Bài 26: Những nguyên tắc của việc tư duy tốt

Xuất bản

Trong

Bạn đến một ngã tư có đèn tín hiệu. Đèn xanh chưa sáng nhưng lúc đó bạn thấy đường phố không một bóng người. Bạn nảy ra ý định vượt đèn đỏ và tự nhủ “chỉ một lần này thôi, mọi ngày mình không như vậy.”

Nhưng bạn cảm thấy có một bàn tay vô hình kéo bạn lại. Câu nói “ĐỪNG VƯỢT ĐÈN ĐỎ!” lóe lên trong tâm thức khiến bạn chùn chân. Tất cả điều này có nghĩa là gì? Tại sao một thứ vô hình lại có một sức ảnh hưởng như vậy đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta?

Bên cạnh câu hỏi về việc một người có thể có quyền hoặc được biện minh khi phá vỡ một quy tắc nào đó, còn có những câu hỏi triết học thú vị và không dính dáng gì đến việc con người áp dụng quy luật như: thế nào là tuân thủ một quy luật . Câu hỏi thứ nhất thuộc khía cạnh đạo đức, vượt quá khuôn khổ nội dung của khóa học này. Vì vậy, chúng ta hãy bàn đến câu hỏi cuối cùng trước.

Trong suốt lịch sử triết học, khả năng suy nghĩ hợp lý / lý trí (rationality) thường được cho rằng là khả năng riêng có của loài người. Tất cả các khả năng khác như: sử dụng các giác quan, tiêu hóa, sinh sản thì tất cả các loài vật khác đều có. Tuy nhiên, chỉ có con người là có thể BẬT CƯỜI, khả năng chỉ có được khi biết suy nghĩ hợp lý. Nếu bạn không thể hiểu được vì sao một mẩu chuyện cười lại gây cười, thì theo quan điểm này, bạn không phải con người!

Hai khái niệm – khả năng suy nghĩ hợp lýkhả năng bật cười – có mối liên hệ thật sự thế nào là một câu hỏi hay (và mở). Nhưng nếu chúng ta chấp nhận rằng, chúng ta là một loại sinh vật sống theo các quy luật của tự nhiên hay quy luật của tư duy tốt, thì chính việc những câu truyện có mạch logic đi chệch khỏi hướng mà chúng ta kì vọng khiến chúng ta bật cười.

Ví dụ, mỗi lần tôi gặp một chuyện gì đó không may, bạn thân của tôi lại động viên theo kiểu hài hước như sau: “Thoải mái lên, trong cái rủi có cái xui ấy mà!”

Khóa học này được gọi là META vì một lý do. Chúng ta đã chứng kiến tầm quan trọng của việc tư duy về tư duy, điều gì tạo nên một lập luận tốt và việc suy nghĩ có thể bị lệch lạc bởi ngụy biện, thành kiến nhận thức, những quyết định vội vàng mang tính trực giác. Để trở thành một người biết suy nghĩ hợp lý, một trong những kĩ năng mà ta cần là khả năng ngẫm lại và xem xét kĩ lưỡng những suy nghĩ của chính mình. Mình đã nghĩ về vấn đề đó đủ rõ ràng chưa? Mình đã nghĩ đến những sự giải thích nào khác chưa? Những quyết định mình rút ra có được dựa trên các bằng chứng hoặc lý do xác đáng? Mình nên tìm kiếm thêm thông tin ở đâu để trả lời những câu hỏi của mình? Mình đã thử tìm những bằng chứng chống lại giả thiết của mình hay chưa?

Khi chúng ta tự hỏi bản thân những câu hỏi thế này, chúng ta đang ở trong “space of reasons” (theo thuật ngữ của Wildred Sellar). Để có tư duy tốt, bạn cần học cách tuân thủ ít nhất 3 tiêu chuẩn cơ bản sau đây:

  • Tiêu chuẩn về tính hợp lý: hình thành niềm tin dựa trên các bằng chứng xác đáng (ví dụ: dữ kiện có thực, lập luận tốt)
  • Tiêu chuẩn về sự nhất quán: tư duy của bạn cần nhất quán với nhau, tránh kiểu hôm nay nghĩ một kiểu, hôm sau lại nghĩ kiểu khác.
  • Nguyên tắc Charity: luôn luôn cố gắng hiểu lập luận của người khác một cách rõ ràng nhất có thể trước khi phản biện lại. (Thất bại trong việc này, bạn đã mắc phải lỗi ngụy biện bù nhìn rơm).

Sống một cuộc sống với lý trí là luôn luôn khắc ghi những tiêu chuẩn này. Quay trở lại ví dụ về ngã tư ở phần đầu. Tôi hoàn toàn có thể qua ngã tư bằng cách vượt đèn đỏ, nhưng những hành động thế này có thể là một phần của cuộc sống có lý trí? Để trả lời, hãy đặt hành động của mình vào một bài test với những câu hỏi như sau:

  • Tôi có thể biện minh những hành động thế này với người khác?
  • Tôi có thể đề xuất hành động này như một tiêu chí hành động mang tính tổng quát – nghĩa là, bất kì ai cũng nên hành động như vậy nếu gặp tình huống như thế?

Nếu không vượt qua được bài test như trên, thì những hành động này của tôi là thiếu lý trí.

***

Sống một cuộc đời luôn tuân theo những lý trí và logic, có thể nhiều khi bạn sẽ bắt gặp những tình huống nghe rất phi lý nhưng bạn lại không thể chứng minh sự phi lý đó thông qua việc phân tích lập luận một cách thông thường.

Ví dụ:

Nghịch lý Achilles và con rùa

Trong một cuộc chạy đua, người chạy nhanh nhất không bao giờ có thể bắt kịp được kẻ chậm nhất. Kể từ khi xuất phát, người đuổi theo trước hết phải đến được điểm mà kẻ bị đuổi bắt đầu chạy. Do đó, kẻ chạy chậm hơn luôn dẫn đầu. – theo lời ghi lại của Aristotle, Vật lý VI:9, 239b15 (Theo Wikipedia)

Ví dụ Achilles chấp rùa một đoạn 100 mét. Nếu chúng ta giả sử rằng mỗi tay đua đều bắt đầu chạy với một tốc độ không đổi (Achilles chạy rất nhanh và rùa rất chậm), thì sau một thời gian hữu hạn, Achilles sẽ chạy được 100 mét, tức anh ta đã đến được điểm xuất phát của con rùa. Nhưng trong thời gian này, con rùa cũng đã chạy được một quãng đường ngắn, ví dụ 10 mét. Sau đó Achilles lại tốn một khoảng thời gian nữa để chạy đến điểm cách 10 mét ấy, mà trong thời gian đó thì con rùa lại tiến xa hơn một chút nữa, và cứ như thế mãi. Vì vậy, bất cứ khi nào Achilles đến một vị trí mà con rùa đã đến, thì con rùa lại cách đó một đoạn. Bởi vì số lượng các điểm Achilles phải đến được mà con rùa đã đi qua là vô hạn, do đó anh ta không bao giờ có thể bắt kịp được con rùa.

Rõ ràng, bạn sẽ thấy kết luận trên rất phi lý nhưng đố bạn chứng minh được sự phi lý này bằng việc phân tích câu chữ, ngữ nghĩa thông thường. Có lẽ, cách chứng minh được nhiều người sử dụng nhất là sử dụng đến kiến thức giới hạn (lim) trong bộ môn Toán. Ví dụ trên cũng nhắc nhở chúng ta rằng, nếu như lý luận của chúng ta tỏ ra vô lý hoặc không thể sống theo, phải có gì đó SAI với lý luận đó chứ không phải vì thế giới quanh ta bị lỗi (if our reasoning is incongruous or impossible to live in accordance with, then there is something wrong with it, not with the world in which we live.)

Triết học không phải là việc đưa ra một lập luận hay ý tưởng rồi để đó, mà đó là việc liên tục đặt những niềm tin của một người trước những thử thách của lý trí, cho dù đó là những niềm tin mà người đó luôn giữ bên mình như cách những đứa bé luôn mang theo món đồ chơi yêu thích của chúng. Một cách tốt để làm giảm mức độ căng thẳng khi làm triết học đó là giữ tinh thần hài hước. Óc hài hước là thứ rất cần thiết vì có những vấn đề triết học khó để đưa ra câu trả lời đến mức nhiều người thà chọn việc chết còn hơn là suy nghĩ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *