Bài 2: Tri thức là gì?

Xuất bản

Trong

Như đã kết thúc ở bài trước, để đánh giá một lập luận có thuyết phục hay không, ta phải biết về tính đúng đắn của các tiền đề. Nhưng như thế nào là đúng?

Cấu trúc Modus Ponens

Một cấu trúc lập luận rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là Modul Ponens. Cấu trúc của loại lập luận này diễn giải như sau:

P1: Nếu P thì Q

P2: P đúng

C: Q đúng

Ví dụ 1: Nếu anh là người thì anh có trái tim. Anh là người nên anh có trái tim.

Ví dụ 2: Nếu con vật ấy là lợn thì nó biết bay. Con vật ấy là lợn nên nó biết bay.

Như đã phân tích ở bài trước, chúng ta có thể xác định rằng ví dụ 1 là một lập luận hợp lý, trong khí đó ví dụ 2 chỉ là một lập luận hợp lệ vì mệnh đề Nếu con vật ấy là lợn thì nó biết bay là sai, không con lợn nào biết bay cả.

Mệnh đề, đúng và biết

Mỗi một cặp Chủ ngữ + Động từ  được coi là  một mệnh đề (clause/propostion).

Ví dụ mệnh đề: Tôi hát, Ngôi nhà của tôi có màu hồng, Tôi cao hơn anh trai của tôi, Làm đàn ông khổ hơn làm phụ nữ, 2+3 bằng 5, Mạng xã hội không tốt cho trẻ nhỏ, Nguyên nhân của thủy triều là do sức hút của mặt trăng…

Có thể nhiều người sẽ thắc mắc trong các ví dụ trên, có những mệnh đề không có động từ? Đừng vội, hãy thử dịch các câu đó sang tiếng Anh, thì bạn sẽ thấy động từ chính là động từ to be (is, am, are)

Một mệnh đề luôn luôn có tính Đúng/Sai. Tức là, một khi một cụm từ được coi là một mệnh đề, thì mệnh đề này một là Đúng, hai là Sai. Điều này dễ hiểu, vì chẳng ai lại đi đánh giá tính Đúng/Sai của một Danh từ, cụm danh từ hay Động từ cả (Ví dụ: thật ngớ ngẩn khi đánh giá tính đúng sai của Một con vịt, Một cặp trai gái, Bàn tay, Nhảy dây, Đá bóng).

***

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường dùng từ Biết theo 2 cách sau:

  1. Biết + Động từ/Danh từ/Đại từ: Tôi biết chơi guitar, Tôi biết nói tiếng Anh, Cô ấy biết Jimmy, Họ biết địa chỉ của công ty tôi.
  2. Biết + Mệnh đề: Tôi biết rằng nước sôi ở 100 độ C, cô ấy biết rằng tôi rất yêu cô ấy.

Khi sử dụng từ biết, chúng ta hàm ý nói rằng điều ai đó biết là đúng. Chẳng hạn, không ai nói Tom biết thủ đô của Campuchia là Paris nhưng thật ra thủ đô của Campuchia là Phnom-Pênh. Thay vào đó, nên nói Tom tin rằng thủ đô của Campuchia là Paris nhưng thật ra thủ đô của Campuchia là Phnom-Pênh

Trong cách dùng từ biết thứ nhất, ta không thể đánh giá tính Đúng/Sai của một động từ, danh từ, đại từ đơn lẻ nên cách dùng từ biết này không có gì phải bàn cãi.

Do vậy, kiểu hiểu biết thứ hai mới là thứ chúng ta cần quan tâm trong bài học này. Vì thế kiểu hiểu biết (tri thức) này còn được gọi là tri thức mệnh đề (propositional knowledge)

***

Qua phân tích ở trên, ta thấy hiểu biết và tính đúng đắn có mối liên hệ rất chặt chẽ. Như vậy có phải hiểu biết (tri thức) chính là việc có một niềm tin đúng?

Giả sử bạn được hỏi “Hôm nay thứ mấy?”(Ví dụ: hôm nay là thứ Ba). Bạn trả lời bằng cách tung đồng xu. Nếu ngửa, bạn trả lời là thứ Ba, còn xấp thì trả lời đáp án khác. Bạn quyết định tung đồng xu, nhận được mặt ngửa và trả lời đúng. Như vậy bạn có được coi là biết đáp án không? Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng đó không thể coi là hiểu biết vì bạn không biện minh được vì sao bạn lại đưa ra được câu trả lời đó.

Có vẻ như đến đây, ta đã tìm ra được 3 thành phần cấu thành nên tri thức hay hiểu biết.

Định nghĩa tri thức theo mô hình JTB (justified-true-belief)

Khái niệm tri thức được công nhận và phổ rộng cho đến ngày hôm nay là khái niệm được đưa ra bởi một nhà hiền triết sống ở thời cổ đại, Platon. Platon đã định nghĩa tri thức của ông như sau: knowledge is a justified true belief (tri thức là một niềm tin đúng đã được biện minh).

Theo Platon, có 3 thành phần cấu tạo nên sự hiểu biết: Sự biện minh, sự thật và niềm tin.

Ví dụ: Ta có thể nói Tí biết có 10 xu trong lọ bởi vì Tí tin (belief) rằng có 10 xu trong lọ, thực tế (truth) có đúng 10 xu trong lọ và Tí biện minh (justification) rằng cậu ta nhớ mình đã tự tay nhét 10 xu vào trong lọ.

Dựa theo định nghĩa về mô hình JTB, ví dụ này có vẻ là một ví dụ đúng đắn về tri thức khi Tí có một niềm tin, niềm tin này đúng đắn và nó được củng cố bằng trí nhớ khi anh ấy nhớ rằng chính tay mình đã thả 10 xu vào lọ ngày hôm qua. Và với niềm tin ấy, nếu không có chuyện gì bất thường xảy ra và trí nhớ của Tí vẫn hoạt động tốt thì những hành động của anh ta ngày hôm qua là một bằng chứng đáng tin cậy để xác minh việc có 10 đồng xu trong lọ ngày hôm nay.

Thế nhưng, bạn có thấy điều gì đó SAI SAI? Nếu có, hãy theo dõi tiếp bài 3.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *