Bài 23: Vấn đề của phép quy nạp

Xuất bản

Trong

Việc nghiên cứu khoa học phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp quy nạp, cụ thể là khái quát hóa.

Khái quát hóa có nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu chung lại nó có dạng như sau:

  • Từ quan sát các trường hợp đơn lẻ đi đến kết luận chung. Ví dụ, mỗi con quạ mà tôi từng bắt gặp đều màu đen, do đó tất cả các con quạ đều màu đen.
  • Từ quan sát tổng thể, đi đến kết luận từng trường hợp đơn lẻ. Tất cả những con quạ tôi từng thấy cho đến giờ đều màu đen, do đó, con quạ tiếp theo tôi gặp sẽ màu đen.
  • Từ các trường hợp đơn lẻ đến các trường hợp đơn lẻ, ví dụ: ông bà của những con quạ này màu đen, bố mẹ chúng cũng màu đen nên những con quạ này cũng màu đen
Ảnh minh họa

Đây là lập luận bạn có thể đưa ra để ủng hộ cho việc sử dụng lập luận quy nạp:

P1: Lý luận quy nạp đã tỏ ra hiệu quả trong quá khứ

P2: Các quy luật tự nhiên luôn ổn định, tương lai sẽ lặp lại quá khứ

C: Quy nạp cung cấp một cơ sở lý luận tốt để rút ra các kết luận về tương lai

Tất cả những trường hợp này đều có một sự giả định ngầm rằng, tự nhiên vận hành với một mức độ ổn định cao, tức là tương lai lặp lại giống quá khứ (nếu như có cùng những điều kiện nhất định, ví dụ: hôm qua mặt trời mọc đằng Đông, hôm nay cũng vậy, ngày mai vẫn thế).

Thật khó tưởng tượng chúng ta có thể làm gì mà không có quy nạp. Chính quá trình hình thành và kiểm định giả thuyết cũng cần quy nạp. Mỗi lần một dược sĩ thử nghiệm một loại thuốc nào đó, quy nạp cũng góp mặt. Quy nạp cũng không thể thiếu được khi dự đoán kết quả từ các thí nghiệm và khi xây dựng một kho bằng chứng (bank of evidence).

Diễn dịch (deduction) có vai trò của nó trong khoa học, nhưng theo Charles Sanders Peirce (1839–1914) , phương pháp này không có tính “khuếch đại kiến thức” theo cách mà phương pháp quy nạp làm được. Diễn dịch chỉ làm lộ ra sự thật đã tồn tại từ trước của các tiền đề. Còn quy nạp, ví dụ nếu ta kết luận điều đúng với một mẫu cũng đúng với cả tổng thể, thì chúng ta đã mở rộng kiến thức của mình.

Một điều cần cẩn trọng khi dùng phương pháp quy nạp lỗi ngụy biện khái quát hóa vội vã. Các nhà khoa học cần đảm bảo mẫu nghiên cứu của họ đủ lớn và mang tính đại diện để không bỏ qua hoặc loại trừ bất kì thông tin liên quan nào khi đưa ra kết luận về tổng thể.

Do đó, quy nạp là một một phần máu tủy của tư duy khoa học.

David Hume

Tuy nhiên, David Hume (1711–76) đã chỉ ra rằng, quy nạp dường như không thể biện minh(justify) được. Theo ông, nguyên lý (principle) nằm bên dưới phương pháp quy nạp – thiên nhiên luôn vận hành ổn định – không thể được mô tả theo kiểu diễn dịch hay quy nạp.

Mọi thứ có thể đổi thay nhưng không tới mức thay đổi các quy luật của tự nhiên. Các vật nặng không thể đột ngột bay lên cao, thủy triều không thể cứ tiếp tục dâng cao mãi. Vì thế, nó không thể biện minh được bằng phương pháp diễn dịch. Nó không đúng về mặt định nghĩa cũng không thể quy giản về một khẳng định luôn đúng nào đó (ví dụ khẳng định: không có gì vừa đúng vừa sai) rằng tương lai sẽ vận hành tương tự như những lần trước đó trong quá khứ.

Nhưng nguyên lý này cũng không thể biện minh được bằng quy nạp.

Nếu ta cố gắng bảo vệ sự thật của nguyên lý này bằng việc sử dụng lý luận quy nạp – nếu ta nói lý luận quy nạp là hợp lệ bởi vì, trong quá khứ, lý luận quy nạp đã cho ta những kết quả đúng – thì chúng ta đang lập luận lòng vòng. Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính nguyên lý của quy nạp để làm nền tảng sự thật cho chính nó mà thôi !

Một hệ quả không mong muốn của vấn đề này là, vì dường như không có sự biện minh cụ thể nào cho lý luận quy nạp, do đó cũng không có cơ sở nào để phân biệt đâu là quy nạp tốt, đâu là quy nạp dở. Và vì thế, chúng ta sẽ không cho rằng tất cả các suy luận quy nạp đều tốt như nhau, và có nhiều quan điểm khác nhau về chúng khi quy nạp không đáng tin cậy. Nếu một số suy luận quy nạp đáng tin cậy hơn những cái khác, thì thật tự nhiên khi giả định, vì có một số làm tốt hơn trong việc theo dõi các thực tế khách quan. Nhưng nếu có những thực tế khách quan như thế này, tại sao chúng ta không thể dựa vào chúng để biện minh có cách sử dụng quy nạp của chúng ta?

Mặc dù cho rằng vấn đề của phép quy nạp không thể giải quyết được theo cách triết học, nhưng Hume không từ bỏ quan điểm chủ nghĩa duy nghiệm cũng không ra nhập nhóm các nhà triết học hoài nghi. Thay vào đó, ông cho rằng lý luận quy nạp đã ăn sâu trong thực tiễn của con người như một tập quán, một thói quen, và điều này cần thiết để tồn tại, do đó chỉ có thằng ngu mới không sử dụng nó.

Thói quen mang tính quy nạp được sản sinh bởi tâm trí. Khi nhận thấy một mối liên hệ liên tục (constant conjunction) giữa 2 sự vật hiện tượng, ta có xu hướng gán những ý tưởng của cái này sang cái kia. Nhớ lại ví dụ về con quạ, tâm trí của tôi gắn liền với những con quạ màu đen đến nỗi tôi nghĩ rằng con quạ tiếp theo cũng sẽ tương tự.

Đây là hệ quả tự nhiên của kinh nghiệm, và theo quan điểm của Hume, tự nhiên là và nên là người hướng dẫn chúng ta. Chỉ khi quy nạp được sử dụng để kiểm chứng kinh nghiệm, chúng ta mới có thể phân biệt cách dùng tốt và không tốt phương pháp này.

Ví dụ dưới đây được coi niềm tự hào của Hume:

Việc tích lũy của cải đem lại sức mạnh khiến chúng ta nghĩ rằng càng nhiều của, chúng ta càng có nhiều sức mạnh và sống sung túc. Nhưng kinh nghiệm dạy ta rằng, sự tích trữ của cải sẽ sản sinh ra sự oán giận và bất an, khiến chúng ta thay đổi nhận định của mình và cân nhắc kĩ hơn việc tích lũy.

Những cách sử dụng quy nạp tốt có thể được kinh nghiệm xác nhận nhiều hơn những cách sử dụng dở.

Xét theo khía cạnh triết học, việc có một số cách dùng quy nạp nhất định được hưởng ứng và sử dụng trong thực tiễn không thể thiết lập nên một nguyên lý đúng đắn của phương pháp quy nạp. There is no further fact beyond what is useful for organisms like us to suppose is true to justify our belief in induction.

Dường như khoa học phải phụ thuộc rất nhiều vào lý luận quy nạp, nhưng có ít nhất một người đã phủ nhận điều này, đó là Karl Popper (1902–94). Ông này cho rằng quy nạp là thừa thãi. Tên tuổi của ông được biết đến nhiều với phát biểu cho rằng, điều quan trọng hơn cả quy nạp trong khoa học là khả năng kiểm sai (falsification). Bởi vì chúng ta không thể thu thập được hết các bằng chứng để xác minh cho bất kì một học thuyết nào, nên công việc đáng tin cậy hơn là tìm xem có trường hợp nào phản đối (disconfirm) hay không. Học thuyết nào mà không tìm được (có tìm nhưng không thấy) trường hợp phản đối thì tin cậy hơn các học thuyết không chủ động đi tìm các trường hợp phản đối.

Sự hoài nghi của Karl Popper về vai trò của quy nạp trong thực tiễn khoa học đã gây được tiếng vang trong những lời nhận xét hài hước của Peter Medawar (nhà sinh học vĩ đại người Anh, từng nhận giải Nobel):

Chân dung Peter
Medawar
Nếu hỏi một nhà khoa học rằng anh ta nhận thức thế nào là phương pháp nghiên cứu khoa học, anh ta sẽ diễn giải một cách trang nghiêm nhưng với cặp mắt gian xảo (shifty-eyes). Trang nghiêm vì anh ta cảm thấy có nghĩa vụ phải nêu lên quan điểm của mình; còn cặp mắt gian xảo bởi vì anh ta loay hoay không biết làm cách nào để che giấu đi thực tế là anh ta chẳng có quan điểm gì để tuyên bố cả. Nếu bị chế nhạo, anh ta có thể lẩm bẩm những từ như "Quy nạp" và "Củng cố các quy luật của tự nhiên". Nhưng nếu bất kì ai làm việc trong phòng thí nghiệm với mục đích củng cố lại những quy luật của tự nhiên, thì đó là lúc họ nên về quê vui vầy với con cháu rồi.

Từ khi tác phẩm The Logic of Scientific Discovery của Popper ra mắt năm 1959, phương pháp kiểm sai đã được cho là một hướng tiếp cận đúng đắn đối với tự nhiên – dấu hiệu để phân biệt khoa học và giả khoa học (pseudo-science). Việc cho rằng kiểm sai là tiêu chuẩn của một giả thuyết khoa học hoàn toàn nằm trong tinh thần của chủ nghĩa duy nghiệm bởi vì nếu một giả thuyết mà không kiểm sai được, thì một là nó phải đúng về mặt định nghĩa (sự thật logic hay phân tích) hoặc đúng kiểu chung chung, mơ hồ (ví dụ khẳng định “có gì đó tồn tại”). Các khẳng định dựa trên kinh nghiệm, khi đưa ra so sánh có thể đứng vững hoặc bị lật đổ bởi các bằng chứng kinh nghiệm.

Gần đây, khi cố gắng bảo vệ tính “khuếch đại tri thức” của phương pháp lý luận quy nạp, nhiều người đưa một hướng tiếp cận dựa trên xác suất. Họ không cầu toàn trong việc tìm ra cái đúng bằng phương pháp quy nạp, họ chấp nhận một số học thuyết là đúng ở một mức độ xác suất nào đó. Họ hành động bởi coi nó là đúng, thay vì tin nó là đúng.

Một cái tên nổi bật trong hướng tiếp cận này là Thomas Bayes (1702-1761) với một thuật ngữ mang tên Xác suất chủ quan (subjective probabilities), tức là tính toán xác suất một cách tương đối dựa trên quan điểm và niềm tin của cá nhân mỗi người, và do đó xác suất có thể thay đổi khi niềm tin của người đó thay đổi. Xác suất chủ quan đóng vai trò thông tin cho quá trình quyết định của mỗi người trong những điều kiện không chắc chắn. Như vậy, theo hướng này thì quy nạp không được biện minh dựa trên sự tham chiếu tới sự thật mà dựa trên việc nó có giúp ta đưa những quyết định để tối đa hóa lợi ích của chúng ta hay không. Dường như biện minh cho quy nạp theo cách này là có vấn đề nhưng xét về mặt nguyên tắc thì không có lý do gì để phủ nhận hay bác bỏ nó cả. (Ví dụ bạn là một người đầu tư chứng khoán, bạn theo dõi lịch sử biến động của các mã CK, và bạn tự tính được xác suất tăng giá hay giảm giá của mỗi mã tại mỗi thời điểm trong năm, thì đây là xác suất chủ quan của bạn. Bạn dựa vào đây để đưa ra các kết luận về việc nên mua vào hay bán ra để có lời nhiều nhất.)

Đến đây chúng ta có thể thấy, có rất nhiều hướng tiếp cận đối với vấn đề của phép quy nạp, nhưng không một hướng nào có thể phản biện một cách toàn vẹn lập luận của Hume rằng nguyên lý của quy nạp là không thể biện minh được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *