Có Chúa không?

Xuất bản

Trong

,

Trong lịch sử, đã có rất nhiều nhà thần học, khoa học từng đưa ra các lập luận để chứng minh sự tồn tại của Chúa trời (God). Sau đây, chúng ta sẽ cùng điểm lại những lập luận đáng chú ý nhất.

Lâp luận bản thể học của Anselm

Nội dung lập luận

Anselm (1033-1109) là một tu sĩ thời Trung cổ. Ông đã từng đưa ra lập luận của mình cho sự tồn tại của Chúa, và lập luận đó vẫn được biết đến dưới tên gọi Lập luận bản thể học. Dưới đây là 2 ý chính trong lập luận của ông:

— Chúa là một điều gì đó vĩ đại nhất mà bạn không thể tưởng tượng ra được điều gì khác vĩ đại hơn được nữa.

— Đối với bất kì sự vật gì, chỉ có 3 trường hợp có thể xảy ra: sự vật đó chỉ tồn tại trong ý nghĩ mà không tồn tại trong thực tế (ví dụ: Sherlock Holmes, nàng Bạch Tuyết, ông Bụt trong các câu chuyện cổ tích), sự vật đó chỉ tồn tại trong thực tế mà không tồn tại trong suy nghĩ (ví dụ: một hành tinh nào đó xa xôi, bạn có thể nhìn thấy nó là một ngôi sao lấp lánh trên bầu trời nhưng cũng không biết gọi tên chúng là gì), cuối cùng là sự vật đó có thể tồn tại cả trong suy nghĩ lẫn thực tế (Ví dụ: Tổng thống Mỹ Trump, nhắc đến Trump thì bạn có thể hình dung ra ngay diện mạo của ông ấy, và thực tế ông ấy đang là tổng thống Mỹ).

Ảnh minh họa.

Tiếp đến ông lập luận rằng, nếu Chúa chỉ tồn tại trong ý nghĩ không thôi thì ta có thể chỉ ra một trường hợp còn vĩ đại hơn đó là Chúa tồn tại ở cả trong ý nghĩ lẫn trong thực tế. Mà theo ông nói ở trên, Chúa phải là vĩ đại nhất, không gì có thể vĩ đại hơn, chính vì thế Chúa phải tồn tại ở cả trong ý nghĩ lẫn thực tế.

Phản biện lại lâp luận

Lập luận bản thể này nhận được rất nhiều gạch đá. Nhiều người cho rằng với cách lập luận như trên, thì ta có thể chứng minh được sự tồn tại của bất kì thứ gì mà ta có thể tưởng tượng ra. 

Giả sử một người có trí tưởng tượng tốt, họ tưởng tượng ra một người phụ nữ hoàn hảo: số đo 3 vòng cực chuẩn, chiều cao cũng lý tưởng, tóc đen như gỗ mun, da trắng như tuyết và mịn như nhung, mũi dọc dưa, mắt bồ câu, lông mày lá liễu và có nụ cười tỏa nắng. Cô không chỉ giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà. Nói chung không cô là một người phụ nữ tuyệt hảo, không có người phụ nữ nào trên thế giới tuyệt vời hơn cô xét về bất kì khía cạnh nào. Và còn tuyệt vời hơn thế nếu như cô gái này tồn tại trong đời thực, mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến sắc đẹp của cô, cô có thể làm MC, người mẫu, tham gia các công tác ngoại giao, làm các công tác từ thiện, đóng góp nhiều cho xã hội. Và như vậy, cô sẽ bước vào đời thực nếu như lập luận theo cách của Anselm.

Nhưng để phản biện một cách rõ ràng và thuyết phục hơn, ta cần phản biện dưới dạng lập luận, có tiền đề và kết luận rõ ràng. Lập luận của Anselm có thể được viết lại như sau:

P1: Chúa chỉ tồn tại trong ý nghĩ, không tồn tại trong thực tế hoặc Chúa tồn tại cả trong ý nghĩ lẫn thực tế

P2: Nếu Chúa chỉ tồn tại trong ý nghĩ không thôi, thì vẫn còn trường hợp hoàn hảo, tốt đẹp hơn là Chúa tồn tại cả trong ý nghĩ lẫn thực tế.

P3: Chúa là điều vĩ đại nhất, chúng ta không thể nghĩ ra điều gì khác vĩ đại và hoàn hảo hơn Chúa

====================

C: Chúa tồn tại cả trong ý nghĩ lẫn thực tế

Chúng ta lần lượt sử dụng các bước để đánh giá một lập luận. Đầu tiên là kiểm tra tính hợp lệ của lập luận này, ta cần viết giản lược lại:

P1: Hoặc là A đúng, hoặc là B đúng

P2: Nếu A đúng thì dẫn đến C

P3: C không thể xảy ra

C: B đúng

Dễ dàng nhận thấy, lâp luận này hoàn toàn lợp lệ, giờ ta xét đến tính hợp lý của nó. Đến đây có 2 cách hiểu lập luận này:

— Cách hiểu thứ nhất: hiểu trực tiếp.

Nếu lập luận của Anselm được viết như trên, thì ta thấy rõ ràng là P1 đúng: Chúa rõ là có 2 khả năng đó là chỉ tồn tại trong suy nghĩ hoặc là tồn tại trong cả trong suy nghĩ lẫn trong thực tế (trường hợp Chúa chỉ tồn tại trong thực tế rõ ràng là bị loại). Tiếp đến ta xét đến P2. Chúng ta vẫn thường hay nói: Giới hạn chỉ là trí tưởng tượng của con người mà thôi. Đúng vậy, rõ ràng nếu một thứ mà chỉ tồn tại được trong trí tưởng tượng của con người thôi thì mọi thứ chỉ dừng lại ở đó thôi và ta không thể làm gì khác. Trí tưởng tượng luôn là giới hạn tột cùng của mọi thứ. Vậy nên P2 là sai.

— Cách nhìn thứ hai: Hiểu theo cách thuộc tính của một sự vật

P1 có thể được hiểu thành: Chúa chỉ có đặc tính là tồn-tại-trong-suy-nghĩ hoặc có cả 2 đặc tính là tồn-tại-trong-suy-nghĩtồn-tại-trong-thực-tế. P2 có thể được hiểu thành: Nếu Chúa chỉ có đặc tính tồn-tại-trong-suy-nghĩ thì vẫn có trường hợp khác hoàn hảo hơn là Chúa có cả 2 đặc tính tồn-tại-trong-suy-nghĩtồn-tại-trong-thực-tế.

Tuy nhiên, cách dùng từ đặc tính trong trường hợp này có vấn đề gì không? Nếu ta nói một thứ có một đặc tính nào đó, thì ta đã ngầm hiểu thứ đó có tồn tại rồi, nên nếu nói một thứ gì đó có đặc tính là không-tồn-tại thì khi đó sẽ có sự mâu thuẫn. Tồn tại hay không tồn tại không thể là một thuộc tính. Do đó với cách hiểu này thì P1 sai, P2 đúng.

Chung quy lại, với cả 2 cách hiểu, lập luận của Anselm là không thuyết phục.

Lập luận thiết kế thông minh

Nội dung lập luận

Lập luận này được đưa ra bởi William Pasley (1743 – 1805), một giáo sĩ người Anh.

Để chứng minh Chúa tồn tại, đầu tiên ông này nêu ra tình huống một người đi đường vô tình nhặt được một chiếc đồng hồ đeo tay. Nhìn vào cấu tạo của chiếc đồng hồ, với những chi tiết phức tạp như các bánh răng, các kim đồng hồ, các nút vặn, tất cả hợp với nhau một cách tài tình, chính xác thì người đi đường hẳn phải biết chắc chắn chiếc đồng hồ đó không phải ngẫu nhiên mà có mà phải có tác nhân tạo ra nó. Tương tự như vậy đối với mắt người: mọi bộ phận như con ngươi, võng mạng, các dây thần kinh, mí mắt, cuống mắt, thủy tinh tể đều có cấu tạo hoàn hảo để giúp con người có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh. Và ắt hẳn phải có tác nhân nào đó tạo ra một thứ phức tạp và hoàn hảo đến như vậy. Nhìn rộng ra xung quanh hơn nữa, có rất nhiều thứ hoàn hảo như thế. Khoảng cách giữa Trái Đất và mặt trời là một ví dụ, nếu Trái Đát chỉ gần mặt trời hơn một chút nữa thôi là chúng ta có thể bị thiêu cháy, đó là khoảng cách rất hợp lý và chỉ có một tác nhân có thể tạo nên điều đó, chính là Chúa!

Có thể tóm lược ý của Paley như sau: Mọi sự vật hiện tượng mà chúng ta thấy đều phải có tác nhân tạo ra chúng. Khi truy ngược chuỗi tác nhân đó, thì chúng ta sẽ tìm thấy một tác nhân đầu tiên, đó là Chúa. Và mọi thứ Chúa tạo nên đều là một thiết kế hoàn hảo và chứa đựng mục đích của ngài

Phản biện lại lâp luận

Có thật là hoàn hảo không?

Hãy xem lại ví dụ chiếc đồng hồ mà Paley dùng để minh họa cho lập luận của mình. Để chế tạo được một chiếc đồng hồ như vậy thì đó không phải là công sức của riêng một người mà đó là công sức của hàng trăm hàng nghìn người trong hàng thế kỉ, thế hệ sau học hỏi, đúc kết kinh nghiệm của thế hệ trước mới tạo ra được. Rất có thể, chiếc đồng hồ mà người đó nhặt được là đồ cổ, và thật ra có nhiều mẫu đồng hồ còn tinh xảo hơn nhiều. Hãy xem những con hươu cao cổ uống nước và những con rơi khi đậu trên cành cây này. Vì cái cổ quá dài mà uống nước là một việc hết sức khó khăn đối với hươu cao cổ. Còn dơi vì có đôi cánh có màng gắn với chân nên chúng không thể bay khi xuất phát từ mặt đất, chúng phải thả mình xuống từ một độ cao nhất định và treo ngược đầu trên cành cây.

Cứ cho là hoàn hảo, thì có phải đó là do ý định từ trước của một tác nhân nào đó?

Hãy tưởng tượng một tình huống như sau: con bạn chưa biết chữ, nhưng bạn đang cho nó chơi bộ đồ chơi bảng chữ cái tiếng Anh. Một lần bạn bước vào phòng, giữa những chữ cái lộn xộn, bạn thấy xuất hiện dòng chữ: Hello Mom. Bạn hoàn toàn bất ngờ và nghĩ rằng, không lẽ con của mình biết chữ tiếng Anh rồi sao? Nhưng hãy nghĩ tới tình huống bạn không biết bất kì chữ tiếng Anh nào, hoặc bạn cũng không tinh mắt để nhận ra những chữ cái này thì con bạn vẫn là đứa con nít chưa biết chữ như bình thường. Điều này tương tự như với lập luận của Paley: Nếu như ai đó thấy một thứ gì đó hoàn hảo, kì vĩ như những dòng sông ngọn núi và bảo đó là tác phẩm của Chúa sắp đặt thì đó là vì bản thân họ đã có sẵn một niềm tin vào Chúa. Mà một lập luận tốt thì phải thuyết phục được một người chưa có bất kì niềm tin nào vào Chúa.

Ảnh minh họa

Chúa không tồn tại, vì còn quá nhiều điều tồi tệ xảy ra trên thế giới này!

Nếu như ở hai phần trước, chúng ta được biết đến 2 lập luận để bảo vệ cho việc Chúa có tồn tại thì ở mục này, ta sẽ gặp một lập luận ngược lại: chứng minh Chúa không tồn tại. Và Chúa được nhắc đến trong lập luận này là Chúa có 3 đặc điểm: Toàn hảo, Toàn năng và Toàn tri.

Đầu tiên, chúng ta cần cắt nghĩa 3 khái niệm này trước. Một thứ có 3 đặc tính này thức là thế nào?

  • Toàn hảo (omnibenevolent): Luôn luôn lựa chọn những thứ tốt đẹp nhất, trong mọi trường hợp
  • Toàn năng (omnipotent): có thể hiểu đơn giản là có sức mạnh vô hạn. Tất cả những gì nó muốn nó xảy ra thì điều đó đều xảy ra; hoặc lúc trước không muốn nhưng sau lại muốn thì điều đó cũng xảy ra. Nói tóm lại, cứ muốn là được.
  • Toàn tri (omniscience): Mọi thứ gì là đúng, thì nó đều biết điều đó là đúng; mọi thứ nó tin rằng đúng thì đều đúng. Hay nói cách khác không có sự thật nào trên thế giới này mà nó không biết, không có điều gì mà nó tin tưởng mà lại nhầm lẫn cả.

Lập luận dưới đây được biết đến với tên gọi là lập luận Evil. Đại ý của lập luận này đó là bởi vì vẫn có nhiều điều tồi tệ xảy ra trên thế giới, vì thế không có một Chúa toàn năng, toàn hảo, toàn tri nào tồn tại. Dưới đây là nội dung của lập luận

P1: Có những thứ khủng khiếp tồn tại

P2: Nếu có Chúa (với 3 đặc tính trên), thì những điều tồi tệ đã không xảy ra

=======================

C: Không có Chúa (với 3 đặc tính trên)

Lâp luận trên có thể được viết lại như sau:

P1: Q

P2: Nếu P thì không có Q

== ======================

C: Không có P

P1 thì ai cũng sẽ phải thừa nhận là đúng. Thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh, tệ nạn… tất cả những thứ đó đều xảy ra hàng ngày hàng giờ trên khắp thế giới, lấy đi sinh mạng của biết bao người. Vấn đề nằm ở tiền đề 2. Có thật là nếu Chúa tồn tại thì những điều tồi tệ sẽ chấm dứt? Nhiều người có thể ủng hộ lập luận này vì họ cho rằng, vì Chúa có đức tính là Toàn hảo – Luôn muốn những điều tốt đẹp nhất xảy ra nên rõ ràng, Chúa tồn tại thì Chúa đã ngăn những điều tồi tệ lại rồi.

Nhưng vẫn có nhiều người bảo vệ sự tồn tại của Chúa, bằng cách phản đối tiền đề 2.

Hướng 1: Chúa vẫn tồn tại và Chúa muốn những điều tồn tệ vẫn xảy ra bởi vì:

  • Những điều tồi tệ sẽ làm nảy sinh nhiều điều tốt đẹp. Và tính tổng thể lại, thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu có điều tồi tệ xảy ra hơn là chỉ toàn những điều tốt đẹp. Ví dụ: Có một dịch bệnh lạ xảy đến một ngội làng nọ khiến dân làng chết gần hết. Có một người tri thức bị mất toàn bộ người thân họ hàng trong dịch bệnh đó đã quyết tâm tìm ra một phương thuốc chữa bệnh, và anh đã bào chế thành công. Sau đó, không những anh có thể chữa lành bệnh cho dân làng mình mà còn giúp nhiều người khác trên thế giới được sống sót.
  • Những điều tồi tệ là một phần trong quá trình tạo nên những điều tốt đẹp. Ví dụ, X đi trên đường bị đụng xe với một người tên Y. X bị thương rất nặng. Còn Y thì do vụ va chạm nên đã đến trễ 30p trong một cuộc vận động tranh cử Tổng thống vì thế mà Y không dành được chiếc ghế tổng thống năm đó. Có một tài liệu được tiết lộ, nếu Y làm Tổng thống, Y sẽ tiến hành gây chiến tranh hạt nhân với quốc gia Z.
  • Những điều tồi tệ là căn cứ để cảm nhận những điều tốt đẹp: phải có những thứ không tốt thì mới có những cái tốt, đó là 2 cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất không thể tách rời!

Hướng 2: Tự do ý chí

Một hướng phản biện lại lập luận Evil nữa đó là: Chúa có thể ngăn những chuyện tồi tệ lại, nhưng Chúa cũng trao tặng ý chí tự do (free will) cho con người. Nếu Chúa ngăn chặn những người khác làm chuyện tồi tệ, thì Chúa đã tước bỏ ở những con người đó một thứ vô cùng quý giá, đó là tự do ý chí

Nhưng một lần nữa, những người theo phe Chúa không tồn tại lại phản biện: Chúa vẫn có thể ngăn những hành động xấu xa từ con người mà không hề tước bỏ đi tự do ý chí của anh ta (Xem bài sau) và có những điều tồ tệ đâu có liên quan gì đến ý chí tự do của con người, ví dụ như thiên tai, bệnh dịch.

Hướng 3: Không có thế giới nào là tuyệt đối tốt đẹp cả, lòng tham của con người là vô đáy!

Hãy tưởng tượng, Chúa tới chỗ bạn từ trên trời cao, và đưa cho bạn một đề xuất: hãy nói cho ta một con số, ta sẽ cho nhà ngươi bấy nhiêu ngày được sống sung sướng. Bạn sẽ đưa ra con số nào? 10, 100, 365, 1000 hay một con số lớn hơn thế nữa?

Đó chính là hướng lập luận số 3: không thể nào làm thỏa mãn lòng tham của con người. Cho dù Chúa có tạo ra một thế giới tốt đẹp đến mấy thì loài người, với lòng tham của mình vẫn sẽ luôn than vãn và thấy những thứ không hài lòng mà thôi.

Pascal: Tin Chúa là quyết định thực dụng nhất trên đời

Pascal là một nhà toán học và ông tin vào Chúa. Vì thế lập luận mà ông đưa ra để chứng minh sự tồn tại của Chúa cũng có yếu tố toán học, cụ thể là toán xác suất. Đầu tiên, ông phân biệt giữa 2 kiểu lý do để chúng ta tin một điều gì đó.

Kiểu 1: Niềm tin dựa trên lý trí (Epistemic reasons)

Ví dụ: Bạn vừa thi đại học xong, bạn so đáp án và tự chấm điểm cho mình được một số điểm khá cao, cao hơn điểm chuẩn trung bình hàng năm. Vì thế, bạn tin rằng mình đỗ.

Kiểu 2: Niềm tin dựa trên những lý do thực dụng (Practical reasons)

Vẫn là trường hợp thi đại học vừa nói trên. Bạn không hề bận tâm so kết quả vì bạn vốn là một người sống lạc quan, chuyện gì qua rồi sẽ không thay đổi được. Bạn luôn tin rằng mình gặp may trong các kì thì, và kì thi này cũng vậy, bạn tin tưởng rằng mình đỗ và việc tin tưởng này khiến bạn sống những tháng ngày sau thi thật vui vẻ và thoải mái.

Và Pascal, thật đặc biệt, ông không cố gắng chứng minh chúa có tồn tại hay khuyên mọi người tin Chúa vì chúa tồn tại dựa trên những lý do kiểu 1 mà thay vào đó, ông khuyên mọi người tin Chúa vì chúng ta có những lý do thực dụng (kiểu 2) khi làm như thế.

Ông đem so sánh lợi ích giữa 2 việc là tin Chúa và không tin Chúa: nếu không tin Chúa, bạn sẽ chỉ có những lợi ích tầm thường dưới hạ giới, nhưng nếu tin Chúa, ngoài những lợi ích đó, bạn còn hưởng được đời sống vĩnh hằng (hay giá trị vô hạn) nơi thiên đàng.

Thật sự, lập luận của Pascal có bấy nhiêu đó và không được rõ ràng cho lắm. Để phân tích kĩ hơn lập luận của Pascal, ta cần sử dụng một khái niệm là Giá trị kì vọng (expected value):

P1: Nếu một người buộc phải chọn lựa giữa nhiều lựa chọn khác nhau, theo lý trí, người đó sẽ chọn phương án nào có giá trị kì vọng cao nhất.

P2: Phương án tin Chúa có giá trị kì vọng cao hơn là không tin.

==================

C: Chúng ta nên tin vào Chúa.

Để hiểu khái niệm giá trị kì vọng, ta xét một ví dụ đơn giản hơn như sau:

Xét trường hợp tung đồng xu. Nếu tung được mặt ngửa, bạn nhận được 3$. Nếu nhận được mặt xấp bạn mất 1$. Xác suất xuất hiện mặt sấp và ngửa là ngang nhau và bằng 0.5. Giá trị kì vọng khi tung 1 lần đồng xu này là:

V = 3*0.5 – 1*0.5 = 1 $.

Nói một cách tổng quát, nếu biến cố E có các hệ quả là O1, O2, O3… On, xác suất xảy ra mỗi hệ quả là P1, P2, P3,… Pn  và tương ứng giá trị đạt được tương ứng với mỗi hệ quả là V1, V2, V3, … Vn thì giá trị kì vọng của biến cố E là:

V = P1 x V1 + P2 x V2 + P3 x V3 + … + Pn x Vn

Bây giờ ta hãy tính kì vọng của việc tin Chúa. Việc tin Chúa có 2 hệ quả có thể xảy ra:

TH1: Bạn tin Chúa và Chúa có thật, bạn sống một cuộc đời của một người có đức tin và được lên thiên đàng sau chết.

Ta gọi xác suất này là PGod và giá trị nhận được là ∞

TH2: Bạn tin Chúa và nhưng Chúa không có thật, bạn sống một cuộc đời của một người có đức tin nhưng chết là hết, bạn không được lên thiên đàng

Ta gọi xác suất nà là PKhông-Chúa và giá trị nhận được chỉ là giá trị của một người một đạo (có đức tin) Vmộ đạo

Vậy giá trị của việc tin chúa là: V = (PGod x ∞) + (PNo-God x Vmộ đạo)  = ∞

Còn nếu như bạn không tin Chúa, trường hợp này chỉ có một hệ quả xảy ra: Bạn sống một cuộc đời của một người không có đức tin

V = 1 x  Vkhông-đức-tin = Vkhông-đức-tin

Ta thấy, tin Chúa vẫn có nhiều lợi ích hơn. Cũng giống như những lập luận trước, đã có rất nhiều hướng phản biện lại lập luận này của Pascal. Nhưng tôi sẽ nhường lại phần phản biện này cho chính các bạn. Hãy bình luận ở phía cuối bài nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *