong cuốn sách bởi vì từ trước đó, tôi cũng đã từng đọc 1 vài cuốn sách nhập môn về triết học như Trò chuyện triết học, Câu truyện triết học, Thế giới của Sophie và học một khoá học online trên EDX mang tên Triết học và tư duy phản biện.

Nhưng đó không phải lý do chính khiến tôi có thể nuốt trôi cuốn sách trong vòng một tuần. Công lao lớn nhất thuộc về tác giả và người dịch. Triết gia đương đại người Đức Richard David Precht, tác giả cuốn sách không viết theo trình tự thời gian của triết học mà phân chia theo cách của triết gia nổi tiếng Immanuel Kant:

  1. Tôi có thể biết gì? Tập trung vào các mô tả não bộ, bản tính cũng như phạm vi của tri thức nhân loại, khởi đầu từ các câu hỏi được mổ xẻ bởi Kant, Descartes, Nietzsch, Freud, và các triết gia khác.
  2. Tôi nên làm gì? Giải quyết các vấn đề đạo đức và luân lý, sử dụng các nghiên cứu thần kinh học và xã hội học để lý giải tại sao chúng ta có thiện cảm với người khác và buộc phải hành động có đạo đức. Các cuộc tranh luận về trợ tử, phá thai, nhân bản vô tính và những chủ đề gây tranh cãi khác.
  3. Tôi có thể hy vọng gì? Xoay quanh những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời: Hạnh phúc là gì và tại sao chúng ta yêu? Có Chúa không và chúng ta có thể chứng minh sự tồn tại của Chúa như thế nào? Tự do là gì? Mục đích của cuộc sống là gì?

Ở mỗi phần là các chương nhỏ hơn với độ dài vừa phải được viết bằng một văn phong cô đọng, dễ hiểu và pha chút hóm hỉnh. Đa phần, mỗi chương tác giả giới thiệu một triết gia hay một nhà khoa học nào đó cùng với những quan điểm lập luận của họ, sau đó là phân tích, chỉ ra điểm chưa ổn thoả trong những lập luận hay học thuyết đó để rồi gợi mở ra một phương hướng giải quyết tiếp theo ở chương kế sau. Đọc cuốn sách này, bạn sẽ cảm thấy giống như xem những series phim hành động Mỹ (như Vượt ngục): tiết tấu nhanh, gọn gàng và luôn kết thúc ở những lúc khiến người xem hồi hộp và háo hức hức chờ đợi tập tiếp theo.

Cũng phải công nhận rằng, dịch giả cuốn sách đã làm rất tốt công việc chuyển ngữ của mình. Bởi vì một cuốn sách với nhiều kiến thức hàn lâm như thế này mà có thể dịch trôi chảy là một công việc rất đáng khen. Có những cuốn sách rất hay như Tư duy nhanh và chậm nhưng người dịch lại chuyển ngữ kém khiến người đọc rất khó tiếp thu.

Mặc dù vậy, cho rằng mức độ của cuốn sách này vẫn chưa phù hợp đối với những ai chưa tìm hiểu một chút kiến thức nào về triết học. Nhưng nếu tìm hiểu sơ rồi, thì thật sự đây xứng đáng là một cuốn sách mà bạn nên gối đầu giường. Nếu bạn chưa biết chút gì về triết học, tôi thành thực khuyên bạn tìm hiểu khoá học META101x mà tôi đã dịch và giới thiệu ở đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *