Bài 27: Intersubjectivity, đoàn kết là sức mạnh!

Xuất bản

Trong

Ở những bài học trước, chúng ta đã nhận thấy tri thức có nhiều vấn đề hơn chúng ta thường nghĩ. Không những khó để cắt nghĩa tri thức là gì, mà còn rất nhiều lý do để nghi ngờ những gì mà chúng ta nghĩ rằng mình biết về thế giới xung quanh.

Chúng ta đã cố tìm những nền tảng cho tri thức của chúng ta bằng cách hướng về kinh nghiệm và cả những suy nghĩ nội tâm, nhưng vẫn có nhiều thứ phải hoài nghi. Bên cạnh đó, như chúng ta đã học, việc sử dụng lý luận quy nạp cũng không thể bảo đảm những gì chúng ta biết về thế giới khách quan là hoàn toàn chắc chắn.

Trong những bài tiếp theo đây, chúng ta sẽ khám phá cách tri thức có thể được xác minh (verified) bởi cộng đồng như thế nào. Đó là việc có nhiều người cùng nhau làm việc thay vì từng cá nhân để giúp các phát biểu tri thức chắc chắn hơn.

Việc cùng nhau xác minh ở đây không phải là xác minh những phát biểu mang tính chủ quan như “Món ăn ưa thích của chúng ta là kem” mà là những phát biểu ít tính chủ quan hơn, ví dụ: triều đại nhà Nguyễn có trước triều đại nhà Lê, hoặc chu kì giao động của con lắc phụ thuộc vào độ dài của nó. Dưới đây là một ví dụ đơn giản:

Hãy nhìn bức ảnh trên. Nếu như tôi nói với bạn rằng, tôi cảm thấy những đường kẻ ngang trong bức hình trên không song song với nhau, thì không có gì phải bàn cãi vì đó là cảm giác chủ quan của tôi. Nhưng nếu tôi muốn khẳng định một cách phổ quát: những đường kẻ ngang (trong bức hình này) không song song với nhau, thì tôi có thể hỏi cảm nhận của những người khác. Nếu như có ai đó có cảm nhận giống tôi, tôi có thể tự tin hơn về phát biểu của mình.

Nói một cách tổng quát, nếu ai đó có một trải nghiệm tương tự như những gì tôi đã trải nghiệm thì rất có thể đó chính là thực tại đang ẩn dấu bên trong.

Việc xây dựng sự hiểu biết dựa trên những kinh nghiệm chủ quan tương tự nhau được gọi là INTERSUBJECTIVITY.

Đây không phải là điều mới mẻ gì. Trong suốt lịch sử phát triển, loài người đã liên tục cách thức này để phát triển. Những người đi sau sử dụng những kiến thức đã được xác nhận (confirmed) bởi những người đi trước, rồi lại tiếp tục phát triển, cải tiến nó. Quy trình cứ thế lặp lại.

Ví dụ, nếu ai đó phát hiện ra một loai thứ ăn nào đó có độc, hoặc một loại gỗ tốt để đóng bàn ghế thì điều này có thể được xác nhận bởi những người khác rồi sau đó mọi người có thể tham khảo sử dụng thông tin này.

Một ví dụ nữa là cách sản xuất kim loai (luyện kim). Cách thức thực hiện được chia sẻ từ người nọ sang người kia, người sau xác minh, kiểm tra sai sót, rồi cải tiến quy trình và tiếp tục đến người tiếp theo.

Bạn có thể áp dụng điều này để cải thiện khả năng tư duy phản biện của mình như thế nào? Dưới đây là những gợi ý dành cho bạn:

  • Thử xem lập luận mình đưa ra có thuyết phục được người khác hay không. Nếu lập luận của bạn liên tục thất bại trong chuyện này, bạn nên xem lại lập luận của mình và không nên hành động dựa trên kết luận rút ra từ đó. Đồng thời, bạn cũng có thể nhờ người đó chỉ ra lỗi sai trong lập luận của mình.
  • Nên tham khảo ý kiến của những chuyên gia. Chuyên gia là những người am hiểu kiến thức về một lĩnh vực nhất định nào đó. Nếu như có điều gì đó bạn không chắc chắn, sẽ rất đáng tin cậy nếu như bạn tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia trong lĩnh vực đó. Bạn cũng có thể hỏi người chuyên gia đó xem họ thường tra cứu thông tin ở đâu để mình làm theo.
  • Ngược lại, nếu như một cá nhân hay tổ chức nào đó liên tục đưa ra những thông tin, khẳng định sai lệch thì bạn không nên dựa vào những thông tin mà họ đưa ra nữa mà hãy tự tìm thông tin và rút ra kết luận cho riêng mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *