Bài 24: Quan hệ nhân quả (cause and effect)

Xuất bản

Trong

Hãy xem xét những tình huống thực tiễn sau đây:

  • Một thằng nhóc ném một viên đá, viên đá đập vào cửa sổ và kính cửa sổ vỡ.
  • Một đầu bếp thái hành và chảy nước mắt
  • Một người làm vườn quên tưới nước cho cây, cái cây đó chết héo.
  • Một cầu thủ bóng đá lỡ chạm tay vào bóng trong vòng 16m 50. Đội của anh nhận một quả phạt đền và bị thua chung cuộc với tỉ số 0-1 (bàn thắng được ghi từ quả phạt đền này).
  • Đèn giao thông chuyển màu xanh, tài xế nhấc chân khỏi phanh, đạp ga, chiếc xe di chuyển về phía trước.

Tất cả các tình huống này tuy rất khác nhau nhưng đều có một điểm chung: chúng ta có xu hướng hiểu chúng như những tình huống liên quan đến mối quan hệ giữa nguyên nhânkết quả (cause and effect).

Chúng ta quan tâm đến quan hệ nhân quả bởi vì nó liên quan mật thiết đến những lời giải thích trong cuộc sống hàng ngày và việc đưa ra dự đoán. Mối liên hệ nhân quả giữa các sự vật hiện tượng chính là những gì mà các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu y học đang cố gắng khám phá.

Khi chúng ta đưa ra các chính sách công hay điều luật nào đó, chúng ta đang giả định rằng những chính sách này sẽ có những tác động nhất định. Và bởi vì, để xác định được trách nhiệm, đạo đức hay nghĩa vụ pháp lý thì điều đầu tiên và trước hết phải chỉ rõ được ai gây ra cái gì đối với ai.

Do đó, mối quan hệ nhân quả là một vấn đề trọng tâm trong quá trình khám phá tri thức của loài người.

Triết gia David Hume đã chỉ ra, quan hệ nhân quả là một mối quan hệ không thể quan sát được. Chúng ta không quan sát được việc thứ này khiến thứ kia xảy ra như thế nào mà chỉ quan sát được sự lặp lại đều đặn giữa hai sự vật hiện tượng. Theo Hume, chính sự lặp lại này là đối tượng khiến tâm trí chúng ta suy ra mối quan hệ nhân quả. Chúng ta cho rằng, những mối quan hệ này là cần thiết (necessary), tức là nếu sự kiện mà chúng ta gọi là nguyên nhân tồn tại, thì sự kiện mà chúng ta gọi là kết quả phải xuất hiện theo sau. Nhưng hãy thử hỏi Hume, làm sao biết trong tự nhiên có những mối quan hệ nhân quả nào? Hume trả lời, những mối quan hệ chỉ là những thứ chúng ta tự đặt ra khi hình thành lên các học thuyết. Chúng ta không có bất kì 1 bằng chứng trực tiếp nào để khẳng định về mối quan hệ đó.

Hume thậm chí còn phân tích sâu hơn để giải thích điều này. Ông cho rằng, mối quan hệ này không thể được biện minh (justified) bằng phương pháp diễn dịch hoặc quy nạp.

Chúng ta thấy thanh sắt đỏ rực lên khi chúng ta nung nóng nó và kết luận rằng việc nhiệt độ cao khiến nó chuyển màu đỏ.

Nhưng chẳng có một chút mâu thuẫn nào về mặt logic nếu như giả định rằng, một lần nào đó, nung nóng thanh sắt nhưng nó không đổi màu. Do đó, phát biểu nhân quả không có gì chắc chắn về mặt diễn dịch hoặc đúng về mặt ngữ nghĩa.

Nhưng những phát biểu về nhân quả cũng không thể biện minh được theo cách quy nạp vì những lý do được nêu ra ở bài trước. Để biện minh theo lối quy nạp cho sự đúng đắn của mối quan hệ nhân quả, ta sẽ phải dựa vào giả định rằng thiên nhiên luôn vận hành ổn định, nhưng chính giả định này lại cần phải dựa trên một số phát biểu nhân quả nhất định. Do đó, chúng ta không thể hy vọng có thể biện minh cho những kết luận của chúng ta về mối quan hệ nhân quả bằng lý luận quy nạp.

Ví dụ, kết luận nhiệt độ cao khiến thanh sắt chuyển màu đỏ vượt ra ngoài tầm quan sát của chúng ta bởi vì điều đó đồng nghĩa với việc cho rằng nung nóng một thanh sắt (ở những điều kiện giống nhau) luôn luôn và cần thiết khiến nó nở ra, điều này ngầm giả định có sự vận hành ổn định của thiên nhiên. Nhưng như đã nói ở bài trước, giả định thiên nhiên vận hành ổn định cũng không thể chứng minh hay giải thích bằng quy nạp hay diễn dịch.

Bằng việc giả định có một mối liên hệ cần thiết giữa các sự vật, Hume lập luận, chúng ta khiến tâm trí mình hoạt động thiếu chính xác, khi đi từ chỗ bắt gặp những ý tưởng tương tự liên tiếp, tới chỗ cho rằng có một mối liên hệ thật sự giữa các sự vật trong tự nhiên. Thật sự, không có mâu thuẫn nào khi giả định rằng thiên nhiên sẽ làm chúng ta bất ngờ khi sản sinh ra một kết quả hoàn toàn khác so với những thứ chúng ta giả định sẽ xảy ra. Chúng ta không nên cho rằng mối quan hệ giữa bất kì cặp nguyên nhân – kết quả nào là cần thiết. Sẽ không có gì mâu thuẫn về mặt logic nếu như lần nung nóng tiếp theo, thanh sắt chuyển sang màu khác (vd màu xanh) hoặc chẳng có biến đổi gì.

Trước Hume, không có một ai đưa ra một cách tư duy đơn lẻ (single way) như vậy về mối liên hệ nhân quả. Theo Aristotle, phạm trù nguyên nhân được chia ra làm 4 loại: nguyên nhân chất liệu, nguyên nhân tác động, nguyên nhân hình thức, và nguyên nhân mục đích. Cả 4 nguyên nhận được cho là những thành phần cần thiết để tạo ra một sự thay đổi thích hợp của tự nhiên. Sự thay đổi diễn ra ở một số chất liệu nhất định, xuất hiện dưới một số hình thức nhất định, thông qua một số tác động, và với một mục đích cuối cùng nào đó,

Ví dụ, sự nảy mầm diễn ra dưới dạng vật chất là hạt giống, dưới tác động của nước, nhiệt độ và các chất dinh dưỡng hoạt động trong đất (tác động), biến hạt giống thành một cái cây (hình thức), với mục đích cuối cùng là tạo ra một cây trưởng thành và duy trì nòi giống. Theo Aristotle, có một mối liên hệ về mặt khái niệm giữa nguyên nhân và kết quả. Nếu bạn biết nguyên nhân, bạn có thể suy ra được tác động của nó.

Nhưng dĩ nhiên, nó còn phụ thuộc vào việc nguyên nhân được mô tả như thế nào! Chúng ta có thể hiểu tại sao người thợ điêu khắc tạo ra tác phẩm điêu khắc bởi vì có một mối liên hệ giữa tác nhân (người điêu khắc) và hành động (điêu khắc) và sản phẩm (tác phẩm điêu khắc).

Một tác phẩm điêu khắc, theo như định nghĩa, được sản xuất thông qua quá trình điêu khắc, điều này theo như định nghĩa lại là hoạt động của người điêu khắc. Và bởi vì khái niệm của nguyên nhân sẽ kéo theo khái niệm của kết quả, do đó có một mối liên hệ cần thiết giữa nguyên nhân và kết quả. Aristotle gọi chính điều này là quan hệ nhân quả.

Ngược lại, các phát biểu ngẫu nhiên về nguyên nhân chỉ đúng khi chúng đạt một tiêu chuẩn (qualification) nào đó. Ví dụ, nếu nói Đạt Xanh hoặc ông nông dân đã khiến tác phẩm điêu khắc tồn tại, thì những điều chúng ta nói chỉ đúng với điều kiện Đạt Xanh, ông nông dân và người điêu khắc đều là một người. Bởi vì, xét về mặt định nghĩa, thì Đạt Xanh hay ông nông dân không thể giải thích được tác phẩm điêu khắc được tạo ra như thế nào.

Cũng giống Hume, Aristotle quan tâm tới việc giải thích tính đều đặn hay trật tự của tự nhiên. Nhưng không giống Hume, Aristotle cho rằng, để có thể giải thích trật tự và tính đều đặn của tự nhiên, ta phải giả định rằng những thay đổi mà các thực thể tự nhiên trải qua, dù không phải là sản phẩm của một ước vọng hay trí tuệ chủ quan nào, thì chúng vẫn có một mục đích nhất định. Học thuyết đó được gọi là mục đích tối hậu (nguyên nhân cuối cùng – final causation) – mọi thay đổi diễn ra của đối tượng đều nhằm đến một số mục đích cuối cùng nào đó (ví dụ như sự hoàn thiện hay sự sinh sản nòi giống) – mục đích này thấm vào (injected) tự nhiên ngay ở mức độ các thành phần. Lửa cố gắng bay cao hơn và lan rộng hơn. Tuy nhiên, mưa trái mùa  và lũ lụt làm ngập mùa màng thay vì giúp chúng sinh xôi, đó là thất bại của “nỗ lực có mục đích”.

Học thuyết 4 nguyên nhân của Aristotle chủ đề bàn tán gay gắt trong thời kì từ Antiquity đến Tiền-Hiện đại, đó cũng là thời kì mà Hume viết các tác phẩm của mình. Triết gia thời Trung cổ, Al-Ghazali (1058–1111) đặt ra dấu hỏi về sự tồn tại của mối liên hệ về mặt khái niệm giữa nguyên nhân và kết quả. Một số triết gia nữa, trong đó có William of Ockham (1287–1347) lại đặt dấu hỏi rằng, chúng ta có thật sự hiểu về mối quan hệ nhân quả hay không.

Nhiều người cũng chỉ trích khái niệm nguyên nhân cuối cùng, vì dường như lối giải thích này vẫn tối nghĩa. Những nguyên nhân, sẽ xảy ra trước hoặc đồng thời với kết quả của chúng. Làm sao bất kì một kết quả của một quá trình tác động – có thể trở thành một phần của quá trình tác động đó nếu như nó vẫn chưa tồn tại ở quá trinh trình xảy ra tác động đó. Ví dụ, một ngôi nhà hoàn thiện có thể là một trong những nguyên của việc đặt viên gạch đầu tiên? Nhưng nếu ngôi nhà đó được xây dang dở, không bao giờ hoàn thiện thì làm sao nó có thể là nguyên nhân được?

Đã có rất nhiều nỗ lực để hiểu khái niệm mục đích tối hậu, bao gồm lập luận cho rằng cái tối hậu đó là một nguyên nhân được thực hiện thông qua sự đại diện trong tâm trí của một tác nhân khác – có thể là tâm trí của một con người hoặc tâm trí của Chúa.

Nhưng những quan điểm về một “thiết kế thông minh” cũng bị rất nhiều các chỉ trích gay gắt từ các nhà triết học thời trung cổ. Bởi vì nó không hướng tới bất kì ý định mà thiên nhiên hoặc con người cố gắng thực hiện mà chỉ hướng đến bản thân cái ‘tối hậu’ đó. Ý định có thể là một phần của quá trình tác động nhưng đó không phải là nguyên nhân cuối cùng hoặc mục tiêu của tiến trình đó mà chỉ đơn giản là một phần các nguyên nhân. (Vẫn là ví dụ ngôi nhà ở trên), việc đặt những viên gạch đầu tiên không phải là vì một ý định xây nhà hay một bản thiết kế nhà trên giấy, mà là vì muốn có một ngôi nhà thật có thể trú ẩn được dựng lên.

Không ngạc nhiên khi nhiều triết gia thế kỉ 17 – Descartes, Spinoza, Hobbes, Locke, Hume bác bỏ học thuyết mục đích tối hậu và cách phân chia nguyên nhân thành 4 loại của Aristotle. Bởi vì môn vật lý mới (cơ khí) không công nhận sự phân biệt giữa hình thức và chất liệu, các triết gia hiện đại bỏ sự phân biệt giữa nguyên nhân hình thức và nguyên nhân chất liệu. Gottfried. Gottfried Wilhelm von Leibniz (1646–1716) là một trong những ngoại lệ đáng chú ý – một triết gia giữ cả 2 quan điểm về dạng vật chất và mục đích tối hậu (a philosopher who held both to an analogue of substantial forms and final causation).

Đối với hầu hết các triết gia cơ học, câu hỏi duy nhất còn phân vân đó là quan hệ nhân quả có đủ để giải thích tính đồng đều hay trật tự của tự nhiên hay không và có nhất thiết phải có mối quan hệ này? Hume nổi bật nhất trong thời kì này với sự phủ nhận triệt để rằng cái mà chúng ta gọi là quan hệ nhân quả chẳng là gì khác hơn là những ý nghĩ về sự tương quan giữa các sự vật trong đầu óc chúng ta.

Sau Hume, vấn đề này được chia ra làm 2 trường phái: trường phái theo Hume (neo-Hume), là những người cho rằng quan hệ nhân quả chẳng có gì khác ngoài sự lặp đi lặp lại – và trường phái khác Hume (non-Hume), những người này cho rằng, mối liên hệ nhân quả có nhiều thứ để nói hơn là chỉ có mối tương quan giữa hai sự vật. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu quan điểm của những người theo trường phái khác Hume này ở bài 25.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *