Bài 3: Sự quy hồi vô tận

Xuất bản

Trong

Với những điều đã học trong bài tri thức là gì? chúng ta biết một niềm tin được coi là đúng khi nó được biện minh bởi những lý lẽ xác thực. Nhưng những lý lẽ xác thực này lại phải đi ra từ một niềm tin đúng đắn đã được biện minh. Rồi niềm tin đúng đắn đã được biện minh của những lý lẽ xác thực lại phải tới từ những niềm tin đúng đã được biện minh khác… OH MY GOD! Làm sao để có thể dừng lại hay chí ít là quay về vấn đề ban đầu?

Hiện tượng này trong triết học được gọi là sự hồi quy (regression). Chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể về sự hồi quy trong bài học hôm nay và cách để ngăn chặn nó.

Lập luận hồi quy

Một nỗi lo lắng đã được Socrates bày tỏ trong tác phẩm Theaetetus rằng: nếu ta cố gắng định nghĩa tri thức theo mô hình JTB (Justified True Belief) thì nó sẽ dẫn đến sự hồi quy vô tận. Bởi nếu sự biện minh là thứ giúp chúng ta phân biệt giữa niềm tin đơn thuần với tri thức, thì để có được sự biện minh chúng ta phải đặt sự biện minh ấy trên những niềm tin mà ta cho là đúng. Mà theo Plato, một niềm tin (hay sự hiểu biết) được chứng minh là đúng khi ta biết định nghĩa của nó. Trong định nghĩa ấy, ta lại phải hiểu hết những thuật ngữ cấu thành nên định nghĩa. Và với mỗi thuật ngữ này, tự chúng lại có những khái niệm riêng của mình. Cứ như thế lặp đi lặp lại.

   Dường như vấn đề trên chỉ dừng lại khi có một thuật ngữ mà tự nó định nghĩa cho chính nó mà không cần thông qua sự biện minh. Tuy nhiên, nếu một khái niệm được biết mà không thông qua biện minh thì tức nghĩa có những điều có thể biết mà không cần đến biện minh nữa. Và điều này lại mâu thuẫn với mô hình JTB.

Plato đã sử dụng hình ảnh của từ ngữ và các chữ cái để minh họa cho vấn đề này. Ví dụ, khi ta có sự hiểu biết về một từ thì đầu tiên ta phải biết về những chữ cái cấu thành nên nó và sự kết hợp giữa những con chữ với nhau. Tuy nhiên, chữ cái lại là đơn vị không thể cơ bản hơn được nữa, và việc biết các chữ cái không đòi hỏi ta phải đào sâu tìm tòi. Bây giờ, quay lại với mô hình JTB, ví dụ nếu tri thức phụ thuộc vào những gì cơ bản hơn, như những chữ cái trong một từ chẳng hạn, thì những chữ cái ấy sẽ phải được biết theo một cách khác so với ban đầu. Hoặc nếu chúng vẫn được hiểu biết theo cách cũ, nghĩa là chúng ta vẫn phải biện minh cho chúng, thì ta lại vướng vào sự hồi quy vô tận. Thế nhưng, nếu những thành phần này được hiểu biết theo một cách khác, nghĩa là không phải tất cả các tri thức đều có một quy trình biện minh duy nhất. Vậy quy trình mới sẽ là gì? Chúng ta hãy quay lại vấn đề ban đầu là cố gắng giải thích cách có được tri thức, và dù vậy, dù có chấp nhận tri thức theo hướng hồi quy hay tri thức có được mà không qua biện mình, thì mô hình JTB vẫn đưa đến một cảm giác SAI SAI. Câu hỏi cuối cùng vẫn chưa được thỏa mãn rằng liệu chúng ta có thể đạt được tri thức thật sự hay không?

Duy bản luận (hay thuyết nền tảng)

“Atlas đỡ cả trái đất. Okay! Nhưng ai đỡ Atlas?”

Một số nhà triết học, khởi đầu từ Aristotle (384 – 322 B.C) – học trò của Platon – đã cố gắng tìm cách tránh sự hồi quy vô tận. Trong tác phẩm Posterior Analytics của mình, Aristotle đã đưa ra quan điểm rằng có những khái niệm mà tự bản thân nó đã hàm chứa sự biện minh. Và sự tự biện minh này được biết đến thông qua trực giác. Ví dụ, phép toán học 2+3=5. Đây là ví dụ rõ ràng nhất cho việc một khái niệm tự biện minh cho chính nó và chúng ta có thể tiếp nhận khẳng định ấy bằng trực giác. Và những khái niệm khác, tương tự như vậy, được cho là những nền móng cơ bản của những tri thức không cần chứng cứ gì thêm nữa.

   Ngoài Aristotle, thánh Augustine (354 – 430) và René Descartes (1596 – 1650) cũng đưa ra quan điểm rằng chúng ta có thể rút ra kết luận tính đúng, sai của một khẳng định từ chính bản thân khẳng định ấy. Đó không chỉ là những phép toán 2+3=5, mà còn là những khẳng định như “không có khẳng định nào vừa đúng vừa sai”, hay câu nói “tôi tư duy, tôi tồn tại”.

Điểm đáng chú ý

Điểm cần chú ý nhất trong Duy bản luận là những người theo thuyết này luôn luôn đi tìm những kiến thức mà họ cho là nền tảng để đưa vào quá trình biện minh. Lại trong quá trình ấy, họ mặc định những lập luận đã đưa ra từ trước và đang được coi là nền tảng  là đúng đắn mà không hề có tư duy hoài nghi tự vấn xem những vấn đề ấy tự thân nó đã okay chưa!

Chú thích:

Aristotle (384 – 322 B.C): ông là học trò nổi tiếng nhất của Platon và thầy của Alexander the Great.Ông là người đặt nền móng cho logic học và khoa học chính trị.

Thánh Augustine (354 – 430): ông là một nhà triết học, thần học có tầm ảnh hưởng lớn trong việc phát triển các luận thuyết Cơ Đốc giáo nói riêng và triết học Tây phương nói chung. Vì vậy, ông được giáo hội tôn thờ và phong thánh.

René Descartes (1596 – 1650): nhà toán, khoa học và triết gia người Pháp. Ông là người theo chủ nghĩa duy lý, tin vào Thiên Chúa và được xem là cha đẻ của nền triết học hiện đại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *