Bài 12: Tâm trí và thể xác

Xuất bản

Trong

Ở bài này chúng ta sẽ đi sâu và làm rõ thêm lập luận của triết gia Descartes khi ông từng phát biểu thể xác và tâm trí là hai thứ hoàn toàn tách biệt. Và nếu tư duy và tâm trí tách biệt như những gì Descartes đã nói thì quan hệ giữa chúng là gì, hệ quả nào sẽ được suy ra từ chúng. Tất cả những chương mục trong bài này sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi ấy.

Descartes cho rằng: chúng ta có thể biết được chúng ta đang suy nghĩ và tồn tại ngay cả khi ta không biết có sự tồn tại của một thể xác hay cả thế giới khách quan bên ngoài. Do đó không ngạc nhiên khi Descartes suy ra tâm trí là một điều hoàn toàn có thể nhận biết được mà không cần phụ thuộc vào sự tồn tại của thể xác, cũng như kết luận “tôi” là cần thiết để đại diện cho đối tượng đang suy nghĩ. Và đối tượng đang suy nghĩ  ấy ngoài nghĩ ra có thể khát vọng, nghi ngờ, cảm nhận, phán đoán, hay có bất cứ động thái nào liên quan đến quá trình tư duy. Và trong chương cuối cùng của tác phẩm Meditations, ông đã khẳng định lại lần nữa: tâm trí không phải thứ đồng nhất với thể xác!

P1: Nếu A có thể được mường tượng một cách rõ ràng và tách biệt với B thì A có thể tồn tại bên ngoài B.

P2: Nếu A có thể tồn tại ngoài B thì A, B độc lập.

P3: Tôi có thể mường tượng tâm trí của mình một cách rõ ràng và tách biệt với thể xác.

C: Suy ra, tâm trí và thể xác tôi độc lập.

Ghi chú: lập luận này được gọi là “Real distinction arguement” tạm dịch là “Lập luận tách biệt sự thật”. Và để tránh sự dài dòng không cần thiết, tôi tạm quy ước nó là lập luận RD.

Cốt lõi của lập luận RD là sự độc lập hoàn toàn về hai khái niệm ý tưởng về tâm trí và ý tưởng về thể xác. Nó bao gồm quá trình suy diễn sau:

Giai đoạn 1: Nếu tâm trí của tôi có thể được mường tượng một cách rõ rằng và tách biệt với thể xác thì tâm trí của tôi có thể tồn tại bên ngoài thể xác và ngược lại.

Giai đoạn 2: Nếu tâm trí tôi có thể tồn tại bên ngoài thể xác tôi (và ngược lại) thì tâm trí và thể xác của tôi là hai điều (hay chất) thật sự độc lập.

Vấn đề tương tác Tâm – Thể (Mind-Body Problem)

Nếu chúng ta tạm coi tiền đề này là một lập luận hợp lý, nghĩa là tất cả các tiền đề đều đúng thì, một câu hỏi kỳ quặc sẽ được thốt ra: “nếu tâm trí tôi không phải thể xác tôi, vậy nó là cái khỉ gì?”. Chẳng lẽ tâm trí là một thực thể phi vật chất và ma mị? Và nếu tâm thể độc lập thì làm sao chúng tạo ra mối tương tác bền chặt, nhân quả lẫn nhau trong suốt thời gian qua? Nói một cách dễ hiểu hơn, làm sao khi tâm trí tôi ra một quyết định hành động và thể xác phục tùng nó khi hai khái niệm này đang được cho là độc lập?

Và vấn đề trên đã được biết đến với tên gọi vấn đề tương tác (interaction problem). Nó được nêu ra đầu tiên bởi công nương Elizabeth xứ Bohemia (1596 – 1662), bà đồng thời là một trong số những triết gia nữ lưu sớm nhất được vinh danh.

Elizabeth of Bohemia

Nội dung phản biện của Elizabeth thật thú vị và bà đã đánh trúng vào vấn đề cốt lõi mà Descartes nói riêng và ngành khoa học nhận thức thời bấy giờ nói chung cần tìm lời giải.

Elizabeth yêu cầu Descartes giải thích cách tâm trí truyền đạt tới thể xác, cũng đặt ra câu hỏi phải chăng đã có một đoạn mã nào được phát đi, tiếp nhận, giải nghĩa để chúng ta có thể hành động. Và nếu thế chẳng phải ta hiển nhiên suy ra rằng thân xác ta cũng là một thực thể biết suy nghĩ, giải đáp hay sao?

Tóm lại, nếu dùng những thuật ngữ và hình ảnh hiện đại, chúng ta có thể viết lại ý của Elizabeth như sau: Elizabeth đang phân vân, với bà, nếu thể xác là một cỗ máy như Descartes nói thì những hoạt động của nó dựa trên việc nó nhận sự chỉ huy và có thể xử lý các mệnh lệnh chỉ huy đó thừ phần mền (ở đây là tâm trí). Vậy nếu thể xác có thể nhận tin và xử lý, vậy hẳn cỗ máy này không phải một cỗ máy vô hồn và tự nó cũng sở hữu một phần mền với những tri thức được lưu giữ ở mức độ nào đó. Và có nghĩa, nó cũng suy nghĩ!

Và Elizabeth cũng đau đáu với câu hỏi: nếu tâm trí và thể xác đã là tách biệt, vậy tại sao chúng còn ràng buộc nhau tới vậy? Hơn nữa, không những tâm trí chí phối thể xác mà chính thể xác cũng dành quyền điều kiển tâm trí trong một số trường hợp như những nhu cầu về sinh lý (chẳng hạn nếu thể xác đói, tâm trí không thể nghĩ gì hơn ngoài việc vơ đồ ăn vào miệng).

Danh tính cá nhân (Personal Identity)

Ngoài ra, một số vấn đề sâu xa cũng nảy sinh từ lập luận RD khi chúng ta bàn đến phạm trù danh tính cá nhân. Ví dụ, thể xác của chúng ta theo thời gian sẽ biến đổi, hoặc già lão hay thậm chí là dị dạng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể nhận ra bạn ngay cả khi bạn đã thay đổi và cũng có người không. Vậy điều gì là nguyên nhân gây ra sự bất biến hoặc biến đổi?

Nếu chúng ta coi tâm trí và thể xác tách biệt thì hoàn toàn dễ dàng giải quyết vấn đề này. Bởi một tâm trí phi chất tất nhiên sẽ không phải chịu quá trình phân rã như thể xác và sẽ tái sinh thành một cơ quan khác như não. Tuy nhiên những ưu điểm của tâm trí cũng có những cái giá riêng của nó (chúng ta sẽ làm rõ vấn đề này ở bài Phân thân).

Zombie

Lập luận RD cũng trở nên lúng túng trước câu hỏi: ở thân xác (hay thể) nào mà chúng ta có thể mường tượng về tâm trí và thấy nó tách biệt?

Dựa vào lập luận Cogito: tôi có thể mường tượng tâm trí tôi và biết rằng nó tồn tại ngay cả khi không có thân xác. Tuy nhiên, điều này không chứng minh được việc tôi có khả năng mường tượng tâm trí của mình bên ngoài vật chất nói chung hay không và ngược lại. Thế nhưng chính nó lại dẫn đến kết luận tâm trí tách biệt khỏi thể xác. Và vấn đề xuất hiện ở vế ngược lại.

Có thể dễ dàng hơn nếu chúng ta mường tượng được vật chất nói chung bên ngoài bất kỳ tâm trí nào. Hình ảnh ấy giống với một vũ trụ tĩnh lặng bao la, toàn bộ là nguyên tử hoặc những tiểu vật chất trôi nổi nhưng không kèm ý thức, tâm trí hay có bất kỳ cái gì đang suy nghĩ cả. Điều này dễ dàng mường tượng được. Giờ hãy thử nghĩ về một vụ trụ khác, một vũ trụ chứa đầy những vật chất được cấu tạo theo hình dạng giống cơ thể bạn. Và nếu cơ thể đó đang sống, nghĩa là nó thở, đi lại, dung nạp, tiêu hóa, làm việc… thì liệu mọi hành động có thể được thực hiện nếu những cơ thể trên không có bất kỳ một ý nghĩ, hay nhận thức nào?

Từ đó suy ra, hoặc cơ thể người với tất cả những chức năng lao động và sự tỏa sáng của sinh lý không phải một đối tượng của suy nghĩ, hoặc lập luận RD sụp đổ bởi từ “body” nó sử dụng là từ đa nghĩa và thân thể hay vật chất nói chung thì không nằm ngoài diện mô tả của nó.

Một vũ trũ vô tâm với dày đặc những vật chất nói chung nhưng bất động sẽ không gây tranh cãi bằng một vụ trụ hành động với những cá thể có khả năng linh hoạt như loài người mà không tồn tại chút ý thức nào. Và tiên đề 3, tôi có thể mường tượng được tâm trí tôi bên ngoài thể xác tôi, chỉ được chấp nhận khi thân thể ấy hàm ý là vật chất nói chung, những thứ bất động trôi nổi trong vũ trụ. Còn nếu, tôi, ngay tại đây, đang gõ hay đọc những dòng này, lại có thể đạt đến cảnh giới tâm trí tách lìa thể xác và thể xác ngồi đó chỉ một cỗ máy hành động vô hồn thì đó hẳn phải là một tưởng tượng quá phiêu lưu!

Tuy nhiên, cũng có những triết gia cho rằng khả năng tồn tại những vật thể sống giống chúng ta, linh hoạt về hành động nhưng không chút chút suy nghĩ nào hoàn toàn có thể xảy ra. Và lập luận này được gọi là lập luận zombie triết học, hay lập luận Zombie.

Với lập luận này, Chalmers, một triết gia đương đại, cho rằng: có thể có một sinh vật giống con người (bất kỳ một ai đó) đến từng chi tiết một, nó có thể cư xử y hệt nhưng hoàn toàn không có chút tâm trí nào (kiểu như một cái bóng được gỡ ra từ bản thể và bạn có thể tìm thấy vài ví dụ cho nó trong Doraemon). Tuy nhiên những con zombie này nên được phân biệt với lũ zombie trong các phim của Hollywood, những cá thể chui lên từ hầm mộ và khoái món não người. Những con zombie triết học phức tạp hơn thế khi bạn có thể thấy nó ăn tối trong một nhà hàng 5 sao, nói chuyện hàng giờ liền về cuộc sống với một tâm trí sâu sắc. Và sẽ thật khó phân biệt đâu là zombie triết học, đâu là con người.

Bạn đang nghĩ lập luận trên nghe có vẻ sặc mùi thuyết âm mưu?

Điểm mấu chốt để phản bác lập luận Zombie là không có sinh vật nào có thể coi có đầy đủ chức năng sinh lý của con người trong tình huống này. Vì ngoài việc sở hữu hình dáng giống con người nhưng khả năng nhận thức cũng như sự truyền phát của các dây thần kinh của xác rỗng ấy là không có. Và hiển nhiên điều này dẫn đến việc nó không có được bản năng phản ứng lại các tác động bên ngoài như chúng ta.

Tóm lại, lập luận Zombie được sinh ra để hỗ trợ và tăng tính khả dĩ cho cả hai cách hiểu về sự độc lập tâm – thể trong lập luận RD của Descartes.

Khả năng trong ý nghĩ và khả năng trong thực tiễn

Như đã phân tích ở trên, lập luận RD gây nên một số hệ quả không mấy dễ chịu về việc giải thích tương tác tâm – thể và đặt ra những mơ hồ về vấn đề danh tính cá nhân. Nhưng điều đó không có nghĩa luập luận này không hợp lệ. Tuy nhiên, chúng ta cần xét đến tính hợp lý của nó.

Bài phân tích dưới đây sẽ liên quan đến các khái niệm hợp lý – hợp lệ và điều kiện cần – điều kiện đủ.

Chú ý, lập luận RD dựa trên phát biểu: suy nghĩ là ĐỦ để biết tâm trí tồn tại. Điều này không loại trừ khả năng một thứ khác, chẳng hạn thân xác, cũng CẦN tâm trí cho sự tồn tại. Đây là một trong những vấn đề mà công nương Elizabeth đặt ra phía trên. Và bất chấp những nỗ lực của Descartes, bà vẫn từ chối chấp nhận rằng sự khác biệt về mặt khái niệm cũng kéo theo sự khác biệt về mặt bản chất giữa tâm trí và thể xác. Một cách tổng quát hơn, biết A là đủ với B cũng không loại trừ được việc một cái khác, C chẳng hạn, cũng cần thiết đối với B.

Hãy xem xét ví dụ so sánh sau. Nó thường được dùng khi các triết gia thử thách lập luận về khả năng mường tượng.

Ảnh minh họa.

Giả sử tôi không biết nước là H2O. Tôi thậm chí còn có thể phủ nhận: nước không phải là H2O. Vì vậy tôi nhận thức rằng thứ dung dịch chảy trong những dòng sông và ao hồ hoặc các nguồn khác trên trái đất này là nước mà không phải H2O.

Ở đây, nước và H2O chắc chắn là 2 khái niệm tách biệt. Thuật ngữ “nước”, sau tất cả, đã được sử dụng rất lâu trước khi nhân loại biết đến thành phần hóa học của nước, H2O.

Hãy tiếp tục hình dung, chúng ta có một thuật ngữ cổ về “nước” đủ khả năng áp dụng cho tất cả các mục đích thực dụng một thời gian dài trước khi thuật ngữ “H2O” có tính hóa học xuất hiện. Vì vậy, sẽ là ĐỦ để tôi biết rằng nước tồn tại nếu tôi biết nó là một thứ chất lỏng trong suốt, không màu, không mùi, không vị, có thể uống và dùng duy trì sự tồn tại cho tôi cũng như những sinh vật xung quanh; thì tôi không cần một phân tích hóa học để xác nhận nước tồn tại nữa.

Và  với sự khác nhau về mặt khái niệm như vậy, chúng ta có đủ để kết luận rằng “nước” có thể tồn tại mà không có “H2O” và ngược lại hay không, hoặc một kết luận sâu sắc hơn là “nước” và “H2O” là hai thứ khác biệt hoàn toàn?

Bạn có thể nhận ra lời gợi ý trên đây nghe thật lạ lùng nhưng tại sao chúng ta phải nói rằng có 2 thứ ở một dòng sông đó là nước và H2O – như vậy khác nào liệt kê 2 lần? Và nếu coi việc xem nước và H2O là hai thứ khác biệt dựa trên sự khác biệt về mặt khái niệm giữa chúng là kì dị thì chẳng phải chúng ta cũng không nên kết luận tâm trí và thể xác là tách biệt chỉ bởi chúng ta có thể mường tượng được tâm trí tách biệt với việc mường tượng thân xác?

Với lối giải thích vấn đề theo kiểu điều kiện cần và đủ, chúng ta có thể nói rằng việc tồn tại một thứ chất lỏng không màu, không mùi, không vị, có thể uống là ĐỦ để nước tồn tại. Nhưng điều đó không có nghĩa nước và H2O tồn tại  tách biệt nhau hay chúng là hai thứ vật chất khác nhau. Chúng ta cần nói cho chính xác hơn như sau:  H2O cần thiết cho sự tồn tại của nước, bất chấp việc có ai đó biết đến sự tồn tại của nó hay không và bất luận điều kiện ĐỦ để nước tồn tại là gì.

Tương tự vậy, nếu tôi không biết thể xác có tồn tại hay không nhưng tôi biết rằng tôi đang nghĩ, thì tôi có điều kiện ĐỦ để biết rằng tâm trí của tôi hoặc một thực thể suy nghĩ nào đó đang tồn tại. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa rằng, có một thể xác là điều kiện CẦN cho sự tồn tại của tâm trí tôi.

Tuy vậy, ví dụ so sánh Nước – H2O chỉ đúng khi nó là một hình ảnh so sánh mà thôi. Những người bảo vệ thuyết nhị nguyên phản bác rằng: trường hợp Nước – H2O có sự khác biệt rất lớn với trường hợp Tâm – Thể. Vì có thể chúng ta cảm nhận nước độc lập với việc cảm nhận được H2O là do chúng ta đã lờ đi câu hỏi: nước là gì? Và bởi nước là H2O nên tất cả những hiện tượng của nước như đóng băng, sôi hay bay hơi mới có thể giải thích được. Như vậy thật vô nghĩa khi cho rằng nước có thể tồn tại và có tất cả những tác dụng của nó cả khi H2O không tồn tại.

Và những người nhị nguyên sẽ tranh cãi rằng: tất cả những gì tâm trí có thể làm như suy nghĩ, nghi ngờ, phán đoán, ước vọng, cảm nhận, tưởng tượng… không nhất thiết phải phụ thuộc vào bất kì một loại cấu hình vật chất nào.

Đối với những ai nghĩ rằng có điều gì đó SAI SAI đối với lâp luận RD, thì chúng ta cần chú ý đến sự khác biệt quan trọng giữa hai khái niệm: khả năng mường tượng (conceivability) và khả năng khả thi (possibility) như sau:

* Khả năng mường tượng: tức là khả năng xảy ra trong ý nghĩ của một ai đó, thường mang tính chủ quan. Tôi hoàn toàn có thể mường tượng được trong suy nghĩ của tôi rằng: nước không phải H2O nếu như tôi cố gắng lờ đi, hoặc thật sự tôi chưa biết hóa học là gì.

* Khả năng khả thi: khả năng sự việc xảy ra trong thực tế, mang tính khách quan. Nếu xét về mặt thực tế siêu hình thì rõ ràng thế giới này không thể chứa nước mà lại không chứa H2O.

Tuy nhiên, khái niệm về tâm trí mô tả rằng những hành vi dứt khoát như suy nghĩ, cảm nhận, chủ động… và các biến thể của tâm trí, dường như đã không để lại dấu vết gì. Sự phân biệt giữa Tâm – Thể là đúng bởi không còn gì vướng mắc về khái niệm tâm trí là một suy nghĩ đòi hỏi phải có một thân thể và không kèm theo các mô tả dẫn đến sự tồn tại của tư tưởng hay ý thức. Sự phân biệt Tâm – Thể là một trường hợp đặc biệt, nơi mà khả năng mường tượng đòi hỏi khả năng thực tế. Tính tách biệt của Tâm – Thể là điều có thể chấp nhận được, nhất là đối với siêu hình.

Năm 1980, Saul Kripke đã phản bác không thể kết luận, thậm chí về mặt nguyên tắc, rằng: các trạng thái thần kinh là các trạng thái vật lý. Ví dụ, cơn đau, nhất thiết phải gây đau đớn. Những gì không gây ra cảm giác đau không thể gọi là một cơn đau, và cảm thấy đau đớn là ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ cho một cơn đau. Và giả sử chúng ta có thể xác định những dây thần kinh liên quan đến những cơn đau, như những dây thần kinh nhóm C. Thì liệu sự kích thích các dây thần kinh nhóm này có nhất thiết để gây đau đớn (hoặc mang lại cảm giác đau)?

Kripke lập luận là không. Theo Kripke, không có thiết lập nhất quán nào nếu giả định: sự kích thích các dây thần kinh nhóm C không gây đau đớn. Trong khi đó, sự thiếu nhất quán sẽ xảy ra trong giả định rằng: có thể có những cơn đau không hề gây cảm giác đau. Do đó, một người không nhất thiết phải cảm thấy đau nếu những dây thần kinh nhóm C của người đó bị kích thích.

Tóm lại, với tất cả các trạng thái thần kinh khác, lập luận này dẫn đến một kết luận là: không cần thiết phải có một thân xác tồn tại để tâm trí neo đậu và do đó vật chất nói chung không phải là một điều kiện cần để tâm trí tồn tại.

Vậy chúng ta có thể lập luận phản biện lại những suy nghĩ theo hướng nhị nguyên đó như thế nào?

Một số triết gia phủ nhận quan điểm của Kripke rằng không thể có những cơn đau mà không gây đau đớn. Nếu họ đúng, việc kích thích dây thần kinh nhóm C mà không gây đau đớn sẽ không đủ để chỉ ra rằng cơn đau không đồng nhất với sự kích thích của dây thần kinh nhóm C. Nhưng cảm giác về hiện tượng đau, theo một cách cảm nhận khác, dường như lại cần thiết để có cảm giác đau.

Từ góc nhìn khác, chúng ta có thể phủ nhận rằng sự kích thích dây thần kinh nhóm C là nhất quán. Đó là chúng ta có thể dựa vào sự hợp lý của những phát biểu có tính liên ngành, những phát biểu trong lĩnh vực tâm lý học truyền thống, hay được liên kết tới lĩnh vực của các trạng thái sinh lý. Nếu những nguyên tắc cầu nối này là có thể, thì sẽ là hợp chuẩn khi ta nói rằng: có những quá trình thần kinh nhất định (vd sự kích thích dây thần kinh nhóm C) không nhất thiết phải gây ra cảm giác đau.

Thành công của chiến lược đó tất nhiên phụ thuộc vào thành công trong việc xác định những nguyên tắc cầu nối của nó. Nếu những điều này là có thể, những mô tả sinh lý học cũng có thể áp dụng triệt để đối với những trạng thái thần kinh.

Chúng ta sẽ dễ dàng giải thích những cơn đau bằng việc các dây thần kinh bị kích thích rất mạnh. Những phát biểu với sự kết hợp giữa lĩnh vực tâm lý học hiện đại và lĩnh vực tâm lý học truyền thống nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng không hề có sự thiếu nhất quán nào giữa chúng.

Điều cuối cùng là những lập luận nêu trên vẫn chưa hề ngã ngũ và còn gây rất nhiều tranh cãi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *