Tư duy nhanh và chậm – Đúc kết một cách toàn diện về cách não bộ hoạt động

Xuất bản

Trong

Với nghiên cứu miệt mài hơn 30 năm, Giáo sư tâm lý học Daniel Kahneman và đồng nghiệp đã có lời giải cho chúng ta về cách thức não bộ hoạt động, cách thức chúng ta cảm nhận thế giới và tương tác với chúng thế nào.

Chân dung tác giả cuốn sách

Não chúng ta hoạt động với hai hệ thống song song, hệ thống 1 với cơ chế nghĩ nhanh, tự  động, cảm tính, rập khuôn, tiềm thức và hệ thống 2 với cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi nỗ lực, dùng logic, tính toán và ý thức.

Bằng những ví dụ từ nghiên cứu thực tế, Kahneman và Tversky dần cho chúng ta trải nghiệm cách não chúng ta hoạt động thế nào với 2 hệ thống và thách thức suy nghĩ của chúng ta, đồng thời cung cấp những kiến thức để bạn có thể hiểu hành vi của những người xung quanh.

Cuốn sách cho chúng ta thấy một sự thật là chúng ta không phải con người đầy lý trí như chúng ta vẫn tưởng, phần lớn các quyết định chúng ta đưa ra đều dựa vào hệ thống 1.

“Nếu có ai đó hỏi bạn đang nghĩ gì, bạn sẽ trả lời câu hỏi đó một cách dễ dàng. Bạn tin là mình biết những gì đang diễn ra trong đầu. Tuy nhiên điều đó không phải vậy.

Hầu hết mọi ấn tượng và suy nghĩ của bạn thường diễn ra trong trí não theo cách mà bạn không sao biết được. Bạn không thể lí giải được vì sao bạn tin chắc trên bàn có một chiếc đèn, hoặc điều gì khiến bạn cảm nhận được nét hờn ghen trong giọng nói của bạn đời trên điện thoại, hoặc chỉ bằng linh cảm mà bạn tránh một tai nạn khi mà nó chưa thực sự xảy ra. Rất nhiều quyết định được hình thành một cách lặng lẽ bên trong đầu óc bạn và khi trí óc bạn hoạt động nó sẽ sinh ra những cảm xúc và trực giác…

Chúng ta làm chủ cuộc sống của mình, nên tự thân chúng ta tuân theo những ấn tượng và cảm xúc cá nhân và tự tin rằng niềm tin bản năng, cũng như sở thích của bản thân thường đúng đắn. Nhưng không hẳn thế, chúng ta tự tin ngay cả khi mắc sai lầm và thường người khác dễ phát hiện sai lầm đó hơn là bản thân chúng ta”. Bằng lời mở đầu hấp dẫn như vậy, tác giả bắt đầu trình bày về sự khác biệt của tư duy nhanh – tư duy chậm trong năm phần cuốn sách.

Phần I: Giới thiệu về những cách tiếp cận của hai hệ thống với sự vật xung quanh để đưa ra những phỏng đoán và quyết định. Mô tả sự khác biệt giữa việc tổ chức tự động của hệ thống 1 và việc tổ chức có kiểm soát của hệ thống 2.

“Tổng giá của một chiếc gậy bóng chày và quả bóng là 1.10 đô la, chiếc gậy có giá cao hơn quả bóng 1 đôla. Đố bạn biết quả bóng có giá bao nhiêu? Một con số xuất hiện trong đầu bạn, tất nhiên là 10 xu. Nhưng rất tiếc đó là 1 đáp án đầy tính trực giác và sai bét. Nếu quả bóng 10 xu thì chiếc gậy có giá 1.10 đô la và tổng giá của bóng chày và quả bóng là 1.20 chứ không phải tổng giá 1.10 như đề cho ban đầu” (Để dễ hình dung bạn đặt giá cây gậy là x, giá quả bóng là y và trải nghiệm).

Ví dụ trên cho thấy sự tự tin vào trực giác của bản thân mà nếu không biết kết quả của mình sai, liệu bạn có kiểm chứng lại nó ? 😀 .

Phần II : Bàn về những nghiên cứu về những sai lệch về phán đoán suy nghiệm. Tại sao con người lại khó khăn khi tư duy dựa trên số liệu thống kê?

Chúng ta dễ dàng tư duy liên tưởng, ẩn dụ, hay tư duy nguyên nhân – hệ quả nhưng lai khó khăn tư duy dựa trên hiện thực thống kê, bởi sự tư duy này đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về nhiều vấn đề cùng xảy ra một lúc, đây là điều hệ thống 1 không được thiết kế để đảm nhiệm.

(Phần này mình thấy rất hay, nó cho thấy con người rất lười suy nghĩ, đặc biệt trong thời đại ngày nay khi thông tin ăn liền ngập tràn, và những thông tin này làm chúng ta lầm tưởng chúng ta là một người có hiểu biết).

Đây là 1 số ví dụ:

“Một cuộc phỏng vấn thăm dò qua điện thoại phỏng vấn 300 người cao tuổi cho thấy 60% ủng hộ tổng thống”  Để tóm tắt thông điệp trên bạn chắc chắn sẽ chọn “ Phần lớn người già ủng hộ tổng thống”.

“Bạn cùng phòng đang thuyết phục bạn rằng tiền không mang lại hạnh phúc bằng cách dẫn chứng số liệu của đại học Harvard 10% số người hạnh phúc là người giàu. Bạn chắc hẳn sẽ dễ dàng bị thuyết phục vì không có khả năng kiểm chứng thông tin này. Để kiểm chứng mình sẽ đưa ra giả thuyết:Giả sử có 1000 người tham gia điều tra, có 40% người điều tra là hạnh phúc và 5% số người được điều tra là người giàu. Như vậy là dễ dàng tính đc số người hạnh phúc là 400, số người giàu được điều tra là 50. Theo số liệu Harvard 10% số người hạnh phúc là người giàu, ta có 400×0,1=40. Tiếp đó tính ra tỉ lệ số người hạnh phúc trong nhóm người giàu 40/50=0,8= 80%. Từ đó ta có thể kết luận: Đa số người hạnh phúc không phải là người giàu, nhưng đã giàu thì khả năng cao là hạnh phúc.” (Nguồn Spiderum)

Bạn đã cảm thấy khó khăn với những ví dụ trên chưa :D. Ví dụ đầu cho thấy sự liên tưởng tới quan hệ nhân quả mà ít chú ý tới độ tin cậy của thống kê dựa trên cỡ mẫu. 300 được người điều tra liệu có đủ cơ sở để kết luận “ Phần lớn người già ủng hộ tổng thống ”

Phần III  Mô tả một sự thật về giới hạn của đầu óc chúng ta.

Chúng ta dễ dãi đánh giá quá cao sự hiểu biết của mình về thế giới và đánh giá quá thấp vai trò của các cơ hội và sự kiện xung quanh. Và sự dễ dãi này xuất phát từ việc bạn có ít thông tin nên hệ thống 1 với lối tư duy liên tưởng hay nguyên nhân hệ quả, nó dễ dàng vẽ ra một câu chuyện mà chúng ta cho là hợp lý, biến nó thành niềm tin.

Chúng ta đưa ra một kết luận hay dự đoán tương lai (hay còn gọi trực giác-linh cảm) vì chúng ta thấy nó hợp lý chứ không phải vì kết luận đó mang yếu tố của một quá trình tư duy hợp lý. Phần này đọc để hiểu không dễ, mình sẽ dùng một ví dụ lượm lặt được cho các bạn thấy.

Giả sử bạn muốn mở một quán cafe ở Sài Gòn. Tỉ lệ tồn tại sau một năm của quán cafe là bao lâu? Thông thường bạn sẽ cân nhắc những yếu tố như vị trí của quán, trang trí tường, bàn ghế, phong cách phục vụ, chất lượng đồ uống, giá cả đồ uống, chi phí… Tất cả những yếu tố trên làm bạn nghĩ quán của bạn sẽ khác biệt so với hàng triệu quán ở Sài Gòn và một con số hiện lên trong đầu bạn khi cân nhắc những yếu tố trên. Bạn nghĩ rằng quán của bạn khả năng cao (cho là 70%) là tồn tại sau một năm vì bạn tin mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm rõ những thông tin mình có và liên kết chúng lại. Bạn nghĩ 70% này ở đâu ra thế hay do bạn tự nghĩ ra. Thống kê cho thấy rằng 90% quán café mới sẽ đóng cửa sau một năm, và bạn chỉ có khoảng 10% để tồn tại sau một năm. Bằng chứng này cho thấy tự bạn vẽ ra một câu chuyện phù hợp với thế giới quan của bạn.

Nguồn : https://spiderum.com/bai-dang/Tu-duy-Bayesian-Updating-trong-mot-the-gioi-bat-dinh-bf2 ( Còn vài ví dụ hay trong này nữa)

Mình kết nhất một đoạn này ở phần III: “ Niềm tin trực giác mà con người có được không phải là một bằng chứng tin cậy cho tính đúng đắn. Nói cách khác, không nên tin bất cứ người nào – kể cả chính bản thân – khi họ bảo bạn nên tin tưởng nhận định của họ đến mức nào”. “Vậy làm thế nào để đánh giá chính xác của một nhận định trực giác? Khi nào những phán đoán thể hiện khả năng chuyên môn chính xác?” Mời các bạn đọc phần này và suy ngẫm tự tìm câu trả lời :D.

Phần IV Thảo luận về bản chất của việc ra quyết định.

Việc chúng ta đưa ra quyết định thường sai lệch những nguyên tắc tư duy logic mà chúng ta thường vẫn cho là hợp lý. Việc quyết định này thường thể hiện thông qua “Tâm lý mất mát”, “Cái xấu mạnh hơn cái tốt”, chúng ta phản ứng trước những thất bại mạnh mẽ hơn với những lợi ích tương xứng.

Ví dụ thực tế từ phong trào phản đổi tiêm vaccin, phủ nhận vai trò của vaccin khi có “x” trẻ chết. Chúng ta phủ nhận vai trò của may rủi, có những rủi ro mà bạn khó chấp nhận dù cho tỉ lệ nó thấp đến bao nhiêu. Giả sử con bạn tiêm vaccin thì ra đi trong khi những đứa trẻ khác thì khỏe mạnh. Nếu bạn nói vaccin không đủ an toàn, bộ y tế bắt con bạn tiêm thì mời bạn xem lại tỉ lệ tử vong do tiêm vaccin thấp cỡ nào. Nguồn đây, bạn thử cộng số trẻ chết trên báo và chia cho tổng số trẻ được tiêm.

“Cơ chế của não người và ở một số loài vật khác được ưu tiên để chứa các tin tức xấu. Chỉ cần 1 phần ngàn giây cũng đủ để phát hiện kẻ săn mồi, chu trình này giúp các động vật sống sót để duy trì nói giống” (Chúng ta vẫn có phần con ^ ^).

“Những cảm xúc tồi tệ, những ông bố bà mẹ xấu, thông tin tệ có tác động lớn hơn những thứ tốt đẹp. Con người có nhiều động lực để tránh mang tiếng xấu hơn là nỗ lực thành một người tốt” (Câu này rất thực tế, các bạn thử dành một ít thời gian ngẫm nghĩ xem có đúng với những gì diễn ra xung quanh bạn không?)

“Một chuyên gia nghiên cứu mối quan hệ vợ chồng cho thấy: Một cuộc hôn nhân bền vững phụ thuộc rất nhiều vào việc tránh các hành động tiêu cực hơn là cố gắng tạo ra nhiều hành động tích cực. Ông ước tính để hôn nhân bền vững đòi hỏi tương tác tích cực phải lấn át những tương tác tiêu cực ở tỉ lệ nhỏ nhất 5/1… Để xây dựng một mối quan hệ có thể mất nhiều năm, nhưng chỉ một lỗi lầm, 1 khoảnh khắc mà tự chúng ta cho là tồi tệ đủ để phá hủy toàn bộ mối quan hệ đấy”.

Phần V Bàn về 2 bản thể, bản thể trải nghiệm và bản thể hồi ức.

Phần này ngắn nhất, nhưng cũng khá phức tạp. Đây là ví dụ để minh họa 2 bản thể này.

Giả tưởng bạn có 1 máy nghe nhạc đĩa than và 1 cái đĩa than, bạn mở máy và thưởng thức với tâm trạng thõa mãn trong 40 phút đầu, nhưng tới phút 41 chiếc đĩa bị lỗi tạo ra âm thanh chói tai làm bạn khó chịu. Bạn sẽ kết luận gì về trải nghiệm này. “Đoạn kết thật tồi tệ” và quên 40 phút thỏa mãn ban đầu. Có thể lần sau bạn sẽ đắn đo khi mở chiếc đĩa này dù cho nó cho bạn 40 phút thõa mãn và chỉ có một phút tồi tệ. Qua đó bạn có thể hình dung tương đối về 2 bản thể, bản thể trải nghiệm là cái đang sống thực và bản thể hồi tưởng chịu trách nhiệm chấm điểm và đưa ra lựa chọn.

Và đoạn kết luận tổng hợp lại những gì tác giả trình bày và vai trò của tâm lý học trong thay đổi hành vi con người để tạo ra những “Cú hích” (Có một tác phẩm mang tên tương tự, bạn có thể tìm hiểu thêm)  nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân và xã hội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *