Học tư duy phản biện theo phong cách của triết gia

Xuất bản

Trong

Tư duy phản biện, chắc bạn đã từng nghe ở đâu đó khái niệm này rồi phải không?

Trong suốt 12 năm học phổ thông, tôi không hề biết đến khái niệm này. Tôi cũng chỉ được học các môn học bình thường như bao học sinh cùng trang lứa khác. Chỉ biết rằng, tôi bắt đầu có hứng thú với bộ môn tiếng Anh từ năm lớp 7. (Tôi bắt đầu được học môn này từ năm lớp 6. Đến bây giờ, tôi hiểu rằng ngôn ngữ và tư duy có mối quan hệ rất chặt chẽ).

Vào đại học, tôi lại khá hứng thú với bộ môn Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. May mắn hơn, giảng viên bộ môn này có một cách giảng bài rất sáng tạo và truyền được cảm hứng. Nhưng trong suốt 4 năm này, tôi cũng chưa hề biết gì đến khái niệm tư duy phản biện.

Khi ra trường, tôi mới quan tâm hơn đến những thông tin về kĩ năng làm việc, kĩ năng sống. Trong số đó, có một kĩ năng gọi là tư duy phản biện, tiếng Anh gọi là critical thinking.

Lúc đó tôi hiểu nôm na đó là kĩ năng mà khi nghe ai đó nói một điều gì với mình, mình cần biết bật lại, vặn lại một cách thuyết phục chứ không chỉ gật gù nghe xong rồi để đấy.

Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất nào về tư duy phản biện. Nhưng tất cả các định nghĩa đều nhấn mạnh vào một điểm, là sự rõ ràng và khả năng phân tích lập luận.

Định nghĩa mà tôi cảm thấy dễ hiểu nhất là định nghĩa được đưa ra bởi khoa Triết học, đại học Hong Kong.

Tư duy phản biện là gì?

Tư duy phản biện là khả năng suy nghĩ một rõ ràng (clearly) và có lý trí (rationally) về những gì bạn làm hoặc những gì bạn tin tưởng. Nó bao hàm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập (independent thinking) và suy nghĩ phản tư (reflective thinking).

Người có kĩ năng tư duy phản biện tốt có thể:

  • Hiểu được sự gắn kết logic giữa các ý tưởng
  • Xác định, đưa ra và đánh giá các lập luận
  • Phát hiện ra sự thiếu nhất quán và các lỗi phổ biến trong cách lập luận
  • Giải quyết vấn đề một cách có hệ thống
  • Xác định sự liên quan và tầm quan trọng của các ý tưởng
  • Đánh giá tính đúng đắn trong niềm tin và giá trị của người khác.

Tư duy phản biện tốt không đồng nghĩa với việc biết nhiều kiến thức hay nhớ nhiều thông tin. Một người có tư duy phản biện tốt là người có khả năng rút ra những hệ quả từ những gì anh ta biết, sử dụng những thông tin mà mình biết để giải quyết vấn đề, và tìm thêm thông tin phù hợp để tăng sự hiểu biết của mình về vấn đề đó

Không nên nhầm lẫn tư duy phản biện với việc cãi lộn hay chỉ trích người khác. Mặc dù các kĩ năng tư duy phản biện có thể được sử dụng để nêu ra các lỗi ngụy biện và các lập luận thiếu thuyết phục, nhưng nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp để đưa ra các cách lập luận đúng đắn và có tính xây dựng.

Tư duy phản biện có thể giúp chúng ta đạt được tri thức, cải thiện các học thuyết, làm sắc bén thêm các lập luận, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, mở rộng và làm chặt chẽ hơn các mối quan hệ xã hội.

Nhiều người cho rằng tư duy phản biện cản trở sự sáng tạo bởi vì nó đòi hỏi việc tuân thủ những quy luật nhất định của logic và lý trí, trong khi đó sự sáng tạo đòi hỏi việc phá vỡ các quy luật. Đây là một sự hiểu lầm.

Tư duy phản biện lại khá tương thích với lối tư duy “ngoài chiếc hộp”, thử thách các nhận thức chung và theo đuổi những hướng đi ít người biết. Tư duy phản biện là một phần thiết yếu của sự sáng tạo bởi vì chúng ta cần tư duy phản biện để đánh giá và cải thiện các ý tưởng sáng tạo.

Tầm quan trọng của tư duy phản biện

Tư duy phản biện là một kĩ năng tư duy phổ quát mang tính liên ngành.

Khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lý trí đều quan trọng khi bạn làm bất kì điều gì hay lĩnh vực nghề nghiệp nào. Kĩ năng này càng quan trọng hơn trong các lĩnh vực  như giáo dục, nghiên cứu, tài chính hay pháp lý.

Tư duy phản biện rất quan trọng trong nền kinh tế tri thức mới.

Nền kinh tế tri thức toàn cầu được dẫn dắt bởi thông tin và công nghệ. Mỗi người phải có khả năng đương đầu với những sự biến đổi một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Nền kinh tế mới đặt ra những nhu cầu ngày càng tăng vào các kỹ năng vận dụng trí óc linh hoạt và khả năng phân tích thông tin, tích hợp các nguồn kiến thức đa dạng vào giải quyết vấn đề. Tư duy phản biện tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển của các kĩ năng này và rất quan tọng trong môi trường làm việc không ngừng thay đổi.

Tư duy phản biện giúp cải thiện kĩ năng ngôn ngữ và diễn đạt.

Suy nghĩ một cách rõ ràng và có hệ thống có thể cải thiện cách chúng tra diễn đạt các ý tưởng của mình. Bằng việc học cách phân tích cấu trúc logic của ngữ cảnh, tư duy phản biện cũng tăng khả năng hiểu rõ những gì đã được viết.

Tư duy phản biện thúc đẩy sáng tạo.

Việc đưa ra một giải pháp sáng tạo cho một vấn đề không chỉ liên quan tới việc có những ý tưởng mới mà những ý tưởng đó còn phải khả thi và liên quan đến nhiệm vụ hiện tại. Tư duy phản biện đóng vai trò thiết yếu trong việc đánh giá các ý tưởng mới, lựa chọn những ý tưởng tốt nhất và điều chỉnh chúng nếu cần thiết.

Tư duy phản biện rất cần thiết đối với việc tự vấn bản thân (self-reflection).

Để kiểm soát cuộc sống và làm nó trở nên có ý nghĩa, chúng ta cần nhận dạng rõ giá trị bản thân và tỉnh táo khi ra quyết định. Tư duy phản biện chính là thứ sẽ giúp bạn thực hiện những điều này một cách hợp lý.

Tư duy phản biện tốt là nền tảng của dân chủ và khoa học.

Khoa học đòi hỏi việc sử dụng lý luận trong các thí nghiệm và việc xác nhận các học thuyết. Trong một xã hội dân chủ tự do đúng nghĩa, các công dân cần có khả năng phản biện các vấn đề xã hội để giúp các nhà chức trách đưa ra các quyết định điều hành đúng đắn, tránh được những định kiến sai lầm.

Mối quan hệ giữa triết học và tư duy phản biện

Nếu bạn đã từng đọc một cuốn sách triết học nhập môn nào đó thì bạn sẽ thấy ngay sự liên quan chặt chẽ giữa triết học và tư duy phản biện.

Các triết gia sau phản biện lại những lập luận của các triết gia đi trước để tìm ra một hướng đi mới cho triết học. Nhưng rồi họ lại bị các triết gia sau nữa phản biện lại, lật lại tính đúng đắn của các lập luận đó.

Hãy lấy ví dụ về triết gia Descartes. Đây là một triết gia tiêu biểu thuộc trường phái duy lý (rationalism), tức là trường phái cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể hiểu chính xác về thế giới xung quanh chỉ bằng cách lý luận (reasoning).

Descartes là người có tiêu chuẩn rất cao, nếu không muốn nói là tuyệt đối về hiểu biết. Ông chỉ chấp nhận những tri thức mà không còn một chút nghi ngờ nào nữa.

Theo quan điểm của ông, tâm trí và thể xác là hai thứ hoàn toàn tách biệt nhau. Học thuyết này còn được gọi là thuyết nhị nguyên Descartes. Quá trình dẫn ông đến niềm tin xác tin này được phát triển như sau:

Như bạn đã biết, một mệnh đề phải bao gồm 2 thành phần là chủ ngữ + động từ và mỗi mệnh đề đều chứa đựng tính ĐÚNG hoặc SAI.

Như vậy, Tôi nghĩ (I think) là một mệnh đề và mệnh đề này một là ĐÚNG, hai là SAI.

Nếu tôi cho rằng mệnh đề này SAI, tức là tôi nghi ngờ nó. Nhưng nghi ngờ lại chính là một kiểu suy nghĩ. Tôi nghi ngờ tức là tôi nghĩ rằng nó có thể SAI.

Như vậy, nếu tôi nghi ngờ mệnh đề Tôi nghĩ thì tôi lại chứng minh sự đúng đắn của nó. Hay nói cách khác, Tôi nghĩ là ĐÚNG

Descartes còn lập luận thêm rằng, giả sử có có một con quỷ toàn năng cố gắng lừa dối tôi đi chăng nữa, thì một khi tôi thực hiện hành động suy nghĩ, tôi đã kết nối đồng thời với bản thể tồn tại của chính mình khiến con quỷ toàn năng kia cũng không có đủ thời gian để giở trò gì.

Từ đó, Descartes kết luận rằng, mệnh đề tôi nghĩ luôn đúng, từ đó ông tiếp tục suy ra có sự tồn tại của đối tượng thực hiện hành vi suy suy nghĩ này, đó là thân xác tôi. Từ đó, ông kết luận rằng tâm trí và thể xác là hai thứ hoàn toàn tách biệt. Lập luận nổi tiếng này của ông còn được gọi là lập luận cogito, hay Tôi tư duy nên tôi tồn tại.

Lập luận của Descatres lúc đầu nhiều người thấy hợp lý, và đã mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu về tâm trí và thể xác con người.

Tuy nhiên sau đó nhiều người, trong đó có triết gia Kant cho rằng Descartes đã mắc lỗi ngụy biện lập luận lòng vòng. Những người này cho rằng, để thực hiện hành vi suy nghĩ, phải có tồn tại đối tượng suy nghĩ rồi. Trong khi đó Descartes lại đưa ra một kết luận mà thật ra đã được giả định là đúng từ trước rồi. Lỗi lập luận của Descarets được nhiều người viết lại như sau:

Triết gia Kant lại đưa ra một kết luận khác, đó là: Tôi tư duy, nên có sự hiện hữu của vạn vật xung quanh tôi.

Khóa học META101x có gì đặc biệt ?

Triết học và tư duy phản biện (META101x) là khóa học về tư duy phản biện đầu tiên mà tôi tôi học. Tôi cũng không rõ có khóa học nào hay hơn khóa học này hay không, nhưng đối với tôi, đây là một khóa học thật sự tuyệt vời vì hai điểm sau đây:

Sự kết hợp khéo léo và tài tình giữa triết học và tư duy phản biện

Như đã phân tích ở trên, triết học và tư duy phản biện có mối liên hệ rất chặt chẽ. Xuyên suốt khóa học META là sự đan xen giữa các kiến thức triết học và tư duy phản biện.

Bắt đầu với khái niệm về lập luận, như thế nào là lập luận hợp lý, khóa học dẫn dắt chúng ta đến với chủ nghĩa hoài nghi, tri thức luận, thuyết nhị nguyên Descartes, khoa học về Tâm trí, vấn đề bản thể cá nhân.

Rồi từ khái niệm lập luận quy nạp, khóa học lại dẫn dắt chúng ta đến với các vấn đề của khoa học và tự nhiên, quan hệ nguyên nhân – kết quả và phương pháp nghiên cứu khoa học.

Khóa học như đưa chúng ta vào một căn phòng, và ngồi cạnh quan sát các triết gia lập luận, phản biện lẫn nhau.

Hình ảnh và video minh họa hài hước, dễ hiểu

Không chỉ có sự kết hợp khéo léo, xúc tích giữa triết học và tư duy phản biện, một điểm đáng khen ngợi của khóa học này là những những hình ảnh và video minh họa để giải thích những phần kiến thức trọng tâm hoặc khó hiểu.

Rõ ràng, với một môn học mang tính trừu tượng cao như triết học thì việc đi kèm của những minh họa rõ ràng là rất đáng giá.

Ví dụ:

Đây là ảnh minh họa cho chủ nghĩa duy tâm
Đây là ảnh minh họa cho lỗi lập luận lòng vòng

Còn đây là video minh họa cho cho vấn đề bản thể qua thời gian.

Nội dung tóm lược của 4 phần

Phần 1: What part of know don’t’ you understand

Phần đầu tiên của khóa học, các bạn sẽ được học về bản chất và cấu trúc của lập luận, làm sao để đưa ra một lập luận thuyết phục và cách đánh giá các lập luận để xem chúng có được tạo nên một cách thuyết phục hay không.

Chúng ta sẽ dần dần phát triển kĩ năng này trong suốt 4 phần của khóa học, áp dụng nó vào phân tích hàng loạt các chủ đề triết học với độ khó tăng dần. Mỗi phần chúng ta đều thực hiện phân tích và đánh giá các lập luận.

Bởi vì triết học gắn liền với các truy vấn có lý trí (rational inquiry) và mục tiêu của truy vấn có lý trí là tri thức, các triết gia từ lâu đã quan tâm tới việc định nghĩa tri thức. Một khi chúng ta có ý tưởng thế nào là tri thức, câu hỏi tiếp theo là xem xét liệu chúng ta có thể biết một điều gì đó chắc chắn được hay không.

Nghi ngờ đóng một vai trò quan tọng trong việc đưa ra những tri thức một cách cẩn trọng, nhưng điều gì xảy ra khi sự nghi ngờ này đi thái quá? Đó là vấn đề của chủ nghĩa hoài nghi.

Những câu hỏi trọng tâm trong phần này đó là:

  • Lập luận là gì và nó được cấu tạo ra sao?
  • Điều gì khiến một lập luận trở nên thuyết phục
  • Chúng ta đánh giá cá lập luận thế nào?
  • Hiểu biết là gì?
  • Nghi ngờ một điều gì đó nghĩa là thế nào?
  • Mối quan hệ giữa nghi ngờ và tri thức là thế nào

Phần 2: Mind – The explanatory gap

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một cấu trúc logic gọi là câu điều kiện. Từ đó, chúng ta sẽ thấy sự gắn kết giữa cấu trúc này với những ý tưởng quan trọng về điều kiện cần và điều kiện đủ. Chúng ta cũng sẽ xem xét các lỗi trong việc sử dụng câu điều kiện gây ra những lỗi logic phổ biến trong lý luận thế nào.

Sau đó, áp dụng sự phân biệt giữa điều kiện cần và điều kiện đủ trong việc tư duy về vấn đề tâm trí – thể xác và vấn đề bản thể. Thể xác hay một bộ não có cần thiết để tâm trí có thể tồn tại hoặc điều gì khiến một ai đó là chính người đó qua thời gian?

Các câu hỏi triết học trọng tâm trong phần này

  • Chúng ta sử dụng kinh nghiệm của mình về thế giới xung quanh để lý luận như thế nào?
  • Chúng ta có thể tin tưởng một lập luận chỉ bởi vì nó hợp logic?
  • Lối tư duy diễn dịch có thể dấn đến điều gì sai lầm?
  • Những từ như “cần” và “đủ” có ý nghĩa như thế nào đối với tư duy của chúng ta?
  • Chúng ta hiểu như thế nào về cái niệm bản thể?
  • Tâm trí và thể xác con người tương tác với nhau như thế nào?
  • Chúng ta có thể giải thích tâm trí chỉ bằng các thuật ngữ về cách hoạt động của não bộ?

Phần 3: Is anybody out there?

Trong phần này, chúng ta sẽ được học một kiểu lý luận nữa là lý luận quy nạp và 2 cách sử dụng tiêu biểu của phương pháp lý luận này: khái quát hóasuy luận loại suy rồi cùng xem điều gì sẽ sai sót khi chúng ta sử dụng 2 cách này một cách hời hợt.

Lý luận quy nạp là trái tim trong việc nghiên cứu khoa học nhưng những kết luận được rút ra từ phương pháp quy nạp lại rất khó có thể biện minh. Vì thế, những gì mà chúng ta gọi là tri thức khi khám phá ra được bằng khoa học lại trở nên không rõ ràng.

Quy nạp cũng đóng vai trò trung tâm đối với quá trình rút ra các mối liên hệ nhân quả dựa trên cơ sở các quan sát. Điều gì xẻ xảy ra đối với lý luận nhân –quả nếu như quy nạp có vấn đề.

Các câu hỏi trọng tâm trong phần này:

  • Ngoài lý luận diễn dịch, ta còn lý luận theo cách nào nữa?
  • Làm sao chúng ta biết một sự khái quát hóa hoặc loại suy là tốt?
  • Các giác quan có thể chỉ cho chúng ta biết về bản chất thật sự của thế giới hay không?
  • Vai trò của khoa học trong việc hiểu về thế giới là gì?
  • Nếu những học thuyết của chúng ta về thế giới là đúng, chúng ta có thể giải thích điều này với những người khác như thế nào?
  • Lý luận quy nạp có thể tin tưởng được không, ngay cả về mặt nguyên tắc?
  • Khi nói A là nguyên nhân gây ra B, thì điều đó thật sự có nghĩa là gì?

Phần 4: What should I believe?

Trong phần cuối cùng này, chúng ta sẽ xem xét việc mọi người cùng nhau hợp tác trong việc xác minh và cải thiện tri thức như thế nào.

Chúng ta sẽ xem xét việc cùng làm việc và cộng tác cùng nhau giúp chúng ta cải thiện sự tự tin trong các phát biểu tri thức, trong đó bao gồm cả việc vượt qua những thành kiến nhận thức. Tiếp đó, chúng ta sẽ được xem quá trình này được áp dụng vào việc nghiên cứu khoa học như thế nào.

Chúng ta cũng khám phá thế nào là giả khoa học (pseudo-science), bằng việc phát triển một số đặc tính cốt lõi để sử dụng nhằm chỉ ra những lý luận và áp dụng thiếu sót.

Thú vị là, thường có một sự liên kết mật thiết giữa việc lý luận mắc ngụy biện hoặc bị thành kiến và sự thất bại trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức.

Đạo đức tồi có thể dẫn đến các khoa học tồi. Để có thể tạo ra tri thức một cách hiệu quả, một xã hội phải dựa dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và nếu sự tin tưởng này bị vi phạm sẽ đẩy chính sự hợp lệ của khoa học gặp nguy hiểm.

Một thực tế nổi bật về bản chất con người là các hành vi của chúng ta bị chi phối bởi những tiêu chuẩn hay nguyên tắc do chính chúng ta đặt ra như: tiêu chuẩn về ngữ nghĩa của từ, tiêu chuẩn của suy luận, tiêu chuẩn hành động hoặc tiêu chuẩn về đạo đức. Chính bởi những tiêu chuẩn này mà chúng ta mắc lỗi, ví dụ các lỗi ngụy biện.

Nhưng chính ở đây lại nảy sinh một vấn đề mang tính triết học nữa. Mỗi khi bạn cố gắng tuân theo một quy luật nào đó, làm sao bạn biết mình cần tuân theo quy luật nào?

Câu hỏi này thật ra khó hơn vẻ bề ngoài của nó, có lẽ không có một ai có thể đứng riêng rẽ để trả lời nó.

  • Những kinh nghiệm chủ quan của tôi có tương tự như kinh nghiệm của những người khác?
  • Chúng ta có thể tự tin hơn về tri thức của mình thông qua việc hợp tác với những người khác?
  • Việc mọi người cùng cộng tác giúp chúng ta xác minh hoặc cải thiện tính chính xác của tri thức theo những cách nào?
  • Một học thuyết khoa học thực hiện những gì?
  • Làm thế nào chúng ta biết quy luật gì đang vận hành, quy tắc nào đang được tuân thủ?
  • Bộ não của chúng ta có hoạt động độc lập để cho chúng ta những kết quả tốt nhất từ những truy vấn của chúng ta?
  • Những lỗi phổ biến trong cách chúng ta lý luận là gì?
  • Việc nghiên cứu khoa học được tổ chức thế nào và một số lợi ích của việc hợp tác lý luận là gì?
  • Khả năng kiểm sai (falsification) là gì?
  • Tại sao dở khoa học (bad science) lại vô đạo đức?

Cảnh báo cuối cùng.

Trước khi bạn học, tôi có một cảnh báo dành cho ban. Nếu như bạn học với một tinh thần nghiêm túc, bạn sẽ:

  • Có một số phần kiến thức, bạn sẽ thật sự cần vắt óc để suy nghĩ
  • Bạn sẽ nhìn thế giới xung quanh với một con mắt rất khác trước
  • Những người xung quanh bạn có thể sẽ ghét bạn vì bạn lý luận nhiều

Nếu bạn không sợ những điều trên, thì hãy bắt đầu khóa học nay thôi !

One response

  1. Vân

    cảm ơn anh Đạt Vũ đã dịch khóa học này sang tiếng Việt ^^

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *