Bài 6: Chủ nghĩa hoài nghi

Xuất bản

Trong

Ở những bài trước chúng ta đã tìm hiểu các cách tiếp cận khác nhau để định nghĩa tri thức theo mô hình JTB cùng những vấn đề phát sinh giữa những người theo chủ nghĩa nội liên kết, ngoại liên kết và chủ nghĩa thực dụng. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một hướng tiếp cận tri thức khác đó là một hướng tiếp cận hoài nghi, hay còn được biết đến với cái tên hoài nghi chủ nghĩa.

Chủ nghĩa hoài nghi (scepticism)

Với những người theo thuyết ngoại liên kết, họ cho rằng nhận thức của các cơ quan con người là có thể tin cậy được và là nguồn phát sinh những nhận thức đúng.

Những người ngoại liên kết cũng tin nhận thức của chúng ta đáng tin cậy là bởi giữa thực tế và niềm tin của chúng ta có mối liên hệ nhân quả, và dù thỉnh thoảng chúng có dẫn đến một vài kết quả nhầm lẫn thì trong phần lớn trường hợp chúng đã mang lại những niềm tin đúng đắn cho chúng ta. Sự tiến bộ không ngừng của văn minh nhân loại cũng không nằm ngoài minh chứng cho điều ấy.

Chủ nghĩa hoài nghi (scepticism) là một hướng tiếp cận của triết học, mà trong đó, những mọi tri thức nền tảng hay bất cứ một khẳng định nào cũng đều được người theo thuyết này hồ nghi, xem xét.

Chủ nghĩa hoài nghi xuất hiện từ rất sớm và dưới nhiều hình thức trong lịch sử triết học. Một trong những yếu tố phổ biến để phân biệt các hình thức hoài nghi là dựa vào độ rộng của quan điểm được hoài nghi.

Ví dụ, Copernicus nghi ngờ về thuyết địa tâm (một quan điểm cho rằng trái đất đứng yên và là trung tâm vũ trụ). Tuy nhiên, ông lại không nghi ngờ chuyện có tồn tại một vũ trụ bên ngoài trái đất. Nên dù vấn đề ông đặt ra mang tầm trái đất và các tinh tú, thì độ rộng trong sự hoài nghi của Copernicus chỉ được xếp vào hàng hoài nghi cục bộ (local scepticism).

Một dạng hoài nghi khác khi tầm bao phủ của nó có độ rộng lớn hơn, phủ trùm thế giới bên ngoài (external world). Nói một cách cụ thể thì theo chủ nghĩa này: liệu những giác quan hay lý trí của chúng ta có thể giúp chúng ta có được những phán đoán đúng đắn về thế giới hay không, hoặc thậm chí là thế giới khách quan có tồn tại hay không? Đây chính là tư tưởng cốt lõi trong thời kỳ Hellen cổ đại. Còn đối với những ai hoài nghi cả năng lực của lý trí trong việc cung cấp cho chúng ta tri thức (trong trường hợp các giác quan của chúng ta không thể) thì lúc này mức độ hoài nghi đã đạt đến ngưỡng cao nhất, phổ quát (global in its scope). Tức lúc này con người sẽ hoài nghi tất thảy, không chừa một quan niệm nào hết và thậm chí hoài nghi ngay cả những thứ như khái niệm toán học hay chính bản thân ý nghĩa của sự hoài nghi (ta sẽ thấy điều này ngược với quan điểm của Decartes và hoài nghi Descartes trong những bài tiếp theo ở phần 2).

Ngoài ra cũng có một dạng hoài nghi mà giới hạn cho độ phủ của nó chỉ ở mức độ lý thuyết (ví dụ như sự hoài nghi của Descartes), trong khi đó một số khác lại mở rộng độ phủ ra tới thực tiễn cuộc sống. Và hai định mức trên được coi là điểm giúp ta phân biệt được cách tiếp cận của chủ nghĩa hoài nghi, đó là: chủ nghĩa hoài nghi được tiếp cận trong lĩnh vực học thuật và chủ nghĩa hoài nghi tiếp cận trong cuộc sống thường ngày. Điển hình của lối tiếp cận chủ nghĩa hoài nghi thứ hai (hay còn gọi là tiếp cận hoài nghi bằng cuộc sống) được khởi phát từ nhà hiền triết Pyrrhon và trường phái của ông còn được gọi là triết học khắc kỷ (stoic). Mục đích của trường phái triết học này là đạt được “sự bình yên trong tâm thức” (apaxia).

Chủ nghĩa hoài nghi cổ đại

Như đã đề cập trong bài trước, những người cố tìm cách định nghĩa tri thức theo mô hình JTB đã gặp phải tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bởi để biết về một điều gì đó ta bắt buộc phải nắm được định nghĩa của nó. Để nắm được định nghĩa của nó, ta phải biết hết những thuật ngữ có trong đó, và để biết được những thuật ngữ có trong đó ta phải đào sâu thêm những thuật ngữ của chính những thuật ngữ có trong đó… Ồ, thế là vòng hồi quy bất tất kéo đến khiến ta mãi mãi không thể biết được một điều gì cả.

Giải pháp được đưa ra là ta cần coi một số thứ (ví dụ những thuật ngữ của một khái niệm) là những thành phần có thể được biết mà không thông qua định nghĩa nào. Nhưng như vậy cũng có nghĩa ta đã chấp nhận một vài tri thức mà không cần thông qua sự biện minh, mà điều này thì lại mâu thuẫn với mô hình JTB ban đầu.

Vì vậy, sứ mệnh trong cuộc chiến sống còn này là phải ngăn chặn lại vòng hồi quy bất tận. Tuy nhiên, mọi phương pháp có vẻ khả thi giúp ta ngăn nó lại khiến những tri thức bị coi là đã được định đoạt tùy tiện.

Chúng ta đã biết có một số triết gia như Aristotle và Descartes nghiêng về quan điểm: có những khẳng định chúng ta phải chấp nhận mà không cần theo kèm bất cứ sự biện minh nào bởi chúng có thể tự biện minh hoặc chúng ta có thể tự tri nhận chúng bằng trực giác. Và tất nhiên có những người nghi ngờ ngay cả những điều này (trường hợp global scepticism).

Chủ nghĩa hoài nghi phát triển cực thịnh ở thời Tiền Trung cổ (Antiquity). Nó cũng thống trị học viện của Plato sau khi ông này qua đời. Người tiếp quản thứ 6 của học viện – Arcesilaus – đã định hướng các học viên theo khuynh hướng hoài nghi từ những năm 273 trước công nguyên và kéo dài nó ra 100 năm tiếp theo.

   Có 2 trường phái hoài nghi chủ đạo trong thời kỳ cổ đại:

  1. Hoài nghi học viên (academic scepticism): thuộc về nhánh hoài nghi của học viện Plato (từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ nhất trước công nguyên).
  2. Chủ nghĩa hoài nghi của Pyrrhon (Pyrrhonian Scepticism): được khởi xướng bởi Pyrrhon. Và mặc dù không có học viện theo đúng nghĩa những Pyrrhon sở hữu rất nhiều môn đồ.
Ảnh minh họa.

Cả 2 trường phái này đều phản đối những kiến thức giáo điều được truyền dạy thời đó. Cả 2 cũng đều bận tâm đến những bất đồng ý kiến giữa các trường phái triết học thời đó, trong đó có cả triết học khắc kỷ của chính Pyrrhon. Một câu chuyện đã kể lại rằng chính Pyrrhon đã trở nên rất bối rối khi không thể lựa chọn trường phái triết học nào là đúng đắn. Và lúc ông tự thừa nhận điều này cũng là lúc ông tìm kiếm được “sự bình yên nội tâm”.

Carneades (213-129 B.C), một người theo khuynh hướng hoài nghi học viện đã chấp nhận rằng có những ấn tượng hoặc khẳng định thì mang tính chất thuyết phục hơn những cái khác, đặc biệt kể cả khi chúng chưa được kiểm chứng hay điều tra một cách rõ ràng. Một nhà tư tưởng khác sinh vào thời đại sau đó là Ciero (107-44 B.C) cũng đưa ra quan điểm tương tự là chúng ta nên chấp nhận những khẳng định mang lại cảm giác giống với sự thật hơn.

Và đó là lý do tại sao tư tưởng hoài nghi học viện lại đi đôi với khái niệm Fallibilists (tạm dịch: có khả năng sai). Bởi nếu như ta tin những khẳng định bởi chúng có vẻ có khả năng đúng thì tức nghĩa ta cũng thừa nhận những khẳng định đó có khả năng sai.

Cicero cũng là một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn với chủ nghĩa hoài nghi khi ông giới thiệu với mọi người một loại ngôn ngữ – ngôn ngữ của sự nghi ngờ – thứ mà đã trở thành một khái niệm quan trọng trong những cuộc tranh luận về chủ nghĩa hoài nghi Tiền Hiện đại, và đặc biệt là cho Descartes.


Thánh Augustine

 Trong tác phẩm Contra Academicos (tạm dịch: Phản đối thuyết hoài nghi học viện), thánh Augustine đã tấn công tư tưởng hoài nghi ở luận điểm rằng: có một số khẳng định thì giống thật hơn những cái khác. Trong tác phẩm De Magistro (tạm dịch: Bàn về nhà giáo), ông cũng bảo vệ ý kiến rằng có những ý nghĩ tự bản thân nó đã đảm bảo tính đúng đắn cho nó và thừa nhận bên trong con người có sự tồn tại của sức mạnh tâm trí (người thầy tâm trí) giúp ta có thể tránh khỏi sai lầm.

Chủ nghĩa hoài nghi tiếp tục phát triển mạnh ở thế kỷ 4 sau công nguyên và tác phẩm Outlines of Pyrrhonism (tạm dịch: Sơ lược về Pyrrhon) của Sextus Empiricus (160-210 A.D) là nguồn tài liệu duy nhất cho ta biết về những lập luận của Pyrrhon.

“Người hoài nghi là người dò xét những câu hỏi triết học một cách cặn kẽ những lại không thể tìm ra một cách hòa giải các xung đột giữa các ý kiến tranh luận và những luồng tư tưởng trái chiều nhau nên họ kiềm chế phán đoán. Nếu kiềm chế được các phán đoán thì nó không phát sinh lạc quan hay tiêu cực, nhờ vậy con người đạt được một trạng thái bình yên trong tâm thức, không phải lo âu phiền muộn bởi vì những người này biết rằng họ không thể có cách tìm ra tính đúng, cũng không có cái nào là xấu hay tốt nên họ không phiền não trước những sự xảy ra trong đời sống xung quanh”.

Tiêu chí của sự thật

Tinh thần hoài nghi cổ đại cho rằng: với bất kỳ một lập luận nào ta đều có thể tìm được một lập luận phản bác tương ứng, bất kỳ một sự nhận thức hay lý luận nào đều phái sinh ra những quan điểm trái chiều. Do vậy, không có gì là chắc chắn cả.

Tinh thần hoài nghi cổ đại đáp lại những lập luận theo hai dạng:

  • Lập luận hồi quy vô tận, rằng: không một lập luận nào có thể được chứng minh bởi để chứng minh một kết luận cần phải dựa vào tính đúng đắn của các tiên đề, mà điều đó lại yêu cầu thêm các bằng chứng khác, và cứ thế quay vòng vô tận.
  • Lập luận màn che ý tưởng (hình ảnh), rằng: chúng ta chỉ có thể cảm nhận trực tiếp về ngoài của sự vật – những ý tưởng tưởng, hoặc những hình ảnh trong tâm trí.  Bởi chúng ta không có phương tiện nào khác để so sánh những ý tưởng hay hình ảnh trong tâm trí chúng ta với bản chất của chính những thứ đó. Tức nghĩa là việc chúng ta nhận thức chúng thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, và những ý tưởng cùng hình ảnh trong tâm trí ấy không cấu thành nên nhận thức khách quan.

Vì 2 lập luận trên nên tư tưởng hoài nghi phản đối những triết lý giáo điều (ví dụ chủ nghĩa khắc kỷ), những chủ nghĩa mà cho rằng có những thứ chúng ta biết được bản chất của nó. Người hoài nghi cũng phủ nhận rằng không phải cứ cái gì ta tin đều là bản chất thật sự của sự vật đó. Tức là họ phân biệt được rõ ràng giữa  và có vẻ là.

Tiêu chí của hành động

Liên quan đến hành động, có hai câu hỏi thích đáng dành cho tư tưởng hoài nghi thời kỳ này, đó là:

  • Liệu ai có thể hành động hoặc sống mà không có niềm tin – vấn đề với apraxia?
  • Dường như có một sự chấp nhận chung chung và chúng ta không thể coi nó là niềm tin bởi như thế là đi ngược với tự do của chủ nghĩa hoài nghi, và cũng bởi hầu hết sự âu lo buồn khổ của con người đều nảy sinh từ việc niềm tin bị lung lay.

Ở đây, chủ nghĩa hoài nghi có thể có lý đúng trong câu phát biểu: nếu chúng ta không quan tâm, chẳng hạn không nghĩ ngợi về danh tiếng hay sự may mắn, nếu chúng ta hiểu rằng chúng ta không thể hiểu tường tận về bất cứ điều gì thì chúng ta có thể tránh khỏi mọi phiền não. Tuy nhiên, liệu chúng ta có thể hành động mà không dựa vào bất cứ phán đoán sáng suốt nào? Liệu bạn có dám ăn bất cứ thứ gì nếu bạn không có niềm tin rằng chúng ăn được hoặc không độc hại hay không? Bên cạnh đó, liệu chúng ta có thể sống mà hoàn toàn không đưa ra bất cứ phán đoán về những điều tốt xấu có thể xảy ra trong thực tế với chúng ta? Ví như thức dậy và bước xuống giường mà không cần tin mình sẽ bước trên đất bằng rắn chắc?

Tư tưởng hoài nghi cổ đại đã có câu trả lời cho những vấn đề trên (thật tốt!), đó là: chúng ta vẫn có thể sống tốt nếu chúng ta chấp nhận chứ không phải tin vào những hiện tượng biểu hiện. Cũng có nghĩa là nếu bạn ăn sáng mà không có ý nghĩ phải tin rằng mình đang ăn một thứ ăn được, hoặc bổ dưỡng, nghĩa là bạn đang sống cuộc đời của một tín đồ hoài nghi.

Và vẻ bề ngoài (appearances) – theo những người hoài nghi – sẽ cung cấp cho chúng ta tiêu chí để hành động. Tuy nhiên tiêu chí sự thật thì không theo kèm nó.

Còn giải pháp đối với vấn đề “apraxia” thì phụ thuộc vào khả năng phân biệt rạch ròi giữa niềm tin và việc chấp nhận một khẳng định là đúng vì mục đích hành động. Việc chấp nhận một khẳng định đúng cũng giống như việc đưa ra một giả thuyết hành động để kiểm chứng hay chấp nhận một điều gì đó với mục đích để tranh luận mà không thừa nhận tính đúng đắn của khẳng định đó. Tuy nhiên, thông thường chúng ta chỉ chấp nhận một khẳng định khi ít nhất ta cũng tin rằng nó có khả năng đúng. Mà một người hoài nghi đích thực có nên tin hay không?

Chủ nghĩa hoài nghi thời kỳ trung cổ

Công bằng mà nói, trong suốt thời kỳ Trung cổ, chủ nghĩa hoài nghi được sử dụng nhiều với tư cách như một phương pháp luận hơn. Và hoài nghi được coi như một bộ phận quan trọng trong lý luận triết học, là bước đầu trong quá trình tìm tòi chân lý.

William of Ockham (1280-1349) là một nhân vật nổi tiếng với lý thuyết mang tên “Dao cạo Ockham” của mình. Theo đó ông nêu ra: nếu không cần thiết, đừng tăng thêm thực thể. Và sâu xa hơn của triết lý này là: thiên nhiên không bao giờ tạo ra những thứ thừa thãi. Những giả thuyết nào mà càng có ít sự hoài nghi thì khả năng đúng của những giả thuyết đó càng cao. Đừng cố gắng nghi ngờ nhiều quá, hãy suy nghĩ một cách đơn giản thôi, và những cái “râu ria” không cần thiết kia thì hãy cầm dao mà cạo bỏ chúng. Mặc dù đây là một lờ phát biểu đơn giản những nó đã đem lại ảnh hưởng vô cùng to lớn trong khoa học cũng như nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Đọc thêm: Nguyên lý dạo cao Ockham

***

Thánh Augustine (354-430 A.D) là một nhân vật có ảnh hưởng lớn đến những nhà triết học Trung Cổ và Tiền Hiện đại khi ông đã có những chỉ trích rất đáng chú ý với chủ nghĩa hoài nghi học viện qua tác phẩm Contra Academicos (tạm dịch: Phản đối thuyết hoài nghi học viện).

Trong tác phẩm nêu trên và thậm chí một vài tác phẩm khác (như On the Trinity – Luận về Chúa ba ngôi) Augustine tranh luận rằng có rất nhiều khẳng định mà chúng ta không thể nghi ngờ gì nữa, bao gồm những khẳng định liên quan đến cái tôi (bản thể), hay những mệnh đề toán học hoặc khẳng định logicque (2+3=5; “không có khẳng định nào vừa đúng vừa sai”) hoặc thậm chí là những khẳng định liên quan đến vật lý (thế giới khách quan tồn tại hoặc không tồn tại).

Trong một phản hồi có trước về “Lập luận giấc mơ” của Descartes, Augustine phản đối rằng: ít nhất chúng ta cũng biết một điều rằng ” hoặc chúng ta đang mơ, hoặc thế giới khách quan có tồn tại”.

Theo đó, với quan điểm của Augustine thì nếu tất cả trải nghiệm của chúng ta là mơ thì chủ nghĩa hoài nghi cũng không thắng thế vì không có danh giới nào rõ rệt giữa vẻ bề ngoài và thực tại. Cũng có nghĩa là khi đó trải nghiệm mơ của chúng ta đơn giản cũng chính là thực tại của chúng ta!

Augustine cũng cho rằng fallibilism (chủ nghĩa có khả năng sai) không nhất quán bởi nó dựa trên khả năng phán đoán xem cái gì “giống thật nhất”. Và trong khi chúng ta còn chưa biết cái nào là “thật” thì làm thế nào chúng ta biết được nó “giống thật nhất”? Người ta không thể nói A giống B khi còn chưa biết B là cái gì!

Trong quyển sách thứ 2, chương 11-12 của tác phẩm Phản đối chủ nghĩa hoài nghi học viện, ông viết:

“Chỉ có người điên hoặc sở hữu một trí tuệ ngớ ngẩn mới nói rằng anh ta giống bố hay giống anh trai mình khi chưa gặp bao giờ. Tương tự, thật điên rồ khi những người theo thuyết hoài nghi nói rằng họ theo đuổi những gì giống với sự thật khi họ còn chưa biết bản chất của sự thật.”

image-frenchman.jpg

Tuy nhiên chủ nghĩa hoài nghi đã từng rất được ưa thích tại Pháp trong thế kỷ 16. Một trong số các triết gia theo khuynh hướng hoài nghi của thời kỳ này là Michel de Montaigne (1532-1592) đã viết cuốn Apology for Raymond Sebond. Trong đó, một câu cách ngôn đã trở nên nổi tiếng của Montaigne là “Tôi biết điều gì”. Bởi đối với ông, hoài nghi là một hệ quả không thể tránh được của triết học. Dựa trên những lập luận của Sextus Empirius và Cicero, Montaigne giữ quan điểm rằng bất cứ lập luận nào đưa ra cũng đều có một lập luận khác phản bác lại. Nhưng trong khi ông ta phản đối lý tưởng theo đuổi một sự thật tuyệt đối thì Montaige lại có niềm tin vào năng lực phán đoán của con người và sử dụng nó để sống vui vẻ. Montagne kết luận rằng nếu tri thức đòi hỏi sự chắc chắn thì không thể có được tri thức. Chúng ta cần sống với những niềm tin có khả năng đúng cao hơn là suốt ngày đi tìm một sự thật tuyệt đối như niềm tin dựa trên sự tin cậy, uy quyền và phong tục.

Sự đối lập giữa lòng trung thành và lý trí mà Montagne lấy ví dụ là thứ khiến triết gia Descartes bận tâm nhất. Descartes là người đã thấy được một mâu thuẫn cơ bản của ý tưởng Chúa trời tạo ra con người nhưng chức năng lý luận của chúng ta lại ngăn cản ta tiếp cận sự thật và khả năng đạt được tri thức.

Sự hoài nghi của Decartes

Trong tác phẩm nổi tiếng của mình “Suy nghĩ về triết học tiên khởi”, Descartes đã trình bày 3 lập luận hoài nghi mà những điểm cốt lõi của 3 lập luận này lại không phải để bảo vệ chủ nghĩa hoài nghi mà ngược lại. Và trong phần cuối của bộ sách – “Suy ngẫm”, Descartes đã tự mình rút ra một kết luận chắc chắn là: “có những thứ chắc chắn đúng đến mức ta không thể hoài nghi được nữa”, chứ không phải: sự nhận thức hay những gì chúng ta học hỏi được thông qua các giác quan không phải là tiêu chí của sự thật.

Chân dung Descartes .

Descartes là một infallibist, tức là một người theo đuổi lý tưởng về sự hiểu biết tuyệt đối, một sự hiểu biết mà không thể nghi ngờ được. Và đối với những người này, thì: nếu chúng ta biết một khẳng định là đúng thì nó không thể sai được và chúng ta không thể dùng lý trí để nghi ngờ nó. Và thông thường, những gì các giác quan dạy chúng ta về thế giới bên ngoài không thỏa mãn được những người infallibist như Descartes.

Ngoài ra, trong một luận điểm của phần “Suy ngẫm”, Descartes đã đưa ra một ví dụ để so sánh giữa chức năng của giác quan với chức năng suy luận của chúng ta. Ông đã lấy ví dụ về mặt trời: nếu dùng giác quan ta có thể hiểu mặt trời như một cái đĩa màu vàng và rất gần với trái đất. Nhưng nếu trong lý luận của thiên văn học thì mặt trời là một thực thể khổng lồ và nằm cách chúng ta hàng ngàn năm ánh sáng. Từ đó suy ra những tri thức mà giác quan đem lại cho ta ngay lập tức có thể bị rạn nứt dễ dàng nếu ta thực sự suy nghĩ về bản chất của nó. Và với 2 ý nghĩ về mặt trời kể trên thì ý nghĩ theo thiên văn học đúng hơn. Và những ý nghĩ đúng đó được đem đến cho chúng ta bằng chức năng suy luận, trí tuệ chứ không đơn thuần là giác quan. Và nhờ ví dụ này, ông cũng chống lại chủ nghĩa hoài nghi cổ đại bằng lưu ý: không nên dựa vào giác quan để tìm hiểu bản chất của tự nhiên hay đúng hơn là tìm hiểu về “cái gần giống với sự thật”.

Lập luận ảo giác

Tiên đề 1: Nếu thỉnh thoảng giác quan của tôi đánh lừa tôi thì tôi không biết được khi nào niềm tin của tôi về thế giới là đúng.

Tiên đề 2: Thỉnh thoáng các giác quan đánh lừa tôi.

Kết luận: Vì vậy, tôi không biết được khi nào niềm tin của tôi về thế giới là đúng.

 Descartes thừa nhận rằng lập luận này không thể thuyết phục bất cứ ai rằng chủ nghĩa hoài nghi là một mối de dọa.

 Và để bảo vệ cho tiên đề 2 (thỉnh thoảng các giác quan đánh lừa tôi), Descartes chỉ ra trường hợp thị giác của chúng ta bị nhầm lẫn khi thấy chiếc bút chì bị bẻ cong khi nhúng nước.

trident-235x300.png
Ảnh minh họa. Nhìn vào ảnh này, bạn có thấy gì đó bất thường không?

 Tuy nhiên thật hơi khùng khi chỉ dựa vào vài trường hợp đơn lẻ mà mất niềm tin với cả hệ thống giác quan như nghĩ rằng chúng ta không hề có tay mặc dù mắt vẫn đang nhìn thấy nó nối với bả vai bạn. Hoặc đang mặc quần áo mà vẫn nghĩ mình khỏa thân hay tin đầu mình có hình dạng giống những bình hoa bằng đất nung chứ không phải đầu người như thường thấy!

Vấn đề của lập luận ảo giác giờ đây nằm ở tiên đề đầu tiên. Các cơ quan nhận thức của chúng ta thỉnh thoảng lừa dối chúng ta không có nghĩa rằng lúc nào chúng cũng dối chúng ta. Và nếu tiên đề 1 sai thì kết luận cũng sai.

 Những phản hồi theo nhận thức thông thường (common sense) khác với ảo giác là chúng giúp chúng ta có thể phân biệt rõ ràng khi nào ta đang bị đánh lừa, khi nào thì không. Do đó các giác quan không thực sự đánh lừa chúng ta. Bởi dù một cái que bị nhúng vào nước trông như bị bẻ gãy những ít ai trong chúng ta sẽ tin là nó bị mặt nước bẻ gãy thật vì còn một loạt các ấn tượng và niềm tin khác khiến ta không thể ủng hộ kết luận đó. Và trên hết, ảo giác sẽ biến mất khi ta rút cái que ra.

 Lập luận giấc mơ

Tiên đề 1: Nếu tôi không biết khi nào tôi đang mơ hay tôi đnag thức thì tôi không biết khi nào niềm tin của tôi là đúng.

Tiên đề 2: Tôi không biết khi nào tôi mơ, khi nào tôi thức.

Kết luận: Vì vậy, tôi không biết khi nào niềm tin của tôi là đúng.

Theo nhận thức thông thường chúng ta có thể cho rằng khi chúng ta ngủ thì giấc mơ của ta kết nối rất lỏng lẻo với thực tại và đưa lại nhiều điều phi lý. Và khi chúng ta thức giấc và đi dạo thì khả năng đúng của sự việc là cao hơn. Tuy nhiên giả sử chúng ta sở hữu một giấc mơ đi dạo mạch lạc từ đầu đến cuối và không có bất cứ tình tiết phi lý nào? Như vậy chúng ta sẽ băn khoăn không biết sự kiện nào thật, sự kiện nào ảo nữa.

Và ví dụ những hoàn cảnh chúng ta trải qua trong cơn mơ không phi lý, thì những trải nghiệm đó của chúng ta có thể là những phần nhỏ của một giấc mơ lớn. Và như thế, không có cách nào để xác định đâu là thực, đâu là mơ. Theo đó, tất cả các tri thức của chúng ta đều dựa trên sự trải nghiệm, như niềm tin của những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm, thì khi đó chúng ta khó mà đoan chắc bất cứ một điều gì xảy ra trong đời sống ta bởi giấc mơ thì mang lại những nền tảng không thật và ta thì không biết lúc nào mình mơ, lúc nào mình tỉnh.

Descartes thì cho rằng lập luận trên không được thuyết phục. Bởi theo ông những khẳng định tự nhiên như 2+3=5 hay “tất cả những tứ giác lồi đều có bốn cạnh” là những khẳng định mà dù mơ hay tỉnh ta vẫn biết chắc rằng chúng đúng. Và chúng ta biết chúng đúng vì toán học hay những định luật được khẳng định mà không cần quan tâm đến cảm giác. Nghĩa là với những điều này chúng ta phải tư duy mới thấy được nó đúng, còn cảm giác thì không. Ngoài ra, theo những người thuộc chủ nghĩa kinh nghiệm thì những ý tưởng ta thấy trong mơ đều có xuất phát điểm sâu sa từ thực tế. Đồng nghĩa với việc chúng ta không thể mơ quá những tri nhận mà chúng ta đã có lúc tỉnh và đã có một minh chứng khoa học cho điều này khi con người chỉ có thể mơ thấy những khuôn mặt mà họ đã nhìn trong thực tế, bộ não không thể sáng tạo ra những khuôn mặt.

Để dễ hình dung hơn, chúng ta sẽ thấy với các họa sĩ dòng tranh siêu thực, dù cho họ có sáng tạo ra các bức tranh khác thường đến mức nào thì nguyên liệu làm việc của họ cũng được lấy từ thực tế như giấy, coj, màu, giá vẽ… Tương tự như thế với giấc mơ, chúng ta cần thực tại để làm nền tảng cho những giấc mơ của mình.

Và như vậy, chúng ta không thể phủ nhận có một thực tại dù chúng ta không biết mình đnag mơ hay tỉnh. Và Descartes cũng đồng ý với lập luận này.

Lập luận quỷ dối lừa

Đây là lập luận có mức độ hoài nghi rộng lớn nhất trong ba lập luận. Decartes đã nghĩ về trường hợp có một con quỷ với một sức mạnh vô biên đang tồn tại bên trong chúng ta. Nó có thể lừa dối ta về mọi thứ trên đời, kể cả 2+3=5!

Tiên đề 1: Nếu tôi không biết có sự tồn tại của một con quỷ có sức mạnh vô biên nào hay không, thì tôi không biết khi nào niềm tin của tôi là đúng.

Tiên đề 2: Tôi không biết có sự tồn tại của con quỷ mang sức mạnh vô biên nào không.

Kết luận: Vì vậy, tôi không biết những niềm tin của mình có đúng hay không.

Việc không thể loại trừ một con quỷ có sức mạnh vô biên kiểm soát toàn bộ ý chí của chúng ta đủ để phá hủy toàn bộ hệ thống biện minh cho tất cả những điều ta đã tin. Mặc dù theo như Decartes, nếu có con quỷ ấy thì chúng ta vẫn sẽ nhận ra nó.

Nếu như con quỷ tồn tại thực sự thì nó là một lý do đầy sức thuyết phục cho hoài nghi chúng ta có thể đạt được tri thức hay không bỏi khi ấy ngay cả những mệnh đề toán học được coi là chân lý nhất cũng có thể sai.

Theo tâm lý học thì dường như không có cách nào phản biện về 2+3=5 cả trừ phi người đó không biết “2”, “+”, “3”, “=”, “5” nghĩa là gì. Nhưng nếu chủ nghĩa hoài nghi được đẩy đến mức độ chúng ta thậm chí còn phủ nhận những tri thức về 2+3=5 thì thật khó để xây nên bất cứ nềm móng tri thức nào.

Descartes không phải một người theo chủ nghĩa hoài nghi. Mục đích của ông khi đưa ra ba lập luận mang tính hoài nghi nêu trên để chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta không nên tìm hiểu khoa học dựa trên những giác quan. Làm như vậy là hiểu sai chức năng giác quan của chúng ta. Bởi chức năng của chúng, những giác quan, không phải để chỉ dạy cho chúng ta về bản chất của thế giới mà đơn giản chúng chỉ có tác dụng bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa. Các giác quan mang lại cho chúng ta nhận thức về môi trường xung quanh, từ đấy nảy sinh những phán đoán có lợi và bất lợi cho mục đích ta hành động. Và dù có tác động nhất định lên đời sống của nhân loại nhưng chúng lại không thể chỉ dạy cho chúng ta bản chất của vấn đề hay về những định luật tự nhiên. Vì vậy những tri giác giác quan đưa lại không thể sử dụng làm nền tảng của vật lý.

Còn về những niềm tin toán học, Descartes đến đây lại bị vướng mắc vào lập luận vòng tròn khi ông cho rằng 2+3=5 là rõ ràng, không thể sai, không thể nghi ngờ và con quỷ không thể lừa dối chúng ta trong trường hợp này.

Điều khiến Descartes cho rằng lập luận toán học trên không thể nghi ngờ là bởi ông cho rằng Chúa trời tồn tại và đó là một Chúa trời không dối lừa, tiễu trừ toàn bộ ma quỷ. Bởi vậy có thể kết luận rằng toàn bộ chủ nghĩa chống hoài nghi mà Descartes khởi xướng phụ thuộc lớn vào sự thành công của ông trong lập luận chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa.

One response

  1. Thang

    Em xin cảm ơn tác giả và đội ngũ đã soạn ra series này. Nó có hệ thống và rất bổ ích!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *