Bài 28: ‘Oughts’ and ‘Is’-es

Xuất bản

Trong

Ở bài 26, ta đã nhắc đến việc suy nghĩ hợp lý cần ít nhất là tuân theo những tiêu chuẩn hay quy tắc của việc tư duy tốt, và một người phải chịu trách nhiệm khi suy nghĩ hay hành động của họ không đi theo những tiêu chuẩn hay quy tắc (norms or rules) này. Nhưng như thế nào là một quy tắc và như thế nào là tuân thủ (hoặc cố gắng tuân thủ) một quy tắc?

Câu hỏi này khó mà trả lời đầy đủ nhưng ít nhất ta có thể chỉ ra những khó khăn mà các triết gia gặp phải khi đề cập đến chúng. Những phát biểu về quy tắc cần mang tính mệnh lệnh (prescriptive): chúng chỉ ra chúng ta nên làm gì hoặc không nên làm gì (ought to do something or ought not to do something).

Ví dụ: chúng ta không nên vượt đèn đỏ (we ought not to across against the red light), chúng ta nên tránh mắc lỗi ngụy biện bù nhìn rơm khi lý luận, chúng ta không nên gọi con chó là con mèo (hay ít nhất, đừng kì vọng nó sẽ là một con mèo), chúng ta nên công nhận kết quả là 6 nếu như lấy 2 nhân với 3, chúng ta nên sẵn sàng sửa đổi và giúp ai đó sửa lỗi.

Những phát biểu này khác với những phát biểu thuần mô tả (descriptive). Ví dụ: ánh đèn màu đỏ (the light is red), con lừa là một loài động vật, 2 là một con số, người phụ nữ ở phòng kế bên bị khuyết tật. Nhưng chính xác là điều gì giúp ta phân biệt giữa các phát biểu mệnh lệnh và các phát biểu thuần mô tả? Những phát biểu mệnh lệnh bắt nguồn từ đâu?

David Hume cho rằng những phát biểu mệnh lệnh như thế này không thể xuất phát từ những phát biểu thuần mô tả vì những phát biểu mệnh lệnh cho thấy những mối liên hệ mới không hề hiện hữu trong bất kì các tiền đề mô tả được nắm bắt nào.

Hãy tưởng tượng lại tình huống trong bài 26, lúc bạn đang dừng đèn đỏ ở ngã tư. Có rất nhiều thứ mang tính thuần mô tả như: đèn giao thông phát sáng màu đỏ, ánh sáng này truyền trong không khí rồi tác động lên võng mạc, nhãn cầu, các dây thần kinh cảm quang dưới mắt của bạn. Tuy nhiên, không có bất kì điều gì trong số này kéo theo kết luận rằng chúng ta không nên vượt đèn đỏ, ngay cả khi bạn nghĩ thầm trong đầu rằng “Mình không nên vượt đèn đỏ”. Điều gì tạo nên tính mệnh lệnh (oughtiness) trong những phát biểu mệnh lệnh kia?

Điều Hume muốn nhắc chúng ta rằng những phát biểu mệnh lệnh không thể được suy ra từ những phát biểu thuần mô tả. Đây là một chủ đề được bàn cãi gay gắt cả trong giới học giả của Hume và trong những cuộc tranh luận về bản chất tự nhiên của các giá trị pháp lý và đạo đức. Thực sự, những tiêu chuẩn và giá trị đạo đức có những nền tảng tự nhiên nào hay không vẫn là một câu hỏi mở. Có rất nhiều cách hiểu quan điểm ‘no-ought-from-an-is’ của Hume nhưng chúng ta sẽ không đi sâu trong bài viết này và cũng không kì vọng sẽ tìm ra câu trả lời rõ ràng cho một câu hỏi phức tạp như bản chất của các giá trị đạo đức. Nhưng nếu như Hume đúng, việc tuân thủ một quy tắc phụ thuộc vào việc chúng ta cảm thấy hoặc suy nghĩ thế nào, thì điều gì sẽ xảy ra đối với những quy tắc của việc tư duy tốt? Chúng cũng có cơ sở là cảm giác hoặc tình cảm (sentiment)? Nếu tôi không cảm thấy giống như bạn, thì có nghĩa lý gì khi kết luận ai đó lý luận tốt hơn những người khác, hay không ai trong chúng ta đúng? Có tồn tại một tập hợp lý lẽ (space of reasons) nào đúng cho tất cả?

Bản thân Hume nghĩ rằng ông ta có thể giải quyết được vấn đề này. Ông phân biệt giữa đam mê (passions), thứ có xu hướng nảy sinh từ kinh nghiệm mà liên quan trực tiếp tới những niềm vui hạn hẹp và cụ thể, với cảm giác đạo đức (moral sentiments), thứ nảy sinh từ năng lực cảm thông tự nhiên của chúng ta. Bởi vì một thái độ cảm thông (sympathetic response) liên quan đến việc nhìn nhận một tình huống từ quan điểm của người khác và trải nghiệm một trạng thái cảm xúc tương tự đối với người đó, nó khiến chúng ta có được một cái nhìn phổ quát. Nó khiến chúng ta xem xét các sự việc theo một cách khách quan từ nhiều quan điểm khác nhau. Và độ thông cảm này càng giảm đi khi khoảng cách giữa 2 người càng lớn.

Như vậy là theo Hume, khoảng cách đối với một lòng cảm thông phổ quát đích thực (truly general or common point of view or universal benevolence sympathy) sẽ quyết định đến việc tuân thủ quy luật hay không. Trái ngược với Hume, Descaretes lại cho rằng lý trí (reason) là một công cụ phổ quát (universal instrument), nếu như được sử dụng đúng có thể giúp chúng ta phân biệt được điều gì đúng nên làm, không phụ thuộc vào quan hệ của nó đối với sở thích cá nhân của mỗi chúng ta hay một hoàn cảnh cụ thể nào. David Hume cho rằng quan điểm của Descartes về lý trí như vậy thật là ngây thơ.

Bên cạnh các vấn đề nảy sinh với việc cố gắng suy ra một phát biểu mệnh lệnh từ một phát biểu thuần mô tả, còn có rất nhiều vấn đề logic nảy sinh khi giả định rằng tuân theo một quy tắc bản thân nó là một quá trình có lý trí. Chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này ở những bài tiếp theo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *