Bài 30: Reasoning vs Logic

Xuất bản

Trong

Khi tư duy về quy tắc (rules), các triết gia phân biệt giữa quy tắc cấu thành (constitutive rules) và quy tắc không cấu thành (non-constitutive rules) hay quy định (regulative rules). Quy tắc cấu thành là những quy tắc quyết định sự tồn tại của bản thân một loại hình hoạt động nhất định nào đó. Nếu không có quy tắc chơi cờ vua, thì bộ môn cờ vua không tồn tại. Một người có thể di chuyển một vật thể nào đó giống như một chiếc đầu ngựa qua những ô vuông đen trắng nhưng đó không phải là một nước đi trong môn cờ vua nếu như không có quy tắc cờ vua. Quy tắc không cấu thành thì ngược lại, điều chỉnh những hoạt động đã tồn tại từ trước. Ví dụ điển hình là các quy tắc xã giao như: chào hỏi nhau thế nào, xếp hàng ra sao, ăn uống trên bàn ăn thế nào cho lịch sự. Những hoạt động như chào hỏi, xếp hàng và ăn uống vẫn có thể tồn tại nếu không có quy tắc điều chỉnh.

Thế còn quy tắc của việc tư duy tốt thuộc loại nào, cấu thành hay không cấu thành?

Một số triết gia cho rằng câu trả lời là quy tắc cấu thành. Họ giải thích rằng, để được coi là có lý trí / biết suy nghĩ hợp lý (rational), một người phải biết tuân thủ những quy tắc hợp lệ của việc suy luận như modus ponens – A và [nếu A thì B], thì B – và modus tollens – không phải B và [nếu A, thì B], thì không phải A… Nếu ai đó không tuân theo những quy tắc như thế này, thì hoặc là người đó không chơi trò chơi lý trí (game of rationality), hoặc là cố gắng chơi nhưng lại thất bại trong việc tuân thủ quy tắc. Nhưng việc tuân thủ các quy tắc suy luận có đủ để quyết định rằng ai đó có đi một nước đi hợp lệ trong trò chơi lý trí hay không?

Hãy theo dõi cuộc trò chuyện sau đây giữa Tý và Tèo. Tý đưa ra lập luận như sau đối với Tèo:

[A] Hai cạnh của hình tam giác này cùng bằng với đoạn thẳng EF

[B] Những thứ gì cùng bằng với một thứ trung gian khác thì bằng nhau.

[Z] Hai cạnh của hình tam giác này bằng nhau.

Dường như rất rõ ràng [Z] được suy ra khi có [A] và [B] nhưng Tèo từ chối chấp nhận lập luận này và nói chẳng có chỗ nào chỉ ra rằng [Z] phải được suy ra từ [A] và [B]. Rất khó chịu với sự ngang bướng của Tèo, Tý liền thêm vào tiền đề [C]:

[C] – Nếu [A] và [B] đúng, thì [Z] phải đúng

Nhưng lại một lần nữa, Tèo từ chối chấp nhận [Z] và lập luận rằng chẳng có nơi nào bảo rằng phải suy ra [Z] từ [A], [B] và [C].

Chưa nản lòng, Tý tiếp tục đưa thêm lập luận [D]:

[D] –  Nếu [A], [B] và [C] đúng thì [Z] phải đúng

Nhưng có thể đoán trước, Tèo lại không hài lòng và yêu cầu một tiền đề nữa để chỉ rõ rằng [Z] được rút ra từ [A], [B], [C] và [D]. Và câu chuyện cứ thế tiếp tục.

Bạn có thể thấy rằng câu chuyện này sẽ kéo dài vô tận và Tý không thể nào làm hài lòng được Tèo.

Tình huống trên nhằm chỉ cho chúng ta thấy quy tắc của suy luận không phải là thứ gì đó giống như câu điều kiện (mệnh đề C, D trong tình huống trên). Quay lại với sự phân biệt giữa phát biểu mệnh lệnh và phát biểu thuần mô tả ở bài 28, câu điều kiện là một phát biểu thuần mô tả để phản ánh sự thật về sự phụ thuộc của [Z] vào [A] và [B]. Vì mang tính thuần mô tả, nên câu điều kiện không cho chúng ta biết được điều chúng ta phải làm, trong khi đó, quy tắc lập luận diễn dịch dường như chỉ cho chúng ta phải suy ra [Z] từ cơ sở [A] và [B]. Nó mang tính mệnh lệnh. Nó cho ta biết phải hành động như thế nào, đó là rút ra kết luận [Z] bởi vì mệnh đề phủ định của [B] (not B) không thể đúng nếu như [A] đúng. Đến đó là đủ để biện minh cho suy luận của chúng ta và dừng sự hồi quy lại. Chúng ta có thể nghĩ được rất nhiều câu điều kiện như [C] và [D] nữa trong tình huống nêu trên, nhưng những phát biểu thuần mô tả thế này không cần thiết để biện minh cho sự suy luận của chúng ta.

Mặt khác, khi chúng phân vân không biết có nên suy ra một kết luận mà rõ ràng nó hợp logic với những niềm tin trước đó của ta, thì có lẽ việc chúng ta cần làm là xem xét lại (revise) những niềm tin ban đầu (original believes) của chính mình. Sự cân nhắc này, như Gil Harman đã chỉ ra, cho thấy lý luận (reasoning) không giống với logic. Logic chỉ cho bạn thấy cái gì theo sau từ cái gì (what follow from what) chứ không phải những gì bạn phải tin trong một tình huống cụ thể. Lý luận là việc xem xét lại các niềm tin (revising beliefs) và có những giá trị vốn có và không thể quy giản được (inherently and irreducibly normative); còn logic đề cập tới mối quan hệ giữa các mệnh đề và mang tính thuần mô tả. Việc chúng ta phải lý luận bằng cách tuân thủ các quy tắc của suy luận diễn dịch như modus ponens không thể được phân tích bằng những thuật ngữ từ các phát biểu thuần mô tả, ngay cả các câu điều kiện, thậm chí là vô số những câu như thế này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *