Ăn nói mập mờ (ambiguity)

Xuất bản

Trong

Người khôn ăn nói nửa chừng,
Để cho người dại nửa mừng nửa lo. (ca dao)
Làm trai cứ nước hai mà nói. (tục ngữ)

***

Thế nào là ăn nói nửa chừng? Đó là nói những câu không xác định: ngoài những câu mơ hồ có nhiều cách hiểu còn là những câu không có địa chỉ, ở đó không xác định được các yếu tố ai, ở đâu, khi nào, việc gì. 


Có một ông vua hiếu chiến muốn đánh nhau với nước Ba Tư, nhưng không tin lắm vào khả năng mình chiến thắng. Ông bèn tới cầu ở một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng để xin lời phán của thần linh. Thần phán như sau: “Nếu đánh nhau với Ba Tư, một vương quốc hùng mạnh sẽ bị phá tan tành”.
Ông vua ngu ngốc này cả mừng, vội đem quân tiến đánh Ba Tư. Nhưng đã đại bại. Chỉ mình ông trốn thoát. Buồn rầu , hối hận và căm tức, ông ta lén gửi thư đến trách thần linh đền nọ đã phán sai với bút danh người cầu xin tức giận. Ít lâu sau, người coi đền nọ gửi thư trả lời: “Thần linh đâu có nói sai. Chẳng phải là một vương quốc hùng mạnh – vương quốc mà ông trị vì – đã bị phá tan tành đó sao!”


“Một vương quốc hùng mạnh” là cụm từ không có địa chỉ: vương quốc nào vậy? Từ một và những từ chỉ số lượng sẽ làm danh từ đi sau nó thành không xác định. Các đối tượng trong truyện cổ tích không xác định nên người ta dùng từ một: Ngày xưa, có một ông vua, có một mụ phù thủy trong một khu rừng, ở một làng nọ có một ông lão, có một chàng trai, có một gia đình… Thế là câu “Một vương quốc hùng mạnh sẽ bị phá tan tành” thành mơ hồ. Nếu Ba Tư thua thì câu của thần linh vẫn đúng.

Tham khảo: http://ngonnguviet.blogspot.com/2010/10/noi-mo-ho-mot-nghe-thuat-hung-bien.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *